lịch sử việt nam

Trang Chính

Bản Tin: (Blogs; Anh Ba Sàm; Cầu Nhật-Tân; Chu-Mộng-Long; Cu Làng Cát; Dân Làm Báo; Dân Oan Bùi-Hằng; Diễn-Đàn Công-Nhân; Diễn-Đàn Công-Nhân;Giang-Nam Lãng-Tử; Huỳnh-Ngọc-Chênh; Lê-Hiền-Đức; Lê-Nguyên-Hồng; Lê-Quốc-Quân; Mai-Xuân-Dũng; Người Buôn Gió; Phạm-Hoàng-Tùng;Phạm-Viết-Đào;Quê Choa VN)

Biển Cả Và Con Người:

Bưu-Hoa Việt-Nam:

Chết Bởi Trung Cộng:

Địa-Linh Nhân-Kiệt Của Việt-Nam:

Điện-Toán - Tin-Học:

Ebooks Hồi-Ký - Bút-Ký:

Hịch Tướng Sĩ:

Hình-Ảnh Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa

History Of Viet Nam

Hoàng-Sa Trường-Sa Là Của Việt- Nam:

Hồ-Sơ Chủ-Quyền Quốc-Gia Việt- Nam 

Hội Sử-Học Việt-Nam

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Vietnam Human Rights - Human Rights Activist

Lá Thư Úc-Châu

Lịch-Sử Việt-Nam Cận-Đại:  

Lịch-Sử Việt-Nam Ngàn Xưa:

Ngàn Năm Thăng Long (1010 - 2010)

Nghĩa-Trang Quân-Đội Biên-Hòa

Nguyên-Tử Của Việt-Nam Và Quốc- Tế

Người Dân Khiếu-Kiện:

Phụ-Nữ, Gia-Đình, Và Cuộc Sống:

Quốc-Tế:

Sitemap:

Tiền-Tệ Việt-Nam:

Tin Nhắn, Tìm Thân-Nhân Mất-Tích, Mộ Tìm Thân-Nhân:

Tin-Tức Thời-Sự Việt-Nam:

Thư-Tín:

Tòa Án Hình Sự Quốc Tế Về Việt-Nam và Trung Quốc:

Tưởng-Niệm 50 Năm 1963 - 2013 :

Ủng Hộ Trúc-Lâm Yên-Tử - Donate:

Weblinks:

 

Cây có cội, nước có nguồn. Toàn dân Việt-Nam ngàn đời ghi nhớ ân đức Quốc Tổ Hùng Vương

Quân Sử Việt Nam Cộng Hòa

Thư-Viện Bồ Đề Online_Thư-Viện Hoa Sen Online

nơi hội tụ của những tâm hồn trăn-trở về nhân-sinh quan và vũ-trụ quan đồng thời xiển-dương Chánh Tín_bài trừ Mê-Tín Dị Đoan 

Xin mời Ủng Hộ Trúc-Lâm Yên-Tử trên Facebook

 

Hải Trường Bến Đá Đại Lộ Kinh Hoàng

đại lộ kinh hoàng, dai lo kinh hoang

Đại Lộ Kinh Hoàng

Nguyễn Ngọc Minh

"Đây Đại Lộ Kinh Hoàng Gieo Lắm Cảnh Bi Thương Muôn Thuở Không Nguôi Niềm Tủi Hận.
Nọ Dòng Sông Bến Hải Khơi Bao Nguồn Sóng Gió Ngàn Thu Luống Chạnh Nỗi Chia Ly."

Tôi còn nhớ mãi 30 năm trước đây đứng trên đàn tràng cầu siêu cho hương linh của những người dân vô tội, với lòng xúc động thật sâu xa khi được đọc những dòng chữ trên hai tấm biển thật to dựng hai bên đàn tràng. Hai câu đối diễn tả lòng bức xúc của người dân Quảng Trị về thảm cảnh Đại Lộ Kinh Hoàng và vận nước Việt Nam trong những ngày nồi da xáo thịt.

Đến Bến Đá một buổi chiều sau khi được một công điện bất ngờ ra nhận nhiệm vụ trưởng toán CAP (huấn luyện) tiểu đoàn 7 TQLC thay thế cho huynh trưởng Mê Linh. Ba-lô và những trang bị cá nhân trên vai, sau khi bàn giao trung đội 3 cho Phước mập, tôi lên trình diện tiểu đoàn để nhận nhiệm vụ mới. Từ thôn Như Lệ, băng qua hai dòng suối nhỏ, vài ngọn đồi thì đến cánh B, nhìn thấy huynh trưởng Lâm Tài Thạnh tôi chào anh. Sau khi chào lại, anh hỏi:

- Ông Minh đi đâu vậy?

- Thưa Thiếu tá, tôi ra thay thế cho Trung úy Minh ở toán CAP tiểu đoàn 7.

- Đi bình an và may mắn nhé!

Nhớ lại thời gian hơn một năm trước, ngày tôi về trình diện đơn vị, được gặp huynh trưởng. Sau lời dặn dò của một người anh, anh đã phân chia tôi về đại đội 3 với huynh trưởng Tăng Bá Phụng; còn Sơn, người bạn cùng khóa, về đại đội 1 với huynh trưởng Tống Ngọc Hạp. Một tháng sau đó đơn vị rời Cổ Thành Quảng Trị về đóng quân ở Chợ Sãi, Vĩnh Định, Triệu Phong. Trong một buổi thực tập hành quân chiếm mục tiêu của trung đội 3, với những lời phê bình và chỉ dẫn các khuyết điểm của tôi trong cuộc tấn công, anh có nhắc đến ưu điểm của tôi là biết sử dụng hỏa lực yểm trợ.

Được đọc tâm sự mới đây của anh qua những bài viết về huynh trưởng Lê Hằng Minh mà anh xem là một tấm gương sáng. Tôi cảm thấy chính anh Lâm Tài Thạnh cũng đã là một tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo từ những ngày đầu về trình diện đơn vị.

Bước vào bộ chỉ huy tiểu đoàn, gặp Đại úy Đức trưởng ban 3. Thông báo cho tôi những chỉ thị cần thiết trước khi ra nhận nhiệm vụ mới, anh nói "công tác của ông bây giờ là dân sự vụ, ráng làm sao cho đừng mất lòng dân".

