lịch sử việt nam
Là Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa,
Điều 1: Tôi nguyện chấp nhận mọi hy sinh gian khổ để chiến đấu bảo vệ cho sự sống còn của Tổ Quốc, của gia đình và của chính bản thân tôi.
Điều 2: Tôi tuyệt đối chấp hành các mệnh lệnh của cấp chỉ huy, đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu tuyên truyền chia rẽ của giặc cộng.
Điều 3: Tôi luôn kính già, thương trẻ, đứng đắn với phụ nữ và giúp đỡ đồng bào.
Điều 4: Tôi luôn tâm niệm hành động làm mất lòng dân là xua dân về phía giặc cộng, là tự sát.
Điều 5: Tôi luôn đối xử tử tế với tù hàng binh địch (VC), không ngược đãi đánh đập họ, không đụng đến của riêng họ, để thêm bạn bớt thù.
Điều 6: Thực hiện các điều trên là tôi tích cực xây dựng tự do cho đất nước, đem lại hạnh phúc cho toàn dân, tôi sẽ được đền bù bằng sự cảm mến và biết ơn của Đồng Bào.
---------------
Dự Án Tài Liệu Hải Chiến Hoàng Sa 1974
Nhóm Thân-Hữu Hoàng-Sa
Paracels R., 15583 Brookhurst St., Westminster,
CA92683, USA.
Vũ Hữu San
Trần Đỗ Cẩm
Mục-Lục
· Tựa
· Giới-thiệu Dự-án “Hải-Chiến Hoàng-Sa”: Một cột mốc nhỏ trên chặng đường dài Hải-Sử
· Trận Hải Chiến tại Quần Ðảo Hoàng-Sa Ngày 19 tháng 1 năm 1974. (Trần Ðỗ Cẩm)
· Trận Hải Chiến Hoàng-Sa theo Tài-Liệu Trung-Cộng. (Trần Ðỗ Cẩm)
· Thư riêng về đơn-vị cũ: Internet Trung-Cộng nói gì về KTH Trần-Khánh-Dư (Mạng Lưới Hoàng-Trường, HQ.4)
· Còn Uẩn-khúc nào về Trận Hoàng-Sa? (Vũ-Hữu-San)
· Hồi Ký của Người về Từ Hoa Lục Đỏ: Tôi đã đến đó. (Bí Thư Thắng)
· Bức Thư 15 năm trước - Thời-điểm khởi đầu dự-án. (Vũ-Hữu-San)
· Tiểu-Sử các Anh-Hùng Tử-Sĩ:
Ngụy-Văn-Thà
Nguyễn-Thành-Trí
Huỳnh Duy Thạch
Phụ-Bản
Các Tài-liệu Quan-trọng của VNCH ngay sau Trận Hải-Chiến Hoàng-Sa (Nguyên-bản bằng Việt-Ngữ và Anh-Ngữ):
- Tuyên Cáo Của Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa Về Những Hành Ðộng Gây Hấn Của Trung Cộng Trong Khu Vực Quần Ðảo Hoàng Sa (Ngày 19/01/1974)
- For a more Progressive Legal Regime of the Sea. By Foreign Minister Vuong Van Bac (Caracas session, 1974)
-White Paper on the Hoang Sa (Paracel) and Truong Sa (Spratly) Islands. Republic of Vietnam Ministry of Foreign Affairs. Saigon, 1975.
Bài nói chuyện ngày 17/1/1998 của cựu Hạm Trưởng Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ.4.
Danh-sách Tử-Sĩ Hoàng-Sa (đang được các Cựu Hải-Quân VNCH và mọi giới đồng-bào nhật-tu cho đầy-đủ).
Tựa
Trên tay các bạn là tập “Tài-liệu Hải-Chiến Hoàng-Sa”. Chúng tôi chân-thành cảm-tạ Quý-Vị trong Nhóm Thân Hữu Hoàng-Sa các bạn đồng khóa Đệ-Nhất Bảo-Bình[1] đã tạo điều kiện thuận lợi để tập tài liệu này đến tay bạn đọc ngày hôm nay.
Nhóm Chủ-trương chúng tôi cố-gắng hết sức, nhưng thiếu khả-năng trình-bày, in-ấn nên không mong đợi tập tài liệu này được hoàn-hảo như các bạn mong muốn.
Gần đến ngày kỷ-niệm 30 Năm Giỗ Trận Hoàng-Sa năm nay, nhu-cầu ra mắt một tác phẩm đầy đủ và trung thực về trận Hải-chiến “độc nhất vô nhị” Hoàng-Sa càng ngày càng thêm rõ rệt. Tuy vậy cuộc hành trình vạn lý nào cũng khởi đầu bằng một bước nhỏ. Muốn hoàn thành một tác phẩm lớn, chúng ta cần bắt đầu bằng tài liệu. Rất tiếc, tài liệu về trận hải chiến Hoàng Sa tuy đã được đề cập tới nhiều, nhưng vẫn còn thiếu sót. Nay gặp đúng lúc được anh em Thân Hữu Hoàng-Sa cùng bạn Bảo-Bình khuyến-khích và thúc-đẩy, tập “Tài-liệu Hải-Chiến Hoàng-Sa” tuy khởi sự đã tới 15 năm vẫn chưa xong[2] được vội vã ra đời để làm viên đá lót đường đầu tiên cho tác phẩm "Hải Chiến Hoàng Sa". Chúng tôi hy vọng rằng tác-phẩm lớn hơn này sẽ được nhiều người tiếp tay góp sức hoàn tất sau này.
Không có ai giám coi thường độc-giả. Chúng tôi cũng vậy. Phần hình-thức cuốn sách nhỏ này tuy có nhiều khuyết-điểm, nhất là thiếu sót về phần hình ảnh, nhưng Nhóm Chủ-trương đã hết sức chú-trọng đến phần nội-dung. Tất cả các bài vở đều được chọn-lựa kỹ-lưỡng, nêu ra những quan-điểm mới mẻ về mặt nghiên-cứu với đầy-đủ tham-chiếu, phụ-chú. Quý-vị sẽ không thấy phần hư cấu, chuyện kể ở đây là những chuyện thực, rất gần với thực-tế và có “tính-chất sử” thực-sự.
Đúng sai nhiều ít cũng khó phân, nhưng đã có bạn Cựu Hải-Quân cho rằng đây là một thứ tuyển-tập độc-đáo chưa từng có trong kho tàng hải-sử nói riêng và quân-sử nói chung. Dù biết rằng lời trên tuy quá đáng, nhưng trong hoàn-cảnh khó-khăn lúc này, chúng tôi rất mong-mỏi sự khuyến-khích tương-tự để dù “độc-hành” cũng can-đảm tiến bước.
Được gọi là tập tài-liệu vì sách chứa đựng các bài viết rời-rạc chưa nối-kết lại với nhau, như những nguyên liệu còn riêng rẽ trước khi được tổng hợp thành sản phẩm. Ngoài ra, trên nhiều phương-diện, cuốn sách chưa được tiêu-chuẩn và hệ thống hóa nên đương-nhiên còn nhiều sai-lầm cần sửa đổi. Hy-vọng cuốn sách ra đời nối tiếp sẽ được cải-tiến nhiều hơn.
Phương chi đây chỉ là cuốn sách khởi đầu, giới-thiệu cho một dự-án khá lớn. Chúng tôi đang làm việc để hy vọng hoàn-tất một tác-phẩm song-ngữ Việt-Anh có tính hải-sử lớn lao hơn trong tương-lai, nhan-đề “Hải-Chiến Hoàng-Sa”. Dự án có thể được viên mãn hay không còn tùy thuộc nhiều vào sự tiếp tay của độc giả. "Một cây làm chẳng nên non …"
Như đã nói ở trên, dù lạc quan đến đâu, chúng tôi vẫn không thể hy vọng cuốn sách sẽ không có ít đoạn sai nhầm hoặc nhiều chỗ tối nghĩa. Nhưng chúng tôi tin rằng tập tài liệu này đủ rõ-ràng và chính-xác để bổ túc cho những bài viết về Hải-Chiến Hoàng-Sa trước đây...
Để trả lời một câu hỏi thua hay thắng ở Hoàng-Sa, Tư-lệnh Hải-quân Vùng 1 Duyên-hải (V1ZH hay V1DH) là Phó Đề-Đốc Hồ-Văn Kỳ-Thoại đã trả lời như sau: “về quân sự, Hải-Quân Việt-Nam đã thắng trận hải chiến nhưng thất bại trong nhiệm vụ tái chiếm Hoàng-Sa”. [3] Chúng tôi nhận chân sự thật: Hoàng-Sa đã mất. Nhiệm-vụ bảo-vệ Hoàng-Sa không chu-toàn. Việt Nam đã thua và mất đảo cũng như hải-phận cho Trung-Cộng. Bài học lịch-sử này đắt giá quá, chúng ta phải phải xem xét lại rút ưu, khuyết-điểm… Phải học…
Viết về chuyện này 20 năm sau (tức 1994), đặc biệt suy-tư về sự yên-lặng của ‘lương-tâm” Hà nội vào năm 1974, một bình luận gia nổi tiếng của tờ Far Eastern Economic Review, ông Frank Ching trong số ra ngày 10-2-1994 đã có nhận định như sau: "Thuở ấy, Hà nội thường thích mô tả các viên chức của miền Nam như là những tay sai của Mỹ đã bán đứng những quyền lợi của dân tộc Việt Nam. Nhưng cũng ngay từ đó, những lời cáo buộc ấy đã không nhất thiết đứng vững. Giờ đây, 20 năm sau, thật rõ ràng là đã có những lúc chính quyền Sài gòn thực sự đại diện cho quyền lợi của Việt Nam một cách ngoan cường hơn là chính quyền Hà nội."
Chúng tôi viết sách về chuyện Hoàng-Sa này sau 30 năm của biến-cố (tức 2004) chỉ vì lý-tưởng quốc-gia dân-tộc đè nặng tâm-trí, khả-năng không có nhưng rất nhiều cố-gắng. Xin quý-vị độc-giả niệm tình, rộng lượng tha-thứ.
Cẩn bút,
Vũ Hữu San, California
Trần Đỗ Cẩm, Texas
Tháng 1/2004
Giới-thiệu dự-án “Hải-Chiến Hoàng-Sa”
Một cột mốc nhỏ trên chặng đường dài Hải-Sử
Cuốn sách nhỏ “Tài-liệu Hải-Chiến Hoàng-Sa” có tính-cách sử-liệu này ra mắt trong dịp lễ Giỗ Trận Hoàng-Sa 30 năm vào ngày 19-1-2004.
Đây là cuốn sách khởi đầu cho một dự-án khá lớn. Chúng tôi đang làm việc để hoàn-tất một tác-phẩm song-ngữ Việt-Anh có tính hải-sử lớn lao hơn trong tương-lai, nhan-đề “Hải-Chiến Hoàng-Sa”.
Kính mời Quý-Vị theo dõi loạt bài này và sẵn lòng yểm-trợ chúng tôi hoàn-tất dự-án. Chân-thành cảm-tạ.
* * * *
Trận hải chiến giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Hải Quân Trung Cộng (TC) tại quần đảo Hoàng Sa đã xảy ra cách đây đã tròn 30 năm, vào ngày 19 tháng 1 năm 1974. Dư âm của trận đánh vẫn còn vang vọng với nhiều hậu quả quan trọng. Ðây là lần đầu tiên từ đời nhà Trần vào thế kỷ 13, thủy quân Việt-Nam và Trung-Hoa lại đụng độ nhau ác-liệt[4]. Nếu những trận thủy chiến ngày xưa tại cửa biển Hàm Tử, Vân Ðồn, Chương Dương v.v... và sông Bạch Ðằng đã chấm dứt giấc mộng xâm lăng của kẻ thù phương Bắc, thì trận hải chiến thời nay[5] đã không kết thúc mà lại mở đầu cho những diễn biến liên quan mật thiết đến tương lai của Việt Nam cũng như có thể làm thay đổi tình hình tại vùng Ðông Nam Á và ảnh hưởng tới cục diện toàn cầu.
Trong suốt thời gian 30 năm qua, phía VNCH đã có nhiều bài viết khả tín liên quan tới trận đánh, đa số của các cựu quân nhân Hải Quân đã trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan. Cũng đã có lắm nỗ lực nhằm tường-thuật lại trận hải chiến, nhưng tựu chung, vẫn còn nhiều chi tiết thiếu chính xác và nghi vấn chưa được giải đáp về biến cố quan trọng này. Ðiển hình trong thời gian gần đây, Tổng Hội Hải Quân và Hàng Hải VNCH (THHQ/HH/VNCH) tại Hoa Kỳ đã tích cực thu thập tài liệu với thiện chí hoàn thành tập Hải Sử Hoàng Sa. Chúng tôi rất hy vọng và ước mong việc làm cần thiết, đáng ca ngợi này sớm đạt được thành quả cụ thể để thế hệ mai sau và các sử gia trên thế giới có tập tài liệu xứng đáng, đúng tiêu chuẩn sử quan về Hoàng Sa, giúp ích cho việc nghiên cứu sau này. Trong khi chờ đợi cuốn hải sử chính thức về Hoàng Sa được phát hành, thiết tưởng mỗi cá nhân, đoàn thể tùy theo khả năng và hoàn cảnh cũng nên đóng góp kiến thức, tiếp tay với THHQ/HH/VNCH trong việc thực hiện Hải Sử để sự hy sinh và tinh thần chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ Hải Quân VNCH không bị mai một. Việc làm của chúng tôi cũng không ngoài mục đích cộng tác với THHQ/HH/VNCH cung-cấp thêm một số sử-liệu chính-xác để lại cho các Sử-gia thế-hệ mai sau.
Chúng ta đều biết một trong những trở ngại chính cho việc biên khảo về biến cố xảy ra trong quá khứ là vấn đề sưu tầm tài liệu. Muốn bài viết được tương đối khách quan và phản ảnh phần nào sự thật, cần nghiên cứu và đối chiếu nhận xét cũng như nhãn quan của các phe liên hệ qua những sách vở, phúc trình chính thức, đồng thời phỏng vấn những nhân chứng. Khi biên khảo về Hoàng Sa, khó khăn càng thêm chồng chất vì tài liệu chính thức hầu như không có.[6]
Hiện nay tại hải ngoại, ngoài các bài viết đa số thuộc loại hồi ký của phía VNCH, chúng ta hầu như không còn tài liệu nào của Hải Quân ghi lại trận đánh lịch sử này. Rất tiếc, ký ức là năng khiếu đầu tiên phai mờ cùng thời gian. Hơn nữa, một cá nhân dù là cấp chỉ huy vẫn không thể có tầm nhìn bao quát toàn sự kiện, phần lớn chỉ biết được phạm vi trách nhiệm cũng như tầm nhìn từ vị trí của mình, nên có viết lại được trung thực cũng khó giúp người đọc thấu triệt mọi diễn tiến. Ðó là chưa kể yếu tố tâm lý chủ quan, hoặc áp lực tránh đụng chạm cũng đưa đến nhiều nhận xét có phần thiên lệch, tránh né sự thật.
Về phía Trung Cộng, do khái niệm Tự Do Ngôn Luận thường thiếu được tôn trọng trong chế độ Cộng Sản, các tài liệu chính thức về Hải-Chiến Hoàng-Sa đã chỉ được công bố một cách ngắn ngủi và nặng tuyên-truyền trên các tờ báo như Beijing Reviews, China Quarterly... Tuy nhiên trong thời gian gần đây, nhờ chính sách "cởi trói" tại Hoa Lục và những tiến bộ vượt bực của mạng lưới toàn cầu Internet, chúng tôi đã tìm được một số bài viết cũng thuộc loại hồi ký của những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới trận đánh cùng một số phúc trình bán chính thức của TC như các chiến hạm tham chiến, danh sách cấp chỉ huy, báo cáo thiệt hại v.v... Nếu loại bỏ quan điểm chủ quan đôi khi quá khích thường thấy của những cán bộ Cộng Sản và khía cạnh tuyên truyền cố hữu, chúng ta có thể gạn lọc được một số chi tiết hữu dụng. Ðặc-biệt, các phần vận-chuyển chiến-hạm và xạ-kích hải-pháo mà đôi bên trao đổi nhau, nhờ các tài-liệu này, được nhìn ra rõ ràng hơn.[7]
Riêng phần Hoa Kỳ, sau nhiều lần tiếp xúc với các cơ quan Quân Sử, những Cựu HQVN đều được trả lời là HQHK không hề có một tài liệu nào liên quan tới Hoàng Sa. Ðây là điều khó tin vì trong thời điểm xảy ra trận đánh, Hạm Ðội 7 của Hải Quân Hoa Kỳ vẫn còn nhiều chiến hạm hoạt động trong vùng Biển Ðông ngoài khơi Việt Nam, rất gần Ðảo Hải Nam và Hoàng Sa. Chỉ với các chiến hạm "bình phong" phòng không và phòng thủy tiêu chuẩn của một Hải Ðoàn Mẫu Hạm, họ đã có khả năng kiểm soát không phận và hải phận vịnh Bắc Việt, đó là chưa kể các vệ tinh và phi cơ không thám thường trực bao vùng. Chắc chắn mọi di chuyển dù nhỏ trên không cũng như dưới biển đều không thể lọt qua được màng lưới trinh sát của họ. Vì vậy, sự im lặng khó hiểu của các giới quân sự Hoa Kỳ về một biến cố quan trọng xảy ra ngay trong vùng hoạt-động của họ chỉ có thể giải thích bằng quan điểm chưa muốn công bố sự thật về những sắp xếp có sẵn giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Tưởng cũng nên nói một số báo chí Hoa Kỳ tuy không cung cấp được những chi tiết chính xác về trận hải chiến, nhưng cũng đã loan tin một số chiến hạm Hoa Kỳ hiện diện trong vùng lúc xảy ra trận đánh, dù hải quân Hoa Kỳ vẫn không xác nhận.[8]
Ý thức được tầm quan trọng của trận hải chiến Hoàng Sa trong lịch-sử cũng như về mặt chiến lược, chiến thuật cùng những hệ quả của nó, chúng tôi cố gắng đóng góp một số bài viết căn bản với hoài bão giúp độc giả có một tầm nhìn khách quan tương đối trung thực về những sự kiện đã xảy ra cũng như những hậu quả liên quan tới trận hải chiến. Ðể đạt tới mục tiêu này, chúng tôi đã căn cứ vào những tài liệu cụ thể hiện có, thu thập thêm những dữ kiện liên quan về phía Trung Cộng cũng như Hoa Kỳ và phỏng vấn những nhân chứng. Tất cả những chất liệu thâu thập sau đó được phân tích, kiểm chứng rồi tổng hợp qua một quá trình nghiên cứu tỷ mỷ để hy vọng đạt được mục đích trung thực và khách quan càng nhiều càng tốt trong hoàn cảnh khó khăn vì thiếu thốn phương tiện cũng như tài liệu hiện nay.
Chúng tôi chọn thời điểm này vì thiết tưởng với thời gian 30 năm đã qua kể từ ngày xảy ra trận hải chiến, mọi xúc động ban đầu đã phần nào lắng đọng nhưng trí nhớ con người vẫn còn đủ minh mẫn để gợi lại những diễn biến mấu chốt. Hơn nữa, những chứng nhân chính, ngoài Hải Ðội Trưởng Hà Văn Ngạc đã khuất núi, trở lại với Hoàng Sa cùng Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 [9], vẫn còn nhiều cấp chỉ huy có thẩm quyền, cũng như Sĩ Quan (SQ), Hạ Sĩ Quan (HSQ) và Đoàn viên (ĐV) khác còn sống có thể mô tả khá trung thực những chi tiết về trận hải chiến. Một yếu tố nữa khiến các bài viết có thể giữ được yếu tố khách quan vì áp lực theo hệ thống quân giai từ các giới chức thẩm quyền đã ngưng tồn tại, cũng như yếu tố "tuyên truyền" không còn cần thiết.
Ngoài ra, khi nhắc tới quyết tâm của các chiến sĩ Hải Quân VNCH trong nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ tại Hoàng Sa, chúng ta không khỏi liên tưởng đến bức công hàm tai-hại của Ông Phạm Văn Ðồng[10]. So sánh tinh thần chiến đấu anh dũng, dù trong hoàn cảnh khó khăn "lưỡng đầu thọ địch" của các chiến sĩ Việt-Nam Cộng-Hòa với thái độ tắc trách trên, chúng ta thấy rõ đâu là chính nghĩa cao-cả bảo vệ quốc gia.
Giống như một trong những điểm xác định vị trí của chiến hạm trên hải đồ trong cuộc hành trình dài, tập “Tài-liệu Hải-chiến Hoàng-Sa” này chỉ là một "kiểm điểm" (checkpoint) đánh dấu cột mốc nhỏ của dự án về Hải-Chiến Hoàng Sa mà mục tiêu tối hậu là một tập tài liệu trung thực, khách quan và khả tín được ấn hành bằng song ngữ Việt-Anh với nhiều phụ bản, hình ảnh, phóng đồ v.v... để các thế hệ mai sau cũng như các sử gia trên thế giới có thể dùng làm tài liệu tham khảo. Mục đích trên có thể đạt được hay không còn tùy thuộc vào yếu tố thời gian, hoàn cảnh cũng như phương tiện cho phép.
Trước đây, các chiến hạm HQVNCH đã lướt sóng trực chỉ Hoàng Sa để đương đầu với quân xâm lăng mạnh hơn nhiều lần, thành công hay thất bại không phải là yếu tố chính vì còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện khách quan cũng như chủ quan. Tinh thần phục vụ, ý chí quyết chiến để bảo vệ lãnh hải mới là điều quan trọng. Tương tự, ý định hoàn tất tác phẩm đầy đủ về trận hải chiến Hoàng Sa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và chưa chắc sẽ được hoàn thành viên mãn, nhưng với ý chí và quyết tâm của nhóm biên tập, cộng thêm sự trợ giúp quí báu của những người có tâm huyết còn nặng lòng với sự nghiệp tiền nhân, chúng tôi hy vọng sẽ đạt được ít nhiều kết quả mong muốn nào đó.
Trân trọng,
Chủ-biên: Vũ Hữu San & Trần Ðỗ Cẩm
Thư-viện bồ-đề online @ Trúc-Lâm Yên-Tử
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử