lịch sử việt nam
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
Weblinks:
Lá Thư Úc Châu 24/06/2012
Good Weekend
Trang Thơ Nhạc Chúa nhật 24-6-2012
Nhạc:
Ca Dao Mẹ
Nhạc: Trịnh Công Sơn
Giọng hát: Thái Thanh
Bài đọc:
Tình thân,
Kính.
NNS
***
Bài đọc 1:
Đàn Bà Dễ Có Mấy Tay
Nguyễn Giang, BBCVietnamese.com
Nhân chuyện bà Aung San Suu Kyi tới Anh
Thứ Ba vừa qua, tôi được mời dự cuộc gặp mặt với bà Aung San Suu Kyi vào thăm trụ sở của BBC tại London.
Tòa nhà New Broadcasting House từ lúc khai trương mươi tuần trước cũng đã đón nhiều đoàn khách hoặc các nhân vật nổi tiếng tới thăm.
Nhưng ngày bà Suu Kyi đến có không khí khác hẳn.
Ngoài chủ tịch hội đồng quản trị Chris Patten, tổng giám đốc Mark Thompson và giám đốc Global News, ông Peter Horrocks còn có các trưởng biên tập khu vực, một số nhà báo tiếng Anh kỳ cựu, nhóm quay phim BBC TV, và ban Miến Điện được mời đến lễ đón bà trong khoảng 30 phút, địa điểm là khu tiếp khách trên tầng 5.
Lý do ban giám đốc nêu ra là Bộ Ngoại giao Anh yêu cầu hạn chế số người vì lý do an ninh.
Nhưng ngay từ sáng, những nhân viên, nhà báo khác của BBC, với con số hàng trăm người, đã bàn tán, chờ đón người phụ nữ nổi tiếng từ Miến Điện.
Họ xuống dưới khu sân rộng trước tòa nhà, tụ tập bên ngoài thang máy ở tầng 5 để ‘xem Aung San Suu Kyi’.
Cả trong và ngoài khu vực dành cho lễ đón, tôi thấy ai ai cũng hồ hởi nói chuyện cứ như là đi hội.
Ban Miến Điện thì tíu tít sửa sang trang phục dân tộc, chia người chụp ảnh, chọn hoa. Tiếng ồn tưởng như người ta đang đi chợ hoặc sắp chen nhau vào xe điện ngầm.
Nhưng khi bà từ thang máy bước vào khu đón tiếp, được các ông Patten, Thompson và Horrocks dẫn lối thì đột nhiên cả tầng 5 của tòa nhà BBC bỗng im bặt.
Hàng trăm con mắt dồn vào người phụ nữ châu Á gầy gò, mắt sáng, tóc đeo một chùm hoa trắng, nhẹ bước rẽ đám đông tiến vào.
Tôi chú ý đến cử chỉ, nụ cười và cách thức bà Suu Kyi đối đáp trước diễn từ long trọng của các quan chức hàng đầu thuộc về phía BBC.
Sự sang trọng của lương tâm.
Dù con nhà nòi, có bố là tướng, mẹ là nhà ngoại giao, bản thân học ở Anh, lấy chồng người Scotland bà Aung San Suu Kyi nhìn gần vẫn hoàn toàn là một phụ nữ Á Đông nhẹ nhàng, mảnh khảnh, nét hiền từ, gò má hơi cao.
Bà cũng luôn giữ thái độ ‘cho Tây nói trước’, tức là lịch sự nhường và luôn cười, theo thói quen người châu Á chúng ta hay làm khi đối thoại với người Âu Mỹ vốn mạnh bạo về cách giao tiếp.
Khi ông Horrocks trao chiếc microphone làm quà từ BBC, bà tỏ ra ngạc nhiên một thú vị và hỏi (đùa): “Tôi có dùng nó được ngay không?”
Đó là câu tiếng Anh đầu tiên tôi nghe thấy bà nói từ lúc bước vào vì trước đó, chỉ có các quan chức BBC thay nhau đón chào, giới thiệu bà.
Ai cũng cười và ông tổng giám đốc như lo bà không hiểu là cần dùng chiếc microphone nào nên mau mắn chỉ lối để bà bước ra đằng sau chiếc bục đặt sẵn với hệ thống bá âm để phát biểu.
Bà Aung San Suu Kyi bắt đầu nói, chủ yếu là cảm ơn BBC đã duy trì luồng thông tin, bằng cả chương trình tiếng Anh và tiếng Miến Điện, đem lại hy vọng cho đất nước của bà những ngày đen tối.
Như mỗi khi nghe người nước ngoài nói tiếng Anh, tôi chú ý đến giọng của bà.
Bà nói tiếng Anh vẫn có âm sắc Miến Điện, hay châu Á, không phải là cách nói quý tộc của những ‘con nhà’ được bố mẹ giàu có hoặc làm quan chức từ Trung Quốc, Trung Đông, Nam Á gửi sang Anh du học từ nhỏ.
Giọng nói của bà rõ ràng, cách lập luận nhẹ, khúc chiết, không nặng về chính trị mà toàn nói về cách trải nghiệm riêng với làn sóng BBC khi bị giam tại gia, khi gặp đồng bào Miến Điện ở các tỉnh, các làng xa xôi.
Nhưng bà cũng rất ý nhị kiểu Ăng Lê khi ‘tự hỏi’ bằng một nụ cười có vẻ ngạc nhiên rằng không hiểu vì sao, từ lúc bà được tự do thì một loạt chương trình yêu thích của bà trên làn sóng BBC đã không còn nữa.
Tôi để ý thấy các lãnh đạo BBC đều yên lặng dù ai cũng hiểu bà có ý trách đài đã cắt bỏ nhiều chương trình trong cuộc cải tổ số hóa và chuyển hướng chiến lược.
Sau đó, bà Aung San Suu Kyi được mời vào một phòng riêng gặp các nhà báo BBC Miến Điện, vốn tri âm tri kỷ với bà trong bao năm.
Sau cuộc gặp, ông Peter Horrocks gửi email cho nhân viên rằng lễ đón Aung San Suu Kyi là điểm nhấn cho toàn bộ BBC từ khi chuyển vào trụ sở mới.
Tôi thoáng nghĩ, có điều gì thật đặc biệt: trụ sở xây mất hơn một tỷ bảng với hàng nghìn nhân viên phải chờ bà Aung San Suu Kyi, một người không tiền của vào 'xông nhà'.
Sự sang trọng như thế đến từ lương tâm và tinh thần công ích nhiều hơn là sự đồ sộ của công trình.
Sau khi rời BBC, bà Suu Kyi tiếp tục thăm Anh và chuyến đến Điện Westminster của bà để đọc diễn văn trước Quốc hội được truyền hình trực tiếp.
Tôi cũng lao vào lo các việc khác nên không để tâm nhiều nữa đến phần tiếp trong chuyến đi Anh của bà.
