lịch sử việt nam
Chuyên mục Southeast Asia Sea được thành lập nhằm khẳng định chủ quyền biển Đông từ hơn 10 ngàn năm của dân tộc Việt-Nam.
Từ hơn 10 ngàn năm qua, dân tộc Việt-Nam đã sống với biển, gần biển. Đây là nền văn minh chói sáng của tộc Việt.
Luật sư Lê Quốc Quân _Sẽ tiếp tục đòi công lý, không chỉ cho chính mình
Người ủng hộ Lê Quốc Quân biểu tình phản đối bên ngoài phiên tòa xét xử anh tại Hà Nội ngày 18/02/2014. Reuters/Kham
Luật sư, blogger Lê Quốc Quân đã được trả tự do hôm nay 27/06/2015 sau khi đã ngồi tù hai năm rưỡi vì tội danh trốn thuế. Nhà đấu tranh nổi tiếng đã vui lòng dành cho RFI Việt ngữ một cuộc phỏng vấn ngắn trong ngày đầu tiên được tự do, dù vẫn còn mệt mỏi.
RFI : Thân chào luật sư Lê Quốc Quân, chúc mừng anh đã được tự do ! Anh có cảm giác như thế nào ?
Luật sư Lê Quốc Quân : Thưa chị, sức khỏe của Quân cũng gọi là ổn định chị à. Quân thực sự rất vui mừng và hạnh phúc khi được ra tù. Vừa bước ra khỏi nhà giam thì được gặp vợ, em trai và bạn bè thân hữu đón mình ngay tại cổng nhà tù, Quân rất xúc động và vui sướng.
RFI : Thưa anh, mới đây anh đã tuyệt thực trong tù, anh đã hồi phục được phần nào chưa ?
Quân có tuyệt thực, cũng nằm trong chương trình thôi, có kế hoạch của mình rồi. Không những tuyệt thực mà Quân còn tọa kháng ở ngay dưới gốc bàng trong khuôn viên của nhà tù, thời gian kéo dài 14 ngày. Trước khi ra Quân cũng bắt đầu phục hồi được một ít chứ chưa nhiều lắm, nhưng nói chung là sức khỏe ổn định.
Tuyệt thực cũng là một cách mình thanh lọc về tinh thần. Nhưng mục tiêu cũng khá rõ ràng. Một là phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Hai là phản đối bản án oan sai đối với mình. Thứ ba là Quân cũng đòi công lý cho chính mình, và cho những người khác nữa đang bị giam oan trên toàn cõi Việt Nam.
Quá trình tuyệt thực của Quân cũng có biên bản, giấy tờ, Viện Kiểm sát theo dõi, Tổng cục 8 biết…Họ cũng lưu giữ vào hồ sơ, quay hình ảnh âm thanh giữ lại nhưng phía bên trong Nhà nước thôi.
RFI : Anh có nhận xét thế nào về bản án dành cho mình ?
Thưa chị, rõ ràng đây là một bản án oan đối với Quân, hoàn toàn không có chuyện trốn thuế như cáo buộc. Và Quân đã rất nhiều lần, từ khi bắt đầu bị bắt cho đến bây giờ, luôn luôn tin chắc và khẳng định mình là nạn nhân của các quyết định và hành vi chính trị, chứ không phải là vấn đề thuế.
Một người bình thường đã thấy oan ức rồi, huống chi là một luật sư lại bị kết án oan nữa. Và là một nhà bất đồng chính kiến, đấu tranh cho dân chủ tự do, cho nhân quyền tại Việt Nam, cho nên điều rất oan ức đó khó thể chấp nhận được.
Cho nên nỗ lực của Quân vẫn là đòi lại công lý cho mình. Nhưng không chỉ cho chính mình, mà còn rất nhiều người bị giam oan khác trên đất nước Việt Nam này. Quân sẽ nỗ lực, làm được bao nhiêu thì không biết nhưng cố gắng hết sức mình, trong khả năng có thể.
RFI : Trong tù anh được đối xử ra sao?
Thưa chị trong tù tôi được đối xử đúng theo pháp luật, không bị ngược đãi gì cả. Tôi cũng đòi được khá nhiều quyền lợi theo quy định pháp luật mà trước đây họ đã bỏ qua với các tù nhân khác. Không những đòi được cho tôi, mà còn đòi cho một số tù nhân nữa.
