Blogger Người Buôn gió với Giải thưởng Hellman/Hammett
Trà Mi - VOA
Một trong những sự kiện được các bạn trẻ quan tâm theo dõi tin tức, đặc biệt là giới blogger, chú ý trong tuần qua là việc Human Rights Watch, một trong những tổ chức bảo vệ nhân quyền độc lập có uy tín hàng đầu trên thế giới, trao giải thưởng nhân quyền Hellman/Hammett cho 6 ngòi bút tại Việt Nam. Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức Mẹ Nấm), blogger Bùi Thanh Hiếu (bút danh Người Buôn gió), nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, nhà hoạt động nhân quyền Phạm Văn Trội, nhà thơ Trần Đức Thạch, và nhà giáo Vũ Hùng nằm trong số 42 người cầm bút tại 20 quốc gia trên thế giới được vinh danh năm nay.
Hình: Human Rights Watch
6 ngòi bút Việt Nam được HRW trao giải Hellman/Hammett
Người Buôn gió: "Tôi rất vui khi được nhận giải này. Giải thưởng này chứng tỏ luồng dư luận blog ở Việt Nam rất được thế giới quan tâm và chú ý. Đó là nguồn động viên rất lớn giúp các blogger trong nước mạnh mẽ và tự tin hơn trong việc trình bày quan điểm của mình."
Bà Sophie Richardson, giám đốc phân vụ Châu Á thuộc tổ chức Human Rights Watch, giới thiệu về giải thưởng Hellman/Hammett:
“Đây là giải thưởng hằng năm dành cho các ngòi bút trên khắp thế giới là mục tiêu của tình trạng đàn áp chính trị hoặc vi phạm nhân quyền vì họ đã can đảm, mạnh dạn bày tỏ quan điểm, bất chấp sự đàn áp của chính quyền và nạn bách hại chính trị.”
Bốn trong sáu người Việt Nam nhận giải thưởng quốc tế Hellman/Hammett lần này hiện đang bị cầm tù. Hai blogger Mẹ Nấm và Người Buôn gió từng bị công an bắt giữ và thẩm vấn nhiều lần vì các bài viết chỉ trích chính phủ, nhất là liên quan tới đề tài Hoàng Sa-Trường Sa.
Giám đốc phân vụ Châu Á thuộc tổ chức Human Rights Watch, bà Sophie Richardson, nói về blogger Người Buôn gió:
“Blogger Người Buôn gió đã can đảm viết về những đề tài hết sức nhạy cảm theo cách nhìn của nhà nước Việt Nam, như chính sách đối với Trung Quốc, vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa, dự án bauxite Tây Nguyên, cũng như cách chính quyền xử lý các buổi cầu nguyện tập thể ôn hòa của giáo dân Công giáo. Anh đã từng bị bắt và bị cáo buộc tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, bị công an triệu tập thẩm vấn nhiều lần, bị khám xét nhà, bị tịch thu máy tính cũng chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận khi trình bày quan điểm trên trang nhật ký điện tử cá nhân.”
Chính bản thân chủ nhân của giải thưởng Hellman/Hammett 2010 do Human Rights Watch trao tặng có cảm nghĩ ra sao và anh nhận xét về tình hình tự do ngôn luận tại Việt Nam như thế nào? Mời quý vị cùng Trà Mi gặp gỡ blogger Người Buôn gió, trong chương trình hôm nay.
Blogger Người Buôn gió: Nhận được tin được trao giải thưởng này, tôi thật sự rất xúc động. Tôi không nghĩ rằng một ngày nào đó các blogger ở Việt Nam như tôi được nhận giải này, vì tôi nghĩ các blogger ở Việt Nam không phải là một kênh thông tin chính thức như các hãng truyền thông hay các nhà báo, mà chỉ là những người viết nhật ký bình thường thôi mà được thế giới biết và quan tâm đến, tôi rất cảm động và vui mừng.
Trà Mi: Theo Human Rights Watch, anh có những bài viết nói về chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc, về dự án bauxite, hay cách chính quyền xử lý các buổi cầu nguyện tập thể của giáo dân, anh can đảm viết về những lĩnh vực “nhạy cảm” ở Việt Nam. Đó là một trong những lý do khiến họ vinh danh anh là một ngòi bút can đảm. Anh có suy nghĩ như thế nào về nhận định đó?
Blogger Người Buôn gió: Những bài viết của tôi xuất phát từ suy nghĩ của một người dân Việt Nam trước những thông tin nhận được. Tôi nghĩ đó là những phản ứng rất bình thường của tất cả người dân Việt Nam nếu họ biết được những thông tin chính xác và trung thực. Còn những người chưa có điều kiện tiếp cận với những thông tin đó thì họ không tỏ ra bức xúc. Bất kể người Việt Nam nào khi biết thông tin chính xác về việc Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam đều bức xúc. Tôi nghĩ số ấy là không ít. Những cuộc biểu tình của thanh niên-sinh viên tại hai đầu đất nước là Hà Nội và Sài Gòn đã từng thể hiện điều đấy. Còn việc tôi được nhận giải thưởng lần này, tôi nghĩ rằng có thể những người trao giải muốn ưu ái dành riêng cho các blogger để cổ động tinh thần các blogger.
Trà Mi: Human Rights Watch nói những người được trao giải thưởng Hellman/Hammett này là vì họ bị chính quyền trấn áp quyền tự do phát biểu ý kiến, bị bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận. Là người nhận giải thưởng, ý kiến của anh ra sao? Anh có coi mình là nạn nhân của việc “bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam” hay không?
Blogger Người Buôn gió: Tôi nghĩ tất cả người Việt Nam đều hiểu quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam như thế nào. Còn việc “nạn nhân” hay không, tôi thấy mình cũng không bị o ép bằng nhiều người khác. Bằng chứng là sau khi họ bắt giam tôi tới giờ, tôi vẫn cứ nói như những gì tôi đã nói thôi.
Trà Mi: Anh dùng từ “không bị o ép bằng những người khác” chứng tỏ cũng có sự o ép, không được thoải mái lắm khi nêu lên quan điểm cá nhân?
Blogger Người Buôn gió: Tất nhiên, chính quyền có nhắc nhở phải viết những gì đúng sự thật và mang tính xây dựng. Tôi cứ theo tâm tôi mà viết thôi. Còn chuyện họ nhắc nhở đã có pháp luật và hiến pháp quy định rồi. Nếu tôi vi phạm thì họ xử lý tôi. Còn ngược lại, tôi nghĩ họ cũng không thể làm gì được tôi cả.
Trà Mi: Riêng cá nhân anh nhận xét ra sao về vấn đề tự do ngôn luận ở Việt Nam?
Blogger Người Buôn gió: Tôi thấy rằng trong vòng 1-2 tháng trở lại đây, có rất nhiều người như nhà văn, tiến sĩ, trí thức lên tiếng rất mạnh mẽ, thậm chí còn hơn tôi nhiều, như nhà văn Trần Mạnh Hảo, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ chẳng hạn. Họ phát biểu, trả lời rất mạnh mẽ, rất thẳng thắn. Thật sự tôi cảm thấy rằng tôi không bằng họ. Tôi cho rằng “tự do ngôn luận ngoài lề” ở Việt Nam hiện giờ thì hình như nhà nước không làm chặt chẽ. Còn đối với 700 tờ báo chính thống của họ, họ vẫn kiểm duyệt như thế. Đây là một thành tựu của nền khoa học kỹ thuật internet, làm cho sự áp chế của nhà nước Việt Nam về tự do ngôn luận bị hạn chế đi nhiều. Họ không thể kiểm soát những cái internet đã mang lại.
Trà Mi: Việt Nam cho rằng tự do ngôn luận, tự do thể hiện quan điểm khác với việc chống đối nhà nước. Họ vẫn tôn trọng tự do quan điểm và ngôn luận miễn là những phát biểu đó không gây chia rẽ, không chống đối nhà nước, và không lợi dụng tự do dân chủ để quấy rối. Là một trong những người từng bị cáo buộc là “lợi dụng quyền tự do dân chủ” trong những bài viết của mình, ý kiến của anh như thế nào?
Blogger Người Buôn gió: Tôi cho rằng việc tự do trình bày quan điểm cá nhân không phải là chống đối nhà nước. Đó là quyền tự do cá nhân của con người mà thậm chí có những quan điểm mang tính xây dựng cho xã hội, đất nước, và dân tộc tốt đẹp hơn. Những quan điểm như thế không thể gọi là phá hoại hay chống đối gì cả, nhưng có thể nó ảnh hưởng đến quyền lợi của một số giai cấp thì họ nói vậy thôi. Họ cứ gọi là chống đối hay gì đấy là tùy họ thôi. Tôi nghĩ rằng nhân dân sẽ phán xét, thẩm định những ý kiến của sự tự do ngôn luận.
Trà Mi: Quan điểm sợ rằng sự lợi dụng quyền tự do dân chủ sẽ gây chia rẽ, gây rối, anh có đồng ý quan điểm đó không?
Blogger Người Buôn gió: Tôi không đồng ý với tội danh “lợi dụng tự do dân chủ” để xâm phạm này nọ. Tôi nghĩ đó là một tội danh rất là trời ơi đất hỡi. Nhà nước Việt Nam nên bỏ tội danh với những chữ là “lợi dụng tự do dân chủ để xâm phạm” này nọ. Tôi cho rằng đó là tội danh hết sức vô lý. Thế nào là lợi dụng? Đầu tiên anh phải xác định tự do dân chủ là như thế nào thì anh mới chứng minh được người ta lợi dụng, và lợi dụng như thế nào? Phải rành mạch. Mà nếu lợi dụng thì lấy tư cách gì, phương tiện, hoặc hành động nào để lợi dụng? Tôi không học về luật nhưng tôi thấy phạm trù đó mơ hồ và trừu tượng lắm.
Trà Mi: Nhìn chung từ trước tới giờ, những người ở Việt Nam được trao giải thưởng này thường bị chính phủ Việt Nam lên án, hoặc coi là phần tử chống đối, thành phần gây rối. Quan điểm của một người trong cuộc, anh sẽ nói gì?
Blogger Người Buôn gió: Đây là một giải thưởng, phải nói thật sự là tôi vui mừng, nhưng nó cũng là một giải thưởng khắc nghiệt. Chị cũng thấy rằng trong 6 người nhận giải năm nay thì đã có 4 người hiện giờ đang nằm trong tù vì những tội danh cũng là “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, đủ thấy rằng giải thưởng này rất khắc nghiệt. Tôi chỉ có một chia sẻ rằng tôi rất vui khi được nhận giải này. Giải thưởng này chứng tỏ luồng dư luận blog ở Việt Nam rất được thế giới quan tâm, rất được mọi người chú ý đến. Đó là nguồn động viên rất lớn giúp các blogger trong nước mạnh mẽ và tự tin hơn trong việc trình bày quan điểm của mình.
Trà Mi: Nhân tiện cũng xin được hỏi tình trạng của anh hiện nay như thế nào?
Blogger Người Buôn gió: Từ khi tham gia biểu tình vụ Hoàng Sa-Trường Sa đến giờ, cuộc sống tôi có nhiều thay đổi, công việc không ổn định. Bây giờ tôi mà làm một chỗ chắc chắn cũng ảnh hưởng tới người làm việc với mình. Cho nên tôi đi làm tự do, ở đâu người ta có việc, họ gọi mình đến làm. Làm xong họ trả tiền là mình đi luôn đấy. Những người trước kia có liên quan làm ăn với mình họ nói là công an có đến gặp họ, hỏi về nhiều vấn đề nọ kia, nên họ ngại không muốn làm việc tiếp với mình. Mình cũng biết ý, nên mình thôi.
Trà Mi: Thế riêng trang blog Người Buôn gió của anh thì sao?
Blogger Người Buôn gió: Bây giờ tôi dùng trang web Người Buôn gió 1972. Còn hai trang web kia của tôi sau nhiều lần truy cập tôi cảm thấy bị khó khăn, tôi bỏ, không dùng nữa. Trang web mới thì chưa gặp trở ngại gì vì mới lập khoảng 2 tháng nay thôi.
Trà Mi: Cảm ơn anh rất nhiều đã dành thời gian trao đổi với chúng tôi và xin chúc mừng anh được nhận giải thưởng này.
Blogger Người Buôn gió: Cảm ơn chị.
Vừa rồi là câu chuyện với anh Bùi Thanh Hiếu, tức blogger Người Buôn gió, một trong sáu ngòi bút tại Việt Nam được tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Human Rights Watch vinh danh trao giải Hellman/Hammett năm nay. Các bạn muốn trao đổi quan điểm về đề tài này, xin vào mục Ý kiến ở cuối bài trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên, trên trang web của đài VOA tại địa chỉ www.voatiengviet.com.
Tạp chí Thanh Niên sẽ trở lại cùng quý thính giả với một câu chuyện mới trong chương trình tuần sau.