Nhưng lời bình của một đồng nghiệp ban Ả Rập hôm qua làm tôi giật mình.
Biết tôi hay bàn chuyện Asean, anh nói: “Cả một thế kỷ nay, Anh Quốc chưa đón ai với nhiều vinh dự như bà Suu Kyi”.
Quả thật, trước bà chỉ có chuyến thăm Anh của Thánh Gandhi từ Ấn Độ thu hút cả nước.
Nhưng khi Gandhi sang Anh năm 1931, phe hữu vẫn tuyên truyền rằng ông tìm cách phá hoại ngành dệt may của Anh (sau yêu sách đòi London thương mại bình đẳng, không để thợ dệt Ấn phá sản vì bán hàng Anh vào ồ ạt), khiến nhiều báo đả kích ông.
Nay, một phụ nữ Đông Nam Á đã được mọi giới ở Anh ngưỡng mộ, và được chính quyền đón trọng thể chưa từng có.
Trước bà, chỉ có Nữ hoàng Anh là phụ nữ duy nhất đọc diễn văn trước hai viện của Quốc hội.
Thái độ của người Anh với một phụ nữ từ Asean làm tôi suy nghĩ.
Một thời gian trước, các vị như Mahathir Mohammad, Lý Quang Diệu vẫn đề cao giá trị châu Á như thể Á châu có gì đó ưu việt về quản trị xã hội hơn Âu Mỹ.
Nhưng cái họ đề cao lại nặng về cấm đoán, phạt tiền, bêu riếu, đè nén tự do cá nhân nhân danh quyền lợi tập thể hơn là tính nhân văn, tao nhã – những giá trị châu Á khác – mà bà Aung San Suu Kyi đang thể hiện.
Ở một góc độ khác, các lãnh đạo Trung Quốc, Việt Nam cũng vẫn nhấn mạnh đến tính đặc thù lịch sử, dân tộc để cho rằng các giá trị văn hóa bác bỏ mô hình dân chủ Phương Tây.
Bà Aung San Suu Kyi đã chứng minh ngược lại, và làm điều đó bằng đúng những gì người châu Á chúng ta vẫn tự hào về văn minh lâu đời của mình là tính nhân bản, mềm mại mà sâu sắc, tình nhiều hơn lý.
Sức mạnh từ đâu?
Trong các bài viết của bà mà tôi được đọc, Aung San Suu Kyi dùng nhiều khái niệm của Phật giáo, của trí tuệ dân gian Miến Điện.
Nhưng bà cũng trích dẫn các triết gia, các nhà hoạt động nhân quyền châu Âu và chuyến đi sang Thuỵ Sĩ, Na Uy, Ireland và Anh của bà là dịp giới thức giả và quyền quý ở châu lục này xem lại mình.
Các bạn trong ban BBC Miến Điện cho tôi hay cả ‘phái đoàn’ của Aung San Suu Kyi sang châu Âu chỉ có đúng bốn người phụ tá bà, trong đó một người đã là bác sĩ chuyên lo sức khỏe cho bà, một người nữa là dân biểu trẻ của NLD đi công du để mở rộng quan hệ.
Toàn bộ lịch trình làm việc, từ gặp Tổ chức Lao động Quốc tế ở Geneva, diễn văn trước Ủy ban Nobel ở Oslo, thăm giới nghiệp đoàn Ireland, tới BBC, trả lời phỏng vấn truyền hình của Newsnight, vào Phủ thủ tướng, thăm Hoàng gia Anh đều do một mình bà tự lo, tự soạn, tự trình bày.
Mà đến đâu bà cũng nói không cần cầm giấy, tự nhiên, và rất có duyên.
Nếu mà nói về ‘ngoại giao con nhà nghèo’ lại đạt hiệu quả đẳng cấp quốc tế cao nhất thì tôi chưa biết có ai hơn bà Aung San Suu Kyi. Tôi tin rằng thấm nhuần Phật giáo và rất sắc về chính trị, bà Suu Kyi đã lấy cái ‘không có’ của mình và của phong trào dân chủ Miến Điện, và cái nghèo chưa bị đầu tư của xã hội đó thành một vũ khí ngoại giao lợi hại.
Tôi cũng được dự nhiều cuộc tiếp tân thì thường thấy quan chức châu Á sang Anh hay mời gọi đầu tư như một cách ‘bán hàng’, muốn giới tư bản vào khai thác xứ sở của mình càng nhiều càng hay.
Bà Aung San Suu Kyi là người châu Á đầu tiên thẳng thắn nói nếu các đại công ty như BP của Anh vào Miến Điện đầu tư thì rất hoan nghênh, nhưng họ cần nghĩ đến người dân, và đừng dùng đồng tiền gây ra tham nhũng và tiếp tay cho giới giàu tiền và giàu quyền.
Mặt khác, tôi tin rằng người châu Âu, vốn đang trong giai đoạn tinh thần bị xuống mạnh vì chao đảo của đồng euro, của sự đổ vỡ hàng loạt giá trị, cũng thầm mong được nghe thấy gì đó có ý nghĩa sâu sắc từ bà Suu Kyi.
Hôm qua, lúc đi thang máy, tôi tình cờ thấy một cô gái Anh khoe trên mobile phone với bạn hình chụp được bà Aung San Suu Kyi vào thăm đài hôm đầu tuần.
Như thế, bà Aung San Suu Kyi quả đã là một ngôi sao của châu Á trong tâm trí người dân bình thường nhất ở Anh.
Tôi thấy tự hào lây cho người Miến Điện và cũng có thêm một chút hy vọng cho Asean.
***
Bài đọc 2:
Đàn Bà Dễ Có Mấy Tay
Aung San Suu Kyi
Diễn từ Nobel Hòa Bình
(Đọc ngày 16-6-2012 tại Oslo, Na Uy)
Sau 21 năm giam cầm trong nước dưới chế độ độc tài quân phiệt, thứ Bẩy 16 tháng 6 vừa qua, Aung San Suu Kyi, nhà tranh đấu cho Dân Chủ Tự Do Miễn Điện, mới có dịp đọc diễn từ nhận giải Nobel Hoà Bình tại Oslo mà Tổ chức này đã chính thức trao tặng Bà năm 2001. Lý do mà Bà Aung San Suu Kyi không sang Norway nhận lãnh giải Nobel Hoa Bình trong năm 2001 là vì e ngại không được phép trở lại nước để tiếp tục tranh đấu cho Nhân quyền và Dân Chủ Tự Do. Bà xác nhận, gần đây chính thể Miễn Điện có phần cải tiến, những lưu ý con đường hoàn thiện hãy còn dài (vietthuc.org)
“The true measure of the justice of a system is the amount of protection it guarantees to the weakest” và “It is not power that corrupts but fear. Fear of losing power corrupts those who wield it and fear of the scourge of power corrupts those who are subject to it”.