Trên chiếc xe Jeep của tiểu đoàn trưởng, Hạ sĩ Thế đưa tôi và Binh nhất Thọ, đại đội 4 đến Bến Đá vào một buổi chiều mát trời tháng 3, xe quẹo vào con đường đất ở Đông Nam cầu Bến Đá, nơi có ngôi chợ nhỏ thường họp vào mỗi buổi sáng.

Hai phía bờ Nam của cầu Bến Đá, trên sông Ô Lâu còn in lại dấu vết của đoàn chiến xa Bắc Việt đã bị đại đội 3, tiểu đoàn 7 TQLC bắn tan hàng nơi đây gần 2 năm về trước trong cuộc triệt thoái khỏi Quảng Trị.

Đầu tháng 3 năm 1972, Bắc quân ồ ạt vượt sông Bến Hải và vùng phi quân sự, tấn công và chiếm đóng các vùng đất ở phía Bắc thành phố Quảng Trị. Tại căn cứ Phượng Hoàng, tiểu đoàn 6 TQLC đã chặn đứng bước tiến của Bắc quân, diệt hàng chục xe tăng thâm nhập vào phòng tuyến.

Trên không phận Quảng Trị những ngày hè đỏ lửa, các con Thần Ưng, Đại Bàng Trần Thế Vinh, Nguyễn Bửu Thọ thuộc sư đoàn 1 Không Quân, đã bắn cháy hàng loạt các chiến xa, làm chùng bước tiến của làn sóng đỏ.

Hăng say với nhiệm vụ quên thân mình, con đại bàng Trần Thế Vinh đã ra đi, để lại bao nhiêu tiếc thương cho đồng đội và nhân dân miền Nam trong những ngày hè ngập lửa.

Lúc đó dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Võ Trí Huệ, tiểu đoàn 7 TQLC là lực lượng triệt thoái cuối cùng của lữ đoàn 369, và cũng là lực lượng sau cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Dọc lộ trình di chuyển, nhìn những viên đạn pháo của Bắc quân cày nát quốc lộ 1 từ ngã ba Hải Lăng đến cầu Bến Đá, đoạn đường này được gọi là “Đại Lộ Kinh Hoàng” chỉ dài chưa đầy 7 cây số trên quốc lộ 1 mới. (Đường quốc lộ 1 cũ chạy song song và nằm về hướng Đông, cách đó khoảng nửa cây số).

Những chiến binh của đại đội 3 tiểu đoàn 7 TQLC nương theo những bụi cây, gò cát hai bên quốc lộ để rút về Nam, trong khi thường dân vô tội chỉ biết kéo nhau đâm vào chỗ chết trên đoạn đường kinh hoàng, đầy xác người và xe cộ chồng chất lên nhau; Mãi cho đến khi những chiến binh tiểu đoàn 7 TQLC bắt sống được hai đề-lô Bắc quân, mặc quần áo ngụy trang của sư đoàn 3 thì pháo mới chấm dứt.

Đến sông Ô Lâu, được lệnh dừng lại bố trí để đón hết những thường dân vô tội trên đường di tản. Các chiến binh tiểu đoàn 7 trải hàng ngang dọc bờ sông Ô Lâu từ cầu Bến Đá về hướng Tây để ngăn cản bước tiến của Bắc quân. Đại đội trưởng đại đội 3, Đại úy Tôn Thất Trân - Xử lý thường vụ cánh B tiểu đoàn 7, được giao cho nhiệm vụ trấn ải. Người đại đội trưởng tài ba của đơn vị được danh dự nhận lãnh nhiệm vụ chận đứng bất cứ sự xâm nhập nào của Bắc quân, dưới tay anh hơn 150 tay súng cừ khôi của đơn vị đã thi hành nhiệm vụ một cách tuyệt vời.

Đại đội 3 tiểu đoàn 7 TQLC nguyên là một đại đội tác chiến thuộc tiểu đoàn 3 TQLC, được chuyển qua khi thành lập tiểu đoàn 7 tân lập vào cuối năm 1969 trước khi bắt đầu cuộc hành quân Kampuchia. Những chiến binh đại đội 3 là những người đã từng dày dạn khói lửa khắp bốn vùng chiến thuật và hai trận vượt biên. Lần này lập công đầu phải kể đến huynh trưởng Nguyễn Lai, trung đội trưởng trung đội 3, đơn vị mà tôi được vinh dự thay thế khi anh đã là đại đội phó sau này.

Dọc bờ Nam sông Ô Lâu, trung đội 1 và trung đội 2 phía Tây, trung đội 4 súng nặng, và ban chỉ huy đại đội dọc theo quốc lộ 1. Trung đội 3 với một tiểu đội dàn hàng ngang trên cầu xe lửa, người này tiếp theo người kia không quá một sải tay, song song với cầu đường nhựa trong khoảng chưa đầy 40 mét. Khoảng cách này thật lý tưởng cho tầm bắn của M72 mà mỗi chiến binh đều được trang bị từ 2 đến 3 cây, ba tiểu đội còn lại nằm trấn ở phía Bắc cầu Bến Đá với tổ bắn chiến xa do Trung sĩ I Lựu điều động, còn huynh trưởng Nguyễn Lai chỉ huy tổng quát toàn trung đội 3.

Sau này khi nhắc lại chuyện cũ, Hạ sĩ Nguyễn Hồng Mai - Tiểu đội phó tiểu đội 2 cho biết “lúc đó tụi tui lo quá, tại sao dân đi hết rồi mà chưa tới phiên mình”. Với giọng cười giòn giã, huynh trưởng Nguyễn Lai góp chuyện “nghe tiếng xe tăng địch, tao cố trấn tĩnh nhưng bụng thì đánh lô tô. Đáng lẽ tao chờ cho đến khi chiếc tăng thứ nhất của địch đến giữa cầu, các chiếc khác nối đuôi theo sau trên cầu mới thổi còi ra lệnh thì chắc cháy hết 5 chiếc một lúc”.