Nhưng cái lớn nhất vẫn là một bản án oan, cho nên đè nặng lên tôi hằng đêm vẫn là chuyện oan ức thôi.
RFI : Những quyền lợi anh đòi được trong tù là gì, anh có thể kể sơ được không ?
Ví dụ như trước đây, tất cả giấy tờ, hồ sơ sổ sách của phạm nhân họ có thể không giao. Phạm nhân ký rồi họ lấy ra ngay, hoặc đút qua song sắt. Tôi yêu cầu cả thường phạm lẫn chính trị phạm, là những người đã giao bản án có ghi người nhận là phạm nhân, thì buộc phải giao cho phạm nhân.
Thứ hai là những quyền lợi về vật chất khác theo quy định của Luật thi hành án. Từ chuyện cơm ăn, rau, rồi các chế độ khác mà tôi thấy thiếu hoặc không đúng. Ví dụ cơm không được đảm bảo chất lượng, không đủ thịt mà chỉ là mỡ…thì tôi cũng có phản đối. Cuối cùng họ cũng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Đặc biệt theo luật thi hành án mới, chế độ ăn uống có được cải thiện so với trước kia. Nhưng sự cải thiện đó lúc đầu nhiều phạm nhân không biết, nên vẫn phải chịu theo mức cũ. Tôi được đọc Luật thi hành án, và tôi có các văn bản pháp luật trong tù, thì tôi đòi cho họ cũng như tư vấn cho họ nhiều.
Có một số vụ oan sai, trước khi ra tòa tôi cũng có tư vấn để họ có thể nói chuyện được nhiều hơn. Anh em tù nhân, dù là tù chính trị phạm hay thường phạm đều rất quý mến, và họ coi như đã được tư vấn cả về mặt tinh thần và pháp lý, đòi hỏi được một số quyền lợi vật chất cho chính họ. Thì tôi cũng vui, cũng cảm thấy mình đóng góp được một phần nhỏ để cải thiện được phần nào điều kiện trong nhà tù.
RFI : Dạ như vậy dù ở tù anh vẫn không quên vai trò luật sư phải không ạ. Nhưng trước đây anh có bao giờ nghĩ là một luật sư đấu tranh bảo vệ những người gặp bất công như anh, có ngày lại phải vào tù không ?
À, có chứ chị. Trong một xã hội Việt Nam, một xã hội dù sao cũng đang do một đảng lãnh đạo, thực ra còn nhiều giới hạn nhất định. Là một người đấu tranh cho tự do dân chủ, cá nhân tôi đã từng bị tù đày nhiều lần rồi, thậm chí bắt bớ một cách vô cớ.
Cho nên chuyện tiếp tục dấn thân, đòi những quyền lợi, đấu tranh trực tiếp như thế thì chắc chắn tôi cũng hình dung, có thể một lúc nào đó mình bị bắt. Và quả thật vừa rồi tôi bị bắt, vì một lý do hoàn toàn không có thực, dẫn đến án oan của tôi. Tôi phải chịu đựng đúng 30 tháng tù giam đấy chị ơi !
RFI : Trong trại giam anh có được đọc sách báo không thưa anh ?
Trong tù tôi cũng được xem VTV1, và được đọc báo Nhân Dân, nên những thông tin chính thì tôi cũng nắm được.
RFI : Vừa mới ra tù nên anh có lẽ anh chưa biết hết các hoạt động ở bên ngoài ủng hộ anh trong thời gian qua ? Sắp tới anh có những dự định gì không ?
Đúng là có những hoạt động ủng hộ tôi, gia đình cũng có nói chuyện với tôi. Thời gian sắp tới, đầu tiên tôi phải đi kiểm tra tổng thể, xem sức khỏe mình như thế nào trong giai đoạn vừa qua. Rồi sau đó phải cập nhật thông tin – như chị nói, để biết được thông tin về chính trị, về kinh tế xã hội trong thời gian qua.
Đặc biệt là qua Đài, qua chị và qua gia đình thông báo, tôi biết được rất nhiều người tham gia ủng hộ tôi và cầu nguyện cho tôi. Ủng hộ thì có thể âm thầm hoặc công khai, cầu nguyện cũng vậy. Qua Đài, tôi xin gửi lời cảm tạ, tri ân đến tất cả những người đã nỗ lực vận động cho tôi trong thời gian qua. Xin cám ơn tấm lòng của mọi người !
RFI : Anh có nghĩ tình hình sắp tới sẽ sáng sủa hơn không ?
Tôi thì rất lạc quan về tình hình của đất nước, luôn luôn là như vậy chị ạ. Và tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ phát triển. Không những tin tưởng, mong ước, mà tôi cố gắng từng ngày từng phút phấn đấu vì một Việt Nam tốt đẹp hơn.
RFI : Những ngày ở trong tù anh có những suy ngẫm gì, thưa anh ?
Tôi suy nghĩ rất nhiều, chủ yếu vẫn là tình hình quê hương đất nước, tình hình biển đảo, cũng như vai trò, tương quan giữa Việt Nam với các quốc gia, đặc biệt với vấn đề của các nước lớn. Rồi tôi nghĩ nhiều về vấn đề hòa hợp và hòa giải dân tộc, về tình hình Giáo hội, tình hình xã hội và xu hướng phát triển của Việt Nam trong tương lai…
Nói chung là hằng đêm, hằng ngày tôi cầu nguyện và tôi trăn trở rất nhiều về sự phát triển của đất nước, cũng như vai trò của mình. Liệu mình có làm được gì không, dù một phần nhỏ, dù ít hay nhiều, mình có thể làm được gì đó cho đất nước thực sự phát triển ? Tôi cũng đau đầu lắm, về tình hình Tổ quốc và nhân dân Việt Nam.
RFI : Anh không có oán hận gì sao ?
Không, thưa chị hoàn toàn không. Tôi bình an lắm! Tôi có mấy câu này:
« Lòng tuyệt đối bình an trong tù ngục
Vượt lên trên hiểu biết thông thường
Song sắt cũ ngàn năm hoa vẫn nở
Lá vẫn xanh, mầm nụ cứ cựa mình »
RFI : Đó là những câu thơ anh làm trong tù hay sao, thưa anh ?
Vâng, làm trong tù. Tôi bình an và thanh thản lắm. Tôi biết chuyện oan sai của tôi khi đấu tranh cho công lý, nhưng tôi cũng hiểu được rằng thế giới quả là rộng lớn. Việc của đất nước là lớn lao, còn nhiều việc lắm, có nhiều tương quan xã hội lắm. Và những người đối xử với mình đấy cũng là trong những điều kiện, hoàn cảnh, tình thế nhất định thôi. Cuộc sống đầy phức tạp với những khó khăn của nó.
Cho nên tôi không có oán hận, không giận hờn. Đặc biệt không có mâu thuẫn gì với ai trong suốt quá trình trong tù, đối với các phạm nhân cũng như với quản giáo. Tôi tôn trọng họ, và họ cũng tôn trọng tôi.
Có một hình ảnh này. Khi tôi bước ra và tạm biệt, tôi bắt tay lần lượt từng người quản giáo và bảo, anh vẫn cứ đối lập nhé! Tôi vẫn đối lập, chúng ta luôn luôn là đối lập với nhau. Hãy bắt tay, nhưng chúng ta đối lập giống như chân phải và chân trái, trong một cơ thể chung là đất nước Việt Nam. Miễn là sự đối lập và tranh luận của chúng ta luôn làm tốt đẹp hơn cho đất nước này.
Anh cứ cố gắng bảo vệ những điều anh muốn bảo vệ nếu anh thấy đúng. Và tôi thì sẵn sàng, chết cũng được, tôi sẽ bảo vệ cho những điều tôi đang tin là đúng. Nhưng tất cả chúng ta, dù chân phải hay chân trái đều phải bước lên, để đưa đất nước Việt Nam của chúng ta lên phía trước.
RFI : Cám ơn luật sư Lê Quốc Quân và xin chúc anh vui vẻ bên gia đình trong ngày đầu tiên tự do !
Thư-Viện Bồ Đề Online @ Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
***
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Châm Biếm - Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện Ngắn
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử