lịch sử việt nam

Trang Chính

...

Biển Cả Và Con Người

...

Bưu Hoa Việt Nam

...

Dòng Thơ

...

Địa Linh Nhân Kiệt Của Việt Nam

...

Điện Toán - Tin Học

...

Hịch Tướng Sĩ

...

Hình Ảnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

...

History Of Viet Nam

...

Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam

...

Hồ Sơ Chủ Quyền Của Quốc Gia Dân Tộc Việt Nam

...

Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa

...

Nguyên Tử Của Việt Nam Và Quốc Tế

...

Tin Tức Thời Sự Việt Nam

...

Tư Tưởng Phật Giáo

...

Sitemap

...

Trang Thơ Văn nguyễn duy ân

...

Trang Thơ Văn Ông Bút

...

Trang Thơ Văn Đặng Quang Chính

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Quang Duy

...

Trang Thơ Văn Trần Văn Giang

...

Trang Thơ Văn Lu Hà

...

Trang Thơ Văn Đông Hải Nguyễn Đức Hiền

...

Trang Thơ Văn Dạ Lệ Huỳnh

...

Thư Tín

...

Weblinks:

 

Lá Thư Úc Châu

Lá Thư Úc Châu 29/06/2012

châu úc, úc đại lợi


Chúc Thân hữu luôn Thân Tâm An Lạc
Trang Thơ Nhạc cuối Tháng: Friday 29 June

Nhạc:

Chăn Vịt Ở Phương Nam
Nhạc: Châu Đình An
Thơ: Mường Mán
Giọng hát: Khánh Ly & Châu Đình An
Hoàng Lan Chi:

Nhạc Sĩ Châu Đình An có hai bài quyến rũ tôi nhất: Đêm chôn dầu vượt biểnChăn vịt ở phương Nam.

"Đêm chôn dầu vượt biển" nổi tiếng ngay từ khi mới xuất hiện và đã được hát bởi rất nhiều ca sĩ, tài tử hay chuyên nghiệp. Thúy Nga đã dàn dựng hẳn một hoạt cảnh với Như Quỳnh, rất đẹp và hay.

"Chăn vịt ở phương Nam", có lẽ chỉ có mình Nhạc Sĩ với Khánh Ly hát. Không ai hát cả.

Tôi yêu "Chăn vịt ở phương Nam" cũng ngay từ khi mới nghe. Cũng có thể Mường Mán đã có một vị trí trong tôi từ thuở sinh viên với bài thơ "Ngợi Ca Tháng Chạp".

Tháng chạp về rồi bé biết không
Cỏ nép trong cây lá vẫy mừng
Hồn anh vội vã giăng mưa bụi
Rơi xuống cho vừa lạnh nhớ nhung

Tháng chạp về rồi bé biết không
Một chút mầu xanh một chút hồng
Một chút vàng mơ và tím nhạt
Chưa giao thừa đã tết trong anh

Tháng chạp về rồi bé biết không
Guốc mới ai khua ngõ nội thành
Để cho hoa cũ vàng son cũ
Thức dậy buồn lên đỉnh phố xanh

Tháng chạp về rồi bé biết không
Anh nằm trên cỏ nghe mùa xuân
Nghe sông đổ nước xuôi ra biển
Nghe biển phụ tình quên nước sông..

Bài thơ dài cứ bắt đầu là "Tháng chạp về rồi bé biết không". Ngôn ngữ nhẹ nhàng, dễ thương. Không cao siêu mà cũng chẳng gỉan đơn. Có vẻ giống thơ Hoàng Anh Tuấn. Nghĩa là hay theo kiểu "con nhà giàu nhưng không là quý tộc".

Có lẽ những vần thơ Tháng Chạp đã lưu lại trong tôi nhiều tình cảm chăng nên nghe "Chăn vịt ở phương Nam", tôi đã thích? Không biết. Nhưng tôi cảm nhận một triết lý trong đó. Đấy là thời cộng sản đã xâm chiếm miền Nam. Sống với con người cộng sản không được, thà đi chăn vịt còn hơn.

Tôi ngỡ chỉ mình tôi thích, ai dè một anh bạn mới sau này, Nguyễn Văn Vĩnh, từ Úc cũng thích như tôi. Trước đó anh gửi cho tôi bài "Dựng Lại Mùa Xuân" vì anh thích. Sau đó anh viết, anh cũng thích bài "Chăn vịt ở phương Nam".

Cách đây vài tháng, tôi cũng thấy xao động khi nghe Duyên Hằng hát "Thơ Lệ".

Xin mời xem "Thơ phổ nhạc" để biết Nhạc Sĩ Châu Đình An đã cảm hứng với nguồn thơ ra sao. Và hãy nghe thử vài bài phổ nhạc của Châu Đình An.

Châu Đình An:

Thơ phổ nhạc

Khi nghe một bài thơ hay, cảm xúc dâng tràn, và các nốt nhạc theo từng chữ thơ bắt đầu reo ca bàng bạc, ca khúc đã bắt đầu thai nghén, hình thành.

Thơ phổ nhạc là nét đặc thù của nền tân nhạc Việt, vì có đến hàng trăm bài thơ của nhiều thi sĩ với nhiều thể dạng thơ trở thành ca khúc.
Nếu không có âm nhạc thì có lẽ, những bài thơ khó có cơ hội trở thành quen thuộc với người nghe. Từ thi sĩ tiền chiến Nguyễn Bính, Quang Dũng, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, cho đến gần đây là thi sĩ Du Tử Lê, Nguyễn Tất Nhiên, Mường Mán, Hoàng Ngọc Ẩn, Trần Vấn Lệ… và còn nhiều nữa không kể hết ra đây.

Tôi yêu thơ từ bé, lúc ngồi ghế nhà trường, đã thuộc nhiều bài thơ của Huy Cận, Xuân Diệu, kể cả những bài thơ yêu nước của chí sĩ Phan Bội Châu. Lúc 16 tuổi, tôi đã bắt đầu làm quen với cây đàn và đặt bút viết nhạc cho bài thơ của thầy giáo tôi. Còn nhớ bài thơ tựa là Lệ Thu như sau:

Xuân đã qua rồi nghe lệ thu
Tròn đêm ta khóc với sương mù
Ta ôm nỗi nhớ trong hồn nhỏ
Để gặp em về lúc mộng du
Gót ngọc nở hoa thắm vệ đường
Em đi cây cỏ cũng đều thương
Âm thầm ta đếm em từng bước
Ai biết lòng ta đã vấn vương

Và bài thơ này, có thể nói là ca khúc đầu tay trong đời sáng tác nhạc của tôi. Vì bài thơ là câu chuyện thật. Thầy giáo Thanh dạy Việt văn của tôi đem lòng yêu cô học trò mình tên là Phan Lệ Thu. Nhưng cô nàng Lệ Thu này khi nhận bài thơ tán tỉnh của thầy, thì đưa cho tôi xem, thằng tôi hí hoáy viết suốt đêm ca khúc, và Phan Lệ Thu là người nghe thằng tôi hát đầu tiên bài này. Sau đó, bạn biết chuyện gì xảy ra chứ? Lệ Thu không yêu tác giả bài thơ, lại phải lòng kẻ đem nhạc vào thơ. Cuối cùng, tôi bị thầy Thanh “đì” te tua vì tội “phổ thơ” của thầy không có “giấy phép”.

Tôi tự học đàn, học nhạc, chẳng qua trường lớp nào. Con nhà nghèo, mồ côi từ bé, ăn chưa no lo chưa tới, lấy tiền đâu mà học nhạc, học đàn. Nỗi đam mê, và máu nghệ sĩ cho tôi tự tìm tòi học hỏi qua bạn bè, qua sách vở, và nhất là qua các bài nhạc in sẵn của các nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ là các nhạc sĩ nổi danh của miền Nam Việt Nam thời bấy giờ. Nhờ đam mê, chẳng mấy chốc tôi nắm được cái chìa khoá sáng tác nhạc, biết được chỉ có 7 nốt nhạc Đồ, Rê, Mi, Fa Sol, La, Si, nhịp điệu, thời gian của mỗi đoạn ra sao, mà sao viết nhạc bao la thế. Đó là phần kỹ thuật, cái còn lại là tâm hồn rung cảm thật sự để viết ca khúc. Tôi cũng làm quen với nhạc ngoại quốc từ bé, cái thời nhạc trẻ vào VN và thịnh hành trong cuộc chiến với những Simon Garfunkel, Led Zeppelin, The Beatles, CCR… với nhiều ca khúc quen thuộc, và tôi cũng đã hát nhiều bài ngoại quốc thời bấy giờ với ban nhạc nhỏ tại địa phương ở thị xã Cam Ranh.

Bài thơ hay chưa chắc phổ nhạc đã hay, ngược lại có những bài thơ bình thường, nhưng lại hay, khi trở thành ca khúc. Ta gọi đó là duyên thi nhạc. Tôi có cái tính là nếu ai đưa thơ cho tôi phổ nhạc, thì tôi sẽ không bao giờ viết ra được, cho dẫu đó là bạn thân cách mấy. Do vậy, những bài thơ tôi viết nên ca khúc, hoàn toàn do tình cờ. Như, bài thơ “Chăn Vịt Ở Phương Nam” của thi sĩ Mường Mán là một tình cờ, khi tôi đọc được, cho đến khi viết bài này, tôi chưa bao giờ biết mặt hoặc nói chuyện với Mường Mán. Nhưng tôi yêu câu thơ của Mường Mán:

vịt tôi chăn trăm con
ngày lùa đi trăm ngã
bạn tôi trăm tim nhỏ 
bạn tôi trăm linh hồn
theo tôi qua thời khó

Có 4 câu mà dùng đến 4 chữ “trăm” vẫn không chán, cuối cùng, câu chuyện về người đàn bà có chồng đi kháng chiến sau năm 1975:

Mong chồng nơi biên giới
Mà chiến chinh tưởng lụi
Ai ngờ vẫn còn dài…
Em buồn sợi tóc mai
Dài bằng cơn nắng sớm
Em buồn cây nhang ngún
Cháy khuya sầu mênh mang

Đọc đến các câu vừa viết của Mường Mán, tôi cảm động và ôm đàn viết ngay các câu thơ 4 chữ (4 chữ khó phổ nhạc vì không khéo sẽ dễ nhàm tai), tôi viết ngay nhịp 6/8 để bay nhảy và mênh mang theo dòng thơ của Mường Mán. Rồi đến thi sĩ Trần Vấn Lệ, đến bây giờ tôi cũng chưa biết mặt, chưa hề gặp, qua bài Thơ Lệ của ông, thật tuyệt vời câu thơ bẩy chữ, rung cảm đến từ con tim thi sĩ.

Ôi một bài thơ lệ mấy dòng
Mấy dòng thơ lệ hoá con sông
Em bơi thuyền nhỏ đùa con sóng
Vớt bọt bèo xem những mảnh lòng
Rồi thi sĩ than thở, nghe rất thương:
Những mảnh lòng anh, em ghép lại
Thấy gì lạnh buốt bóng trăng trong
Ngày xưa Lý Bạch ôm trăng chết
Trăng nhớ người thơ, khóc dưới sông

Tôi cảm động, phổ bài thơ này theo điệu ngũ cung, nghe buồn da diết.

Ca khúc “Chăn Vịt Ở Phương Nam” tôi cùng ca sĩ Khánh Ly hát với nhau năm 1985, bài Thơ Lệ do Duyên Hằng hát.