(Không phải quyền lực làm cho tha hóa, mà chính là sự khiếp sợ. Sự khiếp sợ đánh mất quyền lực làm tha hóa những kẻ đang nắm trong tay quyền lực và sự khiếp sợ bị quyền lực trừng phạt làm tha hóa những người đang nằm dưới tay quyền lực).
Thưa Ðức Vua và Hoàng hậu, thưa các vị trong Hoàng gia, thưa các vị khách quý, các thành viên của Ủy ban Nobel Na Uy, và các bạn thân mến,
Nhiều năm trước, đôi khi tưởng như đã qua nhiều cuộc đời, tôi đã từng nghe chương trình phát thanh “DesertIsland Discs” (Bộ dĩa nhạc Hoang Ðảo) với con trai nhỏ của tôi là Alexander ở Ðại học Oxford. Ðó là một chương trình nổi tiếng (mà theo tôi biết ngày nay vẫn còn đang tiếp tục), ở đó có những người nổi tiếng từ mọi thành phần trong xã hội được mời để nói về tám đĩa nhạc, một cuốn sách, bên cạnh Kinh Thánh và bộ tác phẩm của Sheakspeare, với một vật xa xỉ mà họ muốn có bên mình nếu như họ bị bỏ lại ngoài một hoang đảo. Khi chương trình kết thúc, cả hai chúng tôi đều thích thú, Alexander hỏi tôi có nghĩ rằng một ngày nào đó mẹ có thể được mời nói chuyện trong chương trình này không. “Tại sao lại không?”, tôi đã nhẹ nhàng trả lời cháu. Vì Alexander biết rằng nói chung chỉ những người nổi tiếng mới tham gia chương trình này, cháu tiếp tục hỏi tôi với một sự quan tâm thành thật, rằng tôi nghĩ tôi có thể được mời vì lý do gì. Tôi nghĩ trong giây lát rồi trả lời; “Có thể vì mẹ sẽ được giải Nobel về văn chương”, và cả hai chúng tôi cùng cười. Dự đoán này nghe có vẻ thú vị nhưng rất khó thành hiện thực.
(Giờ đây tôi không nhớ nổi tại sao tôi lại trả lời như thế, có lẽ vì lúc đó tôi vừa đọc một quyển sách của một tác giả được trao giải Nobel, hay có lẽ vì danh nhân xuất hiện trong chương trình Hoang Ðảo đã là một nhà văn nổi tiếng.)
Năm 1989, khi người chồng quá cố của tôi (Michael Aris) đến thăm tôi trong kỳ hạn đầu của quản thúc tại gia, anh ấy nói rằng một người bạn của anh là John Finnis đã đề cử tôi cho Giải Nobel Hòa bình. Lần đó tôi cũng cười. Ngay lúc đó, Michael có vẻ kinh ngạc, rồi anh nhận ra tại sao chuyện đó lại làm tôi cảm thấy buồn cười. Giải Nobel Hòa bình? Một viễn ảnh đẹp, nhưng hoàn toàn bất khả! Vậy thì tôi cảm thấy như thế nào khi tôi thực sự được trao giải Nobel vì Hòa bình? Câu hỏi này đã được đặt ra với tôi nhiều lần và đây chắc chắn là dịp thích hợp nhất để xem giải Nobel có ý nghĩa như thế nào đối với tôi, và hòa bình có ý nghĩa gì đối với tôi.
Như tôi đã nói nhiều lần trong nhiều cuộc trả lời phỏng vấn, tôi đã nghe tin tức về việc tôi được chọn trao giải Nobel Hòa bình trên đài phát thanh vào một buổi tối. Tin tức ấy không đến với tôi cùng với sự ngạc nhiên bất ngờ vì tôi đã được nêu tên như một ứng viên được đề cử trong một số chương trình truyền hình trước đó vài tuần. Khi thảo bài nói chuyện này, tôi đã hết sức cố gắng nhớ lại xem phản ứng tức thời của tôi lúc nghe thông báo ấy là như thế nào. Tôi nghĩ, tôi không còn chắc chắn lắm, là một cái gì đại loại như: “Ồ! Vậy là họ đã quyết định trao giải thưởng ấy cho tôi”. Có vẻ như nó không hoàn toàn là thực, vì theo một nghĩa nào đấy tôi đã không cảm thấy chính tôi đang tồn tại hoàn toàn thực vào lúc đó.
Thường trong những ngày bị quản thúc tại gia, có cảm tưởng như tôi không còn là một phần của thế giới thực nữa. Ðã có một căn nhà vốn từng là thế giới của tôi, đã có một thế giới của những người khác cũng không có tự do nhưng đã cùng sống chung nhau trong nhà tù như một cộng đồng, và có một thế giới của những người tự do; mỗi thế giới đó là một hành tinh khác biệt theo đuổi đường đi của nó trong một vũ trụ dửng dưng. Ðiều mà giải Nobel Hòa bình đã làm là một lần nữa kéo tôi trở về thế giới của con người ngoài khu vực bị cô lập mà tôi đã sống; là khôi phục cảm giác về thực tại đối với tôi. Ðiều này tất nhiên không xảy ra ngay tức thì, nhưng khi ngày tháng trôi qua và tin tức về những phản ứng đối với giải thưởng đến tôi qua làn sóng phát thanh đã lắng xuống, tôi bắt đầu hiểu ý nghĩa quan trọng của giải Nobel. Nó đã làm tôi trở về thực tại một lần nữa; nó kéo tôi trở về cộng đồng con người rộng lớn. Và điều quan trọng hơn nữa là giải Nobel đã thu hút sự chú ý của thế giới vào cuộc đấu tranh cho dân chủ và quyền con người ở Miến Ðiện. Chúng tôi sẽ không bị quên lãng.
Bị quên lãng. Người Pháp nói rằng chia ly là đã chết đi một ít. Bị quên lãng cũng chính là chết đi một ít. Ðó là sự mất mát những mối dây liên kết neo giữ chúng ta với nhân loại. Khi tôi gặp những người Miến Ðiện là lao động nhập cư và tị nạn trong chuyến thăm gần đây của tôi tại Thái Lan, nhiều người đã khóc: “Xin đừng quên chúng tôi!”. Họ muốn nói rằng: “Xin đừng quên cảnh ngộ khốn cùng tuyệt vọng của chúng tôi, xin đừng quên làm những gì bà có thể làm để giúp chúng tôi, xin đừng quên chúng tôi cũng thuộc về thế giới của bà” . Khi Ủy ban Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho tôi, họ đã nhận ra rằng sự đàn áp và cô lập của Miến Ðiện cũng là một phần của thế giới, họ đã nhận ra sự thống nhất của nhân loại. Bởi vậy đối với tôi nhận giải Nobel Hòa bình về mặt cá nhân có nghĩa là mở rộng mối quan tâm của tôi về dân chủ và quyền con người ra khỏi biên giới quốc gia. Giải Nobel Hòa bình đã mở ra một cánh cửa trong tim tôi.
Khái niệm hòa bình của người Miến Ðiện có thể được giải thích như hạnh phúc nảy sinh từ sự chấm dứt những yếu tố ngăn cản sự hài hòa và lành mạnh. Từ nyein-chan dịch theo nghĩa đen là cái mát lành đến từ một ngọn lửa đã bị dập tắt. Ngọn lửa của đau khổ và xung đột đang hoành hành dữ dội khắp nơi trên thế giới. Ở đất nước của tôi, thái độ thù nghịch và hành động chiến tranh vẫn chưa mất đi ở những vùng xa phía bắc; ở phía tây, bạo lực của các nhóm chủng tộc và tôn giáo đối lập đưa tới kết quả đốt phá và giết người chỉ mới xảy ra cách đây ít ngày trước khi tôi bắt đầu cuộc hành trình đưa tôi đến đây hôm nay. Tin tức về những hành động tàn bạo ở những vùng khác trên trái đất thì đầy dẫy. Những bài báo tường thuật về nạn đói, bệnh dịch, sự di tản, thất nghiệp, nghèo khổ, bất công, kỳ thị, thành kiến, cuồng tín; tất cả đều là tình trạng hàng ngày của chúng ta. Nơi nào cũng có những lực lượng tiêu cực gặm nhấm nền tảng của hòa bình. Nơi nào cũng có thể thấy sự phung phí vật chất và nguồn lực con người một cách thiếu suy nghĩ, những thứ cần cho sự bảo toàn hạnh phúc và sự hài hòa trong thế giới của chúng ta.
Thế chiến thứ nhất tiêu biểu cho sự lãng phí kinh khủng tuổi trẻ và tiềm năng, một sự hoang phí đầy tội ác đối với những sức mạnh tích cực trên hành tinh của chúng ta. Bài thơ về kỷ nguyên này có một ý nghĩa quan trọng đối với tôi khi tôi đã đọc nó lần đầu tiên vào lúc tôi bằng tuổi những người thanh niên trẻ phải đương đầu với viễn cảnh bị héo tàn trước khi bừng nở. Một người thanh niên Mỹ chiến đấu với lính lê dương Pháp đã viết trước khi bị giết năm 1916 là anh ta có thể gặp cái chết của mình “ở một chiến hào ghê tởm nào đó”, “trên triền dốc đầy vách đá ở một ngọn đồi mòn vẹt”, “vào nửa đêm ở một thành phố nào đó đang bốc cháy”. Tuổi trẻ và tình yêu, và cuộc sống đã chết mãi mãi trong những nỗ lực vô nghĩa để chiếm lấy những nơi chốn không tên, không ai nhớ tới. Và để làm gì? Gần một thế kỷ qua đi, chúng ta vẫn chưa tìm thấy một câu trả lời thỏa đáng.
Ở mức độ ít bạo động hơn, phải chăng chúng ta không cảm thấy tội lỗi về sự liều lĩnh, về sự phung phí liên quan đến tương lai của chúng ta và nhân loại? Chiến tranh đâu phải là đấu trường duy nhất nơi mà hoà bình bị giết chết. Bất cứ nơi nào sự đau khổ bị làm ngơ thì ở đó sẽ có mầm mống của xung đột, bởi vì đau khổ làm hạ thấp con người, gây ra cay đắng và làm người ta nổi giận.
Một điểm tích cực của cuộc sống trong sự cô lập là tôi có khá nhiều thời gian để suy tư về ý nghĩa của những ngôn từ và khái niệm mà tôi từng biết và từng chấp nhận trong cả cuộc đời. Là một Phật tử, tôi đã nghe về dukha, thường được dịch là sự đau khổ, từ khi tôi là một đứa trẻ nhỏ. Gần như ngày nào cũng thế, những người lớn, và có khi cũng chẳng phải là ngừơi già cho lắm, những người quanh tôi thầm thì “dukha, dukha” khi họ phải chịu đựng nỗi đau đớn thể xác hay nhức nhối tâm can, hay khi họ gặp phải điều gì đó rủi ro, bực bội nho nhỏ. Tuy nhiên, chỉ trong những năm bị quản chế tại gia, tôi mới nghiền ngẫm được rõ ràng bản chất của sáu điều gây đau khổ lớn. Ðó là: sinh, lão, bệnh, tử, chia lìa với người thương, và bị bắt buộc phải sống giữa những người xa lạ không có tình yêu thương. Tôi suy ngẫm về từng thứ gây đau khổ ấy, không phải trong bối cảnh tôn giáo mà trong đời sống bình thường hàng ngày của chúng ta. Nếu như đau khổ là một phần không thể tránh trong sự tồn tại của chúng ta, chúng ta nên cố gắng làm giảm nhẹ nó hết sức có thể theo những cách thực tiễn nhất. Tôi đã suy đi nghĩ lại về hiệu quả của những chương trình chăm sóc bà mẹ và trẻ em trước và sau khi sinh, về những điều kiện tương xứng cho số dân lớn tuổi; về chăm sóc sức khỏe toàn diện; về chăm sóc y tế và nhà tế bần cho người nghèo. Tôi đặc biệt chú ý đến hai loại đau khổ sau cùng: bị chia tách khỏi những người thân thương và bị buộc phải sống giữa những người xa lạ không có tình yêu thương. Những trải nghiệm nào mà Ðức Phật của chúng ta có lẽ đã trải qua trong đời ngài khiến ngài đã bao gồm hai điều này trong sáu điều đau khổ? Tôi nghĩ về những người bị cầm tù và những người di cư, hay những công nhân xa xứ và nạn nhân của sự buôn người, nghĩ về những đám đông như những cái cây bị nhổ bật rễ, những người đã phải xa lìa xứ sở quê hương, bị chia cắt với gia đình và bạn bè, bị bắt buộc phải sống giữa những người xa lạ chẳng phải bao giờ cũng chào đón họ.
Chúng ta thật may mắn sống trong thời đại mà phúc lợi xã hội và trợ giúp nhân đạo được công nhận không chỉ là một điều ước mà là một sự cần thiết. Tôi có may mắn sống trong một thời đại mà số phận của những tù nhân lương tâm ở một nơi nào đó trở thành mối quan tâm của mọi người ở mọi nơi, một thời đại mà dân chủ và quyền con người là điều được công nhận một cách rộng rãi, cho dù không phải phổ quát trên toàn thế giới, là những quyền tự nhiên bẩm sinh của tất cả mọi người. Ðã bao lần trong những năm bị quản chế tại gia, tôi đã lấy thêm sức mạnh cho mình từ đoạn văn tôi rất ưa thích trong lời nói đầu bản Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền:
…. Hành vi xem thường và chà đạp nhân quyền đã dẫn đến những hành động dã man làm xúc phạm lương tâm nhân loại. Việc tiến đến một thế giới trong đó con người được hưởng tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, không còn sợ hãi và nghèo khó, phải được tuyên bố như là khát vọng cao nhất của con người bình thường.
