lịch sử việt nam

Trang Chính

...

Biển Cả Và Con Người

...

Bưu Hoa Việt Nam

...

Dòng Thơ

...

Địa Linh Nhân Kiệt Của Việt Nam

...

Điện Toán - Tin Học

...

Hịch Tướng Sĩ

...

Hình Ảnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

...

History Of Viet Nam

...

Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam

...

Hồ Sơ Chủ Quyền Của Quốc Gia Dân Tộc Việt Nam

...

Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa

...

Nguyên Tử Của Việt Nam Và Quốc Tế

...

Tin Tức Thời Sự Việt Nam

...

Tư Tưởng Phật Giáo

...

Sitemap

...

Trang Thơ Văn nguyễn duy ân

...

Trang Thơ Văn Ông Bút

...

Trang Thơ Văn Đặng Quang Chính

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Quang Duy

...

Trang Thơ Văn Trần Văn Giang

...

Trang Thơ Văn Lu Hà

...

Trang Thơ Văn Đông Hải Nguyễn Đức Hiền

...

Trang Thơ Văn Dạ Lệ Huỳnh

...

Thư Tín

...

Weblinks:

 

Lá Thư Úc Châu

Lá Thư Úc Châu 03/06/2012

châu úc, úc đại lợi


GOOD WEEKEND
Trang Thơ Nhạc đầu Tháng 6 (Chúa Nhật: 3-6-12)

Nhạc:

Trương Chi
Nhạc sĩ: Văn Cao
Giọng hát: Ánh Tuyết

Hình ảnh Trương Chi và mối tình tuyệt vọng đã được đưa vào Văn học Nghệ thuật:

"Trương Chi": ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao.
"Khối tình Trương Chi": ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy.
"Trương Chi": kịch thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương.
 "Trương Chi": truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp
"Nàng và Trương Chi": truyện ngắn của Vũ Giang
"Chuyện tình Trương Chi, Mỵ Nương": ca khúc của Anh Bằng
"Hận Trương Chi": ca khúc của Hùng Lân
"Trương Chi": ca khúc của Đặng Hữu Phúc
"Chuyện anh Trương Chi": truyện của Đỗ Thành
"Tình Sử Trương Chi": ca khúc của Huỳnh Thanh Tuấn
"Trương Chi - Mỵ Nương": ca khúc của Tùng Châu & Lê Hựu Hà

Phạm Duy:

"...Nói tới Trương Chi thì nhớ lại thuở tôi còn nhỏ, ở Hà Nội thường có những người đi hành khất bằng giọng hát, nghĩa là họ đến trước cửa từng nhà để hát những câu chuyện cổ Việt Nam, hát xong thì ngửa tay xin tiền. Tôi vẫn nhớ hình ảnh người ca sĩ ăn mày đó, miệng hát, tay đập vào cái hộp sắt bỏ trong túi áo để gõ nhịp cho bài hát. Và hình như anh ta chỉ có một bài hát duy nhất để làm vũ khí cho nghề đi ăn xin mà thôi. Đó là bài hát về anh Trương Chi :

Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu, tiếng hát thì thật hay
Cô Mỵ nương vốn ở Lầu Tây
Con quan Thừa Tướng ngày rày cấm cung...

Sau này, tôi thường cám ơn thầm người hành khất bằng giọng hát đó, vì ngay từ khi tôi chưa có đủ trí khôn để hiểu biết cuộc đời thì anh ta đã nuôi dưỡng tình cảm của tôi bằng một câu chuyện tình đẹp ngang với những chuyện tình đẹp nhất trên thế giới.

Câu truyện cổ tích về anh Trương Chi người thì thậm xấu, tiếng hát thì thật hay mà ca nhạc cổ truyền đã xưng tụng qua hình thức hát rong, hát dạo, hát xẩm... cũng đã được các thi sĩ, văn sĩ của thời nay nhắc tới. Chẳng hạn trong bài thơ BÀI CA NGƯ PHỦ của Vũ Hoàng Chương mà Hoàng Thư đã ngâm lên một cách mê ly trên các Đài Phát Thanh ở trong nước cách đây mấy chục năm. Thạc Sĩ Phạm Duy Khiêm viết truyện LE CRISTAL D'AMOUR bằng Pháp Ngữ, in trong cuốn Légendes Des Terres Sereines. Thi sĩ Hoàng Cầm còn dùng truyện cổ đó để soạn vở kịch thơ TIẾNG HÁT với nội dung không ai giam nhốt nổi tiếng hát.

Trong giới Tân Nhạc, có Hùng Lân viết bài Hận Trương Chi. Phạm Duy viết bài Khối Tình Trương Chi và Văn Cao viết bài Trương Chi. Với bài hát nói lên một nỗi hận, Hùng Lân không kể chuyện anh Trương Chi, ông chỉ mượn một nhân vật tiêu biểu cho giới cầm ca để nói luôn đến chuyện Tử Kỳ và Bá Nha, chuyện người hát hay, đàn hay mà không có người thưởng thức. Phạm Duy là tôi lúc còn ấu trĩ, thì khách quan kể lại câu truyện cổ truyền. Riêng chỉ có Văn Cao là nói tới nhân vật tài hoa truyền kỳ này, nói tới sự não nuột trong tiếng nhạc Trương Chi, tới con người và số phận, đồng thời cũng là nói về mình !

Không phải bây giờ Văn Cao mới nói tới Trương Chi. Người Sông Ngự đã đưa hồn Trương Chi vào hồn mình từ lâu rồi ! Từ khi nói tới một trong những chiều năm xưa có những cung đàn cũng năm xưa ấy réo rắt lên, bên một người con gái đẹp mà... gót hài khai hoa, mắt huyền lưu Xuân, dáng hồng thơm hương đã khiến cho Chàng Trương/Văn Cao phải đưa vào mộng mị :

Chiều năm nay
Tiếng người khơi thương
Tiếng đàn giao hoan
Giấc mộng chàng Trương...

Lúc đó, Văn Cao chỉ mới hé lộ cho ta thấy tâm hồn của anh là tâm hồn của chàng ngư phủ thất tình họ Trương. Bây giờ, anh phát triển tiếng hát câm lặng đó bằng một trường khúc não nuột nhưng cũng rất kiêu sa.

Bài hát mở đầu bằng câu nhạc dài hơi như trong Thiên Thai nhưng nhạc trong Trương Chi có nhiều tính mô tả hơn :

Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ
Trầm trầm không gian mới rung thành tơ.
Vương vất heo may hoa yến mong chờ
Ôi tiếng cầm ca, Thu tới bao giờ...

Kiêu sa lắm chứ ! Khi Văn Cao cho rằng từ lúc mới có Trời, có Đất, khi chưa có Thơ thì đã có Nhạc rồi. Và chỉ có nhạc thì mới kéo được mùa Thu tới cho loài hoa, loài chim, loài người. Rồi cũng với câu nhạc đó, Văn Cao đưa tiếng nhạc của Trương Chi tới Mỵ Nương :

Lòng chiều bơ vơ lúc thu vừa sang
Chập chùng đêm khuya thức ai phòng loan
Một cánh chim rơi trong khúc nhạc vàng
Đây đó từng song he hé đợi đàn...
Một nét nhạc khác cho ta thấy Mỵ Nương vui vẻ chờ đợi tiếng hát :
Tây hiên Mỵ Nương khi nghe tiếng ngân
Hò khoan mơ bóng con đò trôi.
Giai nhân cười nép trăng sáng lả lơi
Lả lơi bên trời...

Nét nhạc bây giờ vút lên, như tiếng nức nở của Trương Chi sau khi Mỵ Nương bị thất vọng về cái nhan không có sắc của anh :

Anh Trương Chi
Tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung
Anh thương nhớ, oán trách cuộc từ ly não nùng.
Đò trăng cắm giữa sông vắng
Gió đưa câu ca về đâu ?
Nhìn xuống đáy nước sông sâu
Thuyền anh đã chìm đâu...

Thưa rằng thuyền anh đã chìm sâu ! Có nghĩa là anh đã gieo mình xuống sông tự tử, nhưng oan hồn của anh còn đó khiến cho tiếng hát vẫn không tắt nghỉ. Khách giang đầu còn được nghe mãi mãi tiếng than khóc của Trương Chi :

Từng khúc nhạc xa vời
Trong đêm khuya dìu dặt tiếng tơ rơi
Sương thu vừa buông xuống
Bóng cây ven bờ xa mờ xoá dòng sông
Ai qua bến giang đầu tha thiết
Nghe sông than mối tình Trương Chi
Dâng úa trăng khi về khuya
Bao tiếng ca ru mùa Thu...

Nhưng Trương Chi có thực sự than khóc cái nghèo nàn, cái xấu trai của mình không ? Ta hãy nghe Văn Cao chuyển cung từ RE thứ qua SOL trưởng một cách sướng tai vô cùng, để diễn tả giọt mưa rơi ngoài song cửa Mỵ Nương như rơi trên những cung đàn huyền diệu. Mưa cũng rơi trên con thuyền ngoài dòng sông lạnh, thuyền này chưa chắc đã là của Trương Chi :

Ngoài song mưa rơi trên bao cung đàn
Còn nghe như ai nức nở và than
Trầm vút tiếng gió mưa
Cùng với tiếng nước róc rách ai có buồn chăng ?
Lòng bâng khuâng theo mưa đưa canh tàn
Về phương xa ai nức nở và than
Trầm với tiếng gió vương
Nhìn thấy ngấn nước lấp lánh in bóng đò xưa...

Vào lúc Tân Nhạc mới chập chững biết đi mà Văn Cao đã viết được những câu nhạc diễn tả giọt mưa tài tình như vậy, thật là hiếm có. Nếu ta nhận ra được nét nhạc SOL trưởng trong đoạn mưa rơi trên cung đàn này là nhạc ngũ cung thì ta lại càng yêu quý Văn Cao hơn lên.

Câu chuyện tình éo le nhưng rồi cũng kết thúc một cách đẹp đẽ : Trương Chi chết đi nhưng vì cuộc tình chưa thoả cho nên trái tim không chịu tan đi và hoá thành ngọc đá. Rồi người đời đem viên ngọc đó ra để làm thành một bộ chén trà dâng tặng gia đình nhà quan. Trong một tiệc trà, Mỵ Nương bưng chén ngọc lên, thấy hình ảnh chàng ngư phủ cất tiếng hát trong miệng chén. Thương nhớ con người và giọng hát năm xưa, nàng rơi lệ ! Giọt nước mắt nhỏ xuống chén ngọc. Thế là mối oan tình từ bao năm nay đã được thoả mãn. Và bây giờ thì chén ngọc, hay là trái tim của Trương Chi mới chịu tan đi.

Văn Cao không đả động tới chuyện đó. Anh tiếp tục xoáy vào nhân vật Trương Chi :

Đò ơi !
Đêm nay dòng sông Thương dâng cao
Mà ai hát dưới trăng ngà
Ngồi đây ta gõ ván thuyền ta ca trái đất còn riêng ta.
Đàn đêm thâu ! Trách ai khinh nghèo quên nhau.
Đôi lứa bên giang đầu
Người ra đi với cuộc phân ly
Đâu bóng thuyền Trương Chi ?

Như tôi đã nói, Văn Cao không kể lại câu chuyện Trương Chi/Mỵ Nương. Anh chỉ tỏ thái độ của Chàng Trương sau khi thất tình, trước khi chết cũng như sau khi chết :

Ngồi đây ta gõ ván thuyền
Ta ca trái đất còn riêng ta...

Tâm hồn tôi đẹp -- vì tôi hát hay mà -- nhưng hình hài tôi xấu, người không yêu tôi à ? Thì tôi vẫn có cuộc đời hay trái đất này để ra tuyên ngôn : Trái đất còn riêng ta. Trách ai khinh nghèo quên nhau. Trách ai ? Trách chính quyền hay trách người đời không bao giờ dung nổi con người nghệ sĩ ? Không dung thì thôi ! Ta vẫn còn riêng Ta. Đó là ý nghĩa của bài Trương Chi.
(Trích: Hồi ký Phạm Duy)

Hoàng Hải Thủy:

"...Ðêm khuya xứ người tôi nhớ Sài Gòn như nhớ Người Yêu. Tôi thấy tôi yêu thương Sài Gòn mà tôi đã mất Sài Gòn – mất mãi mãi – Theo quy luật “tâm viên, ý mã”, từ việc xót thương vì tôi mất Sài Gòn, vì tôi không được sống trọn đời tôi với Sài Gòn,  tôi nhớ chuyện tình Truơng Chi-Mỵ Nương. Tôi biết chuyện anh Trương Chi qua lời thơ bà mẹ tôi kể cho tôi nghe những năm tôi bốn, năm tuổi, những đêm đông tôi nằm bên mẹ tôi. Nhà tôi năm xưa không có giường nệm bông, đêm mùa đông mẹ tôi đặt cái chăn bông trên giường, nằm ngủ cho ấm như nằm nệm bông, tôi nghe mẹ tôi kể chuyện Tình Trương Chi-Mị Nương bằng Thơ:

Ngày xưa có anh Trương Chi,
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay.
Cô Mỵ Nương vốn ở Lầu Tây,
Con quan Thưà Tướng, ngày rầy cấm cung.
Anh Trương Chi vốn ở dưới sông,
Chèo đò ngang doc đêm đông dãi dầu.
Ðêm thanh vắng anh mới hát một câu,
Gió đưa văng vẳng tới lầu cô Mỵ Nương.
Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương.
Hồ trông thấy mặt anh chường lại chê.
Anh Trương Chi tức giận ra về,
Cắm sào cho chặt, anh mới thề một câu:
- Kiếp này đã dở dang nhau,
Thì xin kiếp khác, duyên sau lại lành.

Ðêm khuya, đã đêm khuya mà còn là đêm đông, xứ người, tuyết trắng — xứ người thật sự xứ người, không phải cái xứ người quanh quẩn trong nước Nam như xứ người Vuờn Thanh, xứ người Phủ Lý, xứ người Phủ Lạng Thương, xứ người Sài Gòn của các ông Tản Ðà, Ngô Tất Tố, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương tám, tám. Chín mươi năm xưa; xứ người của tôi ở tận bên kia biển lớn — đêm khuya không ngủ được tôi xúc động vì mối tình của anh Lái Ðò Trương Chi. Tôi thương anh như tôi thương thân tôi: anh Trương Chi kiếp ấy không được sống với người anh yêu, anh hẹn nàng kiếp sau nàng và anh sẽ chung sống vợ chồng, tôi không thể mong ước, hò hẹn như anh: tôi không thể hẹn kiếp sau tôi lại sống ở Sài Gòn. Tôi chỉ có kiếp này được sống với Sài Gòn thôi.

Chuyện tình Trương Chi-Mỵ Nương 100/100 là chuyện Tình Việt Nam. Nhạc sĩ Văn Cao trách cô Mỵ Nương “Trách ai khinh nghèo quên nhau..” là không đúng. Cô Mỵ Nương không chê anh Trương Chi vì anh Trương Chi nghèo, cô là con quan Tể Tướng, cô cần lấy chồng giầu làm chi, cô mê tiếng hát của anh nhưng cô không thể yêu con người anh được, anh xấu trai quá. Anh Trương Chi tưởng cô Mỵ Nương yêu tiếng hát của anh là tự nhiên, tất nhiên cô yêu cả con người anh, cô phải là vợ anh, anh phải là chồng cô. Anh chết là chết oan thôi. Chuyện anh mơ kiếp sau trở lại dương trần, anh sẽ ô-tô-ma-tít vợ chồng với cô là không thể có.

Tôi thương anh Trương Chi, tôi thương những người yêu mà không lấy được người yêu làm vợ trên cõi đời này, tôi mần thơ:

- Kiếp này đã dở dang nhau.
Thì xin kiếp khác, duyên sau lại lành.
Kiếp này đã chẳng Em, Anh.
Làm sao kiếp khác chúng mình thành đôi.
Kiếp này biết kiếp này thôi.
Hẹn làm chi để bồi hồi kiếp sau.
Kiếp này đã chẳng cùng nhau,
Hẹn làm chi để kiếp sau bồi hồi!

Hẹn kiếp sau sẽ lại yêu nhu, kiếp sau sẽ thành vợ chồng.. Lời hẹn vẩn vương, hẹn cho trái tim đỡ đau như bị dao cứa..."
(Trích: Không Bao Giờ Mất)

Nguyễn Huy Thiệp:

"...Trong truyện cổ, người ta kể rằng khi hát xong câu hát cuối cùng:

“Kiếp này đã dở dang nhau
Thì xin kiếp khác duyên sau lại lành “.

Trương Chi đã nhảy xuống sông tự trầm. Hồn chàng nhập vào thân cây bạch đàn. Người ta lấy gỗ bạch đàn tiện thành bộ chén tiến vua. Mỵ Nương rót nước, nhìn thấy hình ảnh Trương Chi trong chén. Giọt nước mắt nàng lăn xuống, cái chén bạch đàn vỡ tan.

Tôi - người viết truyện ngắn này - căm ghét sâu sắc cái kết thúc truyền thống ấy. Quả thực, cái kết thúc ấy là tuyệt diệu và cảm động, trí tuệ dân gian đã nhọc lòng làm hết sức mình. Còn tôi, tôi có cách kết thúc khác. Đấy là bí mật của riêng tôi. Tôi biết giây phút rốt đời Trương Chi cũng sẽ văng tục. Nhưng đấy không phải là lỗi ở chàng.

Mỵ Nương sống suốt đời sung sướng và hạnh phúc.

Điều ấy vừa tàn nhẫn, vừa phi lý.
Lẽ đời là thế."

(Trích: Trương Chi)

Thơ Văn:
Đặng Mỹ Dung
Du Tử Lê
Trần Hoài Thư
Hoàng Lộc
Phan Xuân Sinh
Huy Uyên
Tình thân,
Kính.
NNS

***

Thơ:

Du Tử Lê

Mai Sau Ôi Thấy Vết Thương Tôi, Còn

gọi tôi, tiếng gọi bồi hồi
đêm mưa góc phố, người ngồi ghế, khuya
vầng trăng, tôi, cũ, chia lìa
em đi cuối sớm, ai về đầu hôm ?
gọi tôi, tiếng gọi ai buồn
nhân gian thăm thẳm, ngọn nguồn cũng xa
người về cây, cỏ tháng ba
vườn tôi tháng bảy mưa sa đầm, đầm
gọi tôi, tiếng gọi âm, trầm
trái tim nhật, nguyệt, mái hồn tử, sinh
núi, sông đốm lửa cuối ghềnh
cõi âm ký ức, cõi trần nhát dao
gọi tôi, tiếng gọi rầu, rầu
ngựa trong tuyệt lộ, chim đầu ải sương
người còn giữ được mảnh gương ?
mai sau soi thấy vết thương tôi, còn.

(1984.)

***

Trần Hoài Thư

Bông châu thổ

Vươn giữa trời châu thổ
Tuyệt vời những loài bông
Vươn giữa miền lụy khổ
Dịu dàng hoa từ tâm
Bông vàng, như điên điển
Bông trắng như súng đồng
Miền Tây ơi vương trạch
Đất và người bao dung
Tôi là tên lính trận
Giày vẹt khắp đồng bằng
Ngày quân dừng xóm nhỏ
Điên điển vàng rộ sân
Mẹ vo nồi gạo trắng
Em ra vườn hái bông
Nồi canh chua điên điển
Ấm chút tình non sông
Giờ tôi tù gánh củi
Qua vườn xưa nhà em
Vẫn mùa bông điên điển
Sao cả trời buồn tênh
Mẹ ngồi nhìn ra cửa
Tóc bạc mỏi mòn trông
Em đâu rồi, hở mẹ?
Gió chuyển mùa lập đông

***

Hoàng Lộc

đừng bỏ anh ở chùa

lỡ có một ngày kia
em nhận bình tro cốt
em đưa gửi nhà chùa
mong ngày anh siêu thoát

lúc sống cầu không được
chết đi thì cần gì
hạt tro khi bị nhốt
chỉ lùng bùng tình si

đừng bỏ anh như thế
anh không ưng ở chùa.

(bao giờ em giáo chủ
nhớ cho anh tín đồ)

đừng bỏ anh như thế
kinh kệ thường không vui

(15-5)

***

Phan Xuân Sinh

gửi người yêu dấu

chiều qua, thấy em ta nhìn sững
nắng hắt, quanh co sáng ngõ về
chờ ai? đôi mắt long lanh thế
dấu mặt tay bưng chiếc nón che
em của người. Sao ta lẫn quẩn
gót chân dẫm nát lòng ta đau
em có chút gì như mời gọi
để ta rạo rực trong bể sầu
đã biết em qua như gió thổi
tình cũng tan nhanh theo khói mây
mà sao ta vẫn chìm dưới đáy
để biết tình tan trong men say
Sài gòn, tháng 7 năm 1975
(những bài thơ tìm lại khi về VN năm 2008)

***

Huy Uyên

Đà-Nẳng giờ này mùa đã vào mưa

Anh vàng theo mùa chiếc lá thu phong
anh tương tư mãi hoài màu thắm đỏ
mãi bâng khuâng trong trăm ngàn tưởng nhớ
để hai ta chia biệt đến bây giờ .

Em có buồn trông theo mây bay Cali
có chuyển về anh mối tình buổi trước
anh ngẫn ngơ theo từng chân em bước
có nghẹn đau dấu kín trái tim mình .

Có hai ta bên trời đứng lặng im
hoài niệm cũ chôn sâu vào ký ức
giấc chiêm bao có bao giờ là thực
để cho đời vương vấn mãi đời nhau .

Ngày đó anh buồn mùa tiển đưa
sân bay quạnh,vắng bóng người từ biệt
em đưa tay níu khoảng trời mà có biết
để riêng anh giữ mãi  đoạn tình sầu .

Đà Nẳng mùa này đi vào mưa ngâu
cầu ai bắc để mình ngưu-lang-chức-nử
để Cali không còn là nổi nhớ
quạnh hiên người thay màu lá trong đêm .

Ở đây anh còn lại bóng hình em
anh vàng võ với tháng ngày chờ đợi
từ Toronto mang phong về Cali tóc rối
bến bờ xưa bỏ lại nhớ người xưa .

Đà Nẳng giờ này mùa đã vào mưa .

***

Bút Ký:

Đặng Mỹ Dung

Thân phân người con gái của Cần Thơ

Tôi chào đời trong khói lửa chiến tranh, anh chị em tôi lớn lên trong cái nôi của cách mạng. Những bàn tay kháng chiến đã ru ngủ, bao bọc chúng tôi cho đến lúc chúng tôi thành người.

Cha tôi là một nhà cách mạng, một người đàn ông lý tưởng, thơ mộng, yêu quê hương, yêu gia đình. Từ một thanh niên chống Pháp dành tự do độc lập cho nước nhà, ông trở thành một đảng viên cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam, và giữ chức Đại Sứ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại Liên Xô 7 năm ròng rã cho đến ngày miền Bắc thôn tính miền Nam.

Mẹ tôi là một người can đảm, chung thủy với gia đình và đất nước. Bà yêu chuộng tự do, tôn thờ đạo làm người, như hàng triệu đàn bà Việt Nam thuần túy khác. Má tôi vừa làm mẹ vừa làm cha, nuôi một đàn con thơ trong suốt khoảng thời gian chiến tranh, từ trong bưng biền cho đến những năm khó khăn chốn thị thành.

Năm 1954 ba tôi quyết định tập kết ra Bắc. Tình nước đã nồng mà tình nhà cũng đậm nên ba tôi muốn đem cả vợ và 7 con ra Bắc. Năm đó má tôi 37 tuổi đời, không có một tuổi đảng nào, không một chức tước gì trong chánh phủ cách mạng. Nhưng má tôi đã hiểu rộng, đã biết nhìn xa mà lo sợ và chán ngán cuộc sống trong chế độ mà ba tôi đang thờ phượng. Má tôi can đảm từ chối lời mời của đảng và của chồng. Bà nói nhỏ với ba tôi: “Con tôi còn nhỏ quá để tôi nuôi. Nếu để Bác Hồ của anh nuôi chúng nó sẽ hư hết.”  Ba tôi muốn chồng đâu vợ đó, muốn cho chúng tôi được đi học ở ngoài Bắc rồi có thể được du học bên Tàu bên Nga. Nghe nói vậy, má tôi còn sợ hơn nữa. Thế là ba tôi đành đi tập kết một mình và dắt người anh lớn của tôi theo và hứa sau hai năm sẽ trở về với gia đình sau cuộc tổng tuyển cử mà ông tin là cộng sản chắc chắn sẽ thắng.

Cuộc chia ly nào cũng đau buồn, cũng mất mát. Kể từ ngày ba tôi ra đi má tôi mất đi cái diễm phúc được làm vợ của một nhà cách mạng, của một người đàn ông đẹp trai, lãng mạn, yêu vợ thương con. Nhưng bù lại má tôi được tự do chọn lựa. Kết quả của sự lựa chọn đó là chúng tôi được sống ở miền Nam, được hít thở không khí tự do và hiểu được thế nào là dân chủ.

Ba tôi đi rồi má tôi rời khỏi bưng biền, trở về làng sống với cha mẹ. Lúc đó tôi mới có 9 tuổi, hai người chị lớn 16, em trai kế tôi 6 tuổi, em gái 3 tuổi và đứa em út vừa được 6 tháng. Má tôi gặp biết bao khó khăn trong đời sống cô đơn ở một hoàn cảnh nhiều thử thách. Nào là một đàn con nhớ cha cứ hỏi “Chừng nào ba về?”, nào là bị công an miền Nam theo dõi, điều tra về ông chồng tập kết của bà. Trong khi đó bọn Việt Cộng nằm vùng cũng thường gõ cửa sau kêu gọi đóng góp cho cách mạng. Là một người đàn bà có bản tánh thẳng thắn, dứt khoát, má tôi một mực trả lời với công an quốc gia rằng: “Tôi lo may vá nuôi đám con nít phá gạo còn không nổi làm sao có thì giờ đi kiếm chồng tôi được.”

Khi phải giáp mặt với bọn Việt Cộng nằm vùng, má tôi thành thật nói:“Ba của sắp nhớ để lại sáu đứa con chỉ dặn mẹ con tôi chờ hai năm ổng về. Vì con còn nhỏ quá nên ổng không dặn tôi phải tham gia tổ chức nào, chỉ mong cho tôi mạnh giỏi nuôi con ăn học tới nơi tới chốn.”
Lúc 10 hay 11 tuổi, tôi khám phá ra là tôi yêu thương cái làng của ông bà tôi ở. Thương con sông nhỏ, thương mảnh vườn cam, vườn quít, thương hàng dừa, thương ruộng lúa từ mùa khô cho đến mùa nước lũ. Tôi cũng biết tình yêu đó sở dĩ mà có là nhờ được làm con của một người yêu nước và làm cháu của một gia đình nông dân chất phác. Bà ngoại tôi thương từ hột lúa giống, tới trái cam, cây quít trong vườn. Tôi nhớ lại những năm mà cách mạng lấy nhà, lấy đất của chủ điền cho những người đi theo cách mạng và gia đình họ trú ngụ, chủ điền bị đuổi ra khỏi nhà tạm thời. Tôi so sánh giữa đời sống trong vùng được gọi là
giải phóng dưới chế độ của Hồ Chí Minh và đời sống của ông bà tôi ở một nơi mà cộng sản chưa tới được, tôi bỗng rùng mình vì không ngờ các cán bộ cách mạng lại hà hiếpngười dân như vậy!

Tôi may mắn được lớn lên trong một đại gia đình mà vận nhà, vận nước gắn liền với đời sống của chúng tôi. Bà con họ hàng xa gần, phần đông là nông dân, thường đến nhà ông bà tôi để bàn luận về việc nước, chuyện thời sự, chuyện phân chia Bắc Nam. Người thì sợ lính của ông Hồ kẻ thì nghe ông ngoại tôi đọc nhựt trình rồi bàn chuyện nước non. Đặc biệt là dòng họ tôi không ai có ý nghĩ chánh phủ nào cũng vậy. Họ là những người thấu hiểu thời sự nhờ giao thiệp, gần gũi với ông ngoại tôi, với các cậu của tôi và với ba tôi. Ai tin tưởng ở ông ngoại tôi thì chống cộng, ai ngưỡng mộ ba tôi và các cậu tôi thì một mực tin cộng sản dưới lốt Việt Minh là những người chống xăm lăng cứu nước.

Tôi nhớ năm 1955 hay 1956 gì đó, dân trong làng họp nhau ở nhà ông bà tôi chờ sao chổi mọc lên. Có người muốn cán chổi xoay về hướng Bắc để lính ông Hồ quét sạch miền Nam, Nhưng cũng có người lại mong cán chổi xoay về hướng Nam để đập tan Bắc Kỳ Hà Nội. Tôi không muốn ba tôi chết nếu người ta đập tan Bắc Kỳ Hà Nội, chỉ muốn ông bỏ đảng về với gia đình thôi.

Không có cha, tôi quấn quýt bên ông ngoại. Có lần tôi hỏi ông sao ba tôi đi ra Bắc mà bè bạn đồng chí của ba không còn ai giúp đỡ chúng tôi như trước nữa? Ông ngoại tôi nói họ cũng đã đi hết với ba tôi rồi. Có hơn 180,000 người tập kết ra Bắc. Mấy ngày sau tôi hỏi ông là má không theo ba tập kết ra Bắc thì má có sai không? Ông tôi khuyên:“Ráng siêng học lẹ lên để đọc nhựt trình mà biết thêm tin tức với người ta. Ngoài Bắc có 7, 8 trăm ngàn người di cư vô Nam. Họ sợ cộng sản quá họ mới phải bỏ làng bỏ xóm ra đi thì má con ngu dại gì mà đi nạp mình cho thằng già Hồ?”

Ông tôi rất trọng việc học nên đã kèm cho một đàn cháu 15 đứa đi học. Ông khuyên chúng tôi phải chăm học và ngoan ngoãn để má tôi an tâm và sau này có thể giúp đỡ má. Ông tôi chỉ cấm chúng tôi có một điều là không được theo Việt Cộng. Chỉ có bọn tôi, con của má tôi, là không một ai theo Việt Cộng. Nhưng năm người chị, con của cậu tôi, đều nối gót cha chống Mỹ cứu nước.

Tôi sống trong một giai đoạn của lịch sử Việt Nam mà ngày hay đêm không phân biệt được, phải hay trái, trắng hay đen đều mịt mù, không rõ ràng đối với tôi. Nhưng điều dễ nhận thấy nhứt trước mắt tôi là những cán bộ Việt Cộng nằm vùng đã có những hành động bạo ngược. Dù còn nhỏ tôi cũng hiểu rằng cái gì bạo ngược là phi nghĩa, là trái lòng dân, là nghịch ý trời.

Từ năm 1954 cho đến 1975, má tôi một lòng chung thủy chờ chồng dù suốt thời gian đó má tôi không nhận được một lá thơ, một lời nhắn hay một bức hình nào của ba tôi. Nhưng bà vẫn tin là ông còn sống. Chúng tôi cũng muốn tin ba mình còn sống.

Tháng Tư năm 1975, chồng tôi về Việt Nam để tìm cách rước má tôi, mặc dầu lúc đó sĩ quan Mỹ không được vô Sài Gòn nếu không có sự vụ lịnh. Nhưng chồng tôi nói thà bị ra tòa án quân sự Mỹ còn hơn là để má và các em tôi ra tòa án nhân dân của cộng sản.

28 tháng Tư năm 1975 má tôi và hai đứa em rời Sài Gòn. Trong một buổi sáng mặt trời chưa lên má tôi mất nước, mất dịp được gặp lại đứa con trai lớn theo cha đi tập kết. Bà không được đem theo hành lý, chỉ có 1 cái valise nhỏ, trong đó má tôi gói ghém hết những kỷ niệm của đứa con trai tử nạn vì máy bay trực thăng.

Má tôi bỏ đi là một hình thức của cái thau nước tạt vào mặt đồng chí của ba tôi. Nhưng ba tôi kiên nhẫn, thông cảm và ước mong má tôi quay trở về Việt Nam với ông. Ba tôi yêu cầu vợ chồng tôi đưa má tôi qua Pháp để ông rước má tôi về Việt Nam sống với ông và anh cả của tôi. Lúc đó tôi không biết có một phép lạ nào đã giúp tôi lo được giấy tờ đưa má tôi qua Pháp gặp ba tôi. Thời thế tạo anh hùng chớ tôi không biết hóa phép.

Chị em tôi không muốn má về Việt Nam mà chỉ muốn ba má được sống bên nhau trong những năm còn lại của hai người. Nhưng chúng tôi cùng đồng ý rằng để má tự quyết định. 21 năm về trước má đã tự quyết định cho đời má và quyết định cho chị em chúng tôi. Lúc đó má tôi mới có 37 tuổi. Tất cả trong tay má, tất cả trong tim má và bài học lịch sử của đất nước má đã thuộc lòng.

Phút giây tái ngộ của hai vợ chồng được kiểm soát bằng cặp mắt của tình báo cộng sản. Tôi muốn họ đi chỗ khác để ba má tôi tự do nói chuyện nhưng họ nói họ có bổn phận phải giữ an ninh cho hai ông bà.

Sau hơn một tuần gặp nhau, tiếng khóc xen tiếng cười của cha mẹ tôi làm cho tôi tưởng tôi đang sống trong mơ hay lạc vào một thế giới thần tiên nào đó. Từ thơ mộng đến ác mộng chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Khi má tôi đã sẵn sàng theo ba tôi về Việt Nam, bà bỗng nửa đùa nửa thật hỏi: “Tôi về Sài Gòn mấy thằng cán ngố sẽ làm gì tôi, anh biết không?”

Ba tôi chau mày nói: “Sao em dùng những danh từ chữ không đẹp đẽ gì hết vậy?”

Má tôi liền đáp:“Trong Nam của tôi chỉ có những chữ đó để kêu họ thôi, tôi đâu biết tiếng gì khác hơn.”

Suy nghĩ một lát ba tôi nhìn về phía thật xa rồi nói:“Em về thì mấy anh sẽ mời em lên nói chuyện...Chắc là em sẽ phải đi học tập ít ngày.”

Má tôi tỏ ý không bằng lòng nhìn thẳng vào mắt ba tôi, rồi hỏi: "Tôi khôn hơn mấy thằng cán ngố của anh, lại không làm gì ác độc như anh Ba Duẫn của anh, thương nước thương nòi hơn cậu Hồ của anh, thì ai mà dạy tôi học với tập được? Mà tôi đâu có tội gì với Đảng với Bác của anh?”

Ba tôi bụm miệng má tôi lại vì hai người đang ở trong villa của cộng sản, nơi mà Nguyễn thị Bình và Lê Đức Thọ đã từng ở trong thời gian hội nghị Ba Lê. Rồi ba tôi hạ giọng nói nhỏ: “Em bỏ nước ra đi khi toàn dân chào mừng cách mạng, em còn để cho con lấy chồng Mỹ.”

Má tôi cười ngạo: “Dạ thưa đồng chí, những người Mỹ nầy là cha của cháu ngoại đồng chí. Còn nói chào với đón...thì ai chào ai đón mấy ông rồi sẽ hối hận ê chề sau tuần trăng mật.”

Thế là cuộc xum họp tan vỡ. Má tôi trở về Mỹ như một con chim đại bàng bị thương. Ba tôi về Sài Gòn như một hiệp sĩ thua trận.

Nhưng tình nghĩa giữa cha mẹ tôi vẫn nồng vẫn đậm. Kể từ đó ba tôi làm thơ lén gởi cho má tôi bằng cách nhờ những người tin cẩn chuyện đến tay má tôi. Trong khi đó, má tôi vẫn cố gắng bảo vệ tánh mạng của ba tôi bằng cách ngăn cản, năn nỉ tôi đừng chống cộng công khai. Biết tôi viết quyển A Thousand Tears Falling (Ngàn Giọt Lệ Rơi) bà rất hãnh diện về công trình này của tôi, nhưng lại năn nỉ tôi đừng xuất bản khi ba tôi bà sòn sống.

Ba tôi qua đời vào mùa hè năm 1986. Tôi xuất bản A Thousand Tears Falling vào mùa Thu năm 1995.

Tiền nhân đã để lại cho chúng ta một kho tàng và kinh nghiệm. Lịch sử là những bộ sách học làm người cho nhân loại. Quá khứ vẫn sống trong tôi theo với nhịp sống hằng ngày của tôi. Đó là kinh nghiệm của một người Việt Nam từng trải qua những giai đoạn thê thảm, tàn khốc nhất của đất nước. Nhưng những tàn khốc, bạo lực ấy đã không giết được tôi. Trái lại nó đã tạo cho tôi một sức mạnh, một lý trí, một bài học có thể dùng làm kim chỉ nam để trở nên con người hữu dụng. Tôi chỉ là một đàn em nhỏ bé của những người đi trước, lại có người kêu tôi là thục nữ. Tôi đã ý thức được trách nhiệm của tôi là cùng với các bậc đàn anh cương quyết giữ cho ngọn lửa thiêng sáng mãi để khỏi phụ lòng những người đã ngã xuống cho tự do, cho quyền sống của con người.

Tôi cũng có trách nhiệm nhắc nhở tất cả những người đã thành công, đã được hưởng tự do nơi hải ngoại đừng chà đạp lên giấc mơ Dân Chủ của dân Việt Nam đang sống trên giải đất phì nhiêu nhưng lại nghèo khổ nhất trên thế giới. Tiền tài, danh vọng ta đã có hết, có luôn cả tự do nữa. Bắt tay với cộng sản dưới chiêu bài hòa giải hòa hợp để làm ăn hay kiếm một chỗ ngồi trong tương lai chúng ta sẽ có thể bị con cháu chất vấn là “Cha mẹ hay ông bà đã làm gì khi nước mất nhà tan? Cha me hay ông bà đã làm gì khi dân Việt Nam bị cộng sản áp bức, đọa đày?

Gia tài để lại cho thế hệ sau không phải là những lời hay, lời đẹp khắc trên mộ bia của người quá cố mà là hành động của chúng ta lúc còn sống trong tự do.

Cá nhân tôi, vì tôi là người được hưởng tự do nên tôi không có những suy nghĩ của người phải sống trong gông cùm nô lệ. Tôi muốn tất cả mọi người phải được tự do như tôi.

Hãy yêu người như ta yêu ta, đó là lời dạy của một thiền sư.

Đặng Mỹ Dung- Yung Krall
www.ngangiotleroi.com
PO.Box. 33391
Decatur, Georgia. 30033

***

Kính.
NNS

690-NNS-Truong_Chi-2012

pay per click advertising

Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

Đang xem báo Trúc Lâm Yên Tử

free counters
un compteur pour votre site