Một bài thơ của thi sĩ Giang Hữu Tuyên, nhan đề Bông Bưởi Chiều Xưa, giản dị, chân tình, tôi cũng rung động để đưa nốt nhạc mình vào đấy.

Xem ra, thơ phổ nhạc là một cái duyên không định trước, tự dưng nó đến, bất ngờ. Tính tôi không thích phổ thơ của các thi sĩ nổi tiếng, vì như tôi đã viết ở phần trên, có nhiều bài thơ hay, nhưng khi vào nhạc, giai điệu thơ sẽ mất. Theo tôi, thơ là hình ảnh, là mầu sắc, là không gian, là thời gian, là kỷ niệm, là tiên tri, và sau hết là thông điệp nhắn gửi đến cuộc đời về một điều gì đó trong phạm vi tình yêu, xã hội, con người.

Cuối cùng, thi sĩ đích thực, là những kẻ điên, và những kẻ đem nhạc mình vào thơ, là những tên đồng loã với nỗi điên ấy.

Chỉ có, người đọc thơ và nghe nhạc, mới cảm nhận sâu thẳm về cơn điên này.

Thơ Văn: Từ Bạn bè gởi

Tình thân,
Kính.
NNS

***

Bài đọc:

Phạm Quỳnh Hương

Nói về Dân chủ và Quyền con người

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, hiện đang sống ở Hà Nội.)

Có nhiều người nói đến đảng phái, hệ thống chính trị, hay luật pháp. Lại có nhiều người nói đến tự do ngôn luận, báo chí, kể cả internet, và blogger.

Nhưng có lẽ chúng ta đã bỏ qua nhiều cái. Những điều nhỏ nhặt trong đời sống của chúng ta: cảnh sát giao thông thu mãi lộ, bác sĩ thu phong bì, giáo viên ép học thêm, nông dân mất đất, công nhân đòi quyền lợi, người dân trong các khu đô thị đấu tranh vì các thứ lệ phí. Nhiều, nhiều lắm!

Chuyện chân tay miệng, và những bệnh dịch khác. Chuyện dịch lợn tai xanh, lưu hành thịt thối trên thị trường, và những hoa quả thực phẩm không an toàn. Chuyện vàng miếng SJC và phi SJC. Chuyện tái cơ cấu ngân hàng. Chuyện các tập đoàn nhà nước thua lỗ (Vinashin, Vinalines) và không thua lỗ (điện, xăng dầu…)

Nhưng kể ra thế để làm gì? Nó có liên quan gì đến dân chủ và quyền con người của chúng ta? Nó liên quan gì đến đảng phái, chính trị?

Quyền của dân

Nếu suy nghĩ kỹ lại, chúng ta thấy là hình như chúng ta có một vài quyền liên quan đến những thứ xảy ra hàng ngày xung quanh chúng ta.

Những chuyện phong bì ở khắp mọi nơi từ bệnh viện, trường học, đến giao thông, cơ quan công quyền hành chính… thì có liên quan gì đến quyền của chúng ta không? Chắc là có, đúng không? Xưa nay chúng ta quen với việc rằng người dân không có quyền gì, chỉ những người kia – cảnh sát giao thông, bác sĩ, giáo viên, cán bộ chính quyền - mới là người có quyền.

Nếu bây giờ, chính những người dân bình thường, bằng hành động cụ thể, tự mình dành lấy cái quyền của mình. Người dân có quyền được hưởng những thứ dịch vụ mà không cần phải có phong bì. Đó là quyền của dân. Đó chính là dân chủ. Một hành động nhỏ thôi, nhưng từng ngày, dân chủ sẽ đến trong chính đời sống của chúng ta.

Những người nông dân mất đất, những người công nhân đình công, những người dân ở khu đô thị biểu tình,… đòi lấy cái quyền của họ. Cái mà họ dành được không chỉ là mảnh ruộng, là đồng lương, là phí vệ sinh…

Mà hơn thế, những người dân bình thường đó biết về quyền của mình. Trước đây họ không biết rằng họ có quyền. Trước đây trong cơ chế xin cho, người dân được cho cái gì thì đã lấy làm mừng rồi. Giờ đây họ biết đó là quyền của họ, và họ tự đòi lấy quyền của mình. Họ biết cách làm thế nào để đòi được quyền của mình, biết cách giữ được quyền của mình.

Tất cả những điều đó có nghĩa là một nền dân chủ đang hình thành trong xã hội Việt Nam. Quyền con người đang dần dần được thực thi. Như vậy chính những con người bình thường đang tự mình xây dựng nền dân chủ.

Hiện nay nông dân ở nhiều nơi đang lên tiếng giữ đất của họ. Những người nông dân mất đất đã đòi được quốc hội, chính phủ phải đứng ra giải quyết cho họ. Họ đã đòi được quyền của họ.

Hiện nay những người dân ở các khu đô thị mới đang đấu tranh chống lại việc thu phí bất hợp lý. Những người dân ở khu đô thị đã đứng ra lập hợp tác xã, lập ban quản trị. Họ đòi lại phần diện tích tầng 1, và tự điều hành các dịch vụ trong tòa nhà, nhằm giảm các chi phí. Họ đã đòi được quyền của họ. Giờ đây, hợp tác xã của họ đã đi cung cấp dịch vụ cho những tòa nhà cao tầng khác. Phổ biến kinh nghiệm của họ, tuyên truyền về quyền của người dân.

Hiện nay những người dân ở xung quanh các hồ trong thành phố đang đòi giữ lại hồ. Những người dân ở những phường có hồ nước đã đòi lại được phần hồ đang đe dọa bị san lấp. Họ đã chặn đứng được những âm mưu của các nhóm lợi ích hòng chiếm đất công. Họ đã tự quản được vùng đường ven hồ, vùng sân chơi ven hồ. Họ kiến nghị thực hiện đúng quy hoạch. Họ đã thực hiện được quyền của người dân trong quy hoạch không gian ở, và không gian công cộng.

Rồi những chuyện thực phẩm không an toàn trôi nổi trên thị trường, rồi dịch bệnh xảy ra ở đây đó, … Trước đây, những chuyện như thế là chuyện của các cơ quan quản lý, người dân không có cách gì để biết thông tin, không có tư cách gì để có ý kiến. Nay thì người dân đã biết đến quyền được biết thông tin, quyền có ý kiến. Các cơ quan chức năng cần công khai thông tin. Hơn thế, người dân có trách nhiệm giám sát, và phát hiện các vụ việc.

Xã hội dân sự

Người dân không chỉ đòi quyền của họ - cái quyền được pháp luật quy định, mà họ còn thực thi những quyền đó. Trước đây, tất tất mọi điều đều “có Đảng, nhà nước lo”. Người dân chỉ sống một cách thụ động, bảo gì nghe nấy, cho gì thì hưởng nấy, không kêu ca, phàn nàn. Nhưng ngày nay, rất nhiều hoạt động do người dân, cộng đồng chủ động tham gia.

Không phải cái gì chính quyền cũng lo, cũng quản được hết. Những gì người dân, cộng đồng có thể làm tốt được thì người dân được quyền làm.

Đây chính là cái mà gọi theo tiếng Tây là xã hội dân sự. Hoặc gọi nôm na là cộng đồng tham gia. Hay gọi theo cách Việt Nam hóa là nhà nước và nhân dân cùng làm. Những hoạt động có sự tham gia của người dân là tăng thêm tính chủ động, tăng thêm sự giám sát của nhân dân.

Và điều quan trọng là người dân hiểu hơn về quyền của mình. Người dân có trách nhiệm hơn với đời sống của cộng đồng. Khi có trách nhiệm hơn với cộng đồng, người ta sẽ bớt vô cảm – điều vẫn thường xảy ra trong xã hội chúng ta. Có thể nói, tăng cường xã hội dân sự sẽ giúp đẩy lùi sự vô cảm trong xã hội Việt Nam.

Đến chuyện thuộc tầm vĩ mô như chuyện quản lý vàng, tái cơ cấu nền kinh tế, … cũng liên quan đến dân chủ và nhân quyền. bởi vì xét về thực chất, tất cả những hoạt động đó làm ảnh hưởng đến đời sống người dân vì nó đều sử dụng tiền ngân sách, tiền thuế của dân, và nó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế đất nước.

Trước đây, các quan chức chỉ quyết định những chuyện đó mà không hề biết đến phản ứng của người dân ra sao. Họ toàn quyền sử dụng tiền thuế của dân mà không hề phải “thế chấp” gì cả.

Trong khi đó, các vị lãnh đạo ở các nước Tư bản giẫy chết đều phải đặt cược sinh mạng chính trị của mình vào mỗi quyết định hệ trọng. Nếu có vấn đề gì xảy ra, họ sẽ phải xin lỗi quốc dân, rồi nhẹ thì tự từ chức, nặng thì ra tòa.

Tiền thuế của dân là chuyện hệ trọng chứ không phải chuyện đùa như ở ta. Điều đó có nghĩa là dân ở Tây họ có tiếng nói với tiền thuế của họ. Vì vậy, cho dù hiện nay, dân ta chưa có quyền đối với chính đồng tiền thuế do mình đóng, thì chí ít, dân cũng có thể bằng cách này cách khác tỏ được thái độ của mình, qua báo chí, qua đại biểu quốc hội. Con đường còn dài, và dân ta vẫn còn đang bước tiếp.

Chúng ta nói đến đa đảng làm gì? Nếu không có Dân chủ thì lại thành độc quyền, độc tài.

Chúng ta nói đến hệ thống chính trị làm gì? Nếu không có Nhân quyền thì lại thành hệ thống lợi ích nhóm, bóc lột nhân dân.

Chúng ta nói đến luật pháp làm gì? Nếu không có Dân quyền thì lại thành những vụ án oan sai.

Nói tất cả những điều này có nghĩa là đa đảng, hệ thống chính trị, và luật pháp là mục tiêu, nhưng điều bản chất ở đây là dân chủ, nhân quyền. Nếu không có dân chủ, nhân quyền thì những mục đích tốt đẹp kia chỉ là những cái lá nho che đậy một bản chất độc tài, tàn bạo.

Dân chủ, và Nhân quyền là điều kiện cần cho những mục đích tốt đẹp về đảng phái, chính trị, luật pháp. Dân chủ, Nhân quyền sẽ đi song hành cùng với việc xây dựng hệ thống chính trị, luật pháp.

Có lẽ Dân chủ, Nhân quyền là điều kiện cần, còn hệ thống chính trị và luật pháp là điều kiện đủ cho một đất nước văn minh, và phát triển.

Cái mà những người dân bình thường chúng ta có thể làm được có lẽ là trên mảng Dân chủ, Nhân quyền. Còn mảng hệ thống chính trị và hệ thống luật pháp thì có lẽ cần có những chuyên gia, những nhà hoạt động lão luyện.

Với người dân bình thường, những chuyện liên quan đến cuộc sống hàng ngày như y tế, giáo dục, hành chính công … thì mỗi người đều có thể làm được, và chia sẻ giữa những người cùng quan tâm sẽ giúp chúng ta có thể thực hiện được một cách tốt hơn.

Bằng chứng là những người nông dân, những người dân bình thường vẫn hiện đang thực hiện quyền của họ. Và chính họ đang xây dựng nên nền dân chủ cho tương lai.

Đến đây một câu hỏi đặt ra là làm thế nào, và bằng cách gì người dân có thể thực thi những quyền của họ?