Run quá nên khi chiếc tăng thứ nhất vừa lên cầu, không chờ đợi gì nữa, anh thổi còi ngay. Hàng chục tay súng đã hờm sẵn M72 từ trước đồng loạt khai hỏa. Chiếc tăng thứ nhất của địch bị trúng đạn chạy tới giữa cầu rồi bốc cháy nhưng vẫn còn trớn lết về phía trước, qua khỏi cầu tài xế tăng Bắc quân lính quýnh lủi tránh về hướng Đông Nam thì bị kẹt ở đó. Chiếc thứ hai cũng cùng chung số phận, trúng đạn chạy qua khỏi cầu thì cán chồng lên chiếc thứ nhất và bốc cháy dữ dội.

Quá phấn chấn cả trung đội đều đứng lên nhắm bắn chiếc thứ ba khi nó chưa tới cầu, bị trúng đạn nó lủi về hướng Đông Bắc của cầu Bến Đá, hai chiếc thứ tư và thứ năm nhìn thấy các chiếc trước trúng đạn, đâm ra kinh hãi, quay đầu chạy về hướng Bắc.

Lúc đó trung đội 2 vượt sông Ô Lâu để truy kích toán bộ đội tùng thiết của Bắc quân, trong khi trung đội 1 và 4 thanh toán và bắt sống những lính Bắc quân trên hai chiếc tăng ở bờ Nam.

Một người lính TQLC trẻ nhìn thấy hai nòng súng đại bác ló ra từ đám cháy của xe tăng Bắc quân, anh thốt lên với các bạn gần đó:

- Xe tăng Việt Cộng hai từng bay ơi!

- Nói tầm bậy, tụi nó chết chùm đó! Hai chiếc cháy nhập một. Tiếng một anh khác trả lời.

Tiếng reo hò vui mừng của các chiến binh đại đội 3 sau khi hạ được xe tăng địch đã lấn áp nỗi lo âu trước đó khi không biết M72 của mình có đủ khả năng tiêu diệt được chiến xa của địch hay không?

Sau sự tan rã của đoàn chiến xa và tùng thiết tại cầu Bến Đá làm Bắc quân khựng hẳn lại. Tiểu đoàn 7 TQLC yên ổn hành quân triệt thoái về tuyến Mỹ Chánh để hợp với các tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 369, thiết lập tuyến phòng thủ ở bờ Nam sông Ô Khê dưới quyền chỉ huy của Đại tá Phạm Văn Chung.

Ngày 19-06-1972 sau lệnh tái phản công để chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị đang bị Bắc quân chiếm giữ, sư đoàn TQLC ở hướng Đông, sư đoàn Dù ở hướng Tây tạo thành hai gọng kềm tiến lên chiếm lại tỉnh lỵ Quảng Trị và Cổ Thành Đinh Công Tráng. Ngày 15-09-1972 trung đội của Lê Đình Lời thuộc tiểu đoàn 3 TQLC đã leo lên được bờ thành cổ, đánh bật các chốt của Bắc quân, mở màn cho cuộc chiếm lại Cổ Thành...

Cầu Bến Đá là một cây cầu bắc ngang qua một con sông nhỏ tên Ô Lâu, thuộc phạm vi xã Hải Trường, tên cũ là làng Trường Sanh. Xã Hải Trường gồm các ấp Giáp Trung, Giáp Hậu, Giáp Đông, Giáp Tây, và Diên Sanh.

Toán CAP tiểu đoàn 7 đến Hải Trường để đón dân về hồi cư từ các trại tị nạn ở Huế và Đà Nẵng vào cuối năm 1973. Nhiệm vụ của chúng tôi là đón dân trở về làng cũ, giúp đỡ và bảo vệ dân chúng, tiếp tay với chính quyền địa phương tổ chức và huấn luyện cho Nghĩa Quân và Nhân Dân Tự Vệ. Nhờ công tác này mà sau đó tôi được tưởng thưởng một Nhân Dân Tự Vệ Bội Tinh.

Đường quốc lộ 1 mới ở về hướng Tây như là một cái cột xương sống đỡ lưng cho toàn xã Hải Trường, còn quốc lộ 1 cũ chạy xuyên qua giữa làng như một đường thực quản. Nối hai đường quốc lộ cũ và mới là một con đường đất ở phía Nam của cầu Bến Đá. Dân về hồi cư có một số tụ họp dọc theo hai bên con đường đất này.

Chợ Bến Đá họp mỗi buổi sáng từ tinh mơ cho đến giữa trưa. Ngoài các sạp chợ, còn có các cửa hàng xén, hàng tạp hóa, các dịch vụ như may mặc, hớt tóc, sửa chữa giày dép, rèn và gò các dụng cụ nhà nông, một vài quán ăn phục vụ cho dân trong xã cũng như các đơn vị quân đội đồn trú quanh đó.

Dân Trường Sanh hồi cư về làng cũ; Thôn Đông hơn 300 người; Thôn Tây gần 800 người; Thôn Hậu 1000 người, nhiều nhất là Thôn Trung với khoảng 2000 người. Thôn Diên Sanh cũng có khoảng 200 người ngụ cư, phần lớn họ không phải là dân Trường Sanh trước đây mà là dân buôn bán ở hai bên quốc lộ 1.

Làng Trường Sanh gồm có 7 họ, trong đó hai họ chính là Lê và Trương, mỗi họ chiếm khoảng 30% dân số, 40% còn lại thuộc về 5 họ khác. Làng có một trung đội nghĩa quân cơ hữu và khoảng gần 100 nhân dân tự vệ.

Trụ sở hành chánh xã nằm ở góc Tây Nam của cây cầu trên quốc lộ 1 cũ. Cuộc Cảnh Sát và Xây Dựng Nông Thôn nằm gần đó, trên con đường đất xuyên qua làng. Đến giữa năm 1974 thì Phân Chi Khu Hải Trường được thành lập, trụ sở tạm thời của phân chi khu được đặt ở trụ sở xã.

Người dân Trường Sanh hiền hòa, hiếu khách. Trong một chuyến hành quân về thôn Đông, chúng tôi ghé vào một ngôi nhà dọc đường. Gặp một bà cụ ở đây khoảng 70 tuổi, tôi hỏi thăm:

- Mệ đi Huế thường không Mệ?

- Mô rứa eeng. Tui chỉ có đi tới quận Hải Lăng một lần, hồi tê chưa có chồng!

- Hồi tản cư mệ ở đâu?

- Ở trong trại. Có nhớ trại nào mô! Ngồi một chỗ mà nhớ nhà, nhớ mồ mả, giỗ kỵ ông bà, eeng ơi!

Những bà mẹ miền Trung cả một đời chỉ biết quấn quít bên lũy tre làng, hiền lành, chịu đựng, tần tảo lo lắng cho gia đình sớm tối suốt cả một đời.

Lần về Giáp Tây, một chiến binh CAP hỏi xin nước một bà mẹ:

- Mạ à, cho con xin ly nước.

- Nát trong bường tê.

Anh chiến binh đứng ngẩn ngơ, phân vân không hiểu thì một người lính nghĩa quân chỉ vào cái ấm trên bàn và nói:

- Nước trong bình đó anh.

Trong làng chỉ có một ngôi trường tiểu học với mái bằng tôn, trống hốc, bàn ghế xiêu vẹo, chắp vá, nóng bức vào mùa hè, lạnh lẽo vào mùa đông. Tuy vậy vẫn có rất nhiều em nhỏ không thể đến trường vì cha mẹ bận rộn với miếng cơm, manh áo, không còn đủ khả năng cho các em đi học được. Một số em may mắn xong bậc tiểu học thì cũng phải chuyển sang đi học trường Nguyễn Hoàng, một ngôi trường trung học duy nhất cho cả tỉnh Quảng Trị hồi cư, được xây dựng lại trên một bãi cát gần quận lỵ Hải Lăng.

Tội nghiệp, chẳng có bao nhiêu em được tiếp tục bậc trung học. Phần lớn các em xong bậc tiểu học là ở nhà lo phụ giúp gia đình kiếm sống. Các em trai làm việc cực nhọc, đến tuổi lớn thì vào nghĩa quân hay địa phương quân. Các em gái thì đầu tắt mặt tối giúp đỡ cha mẹ, lo lắng cho các em nhỏ, chăm sóc gia đình cho đến khi lấy chồng, rồi lại cả một đời quanh quẩn bên lũy tre làng. Một số cô học làm thợ may, vài cô học lên bậc trung học thì xin học làm y tá, thư ký trong xã. Rất ít gia đình có đủ khả năng cho con vào Huế để được học cao hơn. Tôi biết được một gia đình ngụ cư. Ông này có chiếc xe đò nhỏ chở khách chạy đường Huế - Quảng Trị là có con được vào Huế học mà thôi.

Vài anh lính trong trung đội nghĩa quân cơ hữu của làng thường khai bệnh vắng mặt. Một hôm tôi đến thăm nhà một anh cho biết rõ sự tình thì chỉ gặp mấy đứa nhỏ nheo nhóc, một đứa bò lê, bò càng khóc đòi bú, thằng con trai chừng hai tuổi trần truồng đứng bú tay, một đứa bé gái chừng năm tuổi dỗ dành thằng em đang khóc ngất.

Anh nghĩa quân đưa tôi đến lên tiếng gọi chị vợ anh ấy. Nghe như phía sau có tiếng vài con heo kêu eng éc giành ăn. Độ một phút chị bước ra, đôi tay còn dính đầy cám heo và rau muống, theo sau là một đứa bé gái khoảng 8, 9 tuổi không được đi học, phải vất vả chạy lên chạy xuống theo lời mẹ sai bảo cả ngày. Tôi hỏi chị ta:

- Anh ấy đâu rồi chị, sao không thấy?

- Eeng đi lên côi rú chạp mả ông bà. Ngày tê, kỵ rồi ông ơi! Ông ngồi chơi tôi lấy nước uống.

Tôi cám ơn chị ấy rồi bước ra ngoài, lòng thầm nghĩ "lính thế này thì đánh giặc sao xong, bốn đứa bé trong nhà nó phá như giặc thì làm sao yên ổn được!", thật chẳng biết phải xử trí với anh như thế nào đây!

Đa số dân làng Trường Sanh sống bằng nghề nông nhưng đất đai cằn cỗi, mỗi năm chỉ làm được một vụ mùa. Chỉ có những khu ruộng thấp đôi khi làm thêm được vụ trái, còn thường chỉ canh tác thêm hoa màu phụ như bí, dưa, đậu...

Những tháng cuối năm trước Tết thì bắt đầu cấy lúa, qua Xuân lúa trổ đòng đòng. Tôi ở làng chưa đầy một năm mà cũng đã biết về chuyện mùa màng, mưa nắng của nhà nông, và cũng biết lo theo những cái lo của dân làng. Sau tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng 2 và tháng 3 là chăm sóc sâu rầy khi cây lúa bắt đầu xanh mướt mắt. Tháng 3 là tháng phải cầu mưa Xuân. Nếu trời không mưa, dọc sông Ô Lâu ta sẽ thấy những xe đạp nước, các nông dân thay nhau đạp nước lên ruộng. Hai bên bờ các con lạch nhỏ là đủ các loại gầu dai, gầu sồng, các cô gái quần xắn lên quá gối đang tát nước vào ruộng.

Trên đường hành quân về các thôn, nhìn từng tốp thiếu nữ tát nước bên đàng, tôi chợt nhớ lại các câu hò mộc mạc.

"Hỡi anh đi trên đường cái quan,

Dừng chân đứng lại cho em than đôi lời.

Đi đâu vội mấy anh ơi..."

Tát nước, đạp nước cũng phải tùy theo lúc. Những đêm trăng sáng, nước triều lên, dọc hai bờ sông tiếng xe đạp nước róc rách gần như suốt đêm. Nếu đất nước thanh bình chắc vui lắm! Những đêm không trăng, nước triều lên ban ngày, người nông dân nhễ nhại mồ hôi, còng lưng trên chiếc xe đạp nước. Thế mà sau khi nước xuống rồi thì lại thấy họ vui vẻ hợp đoàn, chén chú, chén anh.

Ngày lúa trổ, gia đình nào cũng lo sâu bọ, cũng đi xịt thuốc rầy. Thời gian này thật căng thẳng, mực nước trung bình chỉ được xấp xỉ vài đốt ngón tay trên mặt ruộng. Nếu hạn hán không mưa, không đủ nước thì lúa bị lép. Trái lại chỉ cần một cơn mưa lũ, úng nước thì lúa lại bị thối ngay.

Miền Trung, trời hành cơn lụt mỗi năm. Năm nào có lụt thì đành mất mùa đói kém. Mỗi lần có cơn lũ là nghe tiếng dân làng gọi nhau ơi ới đi mở nước thoát để cứu lúa. Mặc dù họ đã trông trời, trông đất đoán nắng, đoán mưa, nhưng lâu lâu vẫn có những cơn lũ bất thường.

Mặc dù rất vất vả và hối hả tháo nước cho ruộng trong những ngày nước lũ, họ cũng có thói quen đua ghe trong những ngày này. Sau cơn mưa lũ vài ngày, nước sông dâng lên khá cao. Họ đi thành từng toán 4,5 người, khiêng chiếc ghe trên đầu, mang đến bờ sông để ghi tên đua ghe. Giải thưởng do dân làng mang tặng, thôi thì:

“Cái đầu heo của mụ Soạn “lò heo””, “Mâm xôi và nải chuối của mụ Phụng”, “Cặp rượu của ông Sừng”, “Vài xấp vải của Hội Đồng Xã” v.v..

Hầu hết các tay đua cũng là các anh em nghĩa quân, nhân dân tự vệ, hay các viên chức xã, ấp trong làng. Họ cắm hai cây mốc ở giữa sông, ở đầu và cuối của đoạn đường thi. Cuộc đua hai vòng từ cây cầu cũ đến cây cầu mới rồi vòng trở lại. Họ cố tranh nhau giành lấy vòng trong, toán nào giữ được vòng trong thì đoạn đường ngắn hơn, còn toán vòng ngoài thì dài hơn. Nước chảy ngược từ cầu cũ đến cầu mới nên họ chèo cật lực, đoạn về nước xuôi dòng, cộng thêm với sức người nên chiếc ghe như bay trên mặt nước. Nhìn những thanh niên trần trùng trục, người ướt đẫm mồ hôi, ra sức giành chiến thắng mà ai cũng cảm thấy hồi hộp. Hai bên bờ sông những người cổ võ đập chiêng, trống huyên náo cả một vùng, càng làm cho cuộc đua ghe thêm phần hào hứng.

Tôi có thú vui là sưu tầm và đặt các câu đố. Lần đó khi về tiểu đoàn lãnh lương, gặp các bạn bè cùng đơn vị, tôi đố hai câu.

Đố rằng "Một thằng nằm, năm thằng nắc, thằng nằm thì lúc lắc, thằng nắc toát mồ hôi". Đố là gì?

Hoặc " Cục thịt đút vô cục thịt, chục chịt, chịt chục, nó ra nước đục". Đố là gì?

Cả đám sĩ quan đại đội 3 ôm bụng cười ngặt nghẽo. Thằng Mẫn trung đội trưởng trung đội 4 cố dằn bụng nín cười nhưng không được, mặt đỏ gay nhìn tôi nói:

- Thôi Minh ơi, mày ra làng mới có mấy tháng về đố toàn là chuyện tục tĩu!

- Mày nghĩ tục rồi đổ thừa cho người ta. Trả lời cho câu đố trước là 5 người đua ghe, câu đố sau là mẹ cho con bú.

Phải công nhận là dân quê Việt Nam có rất nhiều câu đố dí dỏm và thú vị.

Một hôm có anh nghĩa quân tên Nguyễn Kỳ đến nhờ tôi đại diện đàng trai đi cưới vợ cho anh ta. Tá hỏa tam tinh tôi nói với anh:

- Tao còn chưa biết vợ con là gì, làm sao dám đại diện cưới hỏi cho mày!

- Ông làm được mà. Đàng gái chỉ cần có người đứng ra đại diện mà thôi. Trong làng thương mến toán CAP lắm, ông đứng ra giùm là họ bằng lòng ngay.

Kỳ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, chỉ còn một người anh đã lập gia đình đang ở quận Hải Lăng. Tính tình Kỳ hiền lành, mộc mạc như hầu hết người dân quê trên đất nước tôi.

Một buổi sáng đẹp trời, nhà trai khoảng 10 người đến nhà mụ Soạn “lò heo” để làm lễ hỏi. Tôi, cái thằng mặt non choẹt, trẻ nhất đám đi đầu. Theo sau là hai anh em Kỳ, vài người bà con đàng trai, vài người lính nghĩa quân, Trung sĩ Thành và Hạ sĩ nhất Đức, toán CAP. Anh Đức người gốc Hà Nội, ăn nói chững chạc, từng là giáo sư trường Chu Văn An, cựu sĩ quan TQLC, vì những chuyện tranh giành tiền bạc của các tham quan liên hệ đến quỹ tiết kiệm và tương trợ của lính nên anh bị vạ lây và bị giáng cấp, cuộc đời anh cũng là một trong những mảnh đời đầy thú vị...

Vài hôm sau ngày đám cưới tôi vô tình gặp hai vợ chồng Kỳ, Hương ra chợ. Kỳ đi trước, vợ theo sau cách xa 5, 7 bước chứ không sánh đôi theo lẽ thông thường. Lấy làm lạ tôi bước tới nắm tay Kỳ kéo nó lùi về phía sau:

- Mày phải nắm tay vợ mày đi cho có vẻ tình cảm.

Kỳ giật tay ra khỏi tay tôi, trả lời:

- Mô mà rứa, họ nhìn thấy họ nói cho. Ốt dột lắm ông ơi!

Dân làng Trường Sanh là thế đó! Họ còn bị bao bọc bởi các hình thức phong tục làng quê không biết đã bao nhiêu đời rồi, dù là vợ chồng còn không dám bày tỏ tình yêu công khai huống chi là trai gái. Có một cặp vợ chồng người Trường Sanh vào Nam sinh sống, trở về thăm quê, nắm tay nhau đi vừa cười vừa nói. Người làng bàn tán “cặp vợ chồng cười nói chớt nhả, trông phát dị!”.

Một đêm tôi vừa chợp mắt thì một anh nghĩa quân gác đêm vào báo:

- Có hai người lính TQLC muốn gặp ông.

Xỏ vội đôi giày vào chân, tôi bước ra thì gặp Trung sĩ nhất Hiển, toán quân cảnh 202 gác ở cầu Bến Đá, theo sau anh là một người lính tiểu đoàn 7 áo quần rách bươm, xây xát rướm máu, chỗ ướt chỗ khô, chân đi khập khễnh, trông có vẻ đau đớn và mệt mỏi.

