Hướng dẫn thêm về Biểu tình kiên định ôn hòa
SỨC MẠNH LUÔN TẤT THẮNG
CỦA BIỂU TÌNH ÔN HÒA BẤT BẠO ĐỘNG TOÀN DIỆN
1, 2
Lm TNLT Nguyễn Văn Lý - Huế 20-1-2011
1. Biểu tình là gì ? Là biểu tỏ một điều chính đáng nào đó mà 1 người hoặc nhiều người muốn buộc đối tượng phải lựa chọn : a)- Hoặc lắng nghe, thấu hiểu và nghiêm túc giải quyết điều khẩn thiết ấy; b)- Hoặc phải chịu thua thiệt, mất uy tín, và có thể mất tất cả, vì đối tượng cố chấp sa lì trong sai lầm hoặc tội ác, quyết tâm lãng tránh không muốn nghe qua những lối diễn đạt thông thường, khiến người/nhóm người muốn biểu tỏ phải tiêu tốn nhiều sức lực, thời giờ, tài sản, có khi cả danh dự mà rất khó đạt được hiệu quả dù đã kéo dài đến 20-30-40-50 năm hoặc lâu hơn. Trong sinh hoạt giáo dục, tôn giáo, xã hội, chính trị… biểu tình thường là do một giới quần chúng nào đó muốn bày tỏ một/nhiều nguyện vọng, một/nhiều yêu cầu, một/nhiều đòi hỏi nào đó buộc các thẩm quyền liên quan phải nghiêm túc giải quyết.
2. Đấu tranh hay Biểu tình Ôn hòa Bất bạo động là gì ? Là lặp đi lặp lại bất cứ hình thức nào để biểu tỏ một cách kiên định, ôn hòa cho đến khi đạt hiệu quả, thông qua lời nói, tiếng hát, biểu ngữ, cầu nguyện, Lễ nghi Tôn giáo, mệt nhọc, khổ hạnh, đói khát, nhịn ăn, nhịn uống, mồ hôi, nước mắt, bệnh tật, xương máu, sinh mạng của một/nhiều người, nhưng kiềm chế tuyệt đối không dùng đến bất cứ một loại vũ khí, hung khí nào có thể gây thương tích thể xác hoặc sát thương bất cứ đối tượng nào, kể cả gây tổn thương qua các hình thức ngôn ngữ thông thường. Nơi người Chiến sĩ Dân chủ Hòa bình (NCSDCHB), mọi hình thức đấu tranh đều là biểu tình và mọi hình thức biểu tình đều là đấu tranh. Đấu tranh tạo áp lực cao nhất và hiệu quả hòa bình vững bền nhất là Đấu tranh/Biểu tình ôn hòa bất bạo động toàn diện (ĐT/BTÔHBBĐTD) của cá nhân, nhất là của tập thể.
3. Đấu tranh/Biểu tình Ôn hòa Bất bạo động Toàn diện là gì ? Cần xác tín một chân lý ngàn đời rằng : Việc giáo dục và chuyển đổi tâm hồn con người là kỳ công của riêng chính Thượng Đế, con người không thể làm được, do đó, trong đấu tranh, NCSDCHB hằng ngày phải luôn thiền định - cầu nguyện cho đối phương và đồng đội cùng nhau thăng tiến và thăng hoa vươn lên Chân-Thiện-Mỹ, nhờ đó biết luôn đấu tranh trong cao thượng, ung dung, ôn hòa cả trong ngôn ngữ: không la hét, mắng chửi, nguyền rủa, mạ lỵ, xúc phạm đối phương. NCSDCHB chân chính phải loại trừ mọi mầm mống phẩn uất, căm ghét, hận thù, muốn báo oán, trả đũa ra khỏi tâm trí mình, mới đủ sức mạnh cần thiết để đấu tranh cho Sự thật, Công lý, Tình thương, Tự do, Nhân phẩm, Nhân quyền, Dân chủ, Đa nguyên, Văn hóa, Văn minh, Đạo đức quân bình, lành mạnh, trong sáng và chân chính. Lòng căm ghét, hận thù sẽ làm NCSDCHB yếu đuối và không thể cảm hóa được đối phương, rất khó gia tăng bạn hữu đồng đội. Dù rất mực kiên định và quyết liệt đấu tranh bền bỉ không khoan nhượng, NCSDCHB chân chính trong suốt quá trình sử dụng ĐT/BTÔHBBĐTD chỉ có 2 thái độ mà thôi : CẢM PHỤC những ai đạo đức, anh hùng và CẢM THÔNG tất cả những ai sai lầm và tội lỗi. Không nên có và không được có thái độ thứ 3 nào khác nữa. Chỉ sai lạc và nguy hại mà thôi. Hại cho mình và hại cho đời. NCSDCHB phải biết chấp nhận mọi thiệt thòi, hi sinh mất mát của bản thân/gia đình/tổ chức để khôn ngoan phân hóa, cô lập các phần tử cực đoan gian ác và thu phục các thành phần phục thiện của đối phương.
HÃY TRAO MỌI NGƯỜI TẤT CẢ LỢI LẠC, VÀ NHẬN VÀO MÌNH MỌI THIỆT THÒI (Thiền Tây Tạng, Tạng Thư Sống Chết).
4. Vũ khí ĐT/BTÔHBBĐTD là gì ? Bất cứ điều gì trung thực, ôn hòa và nhân ái nơi bản thân NCSDCHB cũng là vũ khí hoặc được biến thành vũ khí, luôn làm đối phương bị động, lúng túng, run sợ và bất lực : lời nói, thơ văn, lời ca, tiếng hát, biểu ngữ, im lặng, điệu bộ, cười, khóc, ánh mắt, đột quỵ, nhà tù, chay tịnh, tuyệt thực, bệnh tật, bị thương, khước từ điều trị,… và tột đỉnh là cái chết. Cho đến nỗi, thường cái chết của một lãnh đạo phong trào luôn kéo theo sự chấm dứt cả một chế độ hay một chính sách : Mahatma Mohandas Karamchand Gandhi ở Ấn Độ (1948), Mục sư Matin Luther King ở Mỹ (1968), Linh mục Zerzy Piepoluszko ở Ba Lan (1984)…
Nếu người lãnh đạo phong trào chưa vững tin vào hiệu quả tuyệt đối và tất yếu của ĐT/BTÔHBBĐTD, thành phần tham gia có những tham vọng riêng, hoặc ảo tưởng nôn nóng vượt quá năng lực mình, hoặc thích mạo hiểm phiêu lưu theo cá tính, hoặc cố chấp theo định kiến xơ cứng lỗi thời, hoặc thiếu kiềm chế trước cám dỗ nông cạn của bạo động, hoặc thiếu kiên nhẫn do đợi chờ quá mõi mệt lâu ngày, hoặc đám đông tham gia chưa thấm nhuần sức mạnh chân chính của ĐT/BTÔHBBĐTD, thì luôn phát sinh 1 trong 3 hậu quả :
4.1. không thể hoặc rất khó thành công (bất bạo động nửa vời, pha trộn quá nhiều bạo động, dù chỉ là bạo động trong lời nói : hằn học, chua cay, độc ngôn, đâm chọc, cường điệu, mỉa mai, thô tục);
4.2. thành công với nhiều đổ vỡ phải tốn nhiều công sức hàn gắn sửa chữa (không bất bạo động tuyệt đối và toàn diện);
4.3. được xem là thành công tạm bợ hời hời bề ngoài trước mắt, không phải thành công chân chính thật sự, nên không thể ổn định vững bền, chắc chắn phát sinh những bất công, sai lầm, gian trá và các tội ác mới, vì liều lĩnh lấy sai lầm này chữa trị sai lầm kia, lấy tội ác mới lớn và nhiều hơn thay cho tội ác cũ, với cường độ gấp nhiều lần, rồi lấy tuyên truyền mà bịp lừa và bít lấp bằng thủ đoạn nuôi dưỡng sự sợ hãi và gian trá (phong trào CS quốc tế,…).
Cần phải dứt khoát khẳng định và xác tín : Chỉ có ĐT/BTÔHBBĐTD luôn dẫn đến thành công vững bền, không đổ vỡ, trong khoan dung, đạo đức, trung thực, nhân ái, công lý, thăng tiến, thăng hoa, văn hóa, văn minh, hòa bình mà thôi. Không có con đường nào khác, không những cho Việt Nam mà còn cho cả hoàn cầu. "Khi phê phán đối phương, chỉ nên phê phán đến 80% tội lỗi của đối phương thôi, chừa lại 20% cho bức xúc, để nếu do bức xúc mà cuồng nộ lên, thì cũng không vượt quá sự thật, tránh gây bất công cho đối phương" (Mahatma Gandhi). Một sự thật, lẽ phải được nêu lên trong căm thù uất hận thì không còn là sự thật nguyên vẹn nữa, dễ bị méo mó mờ đục, lại phản cảm biến thành sự dối trá - bất công mới.
Sẽ có một số người ham mê bạo lực và chạy theo thành công nông cạn, xuyên tạc rằng đây chi là con đường và phương pháp đấu tranh cuội, do CS mớm cho, cốt để CS tiếp tục cai trị lâu dài. Chúng ta tỉnh táo không nghe theo lập luận thiếu nền tảng đạo đức đó, quyết tâm đấu tranh cho một Việt Nam thật sự đạo đức, thăng tiến và hòa bình vững bền, chứ không chỉ là bạo lực thay cho bạo lực, gián ác thay cho gian ác, hận thù thay cho hận thù, mê lầm thay cho mê lầm, chìm đắm trong lẩn quẩn. Phải thay chế độ CS bằng một chế độ tốt hơn về mọi mặt.
5. Thời gian & Địa điểm : Bất cứ lúc nào, nơi đâu. Không cần kéo đi xa, không cần về thành phố lớn (tốn kém, dễ bị tổn thất không/chưa cần thiết). Không cần xảy ra trước cơ quan bạo quyền (thách đố quá mức cần thiết). Chỉ cần xảy ra thật đâu đó, là có tiếng vang, là đã được nói lên cho những ai cần nghe biết rồi, nhất là suốt năm 2011 này, và nếu cần thì kéo dài qua 2012-2013…
6. Cách thức : 6.1. Cá nhân : Làm bất cứ gì cho đối phương hiểu điều mình muốn nói là đủ (có các biểu ngữ nói lên mục đích muốn nói, cầm ở tay, mang trước ngục/sau lưng… thì tốt hơn).
6.2. Tập thể : Sau Lễ nghi Tôn giáo tại một ngôi Chùa, Thánh Thất, Nhà Thờ, Tín đồ đã sẵn ở các nơi đó; hoặc sau một lớp học/thi các giáo viên/giảng viên học sinh/sinh viên đã sẵn; hoặc sau một lớp học/huấn luyện/tập huấn/hội họp các học viên/bộ đội/công an/nông dân/công nhân đã sẵn; sau phiên chợ, sau một ca lao động, các tiểu thương/đại lý/lái xe-tàu đã sẵn, … tự động kéo nhau đến bất cứ một chỗ nào đó, hát Ca Khúc/Thánh Ca…, đưa cao Biểu ngữ… Nếu có điều kiện thì làm biểu ngữ lớn-dài. Nếu không thì chỉ cần 1 tờ giấy đưa cao cho người khác thấy là đủ. Hô khẩu hiệu cách ôn hòa, trật tự. Tất cả những hình thức trên chỉ cần kéo dài trong 5-10-20-30… phút là đã làm những cuộc biểu tình thành công rồi, trong giản dị, tiết kiệm về thời gian, sức lực, tiền bạc,… rất dễ thực hiện cho mọi thành phần xã hội, bất cứ lúc nào và nơi đâu. Hoặc thân nhân, xóm làng trong một cuộc Dân oan/đơn vị Tôn giáo đòi lại nhà đất bị cưỡng chiếm, trong một phiên tòa bất công,… có thể hình thành một cuộc biểu tình rầm rộ, chấn động. Riêng các Tôn giáo phải biết tận dụng lợi thế vô cùng uy dũng của mình : Một Bạch thư, Thư chung, một buổi Thờ tự, Thánh Lễ, Tế Đàn, một cuộc Rước Kiệu, Hành Hương, một buổi Cầu nguyện chung, dù chỉ một Lời Nguyện được xướng lên… Tất cả đều có thể trở thành một phương cách đấu tranh/biểu tình rất ôn hòa mà hiệu quả rất cao, làm cho bạo quyền hết sức run sợ và lung lay tận gốc, mà đành hoàn toàn bất lực, không sao đối phó hoặc ngăn cản được.
6.3. Cần hiểu rằng ĐT/BTÔHBBĐTD là một nghệ thuật văn hóa, tu đức, chính trị cao trên mức bình dân. Do đó, không thể có chuyện thành thạo và thành công ngay trong thời gian ngắn được, mỗi cá nhân -dù là lãnh đạo hay Dân tham gia- và tập thể đều phải kiên định tự học và rút ra những kinh nghiệm quí báu cho sự nghiệp quốc vụ chung. Một thất bại, một dang dở là một bài học quí cho các lần sau cho mọi người. Chỉ cần kiên định xác tín rằng ĐT/BTÔHBBĐTD là tất thắng, đạo đức, thăng hoa, hòa bình, văn hóa, văn minh, ổn định, vững bền, không dao động lung lay do bất cứ học thuyết hay lập luận của ai khác.
7. Vài thí dụ minh họa tiêu biểu để tham khảo thành công gì hay thất bại gì ? :
Rất nhiều người trên thế giới đã sử dụng các hình thức đấu tranh bất bạo động dẫn đến thành công hoàn toàn, hoặc mức độ trong một số lãnh vực. Chỉ nguyên ở VN gần đây đã có những cuộc đấu tranh thành công của Chùa Phước Thành (Huế), giáo xứ Sao Cát (Thừa Thiên-Huế), giáo xứ Thái Hà, Tòa Khâm Sứ (Hà Nội), đang tiến hành của giáo xứ Tuyên Quang (Tuyên Quang). Ở đây tôi chỉ ghi lại vài hành động biểu tình/đấu tranh có tính minh họa của chính tôi hoặc của Dân có tôi tham dự, để quí vị tham khảo :
7.1. Sau 1975, tất cả ruộng của Giáo xứ Đốc Sơ bị Hợp tác xã Nông nghiệp xã trưng thu hết, khoảng 2 hescta, không chừa cho Giáo xứ một sào nào (theo Nghị quyết 297, phải chừa lại cho mỗi Nhà Chùa, Nhà xứ 3-5 sào (3000-5000m2). Gần cuối năm 1978 tôi về làm Quản xứ Đốc Sơ. Một sáng CN, Thánh Lễ xong tôi bảo Giáo dân : Anh Chị Em mỗi nhà một người một cái cuốc. Hôm nay Anh Chị Em và tôi cùng nhau đi cuốc ruộng cho Giáo xứ. Họ tự chọn mấy đám ruộng gần nhất, vốn là của Giáo xứ đã bị trưng thu, khoảng 3000 m2. Tôi mặc áo đen dài linh mục, đứng trên bờ, hướng dẫn khoảng 100 giáo hữu cuốc và thu hồi xong 3000 m2 đất ruộng (vì Đốc sơ vốn là một Giáo xứ nhỏ, cộng 2 họ giáo lẻ nữa, lúc đó chỉ khoảng hơn 400 giáo hữu thôi). Cán bộ Hợp tác xã đến hỏi, tôi đáp : Ruộng này của Giáo xứ, không tự nguyện dâng hiến, chỉ bị cưỡng đoạt, nay chúng tôi chỉ lấy lại đủ 3 sào, chi phi hoa đèn Nhà Thờ. Đến nay (2011), Giáo xứ Đốc Sơ vẫn sở hữu và canh tác 3000 m2 đất ruộng ấy bình thường.
7.2. Ngày 13-8-1981, tôi cùng mệ già giúp nấu ăn và cháu Nguyễn Văn Dũng (nay đang định cư ơ Hoa Kỳ) đi hành hương La Vang từ 3 giờ sáng bằng xe khách chở cá sớm, để tránh CACS ngăn cấm người hành hương như họ vẫn thường ngăn cấm điều này từ 1975. Mặc dù năm 1980, HĐGMVN đã long trọng cùng thừa nhận La Vang là Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc của Giáo hội Công giáo VN (nay gọi là Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang, ý muốn để ngỏ rằng tuy cũng là của Giáo hội CGVN (như các tài liệu chính thức của GHCGVN vẫn thưa nhận), nhưng có tính quốc tế toàn cầu, tương tự Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Lộ Đức - Pháp, Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Fatima - Bồ Đào Nha), nhưng CSVN vẫn chỉ coi La Vang là một Giáo xứ (năm 2011 này CS vẫn gọi) như hàng vạn Giáo xứ khác ở VN, không muốn khách hành hương tự do đến đó. Năm 1981, CS cho học tập từng thôn, yêu cầu giáo dân "hành hương tại chỗ" để tiết kiệm tiền bạc, sức khỏe và thời giờ ! (?) Tôi mặc thường phục, ngồi trong góc, chỉ mong đến được La Vang để ngồi giải tội sớm cho khách hành hương tham dự Đại hội La Vang 3 năm một lần. Trên đoạn đường 60km Huế đi Quảng Trị, từ cây số 14 đến cây số 50, chúng tôi bị CA chặn 4 trạm, nói là ngăn chặn 1 bọn cướp đang tẩu thoát. Ngay tại cây số 14, tôi xuống xe, mặc áo đen dài linh mục vào, đợi trời hửng sáng, lấy sách Kinh, nguyện giờ Kinh Sáng, rồi nói to với một số Tín hữu cũng đã bị chặn lại trước hoặc sau tôi : "Anh Chị Em nào muốn đi hành hương Đức Mẹ La Vang thì đến đây "hành hương tại chỗ" với tôi. Họ không cho chúng ta đến La Vang, thì chúng ta đứng đây, hướng về Đức Mẹ La Vang, nguyện kinh cầu nguyện suốt 3 ngày đêm, khi Đại hội La Vang bế mạc, chúng ta sẽ về lại nhà." Tôi chủ sự hướng dẫn khoảng 30 Giáo hữu đứng vào lề đường, lần chuỗi Mân Côi 5 Mầu nhiệm Vui, sau 10 Kinh Kính Mừng, chúng tôi có một Lời Nguyện cầu cho các CACS đang thừa lệnh ngăn cấm chúng tôi, hát 1 Thánh Ca rồi nguyện Kinh tiếp. Sau Chuỗi Mân Côi thứ 1, họ giục chúng tôi đi nhanh lên, vì xe qua lại bắt đầu xì xào quá. Trạm thứ 2 ở gần Phò Trạch khoảng cây số 25, trạm thứ 3 ở Mỹ Chánh, cây số 40 và trạm thứ 4 ở Diên Sanh, cây số 50, ngay đoạn Đại Lộ Kinh Hoàng của Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, nơi CS đã giết hại hàng chục ngàn người Dân vô tội Quảng Trị chạy tránh bom đạn, khi CS ngăn cấm không cho Dân chạy tị nạn vào Huế. Tại 3 trạm sau, Giáo dân bị chặn càng lúc càng đông hơn, cũng Nguyện Kinh, hát Thánh Ca, cầu nguyện cho CS, Dân qua lại cũng xì xào, riêng tại Mỹ Chánh thì gần chợ nên Dân bu quanh có tới hàng trăm, CSCS cũng muốn chúng tôi đi cho rồi, nhưng không dám cắt ngang Kinh chúng tôi, mà đợi chúng tôi Nguyện Kinh xong, rồi mới giục chúng tôi đi cho nhanh… Từ trạm thứ 1, các thanh niên chở tôi bằng xe đạp, còn từ trạm thứ 4, tôi đi bộ với một số Tín hữu bị mất chỗ ngồi trên xe khách. Đường hành hương Đại hội La Vang năm 1981, hôm đó, hôm sau và hôm sau nữa được khai thông. Lần đâu tiên sau 1975, kỳ Đại hội 1981 ấy được khoảng 10.000 Tín hữu. (Từ 1998 đến nay, những kỳ Đại hội 3 năm 1 lần tương tự, có khoảng nửa triệu Tín hữu tham dự).
1, 2