Câu hỏi này là dành cho những nhà hoạt động xã hội, và những nhà trí thức. Đến đây vai trò của trí thức xuất hiện.

Ai dám bỏ công sức, dám vượt qua trở ngại, dám dấn thân để tham gia vào việc trả lời những câu hỏi này của xã hội, người đó là trí thức. Bất kể người đó có bằng cấp, học hàm, học vị ra sao

***

Thơ Văn: Từ Bạn bè gởi

Trang Y Hạ

(Chú Sơn thân mến!
Cái máy huynh bị "virus"  và cũng hư luôn có lẽ cũng quá cũ. Huynh phải mua mới và chờ, chờ gần nửa tháng. Sau đó còn phải sắp xếp lại, thật là mất thời gian. Huynh sữ dụng ké cài laptop của cô con gái Út, nên cũng đọc được trang thư của chú và chuyển cho vài ba người bạn - mấy chả ghiền lắm!

Bữa ni gửi chú bài thơ nầy nếu chú xem - Cảm ơn Chú đăng mấy bài trước.

Chúc chú mạnh khỏe).

Đêm trên chiến địa

(Kính tặng chị Ca Sĩ  THANH THÚY)

Nghiêng bi đông, từng giọt nhỏ xuống môi
người bạn nằm miệng khác khô chợt hé
vết thương trên đùi hở ra giống chẻ
làm đôi – nhìn tựa bờ bắc bờ nam

cả chiến trường buông một màu khói lam
những cột khói trên thân cây tỏa sóng
mồ hôi ướt lưng áo trận – khô giọng
chuyển từng người chạy ra bãi trực thăng

rừng hoang vu chợt gào lên hung hăng
trong một thoáng rồi lặng im như thóc
xác trùm kín poncho ai đâu khóc
người tiễn đưa giờ biết ở nơi đâu

làm dấu thánh, đứng im lặng cúi đầu
mây trắng chở tang thương về cố quận
người lính chết có đồng đội làm chứng
không chết bờ chết bụi giữa trời mây

may mắn thì còn giữ được cái thây
nghĩ cho cùng – cứ cho là có phước
cuộc chiến đấu còn đang chờ phía trước
chút tình yêu không thể hẹn bao giờ

ghi vội vàng trên bao thuốc câu thơ
giọng Thanh Thúy lắng sương chùng cảnh núi
chuyến tàu hoàng hôn – trong đêm lầm lủi
có chở theo người con gái tiễn đưa

chiến trường đang nóng bỏng, chợt đổ mưa
ngỡ nước mắt từ đâu về loang nước
đất đỏ - bùn níu chân không dừng bước
đạn reo vui như chẳng có chuyện gì

đêm rừng già thèm ly rượu – tràn ly
đêm trống vắng uống vào lòng tiếng hát
tai nghe quen nhịp đều đều đại bác
tưởng xuân về pháo nổ ngập màu hoa ./-

Sông Poko DakTo 1971

Bài thơ "Đêm trên chiến địa", viết vào tháng sáu năm 1971. Thời gian nầy TYH đang công tác tại cái làng Dakkangjop, bên kia sông Poko cùng với một Đại Đội lính Trường Sơn mà đa phần lính là người anh em Sắc Tộc. Đang đêm được lịnh di tản ra bãi Trực Thăng thì súng nổ và một số anh em bị thương... Đêm rừng Dakto dày đặc sương mù lạnh ngắt, áo jacket không đủ ấm. Chuyến tàu hoàng hôn qua giọng hát của chị Thanh Thúy văng vẳng từ ba lô của một người lính nào đó. Người lính chợt rùng mình nhìn những giọt sương rơi nặng hạt từ tấm poncho nhỏ xuống đều đều mà cứ ngỡ như giọt nước mắt người con gái tiễn đưa người yêu ra chiến trường. Vội ghi lại những câu thơ trên bao thuốc lá, và nghĩ có dịp sẽ gởi cho chị Thanh Thúy như một lời cảm ơn!

Chiến tranh như một cơn lốc cuốn xoáy đi tất cả con người, thời gian. Cho nên không có dịp nào thực hiện ý định. Thế rồi, miền Nam đầu hàng! Người lính bây giờ bước sang một giai đoạn khác - đó là buông súng- buông súng có nghĩa là thua trận! Sống lây lất và lao vào trong "tù cải tạo" để nghe tang thương gậm nhấm trên thân thể. Trong tù ước gì được nghe chị Thanh Thúy hát. Đêm trong tù có lẽ còn lạnh lẽo hơn đêm rừng núi ở Dakto ngày xưa - cho dù bây giờ cũng là đang ở rừng... May mắn hơn những người anh em khác là còn sống sót ra khỏi tù và phiêu bạc nơi xứ người. Đêm tha hương không có nghĩa là không còn lạnh! Có ai xa nhà mà thấy ấm áp bao giờ đâu? Giờ đây người chiến binh năm xưa đã lọm khọm. Ngồi nghe lại giọng ca của Chị Thanh Thúy hoặc của các anh chị Nhạc Sĩ - Ca Sĩ cùng thời - hát về người lính ai mà không tiếc nuối một thời hào hùng - một thời tuổi trẻ cầm súng đi giữ nước.

Thế rồi, một người bạn chuyển cho trang nhạc "thanhthuy.me" của chị Thanh Thúy. Như bắt được vàng! Nghe nhạc thoải mái mà không cần phải đi tìm từng bản. Một ý nghĩ chợt đến là tại sao không gởi bài thơ "đêm trên chiến địa" đã làm khi xưa cho chị Thanh Thúy như hồi tưởng lại một thời đã qua, để cảm ơn chị cho dù tất cả đã đi vào dĩ vãng. Một dĩ vãng đau buồn cho một Quân Đội, một Chính Quyền tự do bị xóa tên trên bản đồ!