Trung sĩ Hiển chào tôi và nói:

- Báo cáo thẩm quyền, anh lính này thuộc đơn vị của ông chạy lạc bị toán địa phương quân gác cầu bắt giao cho tôi.

Quay qua anh chiến binh TQLC, tôi hỏi:

- Mày ở đại đội nào, sao giờ này đi ra tới đây?

- Dạ em ở đại đội 4. Khoảng 9 giờ đêm hồi hôm em đang mơ màng ngủ thì thấy Việt Cộng tấn công, tụi nó đông lắm có cả xe tăng nữa. Chống cự không nổi nên em phải bỏ chạy. Tụi nó rượt theo, em chạy bán sống bán chết, mệt quá dừng lại thì thấy mấy anh này ra giữ lại và dẫn em vô đây. Bây giờ gặp Thiếu úy em bớt sợ rồi. Nói xong tôi nghe anh thở ra nhẹ nhõm.

Đời lính chiến là thế đó! Cũng như anh, mỗi khi tôi gặp tình huống khó khăn mà gặp được các huynh trưởng như Nguyễn Lai hay Tăng Bá Phụng là phấn chấn tinh thần lên ngay và giải quyết công việc một cách dễ dàng. Đời lính gặp được cái phao khi chơi vơi giữa dòng thật là cần thiết.

Tôi cám ơn anh Hiển và dắt người lính vào, nhắc Trung sĩ nhất Cát, Hạ sĩ quan truyền tin gọi về tiểu đoàn báo cáo tình trạng người lính lạc, bảo Binh nhất Thọ cùng đại đội 4 với anh lo chỗ ngủ cho anh.

Anh lính ngập ngừng:

- Thưa Thiếu úy, em còn phải gác từ 12 giờ đến 2 giờ.

- Hôm nay tao cho mày nghỉ gác.

Tội nghiệp, mặc dù vô cùng mệt mỏi anh vẫn còn nhớ đến trách nhiệm của mình. Sáng hôm sau tôi cho Thọ đưa anh về lại đơn vị.

Anh đi rồi tôi vẫn còn mãi băn khoăn. Không hiểu ma đưa lối, quỉ dẫn đường thế nào mà anh lại chạy xuyên đêm từ 9 giờ tới gần 12 giờ khuya, qua biết bao nhiêu trạm gác, vị trí đóng quân của TQLC và địa phương quân mà không bị bắn lầm. Anh là người miền Nam vùng 4, biết gì về đường sá ngoài này. Từ đại đội 4 chỗ anh đóng quân đến tiểu đoàn hơn 2 cây số, từ tiểu đoàn đến ngã ba Hải Lăng gần 5 cây số, từ ngã ba Hải Lăng đến cầu Bến Đá 7 cây số. Vị chi tất cả gần 14 cây số chạy xuyên đêm trong một tình trạng hoảng hốt như vậy, thật không hiểu điều gì đã xảy ra. Đêm qua đại đội 4 vẫn bình yên, giấc mơ của anh thật là kỳ quái! Trên đời có biết bao nhiêu điều không có câu giải đáp.

Ngày đặt chân đến Bến Đá tôi có nghe những chiến binh CAP kể chuyện về một người lính TQLC đa tình phải lòng một cô gái trong làng. Có lẽ cô ta cũng có cảm tình với anh nhưng bị gia đình ngăn cản.

Một đêm anh đến nhà cô nhưng không ai chịu mở cửa. Thế là anh quyết định ngồi ngoài cửa cho đến sáng hôm sau. Cầm gói thuốc CAPSTAN trong tay (hầu hết lính TQLC đều hút loại thuốc lá thơm này), anh đọc xuôi:

-CAPSTAN: Chiếc Áo Phong Sương Tình Anh Nặng.

Rồi sau đó đọc ngược:

- CAPSTAN: Nặng Ân Tình Sớm Phụ Anh Chăng?

Gió đêm sương lạnh, đến sáng thì mệt mỏi rã rời. Anh lặng lẽ vác ba lô về trình diện đơn vị, lòng thầm trách tình đời bạc bẽo, nhất định không ở lại toán CAP. Người thay thế anh là Binh nhất Thọ, đến Bến Đá với tôi trên cùng một chuyến xe. Một chuyện tình cờ, người chiến binh trẻ đa tình này lại là xạ thủ đại liên M-60 trong trung đội đại bác 90 ly do tôi điều động trong những ngày cuối cùng đời lính.

Trưa ngày 26 tháng 3, 75 trên bờ biển Thuận An, tuyến phòng thủ cuối cùng. Cối Bắc quân pháo vào trung đội tôi trên bãi cát, một quả cối trúng cành dương xế về phía tay phải, một miểng đạn ghim vào mặt tôi. Miểng đạn xuyên vào da thịt ngọt lịm, tôi nghe một luồng hơi lạnh chạy dọc xương sống, máu loang thắm ướt áo trận. Ngồi xuống hố, tôi bỏ nón sắt để cho người hiệu thính viên dùng băng cá nhân băng chỗ vết thương.

Hố đại liên gần đó, một quả cối Bắc quân rớt nổ ngay trước mặt chỉ cách không đầy sải tay. Anh chiến binh đa tình dạo nào bị trúng một miểng đạn vào mặt. Nhào về phía tôi với gương mặt đẫm máu, anh nói trong thảng thốt:

- Thiếu úy, em bị thương rồi!

Một miểng đạn to đã múc mất một tròng mắt để lại một lỗ sâu hoắm trên gương mặt anh. Tôi chỉ tay về hướng gò cát sau lưng dẫn về bộ chỉ huy tiểu đoàn nói lớn như hét:

- Chạy về dưới ngay, ban Quân y ở đó, bác sĩ ở đó...

Tôi chưa dứt lời anh đã lao ngay về phía đó.

Đảo mắt ngó quanh phòng tuyến, đơn vị tôi vẫn vững tay súng. Tôi yên tâm bảo anh hiệu thính viên liên lạc với đại đội nhưng được anh cho biết chiếc PRC-25 bị trúng nhiều miểng pháo nên bất khiển dụng, không còn liên lạc được nữa.

Vài tiếng đồng hồ sau mặt tôi sưng tấy lên và cả đầu nóng buốt. Tôi gọi Trung sĩ nhất Vương trung đội phó nhưng ông này lãng tai, ông đào cái hố thật sâu, đứng thẳng cũng không thấy đầu. Tôi hét thật lớn:

- Anh Vương, điếc mà sợ súng dữ vậy!

Tôi nhắc anh ngó chừng anh em, tôi xuống ban Quân y để xem lại vết thương.

Cả phòng tuyến chuẩn bị để tôi đi. Tiếng những người lính nói chuyền nhau.

- Thiếu úy đi, chuẩn bị.

- Thiếu úy đi, chuẩn bị.

- Thiếu úy đi, chuẩn bị.

...............

Tôi hét thật lớn "đi" và nhảy ra khỏi hố chiến đấu. Tất cả các chiến binh đều đồng loạt đứng dậy khai hỏa về phía trước để ngăn cản những viên đạn địch nhắm vào tôi lúc tôi lao lên khỏi hố. Tiếng đạn địch xé gió hai bên mình đến rợn người trên đường tôi chạy xuống ban Quân-y, nếu không có những loạt đạn bảo vệ của đồng đội, tôi chắc đã toi mạng rồi.

Bác sĩ Giang, một niên trưởng Nguyễn Trãi, băng lại vết thương cho tôi. Sau khi sát trùng cẩn thận và chích cho tôi một mũi thuốc ngừa phong đòn gánh, ông nói:

- Ông may, không trúng chỗ hiểm.

Bước qua chỗ nằm của các thương binh, tôi thấy người xạ thủ đại liên của tôi đang nằm mê man. Mặt anh quấn đầy băng, chỉ để hở lỗ mũi, miệng và một con mắt lành. Tôi bước đến bên anh, vỗ vai và nói:

- Cố gắng lên, TQLC mà!

Tôi thấy môi anh mấp máy như muốn nói điều gì. Một thương binh nằm cạnh đó nhích sát vào trong, miệng nói "Thiếu úy nằm nghỉ".

Tôi cám ơn anh và bước ra khỏi lều.

Bác sĩ Giang gọi giật tôi lại.

- Ông đi đâu, không nằm nghỉ cho đỡ mệt.

- ... Tôi đi về với lính của tôi.

Anh chau mày lắc đầu, miệng mỉm cười thiểu não. Người niên trưởng Nguyễn Trãi biết rằng khi tôi bước ra khỏi lều của những thương binh, tôi đã ra khỏi vòng tay che chở của anh rồi.

Người mệt mỏi vì không thiết ăn uống, thân xác rã rời vì bị vết thương hành, đôi mắt cay xè vì đã nhiều đêm liền không ngủ, nhưng trong lòng tôi vẫn dấy lên một niềm tin mãnh liệt "Trách Nhiệm và Tình Đồng Đội".

Quay người lại, tôi bước lên đồi cát để trở về với nhiệm vụ của tôi...

Ba mươi năm đã trôi qua...!!!

"Nam ơi, giờ này em ở đâu? Còn sống hay đã chết? Những vết thương ngày cũ đã lành chưa? Cuộc sống đã ổn định chưa hay vẫn còn đang đau đớn bởi tình đời đen bạc...!!!?".

Nam, tên người chiến binh đa tình, xạ thủ M-60 của tôi, tôi đã không gặp lại em từ dạo đó.

Các nhà thờ "Họ" trong làng Trường Sanh hàng năm đều có ngày giỗ chính, ngày này các con cháu tập trung về để làm lễ giỗ ông Khai Canh (người trưởng họ đầu tiên khi làng thành lập). Một hôm tôi được tộc họ "Trương" mời tham dự ngày giỗ tổ. Tại nhà từ đường họ "Trương" có đến mấy trăm người tham dự. Đến lúc ăn cỗ, tôi được ông xã trưởng mời vào một bàn toàn là các bậc tiên chỉ (bô lão trưởng thượng). Trong bàn có bà cụ trưởng “họ” tuổi đã 90 mà trông vẫn còn khỏe mạnh. Tôi xin đổi bàn nhưng các ông ấy nhất định không chịu.

- Ông phải ngồi chiếu trên.

- Côi ni mới là chỗ ông ngồi, không phải côi nớ.

- Không được mô, rứa mần răng mà coi cho được.

Tôi nói chuyện về lính và miền Nam thì không ai hiểu. Họ nói chuyện lễ giỗ, mùa màng thì tôi lại mù tịt. Họ dùng tiếng địa phương và tiếng Việt ở hồi đầu thế kỷ, tôi chỉ biết ậm à suốt cả buổi tiệc. Nhìn xuống bàn các anh em CAP và các nghĩa quân thấy họ chén chú chén anh, huynh đệ chi binh mà phát thèm.

Sống đời lính tác chiến, ngày hôm nay còn gặp mặt nói cười, hôm sau đã trở thành thiên cổ mới thấu hiểu được những lời nói đùa đôi khi lại là những lời nói gở hay trối trăn.

Một buổi chiều sau bữa cơm, Hạ sĩ Cao Y tá hỏi Hạ sĩ Tư:

- Tư, cho tao xin điếu thuốc.

Móc gói thuốc ra khỏi túi, trao cho Cao, Tư nói:

- Mày giữ luôn đi, lỡ tối nay tao trúng gió!

Cầm gói thuốc Tư trao trong tay, Cao quay qua nói với tôi:

- Ông thấy gì không, hình như nó nói gở!

Là một chiến binh Quân y TQLC, Cao có nhiệm vụ săn sóc thương binh. Gần 5 năm lính chiến ở tiểu đoàn 7 không biết anh đã săn sóc bao nhiêu đồng đội, từ bị thương nhẹ cho tới nặng, ngay cả đôi khi anh còn phải vuốt mặt cho bạn bè lần cuối. Anh có được cái linh tính nhạy bén mà chúng tôi không có.

Mấy ngày sau Tư như người thất thần, đôi mắt cứ nhìn vào khoảng không vô định, miệng lúc nào cũng cười. Anh không còn nhận ra chúng tôi nữa. Tôi phải liên lạc gửi anh trở lại đơn vị và chúng tôi bặt tin nhau từ đó.

Một buổi sáng tôi dậy sớm vì tiếng người di chuyển ngoài đường và tiếng xe cộ nhiều hơn thường ngày, thì ra hôm nay là ngày "chạp mả" của dân Quảng Trị. Người ta kéo nhau ra đàn tràng cầu siêu được thiết lập ở ngã ba Hải Lăng.

Anh em chúng tôi như thường lệ qua trụ sở xã làm cho xong các công việc trong ngày, liên lạc với đơn vị sắp xếp cho trung đội nghĩa quân. Chiều hôm đó tôi và một người chiến binh đón xe đi đến đàn tràng.

Đàn tràng được dựng lên sau ngày người dân Quảng Trị hồi cư về làng cũ. Trên đàn khói hương nghi ngút, chúng tôi đến buổi chiều nên đã thưa bớt người, buổi sáng có lẽ đông đúc lắm.

Cuối mùa xuân ở Hải Lăng thật lạnh, nhưng đứng trên đàn tràng còn có cảm giác như lạnh hơn vì quá nhiều âm khí của những hương linh đang phảng phất đâu đây. Trời đứng gió nên càng tăng thêm vẻ ảm đạm. Chúng tôi đốt ba nén nhang khấn nguyện cho các hương hồn sớm được siêu sinh. Có vài gia đình mang quần áo đại tang, mắt vẫn còn đỏ hoe, có lẽ người quá cố là cha, chồng hay người thân nào của họ đã bỏ mình trên Đại Lộ Kinh Hoàng 2 năm về trước.

Trời bắt đầu xế bóng, tôi và người chiến binh bước xuống cầu thang, rời khỏi đàn tràng. Tôi quay đầu nhìn lại hai câu đối mà lòng cảm thấy ngậm ngùi. Anh chiến binh tên Cứng, là một trong những chiến sĩ diệt xe tăng Bắc quân năm nào. Anh chỉ cho tôi lộ trình đơn vị rút lui trên đường triệt thoái hai năm về trước, mắt anh rướm lệ vì không dằn được xúc động khi nhớ lại những hình ảnh bi thương đã xảy ra dọc con đường này, "Một bà mẹ đã chết từ lúc nào không biết nhưng đứa con thơ vẫn còn ngậm vú, những đứa bé thất lạc cha mẹ kêu la thất thanh..." trong tiếng bom đạn nổ ầm ầm.

Thôi! Đã quá nhiều rồi những thảm cảnh! Xin cho quê hương tôi được thanh bình! Xin hãy ngừng réo gọi chiến tranh!

Chúng tôi bước về phía bến xe Lam ở ngã ba Hải Lăng. Có thêm chúng tôi thì xe cũng vừa đầy khách nên người tài xế cho xe nổ máy rời bến. Chạy được một đoạn tôi chợt thấy một cụ già mặc áo dài trắng, tay cầm dù đen hối hả vừa chạy theo vừa gọi xe. Tôi đập vào thành xe và gọi anh tài xế ngừng lại. Ông cụ chạy đến, vừa vuốt ngực vừa thở hổn hển. Cứng bước ra khỏi xe nhường chỗ cho ông cụ và đứng bám ở chỗ tấm bửng lên xuống. Tôi nhường ông chỗ ngồi phía trong và nói:

- Ông ngồi trong, con xuống trước.

Cố gắng điều hòa hơi thở, ông nhìn tôi nói lời cám ơn và bảo tôi đưa bàn tay cho ông xem.

- Anh là người hiền lành, thành thật, có phúc, có phần, có quới nhân phù hộ, nên chọn bạn mà chơi. Mà này, tôi thấy anh hình như xúc động khi đọc hai câu đối ở đàn tràng cầu siêu lúc nãy.

- Tội nghiệp dân mình vô tội chết thảm ông ơi!!!

Ông cho tôi biết hai câu đối đó là của một người ông quen viết tặng cho tiểu khu Quảng Trị ngày thành lập đàn tràng, và ông hỏi thăm về gia cảnh của tôi. Hai ông cháu nói chuyện trên suốt đoạn đường dài “Đại Lộ Kinh Hoàng” của quốc lộ 1.

Đến Bến Đá tôi và Hạ sĩ Cứng chào ông cụ rồi bước xuống xe. Cứng chỉ cho tôi chỗ anh đứng bắn xe tăng Bắc quân trên cầu xe lửa hai năm trước, anh nói lớn tiếng như để truất đi những dồn nén uất ức khi còn ở đàn tràng...

Bóng tôi trải dài trên đường theo từng bước đi trong nắng chiều. Phóng mắt nhìn về phương Bắc đồi cát chập chùng dọc theo quốc lộ 1, mường tượng ra những hình ảnh đau thương đã xảy ra trên con đường này. Tôi tự hỏi "Có phải con người đã được định trước bằng những quyết định của đất trời mà ta thường gọi là định mệnh. Quí nhân phải chăng là những người xuất hiện vào những lúc cần thiết nhất để đưa chúng ta vượt qua những nghịch cảnh khắt khe!".

Ngoái cổ nhìn về phương Nam, chiếc xe Lam đã khuất bóng. Tôi mở miệng nói nhỏ một câu vừa đủ để mình nghe "Cám ơn ông!".

Biết bao nhiêu biến cố đã xảy ra trên mảnh đất Quảng Trị đau thương, nhưng nhịp sống của dân làng nơi đây vẫn tiếp tục trôi qua đều đặn. Hôm nay là ngày lễ Thanh Minh nên các nhà hai bên đường có mùi trầm hương thoang thoảng, thơm lừng. Bước xuống con đường đất dẫn vào nơi đóng quân của toán CAP, lòng nhẹ nhàng thanh thản, tôi thầm nghĩ:

“Người dân quê hương tôi với lòng từ bi, hỷ xả thấm nhuần từ triết lý Phật Giáo, đã từng một thời là quốc giáo của các triều đại Lý, Trần hàng ngàn năm xưa, thì sông Gianh, Bến Hải, Đại Lộ Kinh Hoàng chỉ là những nét chấm phá tang thương trong suốt chiều dài lịch sử vàng son hơn 4000 năm của giống nòi Hồng Lạc....”

Tôi mỉm cười và gật đầu cám ơn những người dân làng Trường Sanh đang chào tôi trên đường.

Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử

free counters

un compteur pour votre site