lịch sử việt nam
Chuyên mục Southeast Asia Sea được thành lập nhằm khẳng định chủ quyền biển Đông từ hơn 10 ngàn năm của dân tộc Việt-Nam.
Từ hơn 10 ngàn năm qua, dân tộc Việt-Nam đã sống với biển, gần biển. Đây là nền văn minh chói sáng của tộc Việt.
Vết Nám: Hồi ký Tù Cải Tạo
hoànglonghải(tuệchương)
Bài 32
Ngày Về…
Ngày trở về
Anh bước lê, trên quãng đường đê…
Tôi được “tha ra khỏi trại cải tạo” (câu ghi trong lệnh tha) ngày 2 tháng 7 năm 1982. Tính từng ngày là 7 năm 8 ngày, nhưng vì năm 1976, 1980 là năm nhuận, nên phải cộng thêm 2 ngày. Do đó, tính ra là tôi ở “Tù Cải Tạo” đúng 7 năm 10 ngày. Tôi tính kỹ, không phải để “hận thù” như người Cộng Sản chủ trương hận thù, mà chỉ là, như người xưa nói: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.
Lệnh tha ghi mấy câu buồn cười: gọi là “Học Tập Cải Tạo”, nhưng có câu: “tha ra khỏi Trại Cải Tạo”. Ghi như vậy là mâu thuẫn. Đã là “tha” thì còn “học tập” gì nữa! Tha là tha khỏi trại giam, trại tập trung, chớ ai lại tha ra khỏi… trường học bao giờ!
Nhớ hồi tôi mới về Trại Suối Máu, năm 1976, nghe bạn tù cải tạo kể lại, khi bị đưa vô trại nầy để “học tập”. Linh mục Phan Phát Hườn, Giám Đốc Nha Tuyên Úy Công Giáo, nêu thắc mắc với “ông chỉ huy” ở trại (theo tôi biết tên là Phán, trung tá Bộ Đội Việt Cộng), rằng “đã gọi là “học tập” thì phải có “Ngày Khai giảng”, “Ngày Bế giảng” của khóa học, chớ sao lại không có qui định thời gian nào cả. Vậy đây là Trại Tù giam cứu hay Trường học Tập Cải Tạo?”
Dĩ nhiên là mấy tay bộ đội ở đó phải ngọng luôn dù chúng có ngây thơ tin rằng đây chỉ là học tập, cải tạo, hay đây chính là trại tù!
Đây là cái bẫy do Cộng Sản giăng ra để “hốt trọn ổ” số “ngụy quân, ngụy quyền” của miền Nam. Cái bẫy nầy, có thể bọn to đầu như Trần Văn Trà, Võ Văn Kiệt ở trong Nam biết cả đấy. Có biết và dù không đồng ý đi nữa, thì cũng không làm gì được với đám Lê Duẫn, Lê Đức Thọ ở ngoài Bắc… còn như đám tép riu, cỡ như trung tá Phán, chỉ huy Trại Suối Máu, thì giống như những người mù sờ voi, “sờ thấy sao thì hay vậy”.
Điều buồn cười thứ hai là câu: “Can tội: Đại úy” vì cấp bậc của tôi trong chế độ cũ là “Đại úy”. Có người thì ghi Can tội: Trung úy, thiếu úy hay trung sĩ… Cấp bậc là một cái tội? Buồn cười chưa? Họ không nghĩ ra được một cái tội gì khác mà ghi hay sao? Hay tôi không có tội gì cả nên họ phải ghi “can tội đại úy”, ghi cho ghi vậy hay sao?
Trương Đình Gòn, Đội trưởng Đội 19 là đội cũ của tôi nói: “Ghi gì kệ mẹ nó. Về cái đã.”
Nhìn các bạn tù, biết cấp bậc và chức vụ của họ, người ta đoán chừng Cộng Sản VN có qui định hạn tù cho chúng tôi cả đấy, nhưng họ không nói ra, mục đích là để “tung hỏa mù”.
Năm kia, năm ngoái, có mấy đợt tha: Tết (cũng là dịp “Thành lập đảng 3 tháng 2), giữa năm hay “Ba ngày nễ nớn” (Ba ngày lễ lớn - gọi là nễ nớn là chúng tôi có ý ghẹo mấy tên Công An, Bộ Đội nói ngọng, ngày 2 tháng 9 với ngày gì nữa, tôi cũng quên mất rồi, nhớ làm gì ngày lễ ấy), một số thiếu úy, trung úy đã được tha. Hồi đầu năm, nhân dịp Tết, cũng có một số cấp úy được tha.
Như vậy, có thể đoán chừng rằng: Hạn tù của cấp thiếu úy, trung úy là 5 năm.
Bây giờ, bảy năm - như tôi là 7 năm 10 ngày - là tới hạn tù của “bò tam” (tức đại úy, tiếng chúng tôi thường gọi đùa). Lượt tha nầy có Trương Đình Gòn, như tôi nói, cấp bậc là đại úy, Lê Quang Dung, và một số bạn tù nữa, cũng “can tội đại úy” cả.
Dĩ nhiên cũng có trường hợp đặc biệt: Anh bạn Trần Phú Trắc, - đúng ra là là bạn với Hùng Móm, em tôi -, cũng đại úy, cũng Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia cấp quận, mãi tới 5 năm sau mới “được tha”, chỉ vì Trắc là cháu Tông Tông”. (Tông Tông là tiếng chúng tôi gọi đùa cái chức của Tổng Thống Thiệu đấy).
Dĩ nhiên, trại trưởng cũng có thể đề nghị giữ lại vài người, với lý do đặc biệt nào đó, chẳng hạn những “ông” khách không mời mà đến (thường xuyên) của cát-xô, tức là “mấy thằng ông nội” chống Cộng thường xuyên, thường trực, chống triền miên, chống mệt (mà không) nghỉ.” như “ông Nguyễn Cẩm” thằng bạn nối khố của tôi, từ năm học lớp ba cho đến khi thành niên, hoặc có “thành tích trốn trại” như “ông” Nguyễn Lô. Hai “ông” nầy là “dân Quảng Trị tui” đấy.
&
Sau tết, tôi đang ở Trại Ngoài, có khi gọi là Trại C, trại mới xây ở dưới chân đồi Phượng Vĩ, thì bỗng nhiên, một mình tôi bị chuyển vô Trại Cây, hay Trại B, là trại tôi đã ở khi tôi mới từ Trại Suối Máu bị chuyển về đây.
Bất thần bị chuyển trại một mình, tôi buồn hơn lo. Tại trại cũ nầy, tôi có nhiều bạn, già hơn tôi cũng có, như cụ Niệm, như Ngô Văn Tăng, như anh Nguyễn Đình Niệm, như Giáo Sư Đào Quang Huy, trẻ tuổi hơn tôi thì vô số kể, đếm không xuể, cũ cũng nhiều mà mới “đi thăm Lăng Bác về” (câu thường gọi đùa mấy ông bị đày ra Bắc) mới về, cũng không thiếu chi. Cũng có một vài người tôi “quan hệ”, bị anh em can tôi, biểu đừng. Chẳng hạn trường hợp anh Trần Ngọc Nam.
Anh Trần Ngọc Nam, người trông như Tây lai, nguyên là Việt kiều ở Miên trốn về. Sống sót ở Miên sau vụ “cáp duồn” của Lon Nol, nhưng tới khi Khmer Đỏ cai trị, anh đem vợ con lên ghe chạy trốn, xuyên dòng Cửu Long mà về Việt Nam. Gia đình anh có nhiều người bị Khmer Đỏ giết. Anh hận xứ Chùa Tháp, hứa với lòng là không bao giờ trở về cái xứ man rợ đó nữa, mặc dù, như anh ta kể, hồi nhỏ, anh là bạn học của mấy ông hoàng, con của ông Hoàng Si-Ha-Núc, như Ranariddh. Có lần được anh bà Hoàng Monique cho theo ông hoàng con vào cung điện hoàng gia chơi.
Tôi tin anh chàng Nam nầy bởi vì, đây là lần đầu tiên tôi nghe tới “tên cúng cơm” ông hoàng con nầy, cũng như Nam bảo rằng Bà Hoàng Monique là người Việt lai Tây - chuyện nầy ngày trước tôi có biết - và bà không được tấn phong hoàng hậu, việc nầy tôi mới nghe Nam nói.
Tôi là người tò mò nên ưa nghe mấy chuyện đó cho vui, nhưng tôi “quan hệ” với anh ta là vì có lần anh bị bệnh trĩ, đi cầu máu ra nhiều quá. Nghe người ta nói tôi cũng bị bệnh trĩ, và nhà tôi có “tiếp tế” cho tôi mấy chai thuốc ta, cầm máu hay lắm, nên anh ta đến xin. Tôi cho anh ta thuốc ngay tức thì. Sau đó, anh ta lại mấy lần đem rau muống đến cho tôi. Người ta bình phẩm gì về Nam, tôi không nhớ, tôi chỉ nhớ đến những gì anh ta đối xử với tôi, nhất là khi tôi mang “khăn gói” chuyển trại, anh ta đến giúp tôi và khóc khi tôi mang vác đồ theo “cán bộ” đi ra khỏi trại. Tôi khó quên những giọt nước mắt của anh ta lúc đó.
Trên đường đi vô trại trong, tôi cố giữ lòng bình thản, tự an ủi rằng đâu cũng là tù. Đã là tù thì kén chọn làm chi, và đếm xem thử xem tôi đã đi đủ “Chín tầng địa ngục” chưa! Chưa đủ “chín tầng” thì khoan nghĩ tới ngày về.
Thật ra, bọn Công An chuyển tôi vô trại trong có lẽ vì họ sợ tôi trốn trại.
Trung Úy Đoan, là “cán bộ thường trực”, thường gặp tôi để nhờ tôi đóng sách. Sau đó, trung úy Đoan, vì là bộ đội chuyển ngành nên có mâu thuẫn với mấy tên trung sĩ Công An chính gốc - lớn lên thì vô Công An chớ không vô bộ đội trước như trung úy Đoan. Anh chàng thiếu úy Lại Xuân Hùng là Công An thành phố bì “đì” nên phải lên chỗ “rừng rú” nầy. Rừng rú là chữ của anh ta đấy. Mỗi lần Hùng gom thư của “trại viên”, thường là một bao lớn, Hùng biểu tôi khỏi đi lao động, ở nhà mang bao thư lớn theo anh ta ra Bưu Điện Gia Rây, rồi anh ta bảo “Anh đi ăn hủ tiếu đi. Tôi chờ.”
Một hôm, tôi đang ngồi ăn hủ tiếu, Lại Xuân Hùng đứng chờ bên kia đường. Hai tên trung sĩ Công An của trại tôi, một tên là Khoái, tên kia là Nhâm vào quán. Họ ngạc nhiên khi thấy tôi, hỏi tôi một cách khó chịu sao tôi lại ngồi ở đây. Tôi nói là tôi đi bỏ thư với Lại Xuân Hùng.
Hôm đó hai tên nầy bị mấy thanh niên ở Gia Rây chọc quê. Vừa vào quán, thấy hai tên Công An, một anh gọi chủ quán:
-“Cho tôi một cái nồi ngồi các cốc!”
Anh thanh niên thứ hai tiếp theo:
“Cho tôi tô phở thịt chó.”
Lại tới anh thứ ba:
-“Cho tôi tô nước rửa chén!”
Hai tên Công An vội bỏ ra khỏi quán. Có lẽ hai tên ấy “quê” với tôi đấy. Trước mặt tù thì hung hăng, phách lối; trước dân thì ngậm câm, sợ bị dân đánh cho! Tên Công An Khoái thì lùn, ác, hay bắt bẻ tù như mấy ông lý trưởng, chánh tổng trong các làng quê Việt Nam, thường được mô tả trong các tiểu thuyết của Tô Hoài, Ngọc Giao… Còn tên Nhâm thì hai môi tím thâm. Tướng nầy là tướng ác vô cùng!
Do những sự việc như vậy, mà tôi bị chuyển trại bất thình lình bởi vì cứ cái cách tôi “quan hệ” với trung úy Đoan và Lại Xuân Hùng như thế, tôi trốn trại rất dễ. Cũng có thể vì tụi nó “kênh” nhau mà “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết oan”.
Thật ra, cũng khó chết oan. Vô trại trong, tôi bị “biên chế” vào một đội hầu hết là “dân đi thăm Lăng Bác” về, phần đông trẻ hơn tôi. Dần dần, tôi quen anh Trần Minh Hải, tức nhà thơ Cao Châu. Ông nầy đã tới Mỹ rồi, lại theo “Việt Nam Thương Tín” mà về, bị bắt đi tù, bị đưa ra Bắc, bị đưa về trại trong. Đêm đêm, chúng tôi nằm bên cạnh nhau, để “nói chuyện thơ” với nhau cho đời tù bớt… cô đơn. Trần Minh Hải lớn hơn tôi cỡ năm,
ba tuổi.
Trần Minh Hải, nguyên là thiếu tá QĐVNCH, không rõ đơn vị nào. Anh đắc cử làm xã trưởng xã Phan Thiết. Xã nầy lớn và giàu có, xã trưởng có xe hơi (xe của xã) để đi công tác.
Phan Thiết nguyên là thị xã, có một thời gian, thị trưởng là ông Phạm Ngọc Thìn. Bà Thìn là Huỳnh Khanh, nữ tài tử đầu tiên trong cuốn phim “Cánh Đồng Ma” của ông Đàm Quang Thiện, cũng là cuốn phim truyện đầu tiên của Việt Nam. Nhạc sĩ Hoàng Nguyên, dân “Quảng Trị tui”, là con rễ ông bà Thìn. Hoàng Nguyên bị lật xe, tử nạn năm1973, khi còn phục vụ trong QĐVNCH.
Trần Minh Hải nói với tôi anh biết câu chuyện tình nầy của Hoàng Nguyên. Hoàng Nguyên cũng bị dằn vặt không ít về chuyện tình của anh với cọ con gái “Chúa đảo Côn Sơn” khi anh ấy bị tù côn đảo. Hải cũng nói rằng Phan Thiết là “quê hương” của văn nghệ miền Nam, ý anh ta là có nhiều ca sĩ, nhạc sĩ xuất thân ở xứ nầy như Nhật Trường, Anh Khoa, Thanh Thúy…
Khi làm xã trưởng, Trần Minh Hải có xây một cây cầu tại thị xã, phía biển, “Để - như anh nói - cho bọn trai gái hẹn hò nhau ra đó chơi”. Anh đặt tên cầu là “Đoạn Tình Kiều”, nhưng anh chưa thấy ai thất tình mà nhảy xuống cầu tự tử, như cô Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường vậy.
Tối thứ Bảy, đội trưởng, nguyên là một thiếu tá Cảnh Sát, ngành Đặc Biệt, thường tổ chức hát nhạc vàng chơi. Họ kêu tôi hát, tôi từ chối. Trần Minh Hải bảo tôi:
-“Đột nhiên anh tới đội nầy, tụi nó nghi là Công An gài anh vào để theo dõi tụi nó. Anh nên tham gia với tụi nó đi.” Tôi nghe lời.
Tôi chưởi thề:
-“Đ.m. Anh Cảnh Sát Đặc Biệt nào mà không đa nghi thì nên giải nghệ cho xong.”
Có lần Cao Châu nói về Xuân Diệu, bảo rằng Xuân Diệu làm tình hay. Tôi phản bác:
-“Sau 1954, ở miền Nam, nhiều tay làm thơ tình hay hơn Xuân Diệu nhiều. Xuân Diệu chỉ là “bắt chước.”
-“Bắt chước sao?” Trần Minh Hải hỏi.
-“Anh thấy đó. “Tôi nhớ Rimbeau với Verlaine…” là bắt chước thơ Tây. Hồi đi dạy, tôi giảng cho học trò bài thơ “Đây Mùa Thu Tới”, có câu “Những nàng thiếu nữ buồn không nói, Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì” là tôi chê dữ lắm. Cái đó là bản chất tiểu tư sản, giống như Nguyễn Văn Tý “Mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ” vậy. Sau nầy, Nguyên Sa làm thơ tình cũng hay, cũng chịu ảnh hưởng thơ Tây. Ông ta có mấy câu “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc”, cũng là tiểu tư sản, nhưng là cái tiểu tư sản học trò, không phải là của bọn thống trị xã hội, nghe cũng không tệ!”
-“Vậy anh cho ông nào làm thơ tình hay?” Anh Hải lại hỏi.
-“Vũ Hoàng Chương. Vũ Hoàng Chương sau 1954 thôi. Thơ tiền chiến có vẻ “show up” hơn là thơ từ trong trái tim mà ra. “Trước đây mười chín năm, Tôi vừa hai mươi tuổi, Em cũng vừa trăng rằm”… Nhưng trước 1945, ông có hai câu thơ hay lắm!”
-“Hai câu gì?” Hải hỏi tôi.
Tôi đọc:
Em ơi lửa tắt bình không rượu,
Đời vắng em rồi vui với ai?!
-“Thì cũng tiểu tư sản vậy?” Anh Hải nói.
-“Nhưng mà tiểu tư sản học trò. Học trò thì dễ thương! “Hỡi núi Nùng xưa với linh hồn Bách Thảo, Còn nhớ ta chàng tuổi trẻ tóc bay. Làm học trò nhưng không sách cầm tay, Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ.” Đinh Hùng đấy! Tôi cũng một thời lang thang như vậy. Bọn bạn học của tôi thường gọi tôi là “thằng lãng tử”, “Bánh xe quay nhanh, Chiếc thân xe rung rinh…” ! Tui dân Quảng Trị, vĩ tuyến 17 mà Ba Mươi tháng Tư, tui đang ở Hà Tiên. “Bánh Xe Lãng Tử” của tôi đi xa nhất Việt Nam Cộng Hòa chớ gì?!... Phải không?”
Trần Minh Hải nói:
-“Anh có định kiến với giai cấp tiểu tư sản, phải không?”
-“Không quái gì! Quả đúng như rứa! Cộng Sản nhận định về giai cấp tiểu tư sản không sai đâu. Anh cứ coi “Ngọc châu chấu”, so với “Tứ Cộng Sản” trong “Dòng Sông Thanh Thủy” của Nhất Linh thì thấy hai giai cấp đó khác nhau như thế nào! Hai giai cấp nầy mà đấu nhau thì tiểu tư sản thua là cái chắc. “Các anh trồng những dòng hoa đại lộ, những dòng hoa cổ lỗ, những dòng hoa đau khổ quá đi thôi”. Ngồi ở thành phố mà thương vay khóc mướn cho người dân đồng quê chân lấm tay bùn, thì làm sao thắng được Cộng Sản. Phải “Về Đồng Quê” như những bài hát đầu thời kháng chiến của Phạm Duy, của Phạm Đình Chương, về với nông dân như Đỗ Tấn nói vậy, phải “Đứng giữa đồng nâu, giữa những người cuốc bẫm cày sâu”, để mà thấy: “Tư tưởng nào cũng từ đất mà ra” thì mới thắng Cộng Sản được.”
-“Vậy anh cho tiểu tư sản không được việc gì?” Trần Minh Hải phản lại nhận xét của tôi.
-“Đâu phải vậy! nông dân vô sản biết gì mà tranh đấu! Chính tiểu tư sản mới có trình độ để nhận biết mình bị bóc lột, dân tộc mình bị bóc lột, bị nô lệ mới đấu tranh chớ! Anh nhớ lại “Cách Mạng Tháng Tám” mà coi. Tiểu tư sản cả đấy! Biểu tình ở Hà Nội, cướp chính quyền, Nam Bộ Kháng Chiến… là do ở tiểu tư sản cả! Chính họ hướng dẫn cho vô sản đi theo. Vô sản chỉ là cái đuôi của tiểu tư sản. Vô sản biết gì!”
-“Nhưng Cộng Sản là vô sản!” Anh Hải nói.
-“Cộng sản chỉ loại bọn tiểu tư sản ra khỏi hàng ngũ kháng chiến, khi họ có đủ cán bộ xuất thân từ vô sản. Không có giai cấp tiểu tư sản thì không có Cộng Sản. Chính giai cấp tiểu tư sản đã “đẻ” ra các đảng Cộng Sản trên khắp thế giới. Anh cứ đọc lại lịch sử Cộng Sản là thấy ngay thôi!”
-“Tôi thấy anh phức tạp đấy.” Anh Hải kết luận.
Thế rồi tôi được tha về trước, xa Trần Minh Hải, cũng nhớ anh ta nhiều đấy!
&
Sáng Thứ Sáu,ngày 2 tháng 7 năm 1982, sau khi “điểm tâm” bằng một khoanh khoai mì và một chén nước lạnh do đảng Cộng Sản của “Chú Duẫn” ban cho, hầu như toàn trại, ngoại trừ mấy ông già gần đất xa trời với mấy ông người bệnh, tất cả tập trung tại sân trại, ngồi theo từng đội để được gọi đi “lao động là vinh quang”, chuẩn bị cầm cuốc đi cuốc đất trồng khoai mì, “xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”…
Đang ngồi tập trung giữa sân thì thượng sĩ Thắng, “cán bộ giáo dục” đi vào, tay y cầm một tập giấy. Mọi người “ồ” lên. Như cảnh từng diễn ra trước kia, hôm nay có người được tha.
Thượng sĩ Thắng tới sát mấy đội ngồi giữa sân, nói gì đó, tôi không nghe rõ vì anh em tù nói chuyện ồn ào. Tuy nhiên, tới khi y bắt đầu đọc tên thì mọi người đều im lặng. Tên tôi được đọc sau khoảng chừng mười tên đọc trước. Sau tên tôi, thượng sĩ Thắng đọc vài ba tên gi đó nữa thì chấm dứt. Anh em lại xôn xao.
Nghe tên xong, tôi đứng lên đi vô láng. Phan Thành Long, bạn tù, thuộc “đội cấp dưỡng”, tức nhà bếp, đi theo tôi. Tôi giao hết thức ăn khô được vợ tôi tiếp tế cho Long, cả mấy bộ đồ lao động, rách như xơ mướp, vá chùm, vá đụp. Có một số thư từ vợ tôi gởi, sợ Công An buộc phải đốt, không đem về được, tôi cũng giao cho Long, dặn hễ có đi chợ Gia Rây thì giao cho chị H. bán hàng ở chợ ấy. Về nhà xong, ít lâu sau, tôi sẽ lên lấy. Đây là những vật kỷ niệm gia đình, tôi không bỏ được. Xong, tôi thay “bộ đồ vía”, thứ quần áo đẹp mặc vô để gặp gia đình khi được thăm nuôi, đeo kiếng, đội mũ, chờ cán bộ dẫn ra Văn Phòng Trại làm thủ tục ra về.
Một lúc sau, “cán bộ Lâm”, “cán bộ trực trại” vô gọi chúng tôi tập trung ra văn phòng.
Lệnh tha đã được trại trưởng Trịnh Văn Thích ký sẵn. Nhận lệnh tha xong, mỗi người được cấp ba chục đồng lộ phí. Xong, anh em chúng tôi kéo nhau ra ga xe lửa Gia Rai, ở đó, có xe Lam, đi ra Ngã Ba Ông Đồn, đón xe đò mà về Saigon.
Anh bạn Trương Đình Gòn không về Saigon. Mẹ và vợ con anh, trước 30 tháng Tư, từ Huế chạy vô Saigon, nhưng không ở Saigon được, vì không có hộ khẩu. Mẹ anh dẫn con dâu và các cháu nội về Long Khánh kiếm đất trồng màu, sinh sống qua ngày. Một vài người bạn khác thì quay trở ra miền Trung, quê quán họ ngoài đó: Đà Nẵng, Nha Trang, Tam Kỳ.
&
Tôi về tới bến xe Ngã Ba Tam Hiệp thì phải sang qua xe nhỏ về Bến Xe Miền Đông. Từ đó, tôi đi xe ôm về nhà.
Mấy năm tôi vắng nhà, vợ tôi với các con dời chỗ ở mấy lần. Khi tôi ra đi thì gia đình tôi ở Xứ Bùi Phát, trên đường Trương Minh Giảng cũ. Sau vụ “đánh tư sản”, gia đình tôi về Lô 6- Cư Xá Thanh Đa, được ít lâu thì lại dời về 120 Nguyễn Công Trứ, Saigon. Cuối cùng dọn về 313 Lô A, cũng Cư Xá Thanh Đa.
Khi về Xứ Bùi Phát, tôi đã nghĩ rằng không nên để con ở nơi nầy. Khu vực nầy hơi phức tạp, có thể có ảnh hưởng đến việc học hành và tính tình con cái. Tôi từng dạy cho học trò của tôi bài “Mạnh mẫu dời nhà” nên tôi bị ảnh hưởng về câu chuyện ấy. Bây giờ, khi tôi xuống xe ôm, nhìn lên hàng chữ “Lô A”, lô nầy nằm kế chợ Thanh Đa, tôi lại nghĩ rằng, chỗ nầy không phải là nơi tôi để cho con tôi ở. Chắc là phải dời nhà đi. Tuy nhiên, cuộc sống người dân Việt Nam hồi bấy giờ đâu như ai nghĩ. Đời sống của tất cả mọi người, không những khó khăn mà còn nghiệt ngã, ác nghiệt hay khắc nghiệt… tiếng nào cũng hợp cả. Cái ăn, cái mặc do chính quyền kiểm soát, ban phát, từng loon gạo, từng bó rau thì câu chuyện “Mạnh mẫu dời nhà” chỉ là chuyện cổ tích, thậm chí có thể coi như chuyện “thần thoại”.
Việc chạy trốn đi khỏi xã hội ấy, về chính trị, và hơn nữa, về kinh tế, là việc ai ai cũng nghĩ đến, hy vọng hoặc dấn thân vào đó. Càng dấn thân, càng bị phỉnh gạt, lừa đão, và… tù tội. Người ta chỉ khác nhau có một điều: đầu hàng trước số phận hay tiếp tục phấn đấu để tìm, không phải cho mình, mà cho con cái mình một tương lai.