Chị Thanh Thúy và BBT đã chuyển bài thơ "đêm trên chiến địa" lên trang báo thanhthuy.me đúng vào dịp tưởng nhớ Ngày Quân Lực 19.6. 2012. Như vậy bài thơ im lặng bốn mươi năm qua đến được với chị Thanh Thúy như một kỷ niệm. Vết thương nhỏ bé trên thân thể  đã lành, nhưng vết thương lòng quá lớn của Dân, Quân, Cán, Chính miền Nam vẫn còn đau đớn. Xin chân thành cảm ơn chị Thanh Thúy và BBT . Mong rằng giòng nhạc trữ tình miền nam tồn tại mãi mãi qua các giọng ca của các anh chị và các thế hệ tiếp nối trong đó có - "Thanh thuy.me".

***

Nguyễn Đông Giang

Tình  Yêu  Đâu  Phải  Nồi  Canh

 ( Lâu rồi,bên bờ sông Hương Huế, thơ rơi nhặt lại - nđg)

Tình yêu đâu phải nồi canh
Thì em chớ có , thêm hành thêm tiêu
. . . . . .
Anh yêu em từ buổi chiều
Mây trời lạc bước , hiu hiu cõi bờ
Hình như lúc anh đọc thơ
Em ngồi vọc nước , bên bờ sông Hương
Trong thơ thoang thoảng mùi thương
Động lòng trắc ẩn , em vương vào lòng
Em đi eo thắt lưng ong
Nghe thơ anh , em lòng vòng bờ sông
Ta biết em gái chưa chồng
Nên chiều nào cũng , ra sông một mình
Anh hỏi thơ , thơ nín thinh
Bèn ra sông đọc , thơ mình mình nghe
Thơ bay lãng đãng , ai dè
Em ngồi vọc nước , em nghe thơ mình
Em mơ màng , em lặng thinh
Thơ anh chắp cánh , chở tình bay sang
Từ nay thơ đến thăm nàng
Chiều chiều ra bến , anh mang thơ cùng
. . . . . .
Bây giờ , thơ là cõi chung
Trong anh em đã , vô cùng trước sau
Mới hay ! thơ thật nhiệm màu
Trong thơ đã có với nhau…kiếp nào ?

LẦN  DẠO  CHƠI  AN  HẢI

(Tưởng nhớ Vũ hữu Định  - Thân gởi Đặng Hiền  -  nđg)

1.

Chiều thu đẹp , dạo  chơi quanh An hải
Nắng thu vàng , làm nhớ áo ai phơi
Hồn quá mỏng , nên tay ôm không nổi
Bao lần theo , bao lần lạc dấu người

2.

Cơn mưa nhẹ, ướt ngang đời trôi nổi
Tôi hay người, đang được để tang ?
Xin đến quán, uống dăm ba ly rượu
An hải chiều, An hải nhớ mang mang

***

Trần Vấn Lệ

Rặng Lau Lách Gió

Có khi im lặng vì buồn,
ngồi im ngó cuộc vuông tròn ra sao.
Có khi có trận mưa rào,
năm ba phút đổ ào ào rồi ngưng.
Cũng hay, Trời giận phừng phừng
trút một cơn giận rồi ngừng sân si?
Tại sao người giận bỏ đi,
bao nhiêu năm vẫn không về Cố Hương?
Nói “Càng giận thì càng thương”,
nói cho có nói, ai còn trái tim! 

Nước Non hết nổi thì chìm.
Biển sâu sóng cả im lìm có khi…
Rặng lau lách gió thầm thì,
hồn ma bóng quế, có thì hay không?
Hỏi con sông chảy một dòng,
chẳng nghe câu đáp cho lòng mình yên…
Hỏi con trăng tại sao nghiêng,
buồn ơi bông giấy giạt bên nhà người…
Mấy mùa bông nở bông rơi,
một tôi thôi nhớ một đời chẳng sao!

Có khi ngồi ngó mây cao,
mây đen , mây trắng, mây nào vàng mơ?
Chắc gì mình sẽ còn thơ
để cho ai đó về hơ lửa hồng!

Nhớ Đà Lạt những đồi thông,
nhớ con suối chảy xuyên rừng về xuôi.
Trường xưa sân cỏ em ngồi,
quanh em quỳ nở một trời vàng mơ…
Thương em nói được bây giờ,
còn đâu sương rụng bên gờ cửa sương!
Bên gờ cánh cửa mù sương,
muôn năm Đà Lạt tôi buồn muôn năm!

***

Lâm Xuân Vi

Đứt dây mà xót thương bầu bí ơi

Nói với con chồng

Sao con không nói một câu

Như lời nũng mẹ từ lâu chẳng còn
Sao con chẳng thể xưng con
Cho dì cảm thấy ấm hơn căn nhà?
Cứ lầm lũi bước vào, ra
Cho dù tủi phận mẹ gà con...ngan
        
Đời gì quá buổi chợ tan
Nhà con sảy nghé tan đàn khổ đau
Dì không hoa trắng cài đầu
Về nhà con chỉ cơi trầu nồng say
Con là con gái thơ ngây
Đàn ông, cha chẳng bù đầy được đâu
Dạy con kết tóc, gội đầu
Nấu ăn, giặt giũ, vá khâu áo quần

Bàn tay hiền dịu tảo tần
Bưng cơm rót nước ân cần trước sau
Dì không mang nặng đẻ đau
Đứt dây mà xót thương bầu, bí ơi!
Kệ cho bánh đúc mấy đời
Người ăn người lại nói lời nghiệt cay

Sang ngang một chuyến đò đầy
Sông sâu run cả vòng tay đôi bờ
Đêm nay cánh cửa khép hờ
Dì không ngủ được nằm chờ bước con.

Nguyễn Thị Mai

Lời bình:

Thường lời chúc phúc trong buổi thành hôn của những lứa đôi, dẫu thuật ngữ mỗi thời một khác, nhưng tựu trung vẫn là Bách niên giai lão hạnh phúc trăm năm. Song vì sinh có hạn tử không kỳnên nhiều người phải chịu nỗi bất hạnh, đứt gánh giữa đường , hoặc do duyên phận, sống với nhau không hợp không thành, đành phải chia tay . Dù mức độ đớn đau khác nhau nhưng đều là tổn thương mất mát, mà đau khổ và thiệt thòi lớn nhất vẫn là những đứa con côi cút chịu mất mẹ, mất cha. Ở đời thường Con chăm cha không bằng bà chăm ông và vì nhiều lẽ khác nhau của hạnh phúc lứa đôi, của tổ ấm gia đình mà hầu hết những thân phận cơ nhỡ ấy cũng sẽ tìm được nhau để lập lại gia đình, đó cũng là lẽ rất thường tình. Những trở ngại lớn nhất, thường cơm không lành canh chả ngọt của những gia đình ấy là trường hợp những người đã có con riêng, con anh, con tôi. Hạnh phúc  của họ đến đâu là tuỳ thuộc vào mối quan hệ tình cảm của dì ghẻ với  con chồng. Định kiến ngàn đời của xã hội Việt Nam là mâu thuẫn giữa con chồng với người mẹ kế. Nó đã trở thành tiềm thức của con người, thành ca dao, tục ngữ truyền tụng trong dân gian: Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng, mà biểu hiện đỉnh cao của mâu thuẫn đó là câu chuyện khuyết danh Tấm, Cám. 

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai đã rất thành công với đề tài này trong bài thơ Nói với con chồng. Nói với con chồng, bài thơ được giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi thơ viết về đề tài gia đình do báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 1994 của thế kỷ trước.       

Người mẹ kế trong bài thơ: Nói với con chồng của nhà thơ Nguyễn Thị Mai thật điển hình trong cách giải quyết mâu thuẫn muôn thuở dì ghẻ con chồng. Một người mẹ kế được hiện lên dưới ngòi bút nhân hậu đầy nữ tính của nhà thơ : chất phác, thật thương cảm, chân thành, khéo léo, rất đáng được nể trọng, đề cao. Sự khéo léo xuất phát từ khao khát thương yêu thật lòng mà có.  Câu mở, cũng là một câu hỏi nghe thật ấm lòng : Sao con không nói một câu/Như lời nũng mẹ từ lâu chẳng còn. nũng mẹ có thể nói đây là mê thuật đầy thán phục của phép dùng từ. Tưởng dì ước ao chi, chứ chỉ ước ao được nghe con nói một lời nũng nịu. Thật bất ngờ, bất ngờ đến lạ lùng, sự bất ngờ ấy có lẽ không chỉ ở bạn đọc mà ngay cả với đứa con vốn chưa chịu chấp nhận, chưa có thiện cảm với dì. Bởi nếu khi con biếtnũng với dì như với mẹ thì dì đã là nơi có thể gửi gắm tin yêu, là chỗ dựa của đời con rồi. Từ nũng thật lạ, như biết mở ra nhiều chiều tâm trạng. Câu thơ như biết dung hoà, như kéo được chùng xuống mọi căng thẳng nơi lòng dì lòng con vốn đang xa cách, nặng nề, con luôn tìm cách lảng tránh. Nào đâu dì đã dám đòi hỏi điều chi to tát, chỉ mong mỏi chờ đợi ở con một tiếng xưng con. Nhưng chắc dì cũng hiểu tiếng con đang như một cửa ải phải vượt qua, một trướng ngại lớn trong mặc cảm, trong dèm pha định kiến của người đời, vì vậy vượt qua nó phải kiên nhẫn bền bỉ không thể một sớm một chiều. Bởi nếu con chấp nhận  xưng con sẽ là một biến cố lớn, rất hệ trọng, nó sẽ xoá đi những mặc cảm ghẻ lạnh cách ngăn để căn nhà mình trở nên ấm áp thân gần. Càng tinh tế trong cách nhìn cách cảm, thì những bước chân lầm lũi nặng nề của con đã gieo vào lòng dì nỗi buồn tủi xa lạc - cảnh mẹ gà con... ngan. Vẫn bằng những lời thủ thỉ ân cần như phân trần với con làm người nghe đến buốt ruột mủi lòng: Đời gì quá buổi chợ tan/Nhà con sảy nghé tan đàn khổ đau. Dì về nhà con nào có lọng tía xe hoa mà chỉ đơn sơ cơi trầu lễ mọn. Dì thương yêu bố con cũng vì thương cảnh sảy đàn tan nghé, về nhà con là muốn cùng bố con chung tay chia sẻ khổ đau  bù đắp cho nhau mất mát trong đời. Song có lẽ nguyện vọng lớn nhất của bố con cần ở dì là người biếtthay thế xứng đáng mẹ con trong việc dạy dỗ nuôi con khôn lớn nên người. Mà con là con gái thơ ngây đang hình thành nhân cách, phải ân cần tỷ mỷ từ tết tóc, gội đầu, và mọi việc thuộc nữ công gia chánh làm sao cha đàn ông có thể làm được?Dì không mang nặng đẻ đau/Đứt dây mà xót thương bầu bí ơi! Tấm lòng dì là vậy, là muốn cùng bố vun đắp cho con để hạnh phúc nhà mình sum suê tươi tốt như bàu bí chung dànchứ đâu dám để bố vì dì mà xao nhãng việc chăm xóc lo lắng cho con. Có lẽ những lời gan ruột chân thành của dì cũng đã xúc động cảm hoá được tình con. Bằng trực cảm, Linh cảm tinh nhạy do kinh nghiệm trường đời mách bảo, con đã tin dì nhưng vẫn còn chút băn khoăn e ngại về những dè bỉu đố kỵ của xóm giềng. Nắm bắt được tâm lý, những do dự nghi ngại này, dì đã thẳng thắn, quyết liệt hơn: Kệ cho bánh đúc mấy đời/Người ăn người lại nói lời nghiệt cay. Thật thú vị khi câu thơ mang hơi hướng ca dao. Ở trạng huống này có lẽ chỉ ca dao phản ca dao thì lời khuyên mới thấm thía và có tác động tâm lý mạnh mẽ hơn.

Dẫu thơ chưa một lời khảng định ngã ngũ cuối cùng về quyết định của con, song bạn đọc có thể gặp sự thanh thản tràn đầy hy vọng cùng Dì ở khổ kết:

Sang ngang một chuyến đò đầy
Sông sâu run cả vòng tay đôi bờ
Đêm nay cánh cửa khép hờ
Dì không ngủ được nằm chờ bước con

Tôi võ đoán, có thể tai Dì chắc chưa nghe rõ tiếng con, bởi lần đầu xưng hô như vậy thì lời con đâu đã dễ tròn vành rõ chữ. Nhưng còn con tim Dì thì đã nghe được rất rõ rồi. Có thế,  Dì mới khái quát được việc thuyết phục con, ví như một chuyến đò đầy sông sâu, mong manh  đầy bất trắc run cả vòng tay đôi bờ nhưng đã sang ngang , đã cập bến. Và cặp câu: Đêm nay cánh cửa khép hờ/ Dì không ngủ được nằm chờ bước con. Có lẽ Dì không ngủ được đêm nay không chỉ lo con đi tối về khuya, mà còn hồi hộp phấp phỏng để được nghe rõ hơn tiếng con như lòng dì hằng mong đợi.

Nói với con chồng là một bài thơ có những diễn biến tâm lý vừa nhiều chiều vừa là những khúc quanh tâm trạng rất khó nắm bắt. Chỉ với lối độc thoại giãi bày của dì , bằng thể thơ lục bát thẫm đẫm hồn vía ca dao, rồi xử dụng ca dao phản ca dao, mang lại thành công không ngờ với một đề tài tưởng dễ mà khó. Trong đời thực cổ kim, đã có mấy bà mẹ kế biết thắng nổi chính mình để thắng những định kiến xã hội .  Dưới ngòi bút của nhà thơ Nguyễn Thị Mai đã xuất hiện bà mẹ kế như mong mỏi của những ông chồng, của những đứa con riêng trong hoàn cảnh rổ xề cạp lại . Bài thơ chinh phục được nhiều thế hệ bạn đọc, là tiếng nói nhân văn, cũng là sự phản kháng mạnh mẽ với những định kiến ích kỷ hẹp hòi từng tồn tại tự bao đời. Nó đã ra đời và được trao giải thưởng văn học gần 30 năm,  giờ vẫn được nhiều người ngưỡng mộ tìm đọc. Đồng thời còn nguyên tính thời sự, trong đóng góp xây dựng kết cấu gia đình đang có những xộc xệch lỏng lẻo do những tác động của mặt trái cơ chế thị trường. Đó là giá trị đích thực, sức sống bền lâu của một tác phẩm văn học - niềm mơ ước của mọi nhà văn.

(Ninh Bình, Ngày 18 tháng 6 năm 2012)

***

Huy Uyên

Treo tim người dốc phai-tàn-úa .

Người để lại những ngậm ngùi đau đớn
những nụ hôn chết điếng hồn tôi
phố chợ buồn hơn trái tim bỏ trống
ngày qua đi muối xát cả đời .

Nụ cười cũ bây giờ xa xăm quá
bên trời xưa hoang phế cổ tích xưa
ngày nào hai ta không thấy nhau thì nhớ
không cầm tay nhau hai buổi đi về .

Tháng sáu mùa này trời mưa mù mịt
giọt lên sầu hơn cả chuyện tình ta
giọt xuống ngậm tăm vầng nhật nguyệt
nở chôn chi  nhau mà quên lối về .

Cầm dĩ vảng rồi người còn lại
gọi người về làm đám tang tôi
có buồn không ? gió thổi mây bay
đứng lặng lẻ giữa phố chợ nghèo theo năm tháng .

Tình người say nồng , tình tôi ấm lạnh
người bỏ đi chiều vội có vui không ?
ngó chi nhau để giữ lại chút chạnh lòng
Tam-Kỳ đã chết theo Pennsyl.ngày ấy .

Nơi đó hạt sương chiều có về
phả hơi thở ướt dầm trên mái tóc
nhớ ai mà một mình đứng khóc
nhớ chi nhau theo tiếng thở dài .

Thật dịu dàng đan lối nhau đi
dưới mây trời trôi  người tôi chung bước
ai có ngờ đâu một buổi chia lìa
để nói câu đoạn trường ly biệt .

Tôi núi cao và người sông dài
bỏ nụ hôn bơ vơ ở lại
mình qua cầu đăm buồn nhìn nước chảy
con đò xưa đợi mãi bến sông xưa .

Người ơi người có hẹn sẽ quay về
nơi cuộc tình ai vội vàng rao bán
ngày qua đi và tình đã cạn
nơi biển dâu về ngũ giấc hoang mê .

Thôi rồi tôi với người là gió là mây
đem chôn hết theo tôi huyệt mộ
để treo tim người dốc-phai-tàn-úa
để mắt ai cứ mãi dỏi theo hoài .

Bước hụt hẩng giữa dòng đời cay đăng
bạc lòng nhau cho chết mối tình xưa
người đi rồi hay người đã về chưa ?
nụ hôn đầu để ai chưa kịp hái ?

***

Kính.
NNS
686-NNS-Chan_Vit_O_Phuong_Nam-2012

 

pay per click advertising

Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

Đang xem báo Trúc Lâm Yên Tử

free counters
un compteur pour votre site