…điều cốt lõi là, để con người không bị bắt buộc phải sử dụng đến biện pháp cuối cùng là vùng dậy chống lại độc tài và áp bức, nhân quyền cần phải được bảo vệ bằng những quy định của luật pháp.”
Nếu người ta hỏi tôi vì sao tôi tranh đấu cho quyền con người ở Miến Ðiện, những đoạn văn trên đây sẽ đem lại câu trả lời. Nếu người ta hỏi tôi vì sao tôi tranh đấu cho nền dân chủ ở Miến Ðiện, thì đó là vì tôi tin rằng thiết chế dân chủ và sự thực hiện nó là cần thiết để bảo đảm cho quyền con người.
Trong năm qua đã có dấu hiệu về những nỗ lực của những người tin vào nền dân chủ và quyền con người đang bắt đầu kết trái ở Miến Ðiện. Ðã có những thay đổi theo hướng tích cực, đã có những bước đi hướng về dân chủ hóa. Nếu tôi tán thành chủ nghĩa lạc quan thận trọng thì đó không phải là vì tôi không có niềm tin vào tương lai mà là vì tôi không muốn khuyến khích niềm tin mù quáng. Nếu không có niềm tin vào tương lai, không có sự thuyết phục rằng những giá trị dân chủ và quyền cơ bản của con người không chỉ là điều cần thiết mà còn là khả dĩ cho xã hội của chúng ta, thì phong trào của chúng tôi đã không thể đứng vững trong những năm tháng hủy diệt này. Một số chiến binh đã ngã xuống tại vị trí chiến đấu của họ, số khác rời bỏ chúng tôi, nhưng nhóm nòng cốt tận tâm thì vẫn mạnh mẽ và gắn bó. Có lúc nghĩ về những năm tháng đã qua, tôi ngạc nhiên là đã có rất nhiều người vững vàng trong những hoàn cảnh nhiều thử thách nhất. Niềm tin của họ vào sự nghiệp của chúng tôi không hề mù quáng; nó dựa trên một sự đánh giá sáng suốt về sức mạnh của chính họ, về sự can trường và một sự tôn trọng sâu sắc trước những khát vọng của dân tộc chúng tôi.
Nhờ những thay đổi gần đây trong đất nước tôi mà tôi có mặt ở đây với các bạn hôm nay; và những thay đổi này đã đến bởi vì các bạn và những người yêu tự do và công lý khác đã đóng góp vào sự nhận thức trên toàn cầu về hoàn cảnh của chúng tôi. Trước khi tiếp tục nói về đất nước tôi, tôi xin được nói về những tù nhân lương tâm của chúng tôi. Vẫn đang còn có những người tù như thế ở Miến Ðiện. Thật đáng lo ngại khi những người bị giam giữ nổi tiếng nhất đã được phóng thích, những người vô danh khác sẽ bị lãng quên. Tôi đứng ở nơi đây là vì tôi đã từng là một tù nhân lương tâm. Khi các bạn nhìn vào tôi và lắng nghe tôi nói, xin hãy nhớ một sự thật thường được lặp đi lặp lại rằng một người tù nhân lương tâm đã là quá nhiều. Những người chưa được trả tự do, những người chưa được tiếp cận với lợi ích của công lý trong nước tôi, con số đó lớn hơn con số một nhiều lắm. Xin hãy nhớ đến họ và xin hãy làm bất cứ cái gì có thể để tác động đến việc trả tự do cho họ sớm nhất và vô điều kiện.
Miến Ðiện là đất nước nhiều sắc dân và niềm tin vào tương lai của Miến Ðiện chỉ có thể xây dựng trên nền tảng của tinh thần hợp nhất. Từ khi giành được độc lập năm 1948, chưa bao giờ có lúc nào chúng tôi có thể tuyên bố là cả nước đã có hòa bình. Chúng tôi đã chưa thể xây dựng lòng tin và sự hiểu biết cần thiết để xóa bỏ những nguyên nhân gây xung đột. Niềm hy vọng đã trỗi dậy qua cuộc ngưng bắn được duy trì từ đầu thập kỷ 90 cho đến năm 2010 thì bị phá vỡ qua một tiến trình vài ba tháng. Một hành động thiếu cân nhắc đã đủ để phá tan cuộc ngừng chiến đã kéo dài khá lâu. Trong những tháng gần đây, những cuộc thương lượng giữa chính phủ và các lực lượng người dân tộc đã và đang có tiến bộ. Chúng tôi hy vọng rằng thỏa thuận ngừng bắn sẽ dẫn đến những giải pháp chính trị được xây dựng trên nền tảng khát vọng của các dân tộc và tinh thần hợp nhất.
Ðảng Liên hiệp Quốc gia vì Dân chủ của tôi và tôi đã sẵn sàng và mong muốn giữ bất cứ vai trò nào trong tiến trình hòa giải quốc gia. Những biện pháp đã được khởi động bởi chính phủ của tổng thống U Thein chỉ có thể duy trì được với sự hợp tác sáng suốt của tất cả mọi lực lượng nội bộ: quân đội, các nhóm dân tộc quốc gia, các đảng phái chính trị, truyền thông, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng doanh nghiệp, và quan trọng hơn hết là công chúng. Chúng tôi có thể nói rằng cuộc cải cách này là có hiệu quả chỉ khi cuộc sống của nhân dân chúng tôi được cải thiện và về mặt ấy, cộng đồng quốc tế có một vai trò không thể thiếu. Viện trợ nhân đạo và viện trợ phát triển, các thỏa thuận song phương và đầu tư phải được phối hợp và có cân nhắc đến việc bảo đảm tăng trưởng quân bình và bền vững về xã hội, chính trị và kinh tế. Tiềm năng của đất nước chúng tôi là hết sức to lớn. Ðiều này cần được nuôi dưỡng và phát triển để tạo ra một xã hội không chỉ thịnh vượng hơn mà còn hài hòa hơn, dân chủ hơn, nơi người dân của chúng tôi có thể sống trong hòa bình, an toàn và tự do.
Hòa bình của thế giới chúng ta là điều không thể chia cắt. Chừng nào mà những lực lượng tiêu cực còn mạnh hơn những lực lượng tích cực ở bất cứ nơi đâu, thì tất cả chúng ta đều bị đe dọa. Có lẽ ta có thể đặt câu hỏi rằng liệu có bao giờ tất cả những lực lượng tiêu cực sẽ bị loại bỏ? Câu trả lời đơn giản là: “Không!”. Bản chất của con người chứa đựng cả cái tích cực lẫn cái tiêu cực. Tuy nhiên con người cũng có khả năng tạo nên và làm mạnh thêm những cái tích cực và làm giảm đến mức thấp nhất hay trung hòa hóa những cái tiêu cực. Hòa bình tuyệt đối trong thế giới chúng ta là một mục tiêu không thể đạt được. Nhưng đó là thứ mà chúng ta phải hướng về trong cuộc hành trình mà chúng ta đang tiếp tục; đôi mắt chúng ta dán chặt vào mục tiêu đó như người đi trong sa mạc dán mắt vào ngôi sao dẫn đường sẽ đưa anh ta đến nơi giải thoát. Ngay cả nếu chúng ta không đạt được hòa bình hoàn hảo trên trái đất, bởi vì hòa bình hoàn hảo là thứ không có trên trái đất này, thì những nỗ lực chung để giành lấy hòa bình cũng sẽ đoàn kết mọi cá nhân và mọi quốc gia trong lòng tin và tình hữu nghị; và giúp tạo ra một cộng đồng người an toàn hơn và tử tế hơn.
Tôi dùng từ “tử tế hơn” với sự cân nhắc thận trọng. Tôi có thể nói đó là sự cân nhắc thận trọng của nhiều năm. Trong những sự ngọt ngào của nghịch cảnh, và hãy cho tôi nói rằng những thứ ngọt ngào ấy chẳng có nhiều cho lắm, tôi đã tìm thấy cái điều ngọt ngào nhất, thứ quý giá hơn hết tất cả, là bài học mà tôi đã học được về giá trị của lòng tốt. Tất cả những sự tử tế mà tôi đã nhận được, dù nhỏ hay lớn, đều đã thuyết phục tôi rằng lòng tốt có thể không bao giờ đủ trong thế giới của chúng ta. Tử tế là đáp ứng với sự nhạy cảm và ấm áp của con người trước hy vọng và nhu cầu của người khác. Ngay cả cái chạm nhẹ nhất của lòng tốt cũng có thể thắp sáng một trái tim nặng trĩu. Lòng tốt có thể làm thay đổi cuộc đời của con người. Na-Uy đã cho thấy gương mẫu của sự tử tế trong việc cung cấp tổ ấm cho những người tha phương trên trái đất, bảo vệ những người đang bị tấn công, bị cắt đứt chiếc dây neo của an toàn và tự do với quê hương bản quán của họ.
Ở mọi nơi trên thế giới này đều có những người tị nạn. Khi tôi đến trại tị nạn Maela ở Thái Lan gần đây, tôi đã gặp những người tận tụy đang hàng ngày đấu tranh cho cuộc sống của những người tị nạn thoát khỏi khó khăn chừng nào hay chừng ấy. Họ nói về mối quan ngại của họ đối với “sự mòn mỏi dần những người tài trợ”, là điều có thể dịch ra thành “sự mòn mỏi lòng trắc ẩn”. Cụm từ “sự mòn mỏi dần những người tài trợ” tự nó đã diễn đạt một cách chính xác sự giảm sút nguồn tiền tài trợ. “Sự mòn mỏi lòng trắc ẩn” tự diễn đạt nó ít hiển nhiên hơn việc giảm sút đi lòng trắc ẩn. Cái này là hậu quả của cái kia. Liệu chúng ta có thể sống mãi được với việc tự cho phép mình mòn mỏi đi lòng trắc ẩn? Phải chăng cái giá của việc đáp ứng nhu cầu cho những người tị nạn lớn hơn cái giá của sự quay lưng, nếu không muốn nói là nhắm mắt lại trước sự đau khổ của họ? Tôi khẩn khoản kêu gọi những nhà tài trợ trên thế giới trong việc đáp ứng nhu cầu của những con người này, những người đang tìm kiếm, thường là cuộc tìm kiếm vô vọng, sự tị nạn trên một đất nước khác.
Ở Maela, tôi đã có những cuộc thảo luận quý giá với các viên chức Thái chịu trách nhiệm quản lý điều hành tỉnh Tak, nơi có trại này và nhiều trại khác. Họ cho tôi biết nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn liên quan đến các trại tị nạn: vi phạm luật bảo vệ rừng, sử dụng ma túy bất hợp pháp, cất rượu lậu, các vấn đề về kiểm soát bệnh sốt rét, bệnh lao phổi, sốt xuất huyết và bệnh dịch tả. Những quan ngại của cơ quan hành chánh là chính đáng cũng như những quan ngại của những người tị nạn. Các quốc gia chủ nhà cũng cần có sự xem xét và sự giúp đỡ cụ thể để đương đầu những khó khăn liên quan đến phần trách nhiệm của họ.
Mục tiêu tối hậu của chúng ta phải là tạo ra một thế giới thoát khỏi tình trạng có những người phải di tản, những người không nhà và tuyệt vọng, một thế giới mà từng góc nhỏ và tất cả mọi nơi đều là nơi trú ẩn thực sự mà những người sống ở đó đều có tự do và có năng lực sống trong hòa bình. Mọi ý nghĩ, mọi lời nói, mọi việc làm góp phần vào cái tốt và cái lành mạnh sẽ là một sự đóng góp cho hòa bình. Mỗi người và tất cả chúng ta đều có thể đóng góp như thế. Chúng ta hãy nắm tay nhau tạo ra một thế giới hòa bình, nơi chúng ta có thể ngủ trong an toàn và thức dậy trong niềm hạnh phúc.
Ủy ban Nobel đã kết luận tuyên bố của họ ngày 14 tháng 10 năm 1991: “Bằng cách trao giải Nobel Hòa bình cho Aung San Suu Kyi, Ủy ban Nobel Na-Uy muốn vinh danh người phụ nữ này vì những nỗ lực không mệt mỏi của bà, và thể hiện sự ủng hộ của giải Nobel đối với rất nhiều người trên khắp thế giới đang tranh đấu để đạt đến dân chủ, quyền con người và hòa giải dân tộc bằng những phương tiện hòa bình”. Khi tôi tham gia phong trào dân chủ ở Miến Ðiện chưa bao giờ tôi tự nghĩ rằng tôi có thể là người nhận bất cứ giải thưởng hay vinh dự nào. Cái giải thưởng mà chúng tôi đang làm hết sức mình cho nó, đó là tự do, an toàn, và chỉ là một xã hội mà con người có thể nhận ra được tất cả tiềm năng của mình. Vinh dự nằm trong những nỗ lực của chúng tôi. Lịch sử đã trao cho chúng tôi cơ hội để cống hiến những gì tốt nhất của chúng tôi cho một sự nghiệp mà chúng tôi tin vào. Khi Ủy ban Nobel chọn vinh danh tôi, con đường mà tôi đã chọn cho ý chí tự do của riêng tôi sẽ trở nên một con đường ít cô đơn hơn để theo đuổi nó. Vì điều ấy tôi xin cảm ơn Ủy ban và tất cả mọi người trên thế giới này, vì sự hỗ trợ của họ đã làm mạnh thêm niềm tin của tôi trên con đường chung tìm kiếm hòa bình. Xin cảm ơn quý vị.
(Source: QueChoa. "Mừng cho Nguyễn Quang Lập vượt được muôn trùng gian khổ trở về chiếm hữu lại văn đàn (đã bị rào tường lửa & hackers đánh phá ). Và cả mừng cho Văn chương, cho nhà văn nói chung, trong đó có mình...(nhà Văn Bảo Ninh).
Chú Thích:
Giải Nobel Hòa bình (tiếng xứ Bắc Âu: Thụy Điển, Đan Mạch và tiếng Na Uy: Nobels fredspris) là một trong năm nhóm giải thưởng ban đầu của Giải Nobel. Theo nguyện vọng ghi trong di chúc của Alfred Nobel, Giải Nobel hòa bình nên được trao "cho người đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình". Có nhiều người cho rằng Nobel đã lập ra giải thưởng này trong di chúc như một cách đền bù cho các chất nổ phát minh của ông vốn được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh như dynamit hay ballistite. Thực tế thì ngoại trừ ballistite, không một loại chất nổ nào của Nobel được sử dụng trong chiến tranh khi ông còn sống.
Giải Nobel Hòa bình được trao hàng năm vào ngày 10 tháng 12, ngày mất của Alfred Nobel tại thủ đô Oslo của Na Uy. Trong khi phần lớn các giải Nobel khác được trao tại Thụy Điển và do một ủy ban của Thụy Điển quyết định, thì người hoặc tổ chức được xét trao giải Nobel Hòa bình sẽ được quyết định bởi Ủy ban Giải Nobel Na Uy do Quốc hội Na Uy lập ra. Chủ tịch hiện tại của ủy ban này, tiến sĩ Ole Danbolt Mjøs cũng là một người từng được trao Giải Nobel Hòa bình. Sở dĩ có sự khác biệt này là vì vào thời điểm Alfred Nobel viết di chúc, Thụy Điển và Na Uy gần như là một liên bang trong đó Chính phủ Thụy Điển chịu trách nhiệm lĩnh vực đối ngoại còn Quốc hội Na Uy chịu trách nhiệm lĩnh vực đối nội. Alfred Nobel chưa bao giờ giải thích lý do tại sao ông lại chọn Na Uy là nước chịu trách nhiệm xét giải Nobel Hòa bình chứ không phải Thụy Điển, nhiều người cho rằng có lẽ Nobel muốn loại trừ việc các chính phủ nước ngoài có thể thao túng Giải Nobel Hòa bình, vì vậy ông đã chọn Quốc hội Na Uy, vốn không chịu trách nhiệm về quan hệ đối ngoại.
***
Đọc Thơ Phan Ni Tấn:
H’NA (HỜ-NA)
Ơi này cô gái H’Na
Sao cô gùi mảnh trăng tà của anh
Đường trơn cô chớ bước nhanh
Hồn anh đăng ngủ giữa vàng trăng kia
Chẳng hiểu em nói cái gì
Nhìn môi một cụm xuân thì cũng thương
Em xinh như đóa hướng dương
Mọc hoang theo lối về buôn bản nghèo
H’Na đựng gạo trong gùi
Đem ra chợ đổi lấy đôi trâm vàng
Cài lên cái tóc mơ màng
Con trai con gái buôn làng xuýt xoa
Cổng làng có lũy tre xanh
Mùa mưa con vắt càng tanh hơn nhiều
Lấy que em dích em khều
Chê con vắt chẳng biết điều với em.
Thác Ngàn
Anh đi lên thác xuống ngàn
Mà thương tiếng nước đổ tràn lòng anh
Bềnh bồng vạt nắng xanh
Vi vu là ngọn gió lành qua khe
Lên non gánh núi lặc lè
Về buôn chẳng kịp đường e tối rồi
Ghé vô bản lạ anh ngồi
Nghe con vượn hú bồi hồi nhớ em.
***
Đọc Thơ (Văn) Trần Huyền Ân
Rợp Bóng Ca Dao
cho anh xin chịu làm người thua cuộc
dáng phong lưu tập mãi vẫn không thành
lối nói văn hoa điệu cười chải chuốt
tự thuở giờ đâu duyên nợ ba sinh
mai anh về nơi đồng sâu đồng cạn
hai buổi thăm đồng hết mạ quảy thêm
hơi thuốc bờ tre khói chè vương vấn
nồm hây hây ru giấc ngủ êm đềm
anh sẽ kêu này trâu hời trâu hỡi
nghiệp cấy cày trâu đó có ta đây
nay nước bạc mai cơm vàng vời vợi
mùi lúa thơm bên ngọn cỏ xanh đầy
anh sẽ nghe người gái quê chất phác
tha thiết mặc lòng chưa dám cầm tay
trong nắng ấm buổi chiều lên tiếng hát
một mai nào... muối mặn với gừng cay
anh đã hiểu. Chúng mình xa lạ lắm
kẻ dưới trần người mộng ước trăng sao
đường em bước đường phù hoa mấy dặm
anh theo về đường rợp bóng ca dao
Về Đất Tổ
Cõi Nam riêng một góc trời
Hùng Vương gây dựng đời đời nghiệp vua
Phong Châu là chốn kinh đô
Chia mười lăm quận bản đồ mênh mông
Trứng rồng lại nở ra rồng
Ngàn thu con cháu vốn dòng Lạc Long
Cây kia ăn quả ai trồng
Suối kia uống nước hỏi dòng từ đâu ?
Nhớ lại lịch sử thời dựng nước, chắc chắn mỗi người chúng ta đều tự hỏi như thế. Và ai ai cũng muốn ít nhất có một lần về thăm đất tổ cội nguồn.
Từ Hà Nội theo quốc lộ số 2 về hướng tây bắc, tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong vùng trung du Bắc Bộ. Buổi sáng hôm ấy thật êm đềm. Trời xanh không quá cao tạo cái cảm giác gần gũi. Những ngọn đồi tròn, thấp, rải rác khắp nơi. Đồng ruộng vì thế không còn trải rộng, trái lại có vẻ linh hoạt hơn. Bắp, khoai, sắn nư ớc, rau cải đều xanh mượt, nhưng mỗi loại một màu xanh riêng, tạo ra từng ô đậm nhạt khác nhau, trông mát mắt. Thỉnh thoảng còn thấy một hai cái lô cốt ẩn mình trong cỏ, dưới rêu, chứng tích của một thời khói lửa.
Đường qua huyện Mê Linh. Chỉ hai tiếng ấy cũng đủ gợi lên những trang sử oanh liệt của hai vị nữ anh hùng dân tộc lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đầu tiên chống nhà Đông Hán. Qua Hương Canh với ngôi đình trên 300 năm, qua thị xã Vĩnh Yên, đường chuyển sang hướng tây để gặp sông Lô. Xe chạy dưới cầu rồi vòng lên. Mơ hồ trong gió như vang vọng bản trường ca đầy hào khí cũng thắm đượm trữ tình.
Thành phố Việt Trì là tỉnh lỵ Phú Thọ. Sông Lô gặp sông Hồng tạo ra điểm gặp của Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hà Tây. Đi mươi cây số nữa là tới đền Hùng, thôn Cổ Tích, xã Hi Cương, huyện Phong Châu. Ai đã thuộc những câu thơ xưa từ bài học thuộc lòng trong ký ức thiếu thời, khi nhìn núi Ngũ Lĩnh không thể không nhẩm đọc:
Ba tòa chót vót đầu non
Ngàn thu sùng bái vẫn còn khói hương
Trước khi đến ba tòa tức là đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, phải qua đền Trình gần chân núi. Bên trên cổng đề bốn chữ Cao sơn cảnh hành , ở bốn trụ có hai câu đối. Từ chân núi đến đền Hạ thoai thoải 225 bậc cấp và tiếp tục lại là những bậc cấp. Mỗi bậc cấp xây cao bằng nhau (một tấc rưỡi) vừa với bước chân người lớn tuổi. Cho nên không mấy ai ngần ngại khi nghe tiếng gọi của tiền nhân:
Đường mây sẵn bậc leo lên
Rõ ràng lăng miếu Mẹ Tiên Cha Rồng
Ở đền Hạ có chùa Thiên Quang thiền tự, tương truyền tại nơi này Mẹ Âu Cơ sinh một bọc trăm con, có cây đại 500 năm, cây vạn tuế 3 nhánh 700 năm. Lên thêm 168 bậc c ấp nữa đến đền Trung, có cây đại 700 năm. Trăm năm trong cõi người ta một đời người đâu có nghĩa gì so với cổ thụ. Nhưng điều quan trọng là sự nghiệp một đời người còn có gì để lại cho các thế hệ mai sau khi thân xác đã về cùng cát bụi. Nói đến cổ thụ có khi không đồng nghĩa với đại thụ. Cây vạn tuế ở đền Trung không có được tầm vóc như cây đại ở Côn Sơn tương truyền do Trần Nguyên Đán trồng đã 600 năm, hoặc cây đại trước chùa Hoa Yên núi Yên Tử 700 năm, trông khắc khổ mà kiêu hùng. Những cây tùng 700 năm dọc Đường Tùng Yên Tử thì cao vút cao, ngọn vẫy mây trời, dươí gốc rễ trồi lên cùng sỏi đá.
Cũng theo tương truyền, chỗ đền Trung là nơi tổ chức cuộc thi các món ăn và Hoàng tử Lang Liêu đã dâng vua món bánh chưng bánh dày. Ở sân đền có đặt 9 tảng đá, tảng lớn nhất chính giữa, 8 tảng nhỏ hơn xếp vòng chung quanh, tượng trưng nơi ngày xưa Vua Hùng và các Lạc hầu Lạc tướng ngồi trên các tảng đá bàn việc nước, vua ngồi giữa, văn võ chung quanh. Từ 9 tảng đá thô sơ nơi sân đền Hùng đến 9 chiếc đỉnh chạm khắc công phu trước Thế miếu Huế, đất nước biết bao thăng trầm để đến hôm nay
Bụi hồng mấy cuộc tang thương
Bia xanh còn đó, khoán vàng còn đây
Đi tiếp 102 bậc nữa đến đền Thượng: Kính thiên linh điện. Kiến trúc đền Thượng cũng như các đền Hạ, Trung. Ngôi đền dài, bên trên đôi rồng chầu, trước có bốn ch ữ Nam Việt tích tổ. Sau đền là sân rộng, bóng cây che mát. Cạnh đền Thượng có Hùng Vương lăng là mộ vua Hùng thứ 6. Sau khi Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân bay về Trời, vua Hùng thứ 6 cởi áo vắt lên cây kim giao rồi hóa tại đây. Nguyên xưa là mộ, đến thời đầu triều Nguyễn xây thành lăng như hiện nay, hai tầng mái uốn cong bốn góc.
Không quay lại lối cũ, cứ tiếp bước đi xuống là đền Giếng nằm ở chân núi, phía đông nam. Trong đền có giếng Ngọc, một lần nữa nói theo tương truy ềncác Công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi xuống lòng giếng chải tóc, bịt khăn. Ngày nay, do du khách đến đây thường thả những tờ bạc xuống lòng giếng để cầu phúc cầu tài người ta phải đặt một tấm gương trong suốt bên trên, e rằng sự giao hòa giữa Trời-Đất, Âm-Dương đã phần nào bị hạn chế.
Trước đền Giếng là một hồ sen. Bên ngoài hồ sen vòm cổng đưa ta trở về cùng cõi đời thường sau khi đã gởi lòng theo dấu chân dĩ vãng. Ngoái lại, thấy bốn chữ Trung sơn thiên bửu, đôi câu đối, hai trụ biểu nổi trên màu cây lá.
Hình như tại đây ai ai cũng bâng khuâng dừng bước, đưa tầm mắt nhìn tận xa xa. Cả cõi kinh đô Phong Châu bao la hùng v ĩ Ấy nơi Bạch Hạc hợp dòng Thao giang , gồm cả Phú Thọ, Vĩnh Phúc và một phần Hà Tây hiện nay (Sơn Tây). Một ngàn năm trước, bốn ngàn năm trư ớcđứng ở đây vẫn là ngọn núi ấy, dòng sông ấy, Tổ tiên để lại cho con cháu. Bên trong trang lịch sử vinh quang thời Hùng Vương còn có những trang tình sử. Và một cảnh rất đẹp, rất thơ là cảnh Mỵ nương
Ngọc Hoa hạ giá cùng Sơn Tinh :
Quỳ lạy cha già bên kiệu bạc
Thương người thương cảnh xót lòng đau
Nhìn quanh, khói tỏa buồn man mác
Nàng kêu : Phụ vương ôi! Phong Châu !
(Nguyễn Nhược Pháp)
Khốc như nữ tử vu quy nhật. Công chúa không khóc, chỉ kêu lên, hẳn là tiếng kêu nho nhỏ, nghe như tiếng chim rừng Nghĩa Lĩnh.
(Source: luanhoan.net)
***
Bon Dimanche a Tous
Kính.
NNS
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc Lâm Yên Tử
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...