Thế rồi tôi tìm đường ra đi. Vả lại, bấy giờ, những người từng tham gia Hội Nhân Quyền lại mon men gặp nhau trở lại, có người lại bị Công An bắt, có người chết trong tù… khiến tôi cũng “lạnh giò”. Việc ra đi lại thêm động cơ thúc đẩy. Cũng vài ba lần vượt biên, và cũng như mọi người, công việc bị thất bại, và cũng như mọi người, bị gạt, bị lừa là điều mọi người thường phải gánh chịu.
Có lần Công An lại đến nhà tìm, khiến tôi không dám về nhà. Nhà chị em tôi, tôi cũng không dám tới. Chắc chắn Công An sẽ lần theo những đường giây máu mũ ấy mà tìm. Tôi trốn trên một căn phòng nhỏ ở trên tầng cuối cùng ngôi nhà ba tầng. Nhà của một người bạn gái, quen thân với nhà tôi. Phải là họ gồng mình lắm mới dám chứa chấp một tên tù Cải tạo mới được tha, lại can tội “tổ chức vượt biên”.
Một hôm, người bạn cũ thời niên thiếu, anh Lương Thúc Trình, cựu đại úy Thiết Giáp, cựu giáo sư trường Trung Học Trần Cao Vân ở Quảng Tín, tình cờ gặp vợ tôi. Biết tôi trốn ở đó, Trình đến thăm. Chờ khi trời sắp tối, Trình kéo tôi xuống ngồi uống cà phê ở một cái quán cóc bên lề đường Trương Minh Giảng cũ.
Trình trốn cải tạo, bỏ xứ đem vợ con đến ở Trà Cổ, là Hố Nai 4, làm nghề nhảy tầu, tức là mua vài chục ký sắn khô từ Hố Nai, đem về bán ở Saigon, kiếm đủ ít tiên,
Con đường tôi đã đi và may mắn thành công, sau không ít lần thất bại.
***
Bài 33
Người về…
Mẹ có hay chăng con về,
Chiều nay thời gian đứng im để nghe…”
Người Về/ Phạm Duy
Võ Phước Thọ được tha ra khỏi trại cải tạo, chưa được một năm thì qua đời! Anh em bạn tù cũ nghĩ rằng, khi còn trong tù, Thọ tham gia “Hội Nhân Quyền Việt Nam” của luật sư Trần Danh San, vô ra “cát xô” nhiều lần, “như cơm bữa”. Mỗi lần bị nhốt như thế, Thọ đều bị Công An “đánh hội đồng”, khiến Thọ bị “bệnh hậu”, gan ruột bị hư. Cái chết của Thọ là do những trận đòn tàn ác của Việt Cộng.
Trước 1975, Võ Phước Thọ, thiếu úy Cảnh Sát Quốc Gia, ngành Đặc Biệt, phục vụ ở Kontum. Theo lệnh Tổng Thống, anh theo đơn vị di tản về Pleiku, và thoát chết mấy lần trên Quốc Lộ 7.
Tôi không rõ vợ con Thọ như thế nào, ngoài một lần, Thọ rút ví cho tôi xem một bức hình một cô gái còn trẻ lắm, khá đẹp, nói: “Vợ em!” Thọ không nó gì thêm, nên tôi không rõ, vợ Thọ hiện ở hải ngoại, hay qua đời; còn như ở Saigon thì không, vì Thọ không được ai thăm nuôi, kể từ khi Thọ vào tù. Thọ kém tôi khoảng mười tuổi.
Khi ở “Trại Đá”, gặp luật sư Trần Danh San, Thọ rất ngưỡng mộ ông luật sư nầy, tích cực tham gia “Hội Nhân Quyền VN” của ông San, và được ông San cử giữ chức “an ninh” nội bộ, mục đích là theo dõi mấy tên “ăng-ten” sợ chúng theo dõi công việc của “Hội” và lén lút báo cáo cho Công An. Cũng may, chưa thấy ông San bị ai báo cáo gì. Công An có theo dõi ông, cũng vì những hoạt động của ông từ ngày ông bị bắt ở bùng binh trước Nhà Thờ Đức Bà Saigon.
Một người “tù già”, cùng trại tù với tôi, hơn tôi cỡ năm bảy tuổi gì đó, thương Thọ. Sau khi cả hai người ra tù, ông “tù già” gã con gái cho ông “tù trẻ” - trẻ là nói theo nghĩa tương đối - Anh em bạn tù nói với nhau là Thọ mới cưới vợ, nhưng không ai được mời “ăn đám cưới” cả.
Thọ thì nghèo đã đành, mà gia đình ông “tù già” có lẽ cũng không khá hơn. Thọ đã lớn tuổi - mười năm tù không những lớn tuổi mà già hẳn đi. Cô con gái con ông “tù già”, vì gia biến, chắc cũng lỡ thời. Có lẽ vì vậy mà họ làm đám cưới đơn giản cho nó xong, đáng thương hơn cả cô gái trong “Mầu tím Hoa Sim” của Hữu Loan nữa: “Nàng không đòi may áo cưới”. Thời Việt Cộng “ngăn sông cấm chợ”, may cái áo cuới đã không dễ gì, huống chi đám tiệc, nên các bạn tù cũ không ai được mời “ăn đám cưới” cũng dễ hiểu thôi!
Tưởng cưới vợ cho nó xong, bớt “lông bông”, có nơi ăn nơi ở, có người để yêu thương, đầm ấm, ai ngờ số phận Thọ đau đớn đến như vậy. Lấy nhau chưa được bao ngày thì Thọ ra người thiên cổ. Cô gái đã mang cái “dấu ấn gái già” nay mang thêm một “dấu ấn” khác nữa trong đời: góa chồng.
&
Sau hôm tôi gặp Nguyễn Tăng Dục, “nhạc sĩ tù ca”, què một chân, Dục cho tôi địa chỉ của Trắc, cho biết Trắc “mới về”.
Lại nghe bao nhiêu chuyện buồn của Trắc, cũng là một “Người về”. Tôi cũng được Trắc báo tin Thọ qua đời.
&
Trước ba mươi tháng Tư, Trắc cho vợ con “di tản” trước. Anh ở lại, chờ mẹ: Mẹ anh đã chạy vô Saigon rồi, trước khi Phan Rang mất vào tay giặc. Nhưng rồi bà nghe lời vợ đại tá Tự, Trần Văn Tự, (con trai nhà Cách Mạng Đệ Tứ Quốc Tế Trần Văn Thạch, bị Trần Văn Giàu thủ tiêu năm 1945), trở lại Phan Rang. Bà Tự thì “đi tìm chồng” vì ông đại tá Tỉnh Trưởng còn ở ngoài ấy, không “di tản chiến thuật”, còn bà mẹ Trắc thì “quyến luyến” mồ mả ông bà, quê cha đất tổ. Vậy là cả hai bà kẹt ngoài ấy, khi Việt Cộng chiếm Phan Rang.
Trắc không theo vợ con “di tản”. Anh ở lại chờ mẹ. Sau Ba mươi tháng Tư, Trắc “đóng tiền đi ở tù” như anh em chúng tôi vậy.
Khi Trắc được tha về thì nhà không còn. Ngôi nhà lầu một tầng, sát đường Hồng Thập Tự, trong khu vực trại gia binh Mạc-Ti-Nho, bị Việt Cộng chiếm mất.
Trắc về, không ở nhà mẹ vợ được, mặc dù, khi Trắc “đắc thời”, cả gia đình vợ nhờ Trắc không ít. Sau lưng nhà vợ, Trắc có một ngôi nhà nhỏ nữa, về sau, anh ta bán để lấy vốn tìm kế sinh nhai.
Ở tù về ít lâu, Trắc về Tri Thủy thăm mộ mẹ! Bà cụ chết trước khi Trắc được tha khoảng hơn 5 năm, chôn ở quê. Đám ma của mẹ do bà chị và ông anh rể của Trắc đứng ra lo liệu hết. Trắc chỉ được báo tin khi bà chị Trắc vào thăm em: “Mẹ qua đời rồi! Chị lo hết cho mẹ.” Trắc chỉ biết khóc thầm, những tưởng không di tản để gần mẹ. Trắc thương mẹ lắm, vì mẹ Trắc góa bụa khi bà còn trẻ, ở vây nuôi con. Không “di tản” để được sống gần mẹ, chăm sóc cho mẹ, ai ngờ khi Trắc ra tù, đành ngậm ngùi mà hát câu “Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời” khi nghĩ đến mẹ. Trắc kể: “Ngồi bên mộ mẹ, tui nhớ câu hát của Trần Văn Trạch: “Má ơi! Má ơi! Con dzề đây Má ơi!” mà chảy nước mắt.”
Trước hôm Trắc về Phan Rang, ghé tôi nói: “Anh cho tui mượn hai chỉ vàng. Đi Phan Rang về tui trả lại anh. Ai ngờ anh ta đi biền biệt gần nửa năm không thấy mặt. Hỏi em gái cô Tú Trinh, cô ta chỉ nhà. Tới thăm, tôi thấy Trắc nằm liệt.
Hỏi ra, Trắc kể:
-“Về làng thăm mộ xong, hỏi thăm bạn bè cũ, phần đông tụi nó lên vùng phía Tây Phan Rang, đứa làm rẩy, đứa chăn nuôi. Tôi tìm lên chơi với tụi nó. Anh biết không, thấy tụi nó nuôi ngựa, tui làm “cao-bồi” phi ngựa chơi. Ba bốn đứa phi ngựa phóng qua phía dưới một cành cây, đu lên cành, cho ngựa chạy không. Tôi cũng phi như tụi nó. Tôi phóng lên nắm cành cây, bỗng vuột tay, rơi xuống. Ngày hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi mới biết tôi nằm ở bệnh viện Phan Rang. Anh chàng bác sĩ Việt Cộng điều trị cho tui, cũng điệu đời. Biết tôi là cháu “Tông Tông”, anh ta cho xe đưa tôi vô Chợ Rẫy, nằm hết một tháng cũng chưa lành hẳn.”
Vậy là coi như tôi “bay” mất hai chỉ vàng, chỉ biết “cười trừ” với vợ.
Trắc nhờ một người bạn cũ đòi lại căn nhà lầu phía ngoài đường Hồng Thập Tự. Người bạn đó hiện là giám đốc sở Thông Tin Văn Hóa Thành phố. Cảm tình với người bạn cũ ăn ở hết tình với bạn, người bạn ấy giúp Trắc lấy lại căn nhà, bởi vì trước khi nhập ngũ, Trắc sinh hoạt trong Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Saigon.
Bấy giờ ông Nguyễn Văn K., anh của Tông Tông, làm Tổng giám đốc Tổng nha Thanh niên, cậu mà cũng là cha nuôi của Trắc, nên Trắc thường đến xin giúp đỡ phương tiện để sinh viên, học sinh thực hiện các công tác cứu lụt miền Trung, miền Tây, các vụ hỏa hoạn, nạn nhân chiến cuộc, v.v… Trắc thường hoàn tất tốt đẹp công việc, được các bạn cảm mến, trong đó có Trung, Việt Cọng nằm vùng, bí thư chi bộ học sinh sinh viên Saigon. Khi người bạn nầy bị bắt giam ở Chí Hòa, vì tình bạn học cũ, vì cùng sinh hoạt chung trong các công tác cứu trợ, Trắc vào thăm bạn ngay trong khám. Nhờ cái “chí tình” đó, không vụ lợi, không mưu đồ chính trị, mà Trắc được giúp đỡ đòi lại được nhà.
Kể xong câu chuyện, chợt nhớ bạn tù cũ, Trắc nói:
-“Thằng Đông có vô! Nó đi buôn đường dài Saigon - Đà Nẵng. Hễ vô tới đây là rủ nhậu. Để khi nào tui rủ anh tới nhậu cho vui”.
Dương Tiến Đông là người tôi khó quên: Năng động, lanh lợi, hoạt bát và có “máu buôn bán”, như tôi kể chuyện “buôn bán” của anh ở mấy bài trước. Đông thuộc dòng dõi “Dương Hiển Tiến”, một trong “ngũ phụng tề phi” của xứ Quảng. Bố anh ta làm thầu khoán xây cất, giàu có. Năm “cụ Ngô” mới về nước làm thủ tướng, thăm Đà Nẵng, tòa Đô Thị Đà Nẵng phải mượn xe hơi của bố ông, chiếc xe sang và đẹp nhất Đà Nẵng thời ấy, để “đón Ngô Thủ Tướng.”
Bố anh “di tản”qua Mỹ trước khi mất Saigon với cô vợ trẻ, để lại vợ lớn và hầu hết con cái. Điều “trái cẳng ngỗng” hơn nữa, chị gái của Đông là vợ “nhà thơ” Phan Duy Nhân, tức tên Việt Cộng nằm vùng Phan Chánh Dinh, con trai ông già kéo “ghi” ở ga xe lửa Đà Nẵng. Đông nói: “Thằng cha ấy” theo Việt Cộng vì mặc cảm con nhà bần hàn.”
&
Gặp nhau, Đông vừa vui vừa buồn. Anh ta vẫn nhớ tôi, vẫn mong gặp lại tôi, vừa buồn vì cái chết của Võ Phước Thọ.
Hôm Đông từ Đà Nẵng vô Saigon, Trắc xuống tìm tôi. Dĩ nhiên, Đông tổ chức một buổi nhậu tại ngôi nhà sắp bán của Trắc.
Tôi hỏi:
-“Này! “Ông” Trắc, có ngại gì Công An khu vực không?”
-“Không! Trắc trả lời. Thằng nầy cũng tham ăn lắm, tui kẹp cổ nó từ lúc mới về được ít lâu.”
Trong khi tôi và Trắc ngồi chờ thì Đông giao hàng, xong, mua đồ nhậu. Tôi báo cho Trắc một vài tin buồn:
Anh Lã Trung Tâm, chúng tôi thường gọi đùa là “ông già ham vui”, được tha sau tôi mấy tháng, về, vợ còn giữ cho cái xe Vespa standard cũ, chạy long vòng chơi hằng ngày, chẳng lo no đói gì cả. Một bữa đi nhậu về, say, nằm ngủ, sáng hôm sau đi luôn. Một số anh em bạn tù cũ, có đến đưa đám. Coi vậy mà đời ông nầy thật… khỏe.
Lê Quang Dung, cũng được tha sau tôi ít lâu. Về nhà, tình trạng khá bi đát. Hai đứa con trai, gởi về quê cho bà nội nuôi giúp. Hai vợ chồng không nuôi nỗi con. Khi tôi trốn ở căn phòng nhỏ gần “Cổng xe lửa số 6”, nhờ Dục cho địa chỉ, anh ta đến thăm. Hôm sau, Dung đem lại cho tôi mười cây thuốc lá Hoa Mai giả, nhờ “tiêu thụ” giùm. Tôi không từ chối được, phải nhận, rồi đưa cho người em gái tôi ở Cư Xá Thanh Đa, nhờ bán giúp cho Dung. Nhờ quen mấy người “buôn đường dài” Saigon - Sóc Trăng, mười cây thuốc Hoa Mai “đi” dễ dàng, tôi đem tiền lại cho Dung. Tháng sau, Nguyễn Phước Tần báo cho tôi Dung qua đời rồi. Một hôm, đói quá, Dung xỉu ngay gần cầu Khánh Hội, được người quen đưa về nhà. Đêm đó, Dung “đi” trên tay vợ.
Ngọc “xùi”, người thường than với tôi thằng chủ tịch phường thường tỏ ý cua kéo vợ anh ta. Chủ tịch phường nói: “Chồng mày không về được đâu! Mày còn trẻ, lấy chồng đi.” Có nghĩa là lấy y, làm vợ bé.
Ngọc “xùi” ngây thơ cứ hỏi tôi: “Mệ Hải, đúng ra nó phải khuyên vợ tôi tin tưởng vào cách mạng, có ngày khoan hồng cho tôi về. Tại sao y lại nói thế.” Tôi cười cười: “Nó khuyên vợ mầy chờ chồng, để khi mầy được tha, hai vợ chồng hợp sức “chống phá cách mạng” à? Tụi nó phải đập nát gia đình những “thằng ngụy” như bọn mình ra. Bọn mình được tha ra là “cùi”, gia đình tan nát, thì làm sao mà chống phá cách mạng” được? Thằng phường trưởng đó thi hành đúng “đường lối chính sách” của đảng nó đó. Đừng suy nghĩ chuyện ấy vô ích.
Sau 7 năm, Ngọc “xùi” được tha rồi không nghe tin tức gì anh ta cả, không biết bây giờ “gia đạo” như thế nào!
Trong khi chờ Đông về, Trắc pha cà phê cho cả hai chúng tôi. Tôi hỏi:
-“Ông có dự trù vượt biên không?”
-Thiệt xui! Anh à. Chắc là cái số tui không xa xứ được.Tụi bạn nó tổ chức, tui chỉ góp chút đỉnh. Trên đường ra “con cá lớn”, chiếc “tắc ráng” đưa tui đi bị hỏng máy. Thằng chạy tàu đò lui cui sửa làm sao mà cái vít lửa rơi xuống nước. Làm sao tìm lại được? Vậy là đành trở lui. Xui thiệt! Rồi tui làm hồ sơ gởi lén qua Bangkok. Thế nào cũng được đi.”
-“Đi đấy! “Ông” tin tưởng đi. “Giết không được, tha làm phước”. Đó là châm ngôn của kẻ ác.
-“Anh nghĩ số được đi có đông không? Loon lá như bọn mình có đi được không, hay phải “quan to súng dài” mới được.
-“Mỹ là đầu sỏ “thế giới tự do”, chơi trò “đem con bỏ chợ” như Ba mươi tháng Tư thì chơi với ai. Riết rồi ai cũng sợ Mỹ bỏ rơi, ghét Mỹ. Nay họ phải làm một cái gì để gây niềm tin nơi người dân ở các nước khác. Nhờ đó, có thể có một số được đi, chỉ một số thôi.”
-“Sao chỉ một số?” Trắc hỏi.
-“Liệu Mỹ có nuôi hết mấy trăm ngàn người như bọn mình không? Qua tới bên đó bọn mình già hết, đâu có đi cày, làm bồi bếp… cho tụi Mỹ được, chỉ nuôi báo cô. Họ sẽ không cho đi nhiều.
-“Anh tìm đâu ra mà nói như vậy?”
-“Ông tính coi. Việt Cộng thì yêu cầu ai tù hai năm trở lên thì cho đi. Mỹ thì đòi phải năm năm tù mới được. Đang cù cưa, có thể chọn một con số ở giữa: ba năm hay bốn năm.”
-“Nếu hai năm thì đông lắm, Mỹ sợ cái gánh nặng quá! Còn Việt Cọng đòi hai năm là ý gì?”
-“Không giết được thì cho đi cho khuất mắt. Đi chỗ khác chơi để cho “người ta” làm “cách mạng”.
-“Vậy thì “tình dân tộc nghĩa đồng bào” là cái gì?”
-“Là cái để tuyên truyền. Chủ trương “đấu tranh giái cấp” thì làm sao có tình nghĩa. Có tình nghĩa là không đấu tranh được, nhất là khi chủ trương “cách mạng triệt để”. “Triệt để” cũng có nghĩa là “cạn tào ráo máng đó “ông”.
Trắc nói:
-“Chí Phèo thì chỉ có hận thù. Mà cũng buồn cười anh biết không? Trước khi tù cải tạo, bọn mình biết gì về chính trị. Bây giờ thì ông nào cũng rành, “giảng bài” rang rảng như giáo sư đại học.”
-“Cộng sản họ cũng nói nhà tù là trường đại học mà. Đời tù đẩy bọn mình vô cái thế phải “học tập chính trị”.
Bỗng Trắc nói qua chuyện khác:
-“Anh biết thằng Thịnh không?”
-“Nó đi “thăm lăng bác” hồi năm 1976 kia mà! Về chưa?”
-“Về rồi. Tui mới gặp nó cách đây mấy tuần. Nó gọi bà Hồ Điệp bằng cô đó anh!”
-“Bà Hồ Điệp chương trình Tao Đàn của Đinh Hùng phải không? Bà nầy ngâm thơ hay lắm.”
-“Thằng Thịnh nói bà cô nó vượt biên, mất tích đâu ngoài biển. Bà ngâm thơ hay mà đẹp nữa.”
Tôi thấy lòng bùi ngùi. Một người đẹp, tài hoa như thế mà bỏ xác ngoài biển khơi, làm mồi cho cá! Mộc lúc sau, tôi buột miệng đọc câu thơ của Mạc Đĩnh Chi: “Vân Tán -Tuyết Tiêu - Hoa Tàn - Nguyệt Khuyết”. (1)
hoànglonghải
(1)-Khi cụ Trạng Mạc Đĩnh Chi đang đi sứ bên Tầu, thì có một công chúa nhà Nguyên chết, cụ Trạng được chọn thay mặt cho sứ các nước, đọc văn tế.
Bộ Lễ của Tàu trao cho cụ Trạng một tờ giấy chỉ có 4 chữ Nhất.
Mạc Đĩnh Chi ứng khẩu đọc ngay:
Thiên trường nhất đóa vân
Không trung nhất điểm tuyết
Lãng uyển nhất chi hoa
Quảng hoà nhất phiến nguyệt
Y, vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết
Nghĩa:
Một đóa mây trên trời,
Một giọt tuyết trong không trung,
Một cành hoa trong vườn thượng uyển,
Một mảnh trăng trong cung quảng hàn.
Than ôi: Mây tan, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết.
***
Vết Nám: Hồi ký Tù Cải Tạo
hoànglonghải(tuệchương)
Bài 34
Đất Khách…
Tha hương ngộ cố tri!
(Cửu hạn phùng cam vũ
Tha hương ngộ cố tri
Động phòng hoa chúc dạ
Kim bảng quải danh thì)
Thế rồi có những kẻ “đi chui”, - như tôi chẳng hạn -, cũng không ít người lên máy bay, rời quê hương đến định cư ở xứ người. Phần nhiều các bạn tù cũ của tôi đều ở Nam Cali, chỉ riêng tôi và “Kim nhí”, - Kim nhỏ con, gốc chú Ba Chợ Lớn - để phân biệt với “Kim voi” – Kim “đô” con, quê ở Bình Dương -, thì nhà cách nhà tôi không xa. Nguyễn Quảng Thành, thường gọi là “thành gù”, Hoàng Hữu Chung và Đào Sơn Bá, định cư ở Boston. Cách một giờ lái xe, kể từ nơi tôi ở.
“Kim voi” đã qua đời sau khi được tha không bao lâu. “Kim nhí” khi qua tới Mỹ thì cậu con trai lớn phải vô bệnh viện tâm thần. Đúng là “Phúc bất trùng lai”. Quảng Thành thì người vợ cũ, cũng là học trò cũ của anh, khi anh còn dạy học ở Sông Cầu, thì giương buồm cho “thuyền ra cửa biển” mất rồi. Anh cưới một bà đã lớn tuổi, cho “êm một tuổi già”! Thế cũng xong duyên phận cho một người tù khi được tha thì tóc đã nhiều muối hơn tiêu ???!!!
Trắc thì buồn hơn.
Vợ anh ra đi ngày đó, đem theo hai con gái. Hai cô con gái lớn lên, học hành và thành công ở Mỹ, có một cô làm chuyên viên trong Bạch Ốc, nhưng không đoái hoài gì tới bên nội, dù bố là cháu của tông tông. Cái “hào quang” thời chế độ đã lịm tắt rồi, khơi lên làm chi đống tro tàn!? Bọn trẻ thế hệ thứ hai, lớn lên ở quê người, không muốn nhìn lại dĩ vãng nữa hay chăng, quên hay cố quên cái gốc của mình đi hay chăng?
Trước khi rời Việt Nam, Trắc có một cô vợ mới: Hạnh, khá đẹp, mặt mày phúc hậu. Hạnh là chị cả, sau lưng những mấy đứa em, tất cả đều mồ côi cha mẹ. Em sống dựa vào lưng chi. Trong hoàn cảnh đó, qua tới nơi, Hạnh “giã từ anh yêu” để lấy một chú Ba giàu có.
Nghe chuyện, tôi hỏi Trắc. Trắc nói:
-“Tại tui anh à! Tại tui à! Hạnh phải lo cho em, không bỏ các em được mà tui thì không có khả năng. Nhờ bỏ tui mà Hạnh lần lượt bảo lãnh cho các em qua Mỹ hết. Thằng Tàu chồng nó nhiều tiền, muốn chi chẳng được. Hạnh thương các em lắm! Chị em nó mồ côi cả cha lẫn mẹ! Tội lắm!”
Nghe Trắc nói, tôi chỉ thở dài. Yêu nhau, thương nhau, thông cảm nhau và tha thứ, hy sinh cho nhau. Đâu có phải ai cũng nghĩ và làm được như Trắc.
Thế rồi tôi tìm về Cali, là đi tìm thăm các bạn cũ. Mấy bạn tù họp nhau lại, rủ tôi đi uống cà phê, và tới thăm… Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ. Những người từng chịu nhiều gian khổ trong cuộc chiến vừa qua, những từng người từng đổ mồ hôi, nước mắt, và cả xương máu hay một phần thân thể, cho công cuộc chiến đấu Bảo Vệ Tự Do cho Miền Nam và cho Thế Giới Tự Do, khi đến Cali, khó mà không tìm đến nơi nầy để tìm lại… chính mình.
Thế rồi chúng tôi kéo nhau về nhà người anh vợ tôi. Nhà tôi nấu sẵn một nồi bún bò lớn, “bún bò Huế” thật sự, có sả ớt, có thịt bò xào, giò heo và có cả… ruốc Huế. Một nồi bún bò chính hiệu con nai.
Đang ăn, tôi hỏi Dương Tiến Đông:
-“Qua đây rồi mà ông còn “chồng chúa vợ tôi” phải không? Liệu hồn vợ nó đuổi ra khỏi cửa.”
Trắc cười:
-“Liệu hồn gì nữa! Không những vợ nó mà cả con cái cũng đứng về phía mẹ. Bây giờ thì ra gầm cầu.”
Đông, đúng là “ông Khouảng Nôm” hay tự ái, cải chính:
-“Sức mấy.” Rồi Đông quay qua tôi:
-“Anh thấy không! Chủ nhật nào đi bán chợ trời về, tui cũng gọi anh nói chuyện chơi!”
-“Trên đường về nhớ đầy” chớ gì! Thui thủi một mình trên đường về, “ông”gọi tui để làm cục kê cho “ông”! “Cho vơi đi niềm nhớ”. Mà ông nhớ cái gì?” Tôi hỏi.
-“Cái gì cũng nhớ hết. Thuở học trò, hồi đi lính, khi ở tù… Cuộc đời nơi đất khách có nhiều cái nhớ: “Ôi! Cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!”
Tuy gọi là buồn, nhưng nói xong, Đông lại nhìn tôi cười.
-“Buồn! Rồi “ông” trách ai?” Tôi hỏi.
-“Tôi chẳng trách ai cả anh à! Trách là trách mình trước. Thiếu gì người qua đây rồi trách người nọ, trách người kia… làm mất nước; trách ông Thiệu, trách cụ Hương, cụ Huyền, trách ông Dương Văn Minh, trách ông linh mục chống tham nhũng mà thực ra là làm cho miền Nam mau thua Việt Cọng, trách ông Trí Quang là “Cộng Sản nằm vùng”, thay vì “thích đủ thứ” thì quay ra “trách đủ thứ.”
-“Ông” nói làm tui nhớ câu Đại Tướng Viên nói với Nam Dao: “Ba mươi năm qua rồi, ngồi đây mà đổ tội cho ai!?” Ông tướng mà khi chạy khỏi nước, lại chỉ đem theo có cuốn kinh Phật. Đúng là “Bại binh chi tướng, bất khả ngôn dũng”. Chê trách người khác để cho mình sáng lên cũng là tâm lý đó “ông”! Bây giờ, ở bên nầy, nhiều tay “nổ” dễ sợ luôn.”
-“Cũng có thể nói như Tướng Viên là tinh thần chủ bại. Nhưng anh thấy không, những “anh” tác chiến, đánh hết trận nầy qua trận khác, hành quân “Mút mùa Lệ Thủy” thì qua đây im re. Nhiều tay khác, khi ra trường, cố chạy cho được “đơn vị không tác chiến” thì bây giờ dùng toàn pháo đại không?” Đông nói.
-“Trước kia “ông” ở đơn vị tác chiến?” Tôi hỏi.
-“Tui ở Khối Chiến Tranh Chính Trị của tiểu khu.” Đông trả lời.
-“Hồi ấy, vô tù, nhiều anh khai làm “chiến tranh chính trị” cho nhẹ tội. Đâu có bóp cò. Bóp cò mới nặng tội hơn chớ!” Tôi nói.
-“Người ta gọi là “đánh giặc miệng” anh à! “Lấy mồm mèp đỡ chân tay”. Tục ngữ nói vậy. Vô tù cứ nghĩ “Đánh giặc miệng đỡ… bóp cò.” Tôi nhẹ hơn nhiều. Ai ngờ Việt Cộng nó nghĩ theo cách của nó. Đánh giặc miệng là công việc của chính trị viên, của chính ủy. Mấy tay nầy quyền hạn hơn cả thủ trưởng. Việt Cộng ưu tiên cho đi “thăm lăng bác” mấy anh Chiến Tranh Chính Trị”.
-“Cũng nhiều tay ngon lành! Học “Đại Học Chiến Tranh Chính Trị” ra nhưng khi về đơn vị lại xin đi tác chiến. Mấy chả ghét ngồi cạo giấy!” Tôi nói.
-“Mặt trận chính trị thường quan trọng hơn tiếng súng ngoài trận địa. Mình hồi ấy cứ nghĩ tại tụi Mỹ cúp viện trợ nên thiếu súng đạn mới thua Việt Cộng. Có đủ súng đạn chơi tay đôi như không! Chắc gì ai ăn ai!” Đông góp ý.
-“Trận địa chiến, Việt Cộng đánh không lại. Cứ coi lại “Bình Long Anh Dũng”, “Kontum Kiêu Hùng”… thì biết ngay. Mình có thua đâu! Nhưng chiến tranh kéo dài thì mình thua. Việt Cộng thì phát triển du kích chiến, mà mình thì không nắm được dân.” Tôi nói.
Trắc hỏi:
-“Anh nói sao?”
-“Chiến Tranh Nhân Dân” mà “ông”. Tự người dân phải cầm vũ khí chống kẻ thù. Attila nói: “Vó ngựa quân ta đi đến đâu, cỏ ở đấy không mọc được nữa.” nhưng qua tới Việt Nam thì thua, thua vì ở Việt Nam toàn dân đánh giặc, không riêng gì quan binh triều đình.”
-“Tình hình miền Nam trước 75 thì khác?” Đông hỏi.
-“Cách chiến đấu của Quân Đội Việt Nam mang “dấu tích” chiến tranh Pháp Việt. Đóng đồn, giữ đất… bỏ dân; không có dân, không thắng được giặc, nặng tính chất “lãnh thổ”, “giữ đất, giữ đường”. Tôi nói. “Thật ra, theo tui nghĩ, người ta cần có một cuộc cách mạng về quân sự, về chiến lược. Bỏ mục đích giữ đất bằng cách đóng đồn “bót”, “đồn” là ở trong dân chúng, trong dân quê, mỗi xã, mỗi ấp là một đồn.”
-“Đó là kinh nghiệm của anh!” Trắc hỏi. “Sao tui thấy nó giống “Áp Chiến Lược” quá!”
-“Vừa là kinh nghiệm bản thân, vừa là điều đọc trong sách vở.” Tôi nói. “Trên lý thuyết, “Ấp Chiến Lược” là hay lắm, nhưng mới chỉ thực hiện có phần đầu mà thôi, là phần lùa dân vô trong vòng kẽm gai, coi như vô trại tập trung. Còn việc xây dựng về giáo dục, y tế, xã hội… chưa làm được gì hết thì nhà Ngô tan hàng. Làm được thì coi như “tát nước bắt cá”. Cái của ông Nhu, không mới lạ gì đâu. Trong “Con Đường Sáng”, Hoàng Đạo đã vẽ ra con đường đó rồi. Với lại, như tui thấy trong “Con đường buồn thiu”, Bernard Falls, nói về mấy viên chức xã ấp. Khi Tây tới, mấy chả đi theo Tây về làng, tập họp dân chúng, nói “trên trời dưới đất” gì đó. Tới tối thì mấy chả vô đồn ngủ, sợ Việt Cộng về, bỏ mặc dân chúng, không ai bảo vệ. Tụi cán bộ nằm vùng lại mò ra, trong bưng mò ra hay hầm bí mật chui lên, tuyên truyền, dụ dỗ, phỉnh gạt, đe dọa… dân chúng. Dân chúng không muốn theo Việt Cộng có được không? Chúng nó chặt đầu cắm lên cọc tre, người dân ai mà chẳng sợ.”
-“Vậy là dân theo chúng nó hết?” Đông than thở.
-“Cái thế của mình, kẹt lắm. Một mặt thì Việt Cộng tuyên truyền chống ngoại xâm, giành độc lập. Thằng Tây thì mắt xanh mũi lõ, thằng Mỹ cũng mắt xanh mũi lõ, thằng nào chẳng là “ngoại xâm”. Kể từ thời mấy ông cố đạo “mắt xanh mũi lõ”, dẫn Tây qua xâm lăng nước ta, người Việt Nam đã nghĩ như vậy rồi. Tụi Tây phương đứng ngay sau lưng mình thì mình tuyên truyền “độc lập” làm sao được? Còn cán bộ của mình thì như khi tui về Gò Công, một người bạn tôi đưa ra một thí dụ: Anh cán bộ của mình, cảnh sát hay lính làng lính lệ, dừng xe Honda ngay trước cổng nhà ông Ba, ông Bảy nào đó, gọi vô: “Bữa nay có chi nhậu không?” Người dân thì sợ, nhà có “quân dịch quân gà” hay buôn bán gì đó, vội đáp ngay: “Dạ có! Dạ có nhậu, chờ một chút, tui bày bàn ra.” Việt Cộng thì khác, nửa đêm tụi nó trong bưng mới ra tới, gõ cửa nhà ông Nam, ông Bảy, hỏi thăm: “Năm nay mùa màng có được không? Cảnh Sát, cán bộ, lính làng lính lệ có quậy phá gì không? v.v…” Người dân quê thiệt thà, nghe hỏi vậy là mát lòng lắm, không nghe Việt Cộng sao được?! Làm sao có cán bộ về tận xã ấp, ăn ở với dân, làm nhà, sửa chuồng heo, làm vườn cho dân… Đêm ngủ lại đó, trong nhà dân. Cộng Sản nào mà ngóc lên được. Nắm được dân là chúng nó thua.” Tôi nói.
-“Ông Thiệu cũng chủ trương dân chúng tự vệ đó chớ.” Trắc nói. “Ông bảo phải phát súng cho dân. Một chính phủ không dám phát súng cho dân là một chính phủ không phải của dân. Anh thấy không? Xã ấp nào cũng có “Nhân Dân Tự Vệ”.
-“Năm 1973, Nhân Dân Tự Vệ xã Sóc Sơn ở Rạch Giá thắng một trận vẻ vang lắm! Cái đó nhờ dân chúng là dĩ nhiên, nhưng cũng phải nói, nhiều tay xã trưởng ngon lành lắm. Ỏ Kiên Giang nhiều tay xã trưởng dẫn Nhân Dân Tự Vệ đi kích Việt Cộng. Bọn nó dính chấu là cái chắc. Địa phương của người ta mà, rành rẻ địa thế là đánh giặc tiện lắm. Có xã trưởng thường đi ngủ ấp, không ngủ tại xã. Tui nói “ngủ ấp” là nói theo nghĩa đen, mấy chả đừng nghĩ bậy cho người ta nghe!” Tôi kể.
Một lúc, tôi nói tiếp:
-“Nhân Dân Tự Vệ xã Sóc Sơn hầu hết là người Miên. Tối lại, họ tập trung về xã, bảo vệ trụ sở xã, chứ không hoạt động ngay tại ấp, thành ra họ cũng không phải là người bảo vệ dân. Họ cũng sợ chớ! Lỡ Việt Cộng tấn công, không ai yểm trợ họ. Họ “đơn thương độc mã” chống giặc. Chống du kích thì họ chống được, nhưng nếu Việt Cộng tấn công bằng lực lượng Huyện Đội hay Tỉnh Đội thì họ thua. Ấp nào Nhân Dân Tự Vệ hoạt động hữu hiệu là Việt Cộng điều một lực lượng lớn, mạnh, tới tấn công ngay. Dân chúng không tự bảo vệ mình được. Hễ Việt Cộng chiếm được vùng quê, thì thị trấn, thị xã bị cô lập. Càng ngày Việt Cộng càng mạnh thêm.”
-“Cái nầy là “lấy nông thôn bao vây thành thị” chớ gì!” Ở Thủ Đức mình có học mà.” Đông nói.
-“Học thì học vậy, nhưng khi ra trường, ngoài việc hành quân, đóng đồn, “tìm và Diệt”… tôi đâu có thấy chiến lược nào để chống “nông thôn bao vây thành thị”. Coi như sách vở đã học đem cất kỹ vô tủ. Bernard Falls biết rõ chiến lược nầy. Ông ta được coi là chuyên viên về “Du kích chiến” của Mỹ, ông làm cố vấn cho Bộ Quốc Phòng và các tướng lãnh Mỹ.” Chiểu nhận xét.
-“Có một điều tui hết sức làm lạ! Bundy, giám đốc Xịa, qua Saigon làm phó đại sứ, đặc trách chương trình “Bình Định Nông Thôn”, đang có kết quả thì Mỹ bỏ ngang.” Tôi nói.
-“Cán bộ “Bình Định Nông Thôn” thì làm được cái gì?” Đông nói, có vẻ thiếu tin tưởng.
-“Ông về nông thôn thì biết ngay. Việt Cộng sợ đám “cán bộ Xây Dựng Nông Thôn” nầy lắm. Giết được là giết ngay không thương tiếc. Cái cung cách làm việc của họ, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân thì tên Việt Cộng nào mà nằm vùng được?!” Cái trường cán bộ của Đại Tá Bé đào tạo được nhiều cán bộ xã ấp, giữ được nông thôn. Tiếc là cái chương trình nầy không kéo dài. Sợ ông Bé gây được tín nhiệm trong dân chúng, ông Thiệu vội dẹp ngay Trung Tâm Chí Linh, mở trường “Cách Mạng Hành Chánh”.
-“Tui có cảm tưởng như anh khoái nông thôn lắm. Bộ gái nông thôn đẹp hơn con gái thành thị hả?” Đông nói đùa.
-“Ông biết trong Nam nầy con gái đâu đẹp nhứt không? Đẹp nhứt là gái Long Xuyên, vùng nước ngọt. Trắng nhứt là gái Kiến Hòa, tụi nó ở trong dừa, ít làm ruộng. Con nào con đó trắng bóc, như trứng gà; không biết cái ngao có trắng không? Kiên Giang thì mấy con nhỏ “đầu gà đít vịt” khỏi chê. Tầu lai Miên tụi nó đẹp lắm.” Tôi nói.
-“Anh biết những nơi vua Gia Long bỏ cung nữ mà “tẩu quốc” chớ, con gái cũng nổi tiếng mà.” Trắc hỏi tôi.
-“Một là Thới Bình, ở Chương Thiện, hai là Nha Mân, Sadec. Hai nơi nầy, bị Nguyễn Huệ đuổi riết, Nguyễn Ánh chỉ kịp “dông” có một mình, bỏ lại bầu đoàn thê tử”. Tôi giải thích.
-“Đẹp lắm phải không?” Đông hỏi.
Trắc chọc quê Đông:
-“Hễ nghe có con gái đẹp là mầy nhào dzô!”
-“Nhào vô mà chết. Con gái Nha Mân thì tui không rõ. Tui chỉ đi qua. Con gái Thới Bình thì tui biết rõ hơn. Tui hành quân ở đó năm, bảy ngày là thường. Mặt thì đẹp mà tay thì bị phung.” Tôi giải thích.
-“Phung là cùi hả?” Trắc hỏi.
-“Gì nữa! Tụi nó hai che hai bàn tay, không cho mình thấy bị cùi. Có “lời nguyền” đó. Anh nào dính vô rồi quất ngựa truy phong là coi như đời tàn. “Tài sản” của vua chúa mà, có yểm bùa. Vô là dính ngay.” Tôi nói.
-“Cha nầy nói dốc không. Để tui về Thới Bình một lần, coi thử ông Gia Long làm chi tui.” Đông nói cứng, như tính tình của Đông thường vậy.
Một lúc, tôi hỏi:
-“Mấy “ông” sang đây, có ai về Việt Nam chưa?
-“Về thì có về. Về rồi thì buồn nhiều hơn vui. Bà con lần hồi cũng xa đi. Ai rảnh rổi đâu mà nhớ cố hương như mình. Không còn cái tâm trạng “Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên” (1) như Nguyễn Bính nữa. Tất cả đều cuốn hút. Nghèo thì lo cơm gạo, giàu thì lo kiếm thêm tiền. Bằng cách nào cũng được, miễn có ăn, có tiền. Không còn lương tâm. “Lương tâm đem chặt ra hầm, Chồng chan vợ húp khen thầm là ngon.” Chiểu nói có vẻ chán nản.
Tôi xác quyết:
-“Văn hóa vô sản mà ông. Người ta gọi là “Văn hóa Chí Phèo” đấy. Có điều người Cộng Sản muốn độc quyền chính trị nên họ đẩy dân chúng vào hoàn cảnh, ngoài “cơm áo gạo tiền” ra, người dân không còn thì giờ nghĩ đến chuyện khác nữa.”
Trắc góp ý:
-“Ở bên Mỹ nầy, việc cai trị cũng từ bọn “chuyên nghiệp chính trị” vậy. Ai không có cái “chuyên nghiệp” ấy làm sao ứng cử, đắc cử. Mỹ cũng cần phải có những cuộc cách mạng về chính trị vậy. Hiến pháp thì giữ, nhưng bọn làm chính trị cần thay đổi.”
-“Tui đồng ý với ông đấy!” Tôi góp ý.
Đông lại hỏi:
-“Việt Cộng tống bọn mình đi HO, để rộng đường cho chúng nó tự tung tự tác chớ gì?’
-“Từ ý nghĩa của ông, tui thấy cần đặt lại vấn đề con cái cán bộ du học ở Mỹ.” Tôi nói.
-“Anh muốn đuổi tụi nó về!” Trắc hỏi.
-“Đâu phải! Đào tạo chuyên viên là điều đất nước cần để phát triển. Ai lại muốn đất nước mình chậm tiến! Mai mốt bọn chúng trở về phục vụ đất nước.” Tôi trả lời.
-“Tụi nó vừa hồng vừa chuyên anh ơi! Trông mong gì!” Đông nói với giọng không vui.
-“Với Cộng Sản, đất nước là phải khép kín. “Ông” không nghĩ khi tiếp xúc với xã hội Tây phương, tụi nó không “giác ngộ” hay sao? Phản tuyên truyền! Khi bị phản tuyên truyền chúng nó sẽ chống lại chế độ.”
-“Cũng có đứa thôi! Vì quyền lợi, chúng nó sẽ như nhau hết!” Trắc nói.
-“Đó là điều đáng buồn. Dưới thời Tây đô hộ mà còn đỡ. Tháng 8 năm 45, cách mạng bùng nổ khắp nơi. Rồi Nam Bộ Kháng Chiến, Kháng chiến giành độc lập. Đó là tinh thần của giới thanh niên cuối thời Pháp thuộc. Bây giờ, không tìm đâu ra cái tinh thần đấu tranh và hy sinh đó. Thanh niên bây giờ bị chính quyền xô đẩy vô con đường hưởng thụ, ăn chơi, làm gì còn những người có lý tưởng, có chí khí. Thanh niên như thế thì khi nào chế độ Cộng Sản mới sụp đổ; còn lâu lắm. Chính sách cai trị độc thiệt.” Tôi than thở.
-“Bọn nó qua du học rồi tìm cách ở lại hết. Chán chưa!” Đông nói.
-“Cha mẹ bọn nó dạy đó. Ở lại đây để hưởng thụ tài sản đã đánh cắp, đã cướp được ở Việt Nam.” Tôi góp ý.
-“Kỳ thiệt! Đúng là Cộng Sản Bắc Việt! Từ ngoài kia, vô giành đất nước của người Miền Nam, đuổi người Nam đi để mặc sức tung hoành. Rồi bây giờ lại muốn bỏ mà đi nữa, để đất nước lại cho ai? Chúng nó đuổi mình đi rồi chúng nó đi theo.” Trắc thắc mắc.
-“Bà Bùi Bích Hà, bả kể. Năm bà tới Công An để làm giấy tờ đi Mỹ, tên Công An nói: “Chị đi đâu! Hai mươi năm nữa tôi gặp chị bên ấy.” Tôi kể lại câu chuyện nghe trên đài VNCR.
-“Nó huênh hoang đấy. Hai mươi năm nữa Mỹ sẽ thua Cộng Sản. Nó qua Mỹ để cai trị dân Mỹ chớ gì? Hoang tưởng.” Đông nói vẻ tức giận.
-“Cai hay không cai không cần biết. Ở Mỹ, già như bọn mình làm chi mà giàu. Còn tụi nó đi Mỹ, mang theo hàng chục, hàng trăm triệu đô, không sướng hơn mình hay sao?” Trắc giải thích.
-“Dĩ nhiên! Họ không cần ai hết. Họ chỉ cần họ. Sợ Tầu, họ lo dọt trước, mặc cha nhân dân. “Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi.” Đông nói giọng chán nản.
-“Người Việt ở hải ngoại nên giang tay đón tụi du học sinh, giúp nó học hành, làm sao cho tụi thấy cái gì là dân chủ, là tự do thật sự, làm sao cho tụi nó “hồi chánh”. Vai trò của tụi nó trong việc lật đổ chế độ là quan trọng lắm đấy. Đứa nào học xong, trang bị “hành trang” cho nó, khuyến khích nó trở về với đất nước, với đồng bào, đem cái sở học của mình và lý tưởng tự do dân chủ phục vụ dân tộc.” Tôi góp ý.
-“Khó lắm anh. Đời bây giờ mà nói như anh là đi đường ngược chiều rồi anh ơi!” Đông nói với vẻ bi quan.
Nghe Đông nói, ai không thở dài.
Một lúc sau, tôi lại nói tiếp:
-“Cộng Sản bây giờ, nếu ai có chút lòng yêu nước, thương dân thì kẹt lắm.”
-“Kẹt là sao?” Trắc hỏi.
-“Những thằng tính đường “hốt hụi dông luôn” thì không kể. Còn những người thương dân, vì dân, thì khó xoay xở lắm. Chống Tầu, không dễ đâu. Giết Lương Minh, Liễu Thăng xong rồi, Lê Lợi phải giảng hòa, cho đúc “đại thân kim nhân” để thế mạng hai thằng tướng cướp. Vua Quang Trung phải cho Phạm Công Trị làm giả vua mà qua Tầu để cho yên mặt Bắc, chờ khi nước ta giàu mạnh rồi, vua sẽ đòi lại đất Lưỡng Quảng. Bây giờ bọn Hà Nội có cương với Tàu được không? Cương cũng kẹt, không cương lại kẹt hơn; làm sao mà “giải tội” với lịch sử. Dựa vào Mỹ mà chống Tầu thì cũng phải lựa thế Mỹ. Cái gương Việt Nam Cộng Hòa bị Mỹ phủi tay còn sờ sờ ra đó, đâu dễ quên được.” Tôi giải thích.
-“Vậy theo ý anh thì sao?” Đông nôn nóng hỏi.
-“Tui nhớ khoảng năm 1961, ông thầy tui, giám đốc nha học chánh, được đi một vòng “du hành quan sát” nước Mỹ. Về tới nơi, ông ta nói với chúng tôi: “Tổng thống Mỹ chỉ là tham mưu trưởng, đâu phải tư lệnh.” Tôi hơi sáng mắt ra, chỉ hơi sáng thôi! Từ đó về sau, tôi suy nghĩ câu nói nầy hoài: Tham Mưu Trưởng. Vây Tư Lệnh là ai? Là những người ở phía sau Bạch Ốc, là đám “đại xì thẩu” ở Mahattan phải không? Đám nầy phần đông là dân Do Thái. Đám tài phiệt nầy làm đủ chuyện trên đời, miễn tiền sinh lợi thì thôi: Buôn bán chiến tranh, buôn bán vũ khí, đầu tư các mỏ dầu khắp thế giới và buôn tiền… Năm 1975, khi Saigon sắp mất, Kissinger đang ở Ai Cập, bàn chuyện hòa bình giữa Sadat với Rabin. Phải ổn định Trung Đông để buôn dầu; bỏ cho Miền Nam chết vì cắt viện trợ, thiếu tiền mua súng đạn. Bây giờ Mỹ có trở lại Đông Nam Á, phải nắm áo Mỹ để chống Tầu. Nhưng thật ra, Mỹ Tầu có chống nhau thực sự không, hay chúng “bài ba con” với nhau? “Chủ nghĩa Nước Lớn” mà. Tầu, Nhật, Ấn Độ, Mỹ… là nước lớn. Châu Âu phải kết hợp thành “Cộng Đồng Châu Âu” để thành nước lớn. Chia nhỏ ra là chết sớm. Nhược tiểu như nước mình bao giờ cũng kẹt. Phải vươn thành nước lớn thì bọn tài phiệt mới nễ mặt, như Đại Hàn vậy.” Tôi nói.
-“Đại Hàn bây giờ cũng muốn bắt tay với Tầu. Tình hình thế giới bây giờ nó phải vậy.” Trắc đồng ý với tôi.
-“Tui có ý nghĩ nầy, nói ra chắc thiên hạ cho tui là thằng khùng?” tôi nói.
-“Khùng sao? Sống với anh trong trại tù, đôi khi tôi cũng thấy anh khùng rồi. Đợi chi thiên hạ nói.” Đông vừa cười vừa nói.
-“Không! Ý tui là như thế nầy! Mình là nhược tiểu. Hiệp định Paris là thằng Mỹ muốn bỏ mình. Tại sao hồi đó mình không bỏ thằng Mỹ mà cầu cứu thằng Tầu?” Tôi nói.
-“Chết anh à! Không được đâu! Anh thấy cái gương anh em ông Diệm không? Chết thảm trong xe M-113.” Trắc nói.
-“Nói không dám thì tui nghĩ tông tông Thiệu không dám. Cứ ngơm ngớp sợ đảo chánh thì ông Thiệu không dám làm là đúng. Tui có quen một người, môt ông trung tá, cũng “dân Quảng Trị” tui. Ông từng làm việc trong Phủ tổng Thống, có lần ông nói oang oang: “Tui ở Sư Đoàn 1. Tui biết ông Tổng Thống rõ lắm, khi ông làm Tư Lệnh Sư Đoàn. Mỹ nói chi, ông nghe nấy!” Tôi nói.
Một lúc sau tui nói tiếp:
-“Sợ Mỹ, bộ không ai dám làm như cụ Phan Bội Châu sao? Tây cai trị rồi, cụ Phan còn qua Nhật xin cầu viện. Bộ Tây bắt được, không chém đầu cụ Phan sao?
-“Tui cũng nghĩ như anh.” Đông góp ý. “Bùi Viện lệnh ở đâu, mà cũng qua Mỹ xin Mỹ giúp đánh Tây. Miền Nam mình, thiếu một “Lê Lai cứu chúa”, đành chịu chết chìm.
-“Thằng Tầu không muốn Bắc Việt hay một Đông Dương mạnh lên đâu. Gây mâu thuẫn, giữ sự tồn tại hai miền Nam Bắc là làm cho Việt Nam yếu đi. Âm Mưu nầy khá rõ đấy. Hồi hội Nghị Genève 1954, trước mặt Phạm Văn Đồng, Chu Ân Lai chuyện trò với ông Ngô Đình Luyện, hình như có mời ông Luyện qua Tầu. Trước 1975, có người Tầu từ Lục Địa qua Đài Bắc, gặp ông Nguyễn Văn Kiểu, chắc là không phải “”để làm quen” đâu. Có chuyện gì đó mà “xù”luôn.” Tôi kể.
-“Bắt tay với thằng Tầu để làm chi?” Trắc hỏi.
-“Bắt thằng có tóc, ai bắt trọc đầu. Bắc Việt xâm lăng miền Nam là vì quyền lợi Nga Tầu. Tầu cũng sợ thằng Nga nắm được Hà Nội nên muốn giữ Miền Nam được tồn tại. Phải không?”
-“Thôi bỏ đi Tám! Chuyện cũ qua rồi. Nhắc lại có ích gì. Bọn mình già rồi, có “Mài kiếm dưới trăng” (2) thì cũng đem cất mà thôi.” Đông muốn kết thúc.
-“Thế giới bây giờ như Đông Châu Liệt Quốc bên Tầu hồi xưa. Thằng Tầu mà nó mạnh lên, làm Tần Thủy Hoàng thì Mỹ cũng xong đời. nói chi Việt Nam./
hoànglonghải
(1) Xóm Ngự Viên
Lâu nay có một người du khách
Gió bụi mang về xóm Ngự Viên
Giậu đổ dây leo suồng sã quá
Hoa tàn con bướm cánh nghiêng nghiêng
Buồn thu rơi nhẹ đôi tờ lá
Xóm vắng rêu xanh những lối hè
Khách du lần giở trang hoài cổ
Mơ lại thời xưa xóm Ngự Viên.
Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển
Là đây, hoa cỏ giống vườn tiên?
Sớm Đào, trưa Lý, đêm Hồng Phấn
Tuyết Hạnh, sương Quỳnh, máu Đỗ Quyên
Cung tần mỹ nữ ngời son phấn
Theo gót nhà vua nở gót sen
Hương đưa bát ngát ngoài trăm dặm
Cung nữ đa tình vua thiếu niên
Một đôi công chúa đều hay chữ
Hoàng hậu nhu mì không biết ghen.
Đất rộng can chi mà đổi chác
Thời bình đâu dụng chước hòa Phiên
Mẫu đơn nở đỏ nhà vua nhớ
Câu chuyện: “Hô lai bất thượng thuyền”
Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển
Là đây, hoa cỏ giống vườn tiên?
Gót sen bước nhẹ lầu tôn nữ
Ngựa bạch buông chùng áo Trạng nguyên
Mười năm vay mượn vào kinh sử
Đã giả xong rồi nợ bút nghiên
Quan Trạng tân khoa tàn tiệc yến
Đi xem hoa nở mấy hôm liền
Đường hoa, má phấn tranh nhau ngó
Nhạc ngựa vang lừng khắp bốn bên
Thắp hương tôn nữ xin trời phật
“Phù hộ cho con được phỉ nguyền”.
Lòng Trạng lâng lâng màu phú quí
Quả cầu nho nhỏ bói lương duyên
Tay ai ấy nhỉ gieo cầu đấy?
Nghiêng cả mùa xuân Trạng ngước nhìn.
Trạng bắt sai rồi, lầu rủ sáo
Có người đêm ấy khóc giăng lên
Bóng ai thấp thoáng sau bờ trúc
Chẳng Tống Trân ư cũng Nguyễn Hiền?
Khách du buồn mối buồn sông núi
Núi lở sông bồi cảnh biến thiên
Ngự viên ngày trước không còn nữa
Giờ chỉ còn tên xóm Ngự Viên
Khoa cử bỏ rồi, thôi hết Trạng!
Giời đem hoa cỏ trả vườn tiên
Tôn nữ ngồi đan từng chiếc áo
Dân thường qua lại lối đi quen.
Nhà cửa xúm nhau thành một xóm
Cay nồng hơi thuốc lẫn hơi men
Mụ vợ bắc nam người tứ xứ
Anh chồng tay trắng lẫn tay đen
Đổi thay tình nghĩa như cơm bữa
Khúc “Hậu đình hoa” hát tự nhiên.
Nhọc nhằn tiếng cú trong thanh vắng
Nhao nhác đàn dơi lúc đỏ đèn…
Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên.
Cảm hoài - Đặng Dung
Thế sự du du nại lão hà?
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.
Bản dịch của Phan Kế Bính
Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày
***
Vết Nám: Hồi ký Tù Cải Tạo
hoànglonghải(tuệchương)
Bài 35
Bài chót
Vết nám
Sau 7 năm tù cải tao, tôi được tha. Từ trại tù Xuân Lộc, tôi về thẳng Saigon, địa chỉ của tôi trước khi “đóng tiền đi ở tù” (1). Tuy nhiên, nhà cũ của gia đình tôi ở đường Trương Minh Giảng không còn. Nhà ấy đã bị tịch thu trong đợt “đánh tư sản” của Việt Cộng hồi năm 1978. Vợ tôi “tha” các con về ở Cư Xá Thanh Đa, sang lại căn nhà của một sĩ quan chế độ cũ, sau khi, giống như “mèo tha con”, vợ tôi đem con đi lang thang sống tạm vài nơi ở Saigon.
Từ bến xe, tôi đi xe ôm về nhà. Xuống xe ngay trước chợ Thanh Đa, nhìn quanh, tôi nghĩ thầm: “Chỗ nầy không thể để cho các con của mình ở được.” Tôi có một kinh nghiệm sống khi còn đi học, đi dạy: Những chỗ chợ búa, không nên để cho trẻ con ở. Tôi cũng bị ám ảnh bởi câu chuyện “Mạnh mẫu dời nhà” trong cuốn sách “Cổ Học Tinh Hoa.”
Khi tôi lên tới cầu thang chót của lô cư xá gia đình tôi đang ở, đứa con gái thứ tư, đang ngồi học thêu với một người quen trong căn nhà ở ngay đầu cầu thang, thấy tôi, con bé chạy ra hành lang, la to “Ba về! Ba về!” Rồi nó nắm tay tôi dẫn về nhà, cách đó mấy căn. Đứa con gái giành lấy cái bao nylon trên tay tôi.
Tôi về tay không. Tất cả những cái được gọi là “hành trang” người tù, tôi để lại cho bạn tù. Đó là những bộ “quần áo lao động”, là những cái áo, cái quần treillis vá chằng vá đụp nhiều lớp vì dùng đã quá lâu, quá cũ, rách, mòn nhiều chỗ. Một ít thức ăn chưa dùng hết do vợ tôi thăm nuôi tiếp tế cho… Tôi chỉ đem về một cái “gô”, là tiếng gọi tắt tiếng “Guigoz”, loại hộp nhôm đựng sữa bột của hãng nầy. Tôi có những mấy cái “gô” còn mới, trắng sáng nhưng tôi để lại cho các bạn dùng. Tôi chỉ đem về cái “gô” dùng lâu nhứt, đen hùi vì khói và móp méo. Tôi muốn giữ nó để làm kỷ niệm mấy năm tù.
Khi ghé lại sang xe ở bến xe Tam Hiệp, tôi mua một bịch chôm chôm, đem về làm quà cho vợ và các con, như thói quen của tôi trước khi ở tù, mỗi khi tôi đi xa về.
Các con gái của tôi có mặt đủ ở nhà. Khi cửa mở và tôi bước vô, các con tôi reo lên mừng rỡ: “Ba về! Ba về!” Rồi chúng xúm nhau lại, ôm chầm lấy tôi. Tôi đưa tay xoa đầu các con, từ đứa nhỏ nhất trước, sau tới các đứa lớn.
Tôi cảm động, mừng được tha khỏi trại tù, muốn khóc, nhưng cố nín. Khóc trước mặt các con là điều không nên, mặc dù, trong trại tù, nhiều đêm tôi khóc thầm vì thương - vì thương hơn vì nhớ - các con và vợ.
Tôi ngồi xuống ghế, sau khi đi lên mấy bậc cầu thang cao, thấy đau ở mắt cá chân. Đứa con gái ban nãy, lấy cái dĩa lớn, lôi chùm chôm chôm ra khỏi bao nylon, bỏ vào dĩa, đặt lên bàn. Tôi bảo các con ăn, nhưng chẳng đứa nào ăn. Chúng nói: “Chờ má về!”
Mặc dù hôm nay là ngày học, nhưng khi tôi về tới nhà thì đã quá giờ tan trường, các con đã về đủ, chỉ còn cậu con trai duy nhứt, đi chơi đâu đó, chưa về. Nghĩ tới đứa con trai ấy, tôi thấy buồn buồn. Riêng về các đứa gái, tôi lại thấy vui vui vì đứa nào cũng học giỏi. Đứa lớn nhứt đang học năm cuối ở đại học sư phạm, thay vì học y khoa như đã ghi trong đơn xin thi, vì lý lịch số 13 (2). Đứa kế, đang học lớp cuối cấp 3, từ kinh nghiệm của chị, nó đang xin mẹ cho vượt biên để được vào đại học ở Hoa Kỳ.
Đứa con út, con gái, tới đứng sát bên chân tôi. Tôi giang tay ôm nó vào lòng. Khi tôi đi tù, đứa út ấy mới 3 tuổi, chưa đi học. Bây giờ nó 10 tuổi, đang học lớp 5, lớp cuối cấp 1.
Bỗng đứa con thứ hai nói:
- “Ba quên rồi ba?”
- “Ba quên gì?” Tôi hỏi con.
Con bé cười rúc rích, trước khi trả lời:
- “Con út ba nó đang chờ ba chê thúi đó.”
Tôi “à” lên một tiếng, xin lỗi và cười vui:
- “Thôi chết rồi! Ba ở tù lâu quá, ba quên mất rồi.”
Khi chế độ cũ còn, tôi đang làm việc. Mỗi chiều đi làm về, thay áo quần xong, tôi ngồi vào ghế salon uống nước, tay vòng ôm đứa con út đứng bên cạnh. Tính tôi hay đùa. Sau khi hôn con xong, tôi đưa tay giả bộ bốc vào đít nó một cái, đưa lên mũi ngửi, cười nói: “Đít thúi quá!” Vợ con xúm lại cười. Tôi nói đùa: “Thúi nhưng ba thích. Ba thích ngửi cái đít thúi nầy!” Tất cả các con phá lên cười. Có đứa còn nói đùa “Ba dơ quá! Ba dơ quá!”
Cái trò đùa “Ba dơ quá” diễn ra mỗi chiều như vậy, sau khi tôi đi làm về. Con bé út nghĩ rằng qua cái trò bốc thúi đó, nó được ba cưng. Nếu như có một hôm nào đó, chưa kịp “bốc đít” đứa con út thì nó cứ xẩn vẩn bên cạnh, chờ tôi diễn trò. Những lúc đó, tôi lại đùa, vừa bốc đít nó mấy cái, vừa xin lỗi, vừa nói: “Đít thúi quá. Thúi quá! Ba thương cái đít thúi nầy quá!”
Bây giờ, đứa con út lại đứng bên cạnh. Tôi không để ý đứa con út của tôi đang nhớ và muốn diễn lại cái trò cũ, nhưng đứa con gái thứ hai, tinh ý, nhớ chuyện cũ và nhắc tôi.
Tôi sực nhớ, bốc vào cái đít nó, lại nói to “Đít thúi quá! Ba thương quá!” Nhưng tôi chợt thấy cái trò diễn ấy có phần nhạt đi. Đứa con út đã lớn, và tôi thấy cái gì cũng hơi lạ lẫm, ngay cả với con. Chúng đã lớn cả rồi, và tôi thấy băn khoăn, nghĩ tới tương lai. Trước kia, tôi ít khi nghĩ xa, nghĩ tới tương lai. Tương lai của tôi có gì phải lo, phải suy nghĩ. Tôi sống bình thường như mỗi ngày, ăn, ngủ, làm việc chăm chỉ, cần cù và lãnh lương …
Khi chưa lập gia đình, tôi thường lo lắng cho tương lai. Kể từ khi có vợ, có con, tôi lo làm việc, việc nội trợ có vợ đảm đang. Mỗi ngày, tôi có cơm ăn ngon, có áo quần sạch, ủi thẳng để mặc, cuộc sống êm đềm, có chi phải lo. Vả lại, từ khi đọc câu thơ của Trần Dần
“Xưa nay Người vẫn thiếu tin Người,
Người vẫn kinh hoàng trước tương lai”
thì tôi cho rằng, sống trong chế độ đó, người ta mới phải “kinh hoàng trước tương lai.” Câu nói của bà Jacky Kennedy cũng ảnh hưởng tới cách suy nghĩ của tôi “Đừng đầu độc mình bằng tương lai của mình.” Theo tôi nghĩ, đó là một câu nói “chống Cộng” nhưng với bản thân tôi, trong chế độ cũ, tôi thấy cuộc đời nó như thế, có gì phải bận tâm.
Một lúc sau, đứa con lớn nói: “Cuối cùng rồi ba cũng về.”
Tuy hiểu ý con, nhưng tôi cũng hỏi: “Nếu ba không về thì sao?”
- “Không ai hại mình được cả, nếu trời không muốn.”
Tôi lại hỏi: “Cách mạng” cũng vậy, phải không?”
Con gái tôi nói: “Nếu “Cách mạng” làm được như họ muốn thì gần hai mươi triệu người miền Nam nầy chẳng ai sống được cả, có riêng gì những người như ba.”
Tránh không muốn nói đến chuyện chính trị với con, tôi đi tắm rồi ăn cơm. Tôi nói với con gái lớn: “Ba ăn một ít cho đỡ đói thôi, chờ má về rồi ăn chung.”
Đứa lớn nói:
- “Má về trễ lắm ba! Ba chờ được không?”
Tôi nói: “Chờ được chớ! Má đi xa lắm à?”
- “Ngày nào má cũng đi, xa lắm, má xuống tận Cần Giuộc mua gạo rồi về theo ngã cầu Ông Thìn hay qua ngã Phú Lâm. Nhiều ngày Công An bắt dữ lắm, má đi tắt qua ngã Tầm Vu, Rạch Kiến, qua bến đò trên con rạch nhỏ đầu nguồn sông Bình Giao mà về Saigon, vất vả lắm.”
Tôi ngồi thừ ra. Vậy mà vợ tôi dấu tôi. Khi thăm nuôi, vợ tôi nói chỉ là ra tới Phú Lâm mua gạo rồi chở về bán ở Saigon.
Từ Phú Lâm về Saigon, chưa dài bằng một phần ba con đường từ Cần Giuộc về. Những con đường vợ tôi lén Công An đi buôn gạo, tôi đã từng đi qua. Ngã cầu Ông Thìn thì phải đi qua bót Cảnh Sát Ký Thu Ôn, cửa ngõ Saigon ở quận 6. Qua Phú Lâm là đi trên quốc lộ 4. Ngay cả Tầm Vu, một khu vực nằm giữa Quốc Lộ 4 và cầu Ông Thìn trên liên tỉnh lộ 5A, tôi cũng đã từng đến rồi. Trong chiến tranh, Tầm Vu là nơi chiến cuộc xảy ra không ít lần, có những trận rất lớn. Tôi từng tham dự vài trận đánh ở đó.
Một lần, một đơn vị lớn Việt Cộng chưa kịp rút về mật khu Ba Thu, bị vây ở Tầm Vu. Việt Cộng phản công dữ, đơn vị của tôi phải xin pháo binh của chi khu Bình Chánh yểm trợ tối đa, lại chi viện thêm 4 khẩu pháo của pháo binh Sư Đoàn 7 nữa, rồi xin thêm hai phi tuần oanh kích vị trí địch trong rừng dừa nước. Dù sao thì hồi đó tôi cũng không gian khổ như vợ tôi bây giờ. Di chuyển tới trận địa, tôi đi bằng xe hơi quân đội. Chỉ khi vô mục tiêu, tôi mới phải lội bộ với lính. Đường liên tỉnh 5A hay Quốc lộ 4 là đường nhựa. Ở Tầm Vu, toàn đường rải đá, chưa có khúc nào có nhựa, gập ghềnh, khó đi. Vậy mà vợ tôi ngày nào cũng đạp xe đạp trên con đường đó để trốn Công An. Mỗi ngày, mỗi năm 365 ngày, có lẽ chỉ trừ vài hôm Tết ta, cũng gần năm, bảy năm trời đằng đẵng như vậy, từ Thanh Đa đạp xe đi và về, xe đạp của cô ấy phải nuốt một đoạn đường dài hơn 50Km, chở theo ba bốn chục ký gạo trên đường về để kiếm chút tiền lời nuôi con ăn học, và nuôi chồng ở trong tù. Nhìn lại một quá trình nặng nhọc như vậy, hỏi ai không khỏi kinh hoàng. Đúng vậy đấy, đúng là một chế độ “kinh hoàng trước tương lai.”
Mãi đến khi trời chiều bên ngoài cửa sổ xuống đã lâu, nhìn mầu trời thẩm đen dần dần, tôi thấy lo cho vợ, thì các con tôi nghe tiếng guốc gỏ nhẹ ngoài hành lang. Biết mẹ đang về, chúng bèn kéo tôi vào buồng, khép cửa lại để gây cho mẹ sự ngạc nhiên chơi.
Tôi ngồi trong buồng, nhìn qua khe cửa. Tôi thấy vợ vào nhà. Vợ tôi, nón lá cầm tay, áo bà ba mầu xanh sẫm, hình như ướt đẫm mồ hôi ở nách áo, quần đen, guốc cao, trông có vẻ mệt, phờ phạc.
Thấy cơm còn để nguyên trên bàn, vợ tôi hỏi:
- “Răng mấy đứa con chưa ăn, chờ má chi! Ăn sớm lo học bài.”
Thấy chùm chôm chôm trên dĩa, cô ấy bèn hỏi:
- “Chôm chôm ai mua? Ai mua ri?”
Các con, đã dặn nhau, không đứa nào trả lời, nhìn mẹ cười. Như có linh tính, vợ tôi hỏi:
- “Ba về? Ba về phải không?”
Rồi vợ tôi nhìn vào phòng, qua khe cửa thấy tôi trong đó, liền chạy a vào, la to: “Ba về! Ba về.” Tiếng la như một sự mừng rỡ, thảng thốt mà thốt ra, chứ mấy đứa con, đứa nào cũng biết “Ba về” rồi, vợ tôi gọi to với ai!
Cô ấy, nhanh như một cơn gió, xô cửa chạy vào phòng. Thấy tôi ngồi ở mép giường, vợ tôi ôm chầm lấy chồng, nói như đứt hơi: “Anh về, anh về rồi.” Rồi đè ngữa tôi xuống giường, nằm chồng lên người tôi. Vợ tôi tiếp tục nói, mỗi lúc giọng càng nhỏ lại, lã đi vì hồi hộp, sung sướng: “Anh về! … Anh… về…rồi!” Rồi hôn vào mặt tôi tới tấp. Tôi có cảm giác rất rõ, những giọt nước mắt của vợ chảy tràn trụa trên má tôi!
&
Ngày hôm sau, mừng chồng về, cô ấy ở nhà, nói với tôi:
- “Ở nhà một bữa với anh cho vui. Nghỉ một ngày cũng chưa chết ai!”
Các con đi học cả, nhà chỉ còn hai vợ chồng. Tôi nằm nghiêng bên vợ, ôm ngang lưng. Tôi đưa tay sờ từ bụng lên ngực, rồi mặt vợ, tôi nói:
- “So với các con, em ít khác đi. Các con đứa nào cũng lớn mau quá, còn em thì lúc nào cũng vẫn cứ như Gina Lollobrigida.”
- “Làm gì?! Già thì xồ xề đi chớ! Nịnh vợ nữa!” Vợ tôi vừa cười vừa nói.
- “Nịnh đâu! Thiệt mà! Em nhớ hồi đó anh cứ ví em với Gina hay Sophia Loren. Vòng ngực, vòng eo, tưởng như làm nổ mắt mấy thằng chạy theo em!”
- “Nhưng có ai được em đâu! Chỉ có anh không bị nổ con ngươi?”
- “Tại vì, tại vì… anh có… mắt thần! Hồi ấy “Anh theo Ngọ về” muốn gãy cả hai chân. Tiếc hồi đó em không chụp hình để treo chơi.” Tôi nói.
- “Mắc cỡ chết! Ai mà ở truồng cho người ta chụp hình.”
- “Vậy mà hồi đó, anh bạn họa sĩ Quách Văn Tuyền, cùng khóa Thủ Đức, thấy em lên thăm anh, khen em đẹp, rồi hẹn với anh ra trường, sẽ về nhà mình vẽ cho em một bức khỏa thân. Tiếc thiệt!”
- “Tiếc chuyện chi?” Cô ấy hỏi.
Tôi nói:
- “Anh bạn đó, vì bằng tú tài của anh ấy là bằng Tầu, không được bộ Giáo Dục xác nhận tương đương với bằng Việt Nam, buộc anh ta phải đi hạ sĩ quan nên anh đào ngũ. Anh ta nói anh trốn về Saigon, hẹn gặp anh ở nhà ca sĩ Thanh Thúy. Ra trường, anh không có dịp tìm anh ta ở chỗ đó. Nếu gặp được, nay em có bức tranh đẹp rồi.”
- “Kỳ chết!” Vợ tôi trả lời.
- “Kỳ gì! Em nhớ ở quê, cả thị xã Quảng Trị, có ai không nói em đẹp như tài tử ciné.”
Một lúc, tôi nói:
- “Cho anh nhìn thân hình em lại chút đi, nhớ quá!”
- “Kỳ chết! Ban ngày ban mặt mà anh!”
- “Nếu ban đêm như tối qua thì thấy chi mà coi. Coi ban ngày mới đã con mắt chớ!”
Nói xong, tôi ngồi bật dậy, từ từ kéo lưng quần vợ xuống. Tôi nhìn vào âm hộ vợ, kéo chân vợ giang ra, và tôi sững sờ khi thấy một vết nám đen ở phía dưới cái ấy của vợ. Tôi nghĩ ngay đến những đoạn đường dài vợ tôi đạp xe đạp mỗi ngày. Rõ ràng vết nám nầy là kết quả của những ngày, những tháng, những năm dài đạp xe đạp trên những con đường gian nan, khổ cực của vợ tôi.
Dù tôi không giàu, nhưng trong những tháng năm vợ chồng sống bên nhau, có bao giờ cô ấy phải khổ như thế đâu, đạp xe đạp nhiều như thế đâu.
Hồi mới cưới, đầu thập niên 60, tôi có chiếc xe Vélo, đi đâu cũng hai vợ chồng đi với nhau, tôi đèo vợ sau xe. Rồi tôi sắm xe Vespa, xe Honda, rồi tới chiếc xe hơi Mazda 1200, cô ấy bán xe hơi sau khi Việt Cộng chiếm Saigon.
Vậy mà bây giờ, cái vết nám…là chứng tích nỗi gian khổ của vợ. Tôi xúc động mãnh liệt vì cái vết nám chứng tích đó, vết nám chứng tích sự đày đọa của một chế độ hà khắc đối với người dân của nó. Sự hà khắc đó đã đem đối xử với bất cứ hạng người nào, giàu nghèo sang hèn thì cái chế đó cũng cần phả đánh đổ nó đi, không bao giờ người dân lương thiện chấp nhận một chế độ hà khắc với dân, không để cho nó được tồn tại một ngày một giờ nào. Người dân phải sống trong một chế độ phục vụ dân chúng, đem lại hạnh phúc chứ!
Rồi tôi gục trán vào chỗ u trên âm hộ vợ. Tôi cảm nhận rất rõ những sợi lông mềm cọ vào trán tôi: Thương vợ quá… Và những ngày dài gian khổ, những đoạn đường dài, đá sỏi, gập ghềnh, khúc khuỷu cô ấy phải đạp xe đi qua suốt những mùa mưa nắng, những ngày nóng, ngày lạnh của khí hậu miền Nam. Không ngày nào cô ấy không đạp xe đi. Không đạp xe đi lấy gì nuôi đàn con nhỏ, nuôi chồng trong tù.
Tôi có cảm tưởng như mình có thể khóc được, khóc ngay tại chỗ, nhưng cố nín. Khóc là xấu hổ, là hèn. Nhưng nếu thương vợ quá mà khóc, nước mắt tôi sẽ rơi ngay xuống chỗ đó. Vợ tôi sẽ hiểu. Tôi không muốn để vợ thấy nỗi xúc cảm mãnh liệt của tôi trong lúc nầy, tôi cố nín.
Một lúc, cô ấy hỏi:
- “Cái gì vậy anh?”
Lợi dụng lúc đó, tôi cởi phăng cái áo may-ô ra, kéo lên phía đầu. Trong một tích tắc rất nhanh, lợi dụng việc cởi áo, tôi đưa áo quẹt nhanh vào hai mắt, lau nhanh, nếu như có giọt nước mắt nào nơi đó. Rồi tôi quay người nằm chồm lên người vợ.
Có lẽ lúc đó vợ tôi đang nhắm mắt nên không thấy gì. Với lòng thương vợ dào dạt và nỗi uất hận đang dâng tràn lên, tôi vội vàng vòng hai tay ôm lưng vợ thật chặt, xiết mạnh, trước khi có những hành động nối tiếp khác của một người chồng.
hoànglonghải
(1) Câu nói các tù cải tạo thường nói mỉa về mình
(2) Những học sinh có cha mẹ đi tù cải tạo, đều bị xếp loại lý lịch số 13, không được vào học các ngành “quan trọng” (theo sự phân loại của chế độ) như Y Khoa hay Kỹ Sư. Các học sinh nầy bị chuyển qua học các ngành khác ít “quan trọng” hơn, dù khi thi vào có được điểm cao.
Thư-Viện Bồ Đề Online @ Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
***
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Châm Biếm - Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện Ngắn
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử