Chai bia ngỡ ngàng trong đêm Giáng sinh
Nguyễn Liệu
Giáng sinh năm 83 tôi mới ra tù trước đó 7 tháng. Tôi phải ngụy trang một ông già nhà quê lôi thôi lếch thếch sống ở Sài gòn. Bà con anh em đều khuyên tôi nên ẩn trong nhà, đừng ra ngoài nguy hiểm, nếu bị bắt lại thì vô phương cứu chữa. Lời khuyên quí thật nhưng tôi không thực hiện được. Vì mấy năm trong tù rồi, bây giờ tiếp tục tù nữa chăng. Nếu cứ ẩn núp trong nhà thì có khác gì ở tù, nên tôi tìm cách có được tự do chừng nào hay chừng nấy. Ngụy trang một ông già lẩm cẩm, dơ dáy, dốt nát, là một vai dễ đóng và tôi đã thủ vai này rất thành công.
Tuy vậy không đêm nào ngủ yên vì chó sũa là mẹ tôi hối hả sợ hãi gọi tôi dậy. Và lật đật ra đám rau muống của bà cụ bên nhà nằm núp, khi biết không có chuyện gì, tôi mới vào ngủ lại. Thì ra mẹ tôi thức suốt đêm canh cho tôi ngủ.
- Đêm nay họ đi đông lắm, đi từ lúc mặt trời lặn con không nên đi đêm nay vì rất dễ gặp người biết mặt con thì nguy cho con. Mẹ tôi nghiêm nét mặt bảo tôi như thế và bà có vẻ hốt hoảng lo sợ cho tôi.
- Không sao mẹ, con đi chút chút gần đây thôi, rồi con về mẹ đừng lo, đêm nay đêm Giáng sinh người ta nô nức đi xem không ai để ý đến con đâu.
- Mẹ tôi im lặng, buồn, biết tôi không nghe lời khuyên bảo của bà.
Anh Tư Rau Má nói với tôi:
- Anh xuống ngã 5 Sai gòn, nơi bến xe Tây ninh khi xưa thì anh gặp em vì đêm Noel em bán bia nhậu ở đó
- Đầu đường Phan văn Hùm, Võ Tánh, Lê văn Duyệt chứ gì. Ngày xưa có lúc tôi ở ngay đó.
- Đúng anh gắng đến trong đêm Giáng sinh nhé.
- Cảm ơn anh tôi đến nếu lúc đó tôi còn tự do. Tôi hài hước chua chát như vậy.
Anh Tư Rau Má là người bạn trẻ của tôi sau khi tôi ra tù. Hà nguyên Thạch, người thi sĩ bạn của tôi lúc đó giới thiệu anh Tư Rau Má. Anh cũng biết làm thơ biết viết văn, và vì anh bán nước sinh tố rau má ban ngày, ban đêm bán bia nhậu, nên anh có biệt danh Tư Rau Má. Anh thường đến thăm tôi và thường cho con tôi bánh kẹo, nên các con tôi đều biết chú Tư Rau Má.
Mẹ tôi rất lo ngại :
Mấy người bạn cũ còn lại của con thì không nói làm gì, nhưng mẹ thấy những ông bạn mới của con mẹ ngại quá, biết đâu họ đặt người theo dõi con thì sao.
- Không đâu mẹ những anh này tốt lắm. Con có làm gì đâu mà sợ người ta theo dõi. Hơn nữa, trong lúc mọi người kể cả người thân không dám gặp con mà anh Tư Rau Má đến thăm con là quí lắm, anh là người tốt đó, mẹ đừng lo.
Đêm Giáng sinh năm nay được ra tù, được tự do, tôi nhớ lại cái không khí uống rượu ngày xưa, ngày chưa vào tù. Nói uống rượu không bao giờ tôi quên những đêm “ tắm rượu” ở Quảng Ngãi Nghĩa Thục. Trên một trăm giáo sư, qua một đêm tắm rượu, ít nhất hơn một phần ba nằm tại chỗ, sáng hôm sau tỉnh rượu mới về nhà. Tửu lượng là điều tôi rất tự hào, cũng tự phong cho mình, và bạn bè làm chứng, là một tay cao thủ của giới tửu đồ. Dù ra tù về lại Sài gòn, trốn tránh tá túc, nhưng chưa có bữa nào uống một bữa rượu cho đã.
- Con đừng uống say sưa rồi nói bậy bạ hại cho con đấy.
- Bây giờ làm gì có rượu uống mà mẹ lo.
Tôi biết mẹ tôi cũng rất khổ vì sự uống rượu của tôi và bè bạn, nhất là lúc tôi đang sống bất hợp pháp tại Sài gòn.
Mấy đứa cháu trong họ cho tôi biết vài năm nay tới ngày Giáng sinh người ta đi đông lắm dù nhà thờ chưa dám công khai trang hoàng làm lễ. Rồi nó giải thích có lẽ vì lâu nay không có dịp để đi chơi nhân đêm Giáng Sinh họ đi cho thỏa mãn, dù họ không theo đạo Chúa, dù họ không ghé nhà thờ.
Người đi đông quá nhất là nhiều đường bị cấm đi, cảnh sát rất đông và có vẻ đằng đằng sát khí, làm cho đoàn người chen lấn chật chội. Thì ra đêm Giáng sinh chỉ được đi những đường nào cảnh sát cho phép. Qua vài cái nhà thờ tôi thấy bên trong vẫn tối thui thui, có lẽ không khác những đêm thường. Tôi bị cuốn hút theo đoàn người cũng không biết đi về đâu. Qua nhà thờ Cầu kho nhà thờ Phát Diệm, nơi tôi quen thuộc, vẫn không đèn, không ánh sáng. Tôi không định nhưng giòng người đưa tôi tới nhà thờ Đức Bà, nhà thờ lớn nhất ở Sài gòn. Tại khu vực này người đông quá phải chen lấn mới có lối đi. Trong đám đông không đèn lửa không ánh sáng. Rải rác những người cùi nằm ngay lối đi ăn xin, nếu vô ý có thể dẫm đạp lên thân thể lở lói của họ. Nhà thờ Đức Bà không trang hoàng nhưng có đèn le lói bên trong. Cổng chính vào nhà thờ còn khép kín. Nghe người ta nói đúng 12 giờ khuya cửa mới mở, và làm lễ chừng 30 phút. Người đi đông quá chen lấn tấp nập, đi để mà đi, không có chủ đích.
Đích tới của tôi là ngã Năm Sài gòn là bến xe Tây ninh cũ, là gần nhà ga xe lửa, chứ không phải nơi nhà thờ Đức Bà. Nếu ngoan ngoản đi theo những đường được phép đi, thì tôi phải giạt ra bến tàu, bến Bạch Đằng để về lại nơi tôi ở bên kia cầu chữ Y. Đi bộ từ 7 giờ tối đến gần 11 giờ, tôi chưa đến được chỗ anh Tư Rau Má. Tôi phân vân, nên về hay liều lĩnh xé rào đi đến ngã Năm. Đi về thì cũng mất 3 giờ đi bộ nữa, đến ngã Năm thì chừng một giờ nhưng phải đi đường cấm, rủi bị cảnh sát hỏi giấy thì xem như tự nguyện trình diện vào tù. Về thì an toàn, thì khôn ngoan, nhưng mất một bữa nhậu khát khao 8 năm nay. Thật sự tôi phân vân. Nhưng tôi lại nghĩ mình đang đóng vai ông già lẩm cẩm luộm thuộm, điếc lác, dốt nát, thì sợ cái gì mà không bước đại vào đường cấm mà đi.
Tôi rẽ mạnh vào con đường cấm, hướng về ngã Năm. Đường vắng quá, nhưng cũng có những người âm thầm đi dưới bóng cây như người ở ngay đâu đó. Lính cảnh sát qua lại giữ an ninh trật tự. Đám con nít vừa đi vừa nói chuyện ồn ào tôi nhập vào chúng, đi theo chúng, nhưng đề phòng nếu bị chận hỏi thì tôi lách vào hẽm như nhà ở đó.
Khu ngã Năm đông người chen chúc. Thì ra khu anh Tư Rau Má không bị cấm. Khu bán lộ thiên này rộng lớn quá. Rất nhiều bàn không còn ghế ngồi. Khách ăn uống đêm nay dồn lên đây rất đông vì những khu khác bị cấm.
Anh Tư Rau Má thấy tôi mừng rỡ :
- Em tưởng anh tới không được vì đường bị chận quá nhiều.
- Hứa với chú tôi phải gắng đi đại trên con đường cấm, nếu không thì phải về thôi. Đi từ 7 giờ bây giờ gần 12 giờ rồi.
Hết chỗ ngồi, anh đưa tôi đến cái bàn dành cho gia đình anh. Anh dẹp mấy đồ lặt vặt trên bàn lấy cho tôi 1 chai bia ba ba và cái ly đầy đá.
- Mời anh uống, em phải đi vòng vòng canh chừng và thâu tiền, đêm nay đông quá sợ không kiểm soát được. Vợ em đang đi thu tiền từng bàn, còn hai đứa con em đang ở xe hủ- tiếu kia. Anh đưa tay chỉ như giới thiệu với tôi.
Rót chai bia vào cái ly có đá, nước bia vàng óng sủi bọt tràn, tôi hớp vội một miếng đầy bọt sợ bia tràn ra ngoài ly. Lâu lắm rồi tôi mới có động tác lý thú này. Đi bộ mấy tiếng đồng hồ, hớp bia thấm xuống cổ, xuống cơ thể, đi đến đâu mát thơm đến đó. Hớp một hớp thứ hai hết phần ba ly, tôi quấn điếu thuốc hút, nhưng anh Tư đưa tôi điếu thuốc ba con 5. Rít vài hơi thuốc lá thơm, thêm ngụm bia, tôi hoàn toàn lấy lại cảm giác uống bia ngày xưa.
Khách vào tấp nập không chỗ ngồi. Vợ anh Tư và anh vội vã đi thu tiền để khách ra về chừa chỗ cho khách mới.
Anh Tư Rau Má nghiêng vào tai tôi nói nho nhỏ, vợ em sắp đến bàn, anh đưa số tiền này cho nó. Đặt vài tờ giấy bạc bên cạnh ly của tôi, rồi anh vội vã rời bàn.
Tôi ngỡ ngàng đứng dậy :
- Dạ tiền đây chị
- Cảm ơn anh. Chị nhìn trên mặt bàn xem thử còn gì nữa không.
Tôi dơ cao tay chào anh Tư Rau Má, hình như anh không thấy tôi chào ra về.
Nguyễn Liệu ( Mùa Giáng Sinh 2010 )