lịch sử việt nam
Chuyên mục Southeast Asia Sea được thành lập nhằm khẳng định chủ quyền biển Đông từ hơn 10 ngàn năm của dân tộc Việt-Nam.
Từ hơn 10 ngàn năm qua, dân tộc Việt-Nam đã sống với biển, gần biển. Đây là nền văn minh chói sáng của tộc Việt.
Huế, những ngày thanh bình trước Tết Mậu Thân - 1968
Orange County, CA.USA. Ngày 6/12/2015
Liên Thành
(Trích Huế Thảm Sát Mậu Thân 1968 Trang 56-70)
Hằng năm, cứ sau ngày 23 tháng 12 âm lịch là ngày đưa ông Táo về trời thì Huế bắt đầu rộn ràng không khí Tết. Năm Mậu Thân 1968 Tết đến có vẻ còn nhộn nhịp sung sướng hơn vì dân chúng Huế hớn hở vui mừng nghe tin từ nhiều ngày trước, qua báo chí, qua các hệ thống truyền thanh, truyền hình của chính phủ trung ương, của địa phương Huế loan tin rằng: Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa, Chính Phủ Hoa Kỳ và Cộng Sản Hà Nội thỏa hiệp “ngưng chiến 3 ngày” trên toàn lãnh thổ Bắc Nam Việt Nam vào dịp Tết Mậu Thân 1968. Dân chúng Huế đón nhận tin “hưu chiến” 3 ngày trong nỗi hân hoan, mừng rỡ nhẹ nhõm.
Từ bao nhiêu năm nay, hằng giờ, hằng ngày, hằng đêm, ngày thường cũng như ngày Tết, dân Huế đều phải trải qua những giờ phút lo sợ kinh hoàng của hằng loạt đạn Việt Cộng pháo kích vào thành phố, của tiếng đại bác từ vùng núi phía tây thành phố Huế đêm đêm vọng về như nhắc nhở những gian truân, hiểm nguy mà người thân, người thương của họ đang đương đầu nơi trận địa nơi nào đó trên vùng núi phía tây. Huế của những năm tháng chiến tranh chống cộng là những loạt sấm rền động đất đến độ tức ngực ngột thở của của pháo đài bay B52 đang thả bom trải thảm ở các vùng Khe Trái, Khe Đầy, thuộc quận Nam Hòa cạnh dãy núi Trường Sơn, là những loạt hải pháo từ tàu chiến của Mỹ đậu ngoài khơi cửa Thuận An bắn vào yểm trợ quân ta, là những tin choáng váng mặt mày ngất xỉu, vì chồng con người thân vừa tử trận đêm qua từ một chiến trường xa hoặc chiến trường gần. Huế thơ mộng và buồn, đã vậy lại quen thuộc với hình ảnh những chiếc xe GMC chở quan tài lính lặng lẽ chầm chậm đi ngang qua thành phố vào những buổi sáng tinh sương hay hoàng hôn ảm đạm, điều này làm cho Huế càng áo não hơn
Quả tình dân Huế đã chịu dựng quá mức trong cuộc chiến chống cộng lâu dài này. Do vậy ba ngày hưu chiến tuy là ngắn ngủi nhưng đối với dân Huế là ba ngày hân hoan hạnh phúc, ba ngày vàng ngọc, ba ngày yên bình mà đã từ lâu lắm rồi họ không hề có.
Tạm quên đi bao nỗi gian truân những ngày chiến tranh khỏi lửa tàn khốc, dân chúng Huế vui mừng kéo nhau đi sắm Tết. Huế rộn ràng, Huế tưng bừng náo nhiệt. Năm nay, kể từ sau ngày 23 tháng chạp, mỗi sáng trời se lạnh, suơng mù phủ kín lối đi, từng đoàn người quảy gánh với hoa cúc vàng, hoa thược dược muôn sắc muôn màu, họ khi ẩn khi hiện trong làn hơi sương mờ ảo từ vùng nương rẫy chùa Tường Vân, Nam Giao, Lịch Đợi, Phú Xuân, xuôi về khu chợ Tết, ngay công viên Nguyễn Hoàng trên đường Trần Hưng Đạo, cạnh cầu Tràng Tiền nhập vào khu chợ hoa của Huế.
Khu phố chính đường Trần Hưng Đạo, chợ Đông Ba, khu chợ hoa, cây kiểng tại công viên Nguyễn Hoàng từ 9 giờ sáng đã bắt đầu nhộn nhịp, người mua kẻ bán cơ hồ chen chân không lọt. Năm nay khác hơn mọi năm, số người đi mua sắm chuẩn bị cho những ngày Tết sắp đến đông đảo lạ thường vì dân chúng quá hân hoan có 3 ngày ăn tết an toàn. Các trạm kiểm soát của lực lượng CSQG kiểm soát dân chúng ra vào thành phố đã ghi nhận rất đông đồng bào tại các quận nông thôn đã kéo vào thành phố mua sắm Tết.
Nhớ lại thuở còn đi học, những ngày trước Tết là những ngày thần tiên nhất của đám học trò chúng tôi. Từ chín mười giờ sáng chúng tôi đã có mặt tại khu phố chính Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo. Lũ học trò tinh ma Quốc Học chúng tôi đi phố Tết chẳng phải đi sắm Tết, vì tiền đâu mà có, quá lắm thì trong túi chỉ có đủ tiền trả một ly café nóng tại quán càfé Lạc Sơn là sang trọng lắm rồi, nhưng chúng tôi đi trong phố tết đông đúc rộn ràng chỉ để “đi nghể”. Danh từ “đi nghể” nghe thật lạ tai mà ai không ở trong giới học trò Huế chúng tôi thì khó mà biết nổi. Không hiểu đã từ bao lâu, nhiều thế hệ đàn anh đã truyền lại cho chúng tôi: “đi nghể” là đi nhìn gái đẹp, là đi nhìn các “o” Đồng Khánh thướt tha trên hè phố, nhìn giai nhân rảo bước mà lòng xôn xao xúc động, bâng khuâng rộn rả để rồi đêm về thao thức, ôm mối tình câm gọi là tình học trò, tình gió thổi mây bay….”thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai” là thế
Thế nhưng ngày vui trước tết hơn hẳn mọi năm trôi qua quá nhanh để nhường chổ cho một cái Tết kinh hoàng ghê rợn nhất trong lịch sử. Những người nô nức chen chân đi mua sắm Tết ngày hôm qua thì ngày mai đã là những thây ma gục chết bên lề đường, trong bụi cỏ lùm cây, chết tức tưởi trong nhà, ngoài sân, sân trước sân sau. Bởi vì quỷ đỏ đã âm thầm kéo đến, đứng ngay ngưỡng cửa của Huế, trước thềm nhà của mọi gia đình dân lành vô tội, chờ lệnh của tên ác quỷ Hồ Chí Minh là tức khắc ra tay tàn sát đồng bào Huế.
Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam đã bất kể nhân tính, láo lường phỉnh gạt dân chúng miền Nam. Lệnh hưu chiến ngày Tết mà bọn chúng vừa ký với Chính phủ VNCH và Hoa Kỳ chỉ là một thủ đoạn lừa đảo mà chúng đã sắp kế để lường gạt người dân và chính phủ VNCH buông súng vui xuân không đối phó với chúng. Giấy trắng mực đen còn đó, bút chưa ráo mực đã xua đại quân tấn công Huế giết hại hàng ngàn thường dân vô tội phá hoại tan tành những di tích lịch sử của dân tộc.
Cửa địa ngục đã mở, Huế Mậu Thân thực sự là một địa ngục trần gian. Nhớ lại những giờ phút đó tôi không khỏi lạnh buốt người, cái lạnh và lo sợ của một người biết chắc chắn rằng Việt Cộng sẽ tấn công thành phố một cách quy mô, nhưng chính quyền cao cấp ở trên vẫn bình chân như vại. Tôi và một số nhỏ thuộc cấp đếm từng tiếng tích tắc của đồng hồ để tính thời gian hấp hối của Huế. Tình hình an ninh mỗi giờ mỗi xấu hơn, cuộc tấn công của cộng quân đã gần kề, vậy mà chính quyền và những giới chức quân sự cũng như hành chánh tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế vẫn chủ quan, vẫn tin vào lệnh hưu chiến. Năm mươi phần trăm anh em quân nhân công chức giờ này đang nghĩ phép sum họp gia đình, trời ơi biết làm sao đây?
Chiều 30 Tết
Tôi còn nhớ vào khoảng 4 giờ chiều ngày 30 Tết, ông Trưởng Ty Đoàn Công Lập gọi tôi đến gặp ông ta tại tư thất của ông nằm trên đường Lê Thánh Tôn, cạnh tư dinh của Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng Tư Lệnh Sư Đoàn I Bộ Binh.
Tại ngay bàn ăn, ngoài ông Đoàn Công Lập còn có viên Đệ Nhị Tham Vụ Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Huế (xin được miễn nêu tên ông ta), với tấm bản đồ quân sự tỷ lệ 1/100,000 trải rộng trên bàn ăn, ông Đoàn Công Lập thao thao bất tuyệt bằng tiếng Việt thuyết trình tình hình an ninh Thừa Thiên Huế, viên Đệ Nhị Tham Vụ Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ cũng hỏi ông Lập những câu hỏi bằng tiếng Việt rất rành rẽ. Tôi im lặng để hai người thuyết trình với nhau mà không chen vào một câu nào. Bỗng ông Trưởng Ty Đoàn Công lập dừng lại quay về hướng tôi chỉ vào bản đồ và nói:
- Tôi vừa nhận được tin tức đêm hôm nay sẽ có một toán Việt Cộng đột nhập vào vùng này, ông phó đem một toán Cảnh Sát Dã Chiến lên phục kích vùng nầy, xem làm ăn được gì hay không?.
Tôi cười, nhìn ông Trưởng Ty Đoàn Công Lập và viên Tham Vụ Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ:
- Vâng được thưa ông Trưởng Ty, tôi là lính, chuyện nầy đúng là nghề của tôi.
Nhìn vào bản đồ, vùng ông Lập chỉ là vùng làng Châu Chữ thuộc quận Nam Hòa. Làng nầy nằm cạnh lăng vua Khải Định cách quận đường Nam Hòa khoảng 5 km.
Đã nhiều tháng nay kể từ khi tìm thấy được một số tài liệu tối mật của BCH/CSQG/ Thừa Thiên Huế trong tử thi của một cán bộ trung đội trưởng đường dây của cơ quan Thành ủy VC, chúng tôi liền điều tra theo dõi, và người mà chúng tôi và phái bộ Cố Vấn Hoa Kỳ ngành CSĐB, đang nghi là kẻ nội tuyến cung cấp tài liệu tối mật cho VC chính là là ông Đoàn Công Lập (tôi sẽ nói rõ trường hợp này trong phần sau).
Khi nghe ông trưởng ty đang bị tôi và cơ quan tình báo bạn nghi là nội tuyến nói vậy, cái đầu của tôi làm việc ngay lập tức. Câu hỏi liền được tôi đặt ra cho chính tôi là: hôm nay đã là ngày 30 Tết, tình hình địch mỗi lúc mỗi nặng, địch có thể tấn công Huế bất cứ lúc nào, trong trường hợp ông ta là nội tuyến địch thì ông ta bắt buộc phải diệt mình cho rảnh tay trước khi đồng bọn ông ta mở cuộc tấn công Huế. Như vậy, ra lệnh mình đi phục kích trong giờ phút tình hình địch nghiêm trọng như thế này chắc chắn là ông ta sắp tặng cho mình một bản án tử hình
Nhưng tiếc cho ông Trưởng Ty Đoàn Công Lập, đưa tôi đi phục kich bất cứ vùng nào ở quân lỵ Nam Hòa thì cũng chẳng khác chi thả cọp về rừng. Đầu đời binh nghiệp của tôi, đơn vị đầu tiên tôi đáo nhận là Quận/Chi Khu Nam Hòa. Tôi và đơn vị Nghĩa Quân/ Địa Phương Quân của tôi lang thang khắp cùng vùng núi quận Nam Hòa trong khoảng thời gian khá dài bốn, năm, năm. Có nơi nào ở vùng quận lỵ Nam Hòa mà tôi chưa từng đi qua, chưa từng hành quân? Từ phía bên nầy Sông Hương vùng Cư Chánh, Tuần, lăng Vua Khải Định vào làng Châu Chữ, vùng ráp ranh Chín Hầm lên đến nguồn hữu sông Hương như vùng Cư Xá, Vỹ Dạ, qua phía bên kia sông từ Điện Hòn Chén, lên làng Hải Cát Thượng, Hải Cát Hạ, Lăng Vua Minh Mạng đến vùng tỉnh lộ đi vào Ahsao, Alưới. bên kia nguồn tả sông Huơng là làng Trẹm, đi vào nữa là đồn điền của Dòng Chúa Cứu Thế, do thầy Dominico cai quản, đến Độn Chuối hay núi Kim Phụng, Khe Lụ, Khe Đầy, Khe Đá Mài. Dọc theo bên tê quận đường Nam Hòa là làng Kim Ngọc, đồi chè Kim Ngọc, Làng Đình Môn, vùng lăng vua Gia Long, mật khu của Việt Cộng Lương Miêu, Dương Hòa.
Tất cả những địa danh đó của quận Nam Hòa chân tôi đã từng dẫm nát. Tôi biết từng gốc cây ngọn cỏ, thì có xá gì cái làng Châu Chữ nhỏ bé kia mà ông Lập định đưa tôi vào để dùng họng súng của địch thanh toán tôi được sao? Cọp về lại rừng xưa thì đâu có chi trở ngại!
Mùa đông thời điểm 6 giờ chiều 30 Tết trời tối quá nhanh, tôi và 6 đồng đội của tôi, những quân nhân ưu tú tôi đem họ theo từ Nam Hòa biệt phái về ty Cảnh Sát vào tháng 6/1966, chúng tôi đã có mặt tại Quận/Chi Khu Nam Hòa. Tôi gặp Thiếu Tá Hoàng Phúc Hiệt Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Chi Khu Nam Hòa để xác nhận có quân bạn trong vùng hay không, và cũng để xin phép ông ta vào vùng.
Thiếu tá Hoàng Phúc Hiệt bảo tôi:
- Tôi không có đơn vị nào trong vùng đó cả, vùng nầy ban đêm không an ninh, ông Phó Ty cẩn thận, anh cần tôi cho một trung đội Nghĩa Quân đi với anh?
- Không sao đâu Thiếu Tá, Thiếu Tá cho phép tôi vào tần số truyền tin nội bộ Chi Khu, nếu đụng tôi sẽ gọi xin yểm trợ.
Rời khỏi Quận Đường/Chi Khu Nam Hòa chúng tôi đậu xe trong khu vực chợ Tuần, bảy thầy trò lủi vào bóng đêm dày đặc. Tôi như con thú bị nhốt trong chuồng đã lâu nay được trả lại rừng xưa nghề xưa, tôi đã không sợ mà còn có chút thích thú trong lòng. Đã hơn hai năm từ ngày biệt phái về CSQG/Thừa Thiên-Huế vào mùa hè 1966, nay mới có dịp đem lính đi phục kích theo đúng nghề của một người xuất thân là lính.
Lần theo đường mòn qua khỏi ấp Kim Sơn, chúng tôi đã có mặt tại bìa làng Châu Chữ, nhìn đồng hồ dạ quang lúc đó đã gần 8 giờ tối.
Với bảy người, chúng tôi chia làm hai tổ. Tôi ở tổ 1 với các Trung Sĩ Nguyễn Trọc, Nguyễn Đình Ánh, Nguyễn văn Thêm, tổ 2 gồm Thượng Sĩ Nguyễn Bái, Trung Sĩ Nguyễn văn Cử, Trung Sĩ Lê văn Bằng. Chúng tôi chọn địa điểm phục kích bên nầy bờ khe Trẹm ngay bìa làng Châu Chữ. Bố trí xong, tôi bàn nhỏ với anh em:
- Mình không có tin tức chính xác, tin nầy là của ông Lập. Tin ông ta sao được, mình chỉ phục kích chỗ nầy thôi, không dại gì vào sâu trong làng, ở đây mình dễ quan sát hơn. Khi rút, tổ 2 mở đường.
Chúng tôi ngồi im lặng chờ đợi. Trời càng về khuya càng lạnh, tôi nói rất nhỏ với anh em:
- Sao không thấy gì cả vậy?, lạnh quá, ngồi sát vào cho ấm”.
Khoảng hơn một giờ sau, tôi định nói nhỏ với anh em là mình rút, thì Trung Sĩ Nguyễn Đình Ánh kề tai tôi nói rất nhỏ:
- Ôn ơi, tui hắn đông quá.
Trong bóng đêm lờ mờ, nhìn qua bên khia bờ khe Trẹm, trên đường mòn của bìa làng, bọn Việt Cộng đang di chuyển.
Tin của ông Đoàn Công Lập đúng mà sai. Đúng là ở chỗ có Việt Cộng, sai là ở chỗ không phải một toán mà một đoàn rất dài Việt Cộng, cấp tiểu đoàn trở lên, đang âm thầm di chuyển trong đêm tối. Con mồi trước mặt ngon lành như vậy, nhưng chúng tôi đành chịu chết nuốt nước miếng thèm thuồng ngồi yên. Lúc nầy mới thấy câu “im lặng là vàng” thật đúng. Chúng tôi ai nấy đều hiểu rõ rằng chỉ cần một tiếng động nhỏ, bọn chúng phát giác ra có sự hiện hiện của chúng tôi trong vùng, tất nhiên sẽ không tránh khỏi việc chạm súng, mà phần thiệt hại phải về phía chúng tôi. Vì chỉ có bảy mạng mà nhảy ra đương đầu với một tiểu đoàn Việt Cộng thì chết chắc!
Chúng tôi đành ngồi yên lặng theo dõi khoảng hơn một giờ đồng hồ thì toán Việt Cộng an ninh bít đường phía sau mới ra khỏi làng Châu Chữ. Chúng đi về huớng Chín Hầm, phía xóm Tứ Tây, Ngũ Tây, thuộc quận Hương Thủy.
Chúng tôi rời địa điểm phục kích về lại chợ Tuần rồi gọi máy báo cho Thiếu Tá Hoàng Phúc Hiệt Quận trưởng/Chi khu trưởng Chi Khu Nam Hòa biết tin trên, đồng thời cám ơn ông ta và báo đã ra khỏi vùng an toàn.
Trên đường từ quận Nam Hòa về lại thành phố Huế, câu hỏi cứ mãi vẩn vơ trong đầu tôi:
“Phải chăng Đoàn Công Lập muốn trừ khử mình để bớt đi một chướng ngại vật đã phát giác âm mưu của ông ta và Việt Cộng trước khi Việt Cộng tấn công Huế?”
Giao Thừa
Gần nửa đêm chúng tôi mới về đến đàn Nam Giao. Xe ngang qua vùng chùa Từ Đàm rẽ về dốc Bến Ngự, gần cuối dốc chợt bắt gặp hình ảnh một bà cụ đang đứng vái nơi ngôi miếu nhỏ ngay trước sân, tôi giật mình tự hỏi: “đã sang giao thừa rồi sao”?
Quả thật đã qua giao thừa, hai bên đường nhà nào cũng có ánh đèn. Hầu như những nhà có miếu nhỏ ngoài cổng, hay trong sân, đều có người đứng cúng vái.
Tự dưng tôi chợt nhớ đến mạ tôi. Có lẽ giờ nầy bà cũng đang cúng giao thừa nơi ngôi miếu nhỏ ngoài sân. Nhớ thuở chưa vào đời, đang còn trong vòng tay mạ, năm nào tôi cũng thức đợi giao thừa, cũng phụ với mạ tôi bưng chè xôi, hoa quả, sắp ngoài ngôi miếu nhỏ. Phần trịnh trọng nhất là con gà luộc với đầy đủ đầu, chân, đích thân mạ tôi bưng ra miếu sắp vào chính giữa, xong xuôi mạ tôi thắp hương khấn vái lâm râm, tôi đứng bên mạ co ro trong sương lạnh.
Mạ ơi! … Giờ con đã thành một người lính, chiến tranh đang lúc gay go, con phải sống đời trai thời chinh chiến, không còn có thì giờ giúp mạ cúng vái ông bà trời Phật trong đêm giao thừa. Chắc hẳn giờ này mạ đang lụm khụm một mình quanh ngôi miếu nhỏ trong đêm giao thừa vắng lặng nơi xóm An Lăng của mình. Con biết mạ đang khấn vái trời phật phù hộ cho Cha, cho anh em chúng con an lành…. Mạ ơi!...con thương mạ!
Và con, con cũng đang cố gắng hết sức làm tròn bổn phận và trách nhiệm của một người lính, một nhân viên công lực là bảo vệ đồng bào Huế mình được an lành trong ba ngày Tết. Mạ ơi! không biết có qua nỗi không? Mạ ơi! xin mạ cầu nguyện cho xứ Huế mình, cho đồng bào Huế tai qua nạn khỏi… Mạ ơi!
Đã qua giờ giao thừa, nhìn đồng hồ bấy giờ đúng 1:35 sáng ngày mồng một Tết năm Mậu Thân 1968, bảy thầy trò chúng tôi là những người đạp đất Bộ Chỉ Huy CSQG Thừa Thiên-Huế đầu tiên
Sáng ngày mồng một Tết, khoảng 8 giờ sáng, tôi gặp ông Trưởng Ty Đoàn Công Lập tại BCH, trình cho ông ta biết chi tiết vụ phục kích hồi đêm, ông ta không tỏ vẻ ngạc nhiên cũng chẳng có phản ứng gì mà chỉ hỏi suông:
- Sao anh không nổ súng?
- Hồi đêm nếu tôi nổ súng thì sáng nầy bảy thầy trò chúng tôi đâu còn có dịp chúc Tết ông Trưởng Ty được nữa?
Tôi nghĩ rằng ông ta hiểu tôi muốn nói gì!
9 giờ sáng ngày mồng một Tết Mậu Thân 1968
Bây giờ là 9 giờ sáng ngày mồng 1 Tết Mậu Thân, Huế vẫn bình yên…Trời xứ Huế sáng nay thật đẹp, bầu trời trong xanh và nắng ban mai thật dịu dàng. Tôi và một xe tuần tiểu bắt đầu đi kiểm soát tình hình nội thành và các nút chận ra vào thành phố.
Huế náo nhiệt không khí của những ngày Tết “thanh bình”. Thành phố Huế từ đường Phan bội Châu, ra đến Trần Hưng Đạo xuống Chi Lăng, qua Bạch Đằng đi về Gia Hội đâu đâu cũng rộn rịp, người đi tấp nập trên hè phố. Những thiếu nữ xinh tươi, những em bé súng sính trong quần áo mới, tung tăng trong ánh nắng ban mai càng làm tăng thêm nét đẹp thanh bình hạnh phúc của ngày đầu năm Tết Mậu Thân 1968 tại Cố Đô.
Rời khỏi khu phố chúng tôi bắt đầu qua vùng Quận 3, lên vùng Từ Đàm, xuống vùng Bến Ngự.
Tại vùng Từ Đàm, Bến Ngự, tôi đã gặp được những hình ảnh ngày Tết của thuở ấu thơ. Thật là xúc động khi hồi tưởng lại bao nhiêu kỷ niệm của một thời nhỏ dại khi Tết đến. Đã nhiều năm nay chính quyền không có lệnh cấm mà cũng chẳng cho phép những trò giải trí ngoài đường cho dân chúng trong ba ngày xuân có tính cách cờ bạc như trò chơi “bầu, cua, tôm, cá” hay “Nhất Lục”… Bài Chòi.
Thật đúng là không khí Tết của những ngày chưa có chiến tranh hoặc chiến tranh đang còn nhẹ ký. Dọc hai bên vệ đường từ cuối dốc Nam Giao lên đến vùng Từ Đàm, qua chùa Linh Quang xuôi về dốc Bến Ngự, ngang qua nhà của Cửu Long Công Chúa xuống đến cuối dốc, qua Chợ Bến Ngự đâu đâu cũng “nhất lục”, “bầu, cua, tôm, cá”. Nhiều người, già có, trẻ có, từng nhúm xúm đầu vào các bàn bầu cua cá cọp dọc hai bên vệ đường. Không hiểu ăn thua đỏ đen đến đâu, vừa thấy bóng dáng xe tôi trờ đến, thôi thì cả chủ cái lẫn con bạc ù té chạy như giặc đuổi đến nơi. Cảnh đó tôi đã từng trải qua trong những ngày Tết năm xưa khi còn thơ ấu, say sưa đứng xem thiên hạ đánh “bầu cua tôm cá” và cũng ùa chạy khi có xe cảnh sát tuần tiểu đến. Năm nay không biết là đã bao nhiêu năm trôi qua, bao nhiêu mùa xuân đến rồi đi trong đời , bây giờ tôi, thằng bé của năm nào đứng xem say mê các món cờ bạc bây giờ lại là người mà thiên hạ vui thú cờ bạc thấy thì ù té chạy. Tôi cười dơ tay cao vẫy chào cả chủ cái, lẫn con bạc ý nói rằng : “đừng chạỵ, không can chi mô!”, nhưng hành động của tôi không có sức thuyết phục, đám bài bài vẫn cuốn gói chạy có cờ, làm tôi lại càng nhớ tiếc thời thơ ấu chi lạ.
Năm nay chỉ có hai khu “bài chòi” được thiết lập đó là khu gần chùa Linh Quang và gần chợ Bến Ngự. Đây là một loại “đánh cờ người”. Tôi nhớ không lầm, có một chòi cao, môt người đứng trên chòi cao hô con bài theo lệnh người đánh, con bài là những người mặc áo quần và đội nón lá như những người “lính thú” ngày xưa, họ di chuyển đến các vị trí theo lệnh của người đứng trên chòi cao, mà người đứng hô trên chòi cao lại theo lệnh người đánh bài. Thật là một nét đặc thù văn hóa của dân tộc, tiếc rằng đó là lần xuất hiện cuối cùng của thú chơi “cờ người” ngày. Những Tết sau Tết Mậu Thân 1968 không còn thấy xuất hiện nữa.
Cũng đã gần trưa, các chùa Bảo Quốc, Vạn Phước, Từ Đàm, Linh Quang, Sư Nữ, Kim Tiên, Tường Vân, xa hơn nữa là Tây Thiên, Trúc Lâm, Từ Hiếu, khách hành hương hái lộc đầu năm mỗi ngày mỗi đông. Cầu nguyện Phật tổ thần linh xong, họ đi thăm viếng nhau đầu năm, chúc nhau năm mới phát tài, phát lộc, chúc nhau năm mới sức khỏe an lành hạnh phúc.
Nhưng, những lời cầu nguyện, những lời chúc tụng kia có lẽ không được thần linh chứng giám. Quỷ đỏ đã ẩn minh đâu đó rất gần kề. Huế phải trải qua một kiếp nạn kinh hoàng mà chính thần linh cũng đành bó tay không cứu nỗi, bởi vì đã là kiếp nạn thì làm sao giải trừ
Ngồi trên xe tuần tiểu, tôi trong tình trạng vui buồn lo lắng bồn chồn lẫn lộn của sáng ngày mồng một Tết Mậu Thân, khi mà trận tấn công của Việt Cộng vào Huế đã gần kề.
Huế đang trong cơn hấp hối, thần chết sắp đến, con bệnh đang nấc từng tiếng nấc ngắn, đang hụt hơi thở, để rồi lịm dầm trong kinh hoàng đau thương tột độ vậy mà nào ai có hay. Thật quá tội cho dân Huế.
Đang miên man suy nghĩ lo lắng muôn bề, thì bỗng có tiếng gọi qua hệ thống máy truyền tin:
- Tango, Tango… 55 gọi.
- Tôi nghe anh rõ, nói đi.
- Thẩm quyền đến gấp địa điểm A-15 có việc tối khẩn cấp, tôi cần trình với thẩm quyền ngay.
- Tôi nhận rõ, anh đợi đó, tôi đến ngay.
55 là danh hiệu truyền tin của anh Nguyễn Bá Sơn trưởng toán tình báo xâm nhập I-67. A-15 là danh hiệu của một trong những nhà bí mật an toàn của chúng tôi.
Hai anh Nguyễn Bá Sơn và Phùng Tự đã đợi tôi tại nhà an toàn. Cả hai đều là cán bộ điều khiển các chiến dịch tình báo xâm nhập cấp cao. Hai anh trình bày cho tôi những tin tức nhận được từ những tình báo viên xâm nhập rất bi quan: Việt Cộng sẽ tấn công Huế đêm nay.
Theo những tình báo viên báo cáo thì các đơn vị chính quy và địa phương của Quân Khu Trị Thiên Việt Cộng đã tiến sát Huế, hiện đang ém quân ở vùng cận sơn thôn La Chữ và vùng phía bắc quân lỵ Hương Trà.
Về phía nam thành phố Huế thì bọn chúng đang ém quân tại vùng phía tây quân lỵ Huơng Thủy ráp ranh với quận Nam Hòa.
Ngoài ra tin tức cũng ghi nhận đã có một số đặc công tiền sát cũng như những thành phần tranh đấu của Thích Đôn Hậu, Thích Trí Quang thoát ly lên mật khu vào tháng 6/1966 đã có mặt tại thành phố Huế.
Từ trước đến nay các tin tức của toán tình báo xâm nhập I-67 rất chính xác vì họ có những tình báo viên xâm nhập mằn lún sâu trong lòng địch.
Sau khi phối trí mọi kế hoạch cần thiết cho tình hình khẩn cấp hiện tại như liên lạc, yểm trợ, báo cáo tin tức khẩn cấp, tôi yêu cầu hai anh Nguyễn Bá Sơn và Phùng Tự mở máy truyền tin thường trực, liên lạc báo cáo cho tôi mọi tin tức thâu nhận được vào mỗi đầu giờ.
Ba anh em chúng tôi chia tay trong nỗi âu lo buồn bả. Chúng tôi không ai bảo ai nhưng đều mang một nỗi hoang mang lo lắng, không hiểu rồi ra còn gặp lại nhau không? Ai còn ai mất?
Tôi bắt tay họ, nhìn họ phóng nhanh xe gắn máy khỏi nhà an toàn mà lòng chua xót ngậm ngùi, tôi nói rất nhỏ với tôi:
- “Hai anh cẩn thận, mình sẽ gặp lại nhau!”
Tôi làm phiếu phúc trình và giao tận tay trưởng ty Đoàn Công Lập tin tức quan trọng vừa ghi nhận trên. Cuối bản phúc trình tôi đề nghị ông ta với tư cách và trách nhiệm của một viên chức an ninh tình báo của tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế, ông phải lên đài phát thanh Huế kêu gọi toàn thể nhân nhiên các cấp khẩn cấp trở về đơn vị ứng chiến đề phòng Việt Cộng có thể bất thần tấn công Huế.
Đồng thời tôi cũng đề nghị ông cho phép tôi sử dụng lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến, Cảnh Sát nổi, Cảnh Sát Đặc Biệt mở cuộc hành quân lớn trong thành phố để thanh lọc, kiểm soát dân chúng trong khu vực chợ Đông Ba, khu vực sau bờ hồ Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo và một vai nơi nghi ngờ trong thành phố để truy bắt đám tình nghi là đặc công hoặc cơ sở nội thành VC ngay lập tức.
Hỡi ôi, câu trả lời của ông Trưởng ty Đoàn Công Lập đối với những đề nghị của tôi là:
“ Tình hình chẳng có gì là trầm trọng, làm như vậy sẽ gây xáo trộn hoang mang cho đồng bào!”
Cổ họng tôi đắng lại! Tôi đã bị trói tay bị bịt miệng vì cấp chỉ huy trực tiếp của tôi: trưởng ty Cảnh Sát Quốc Gia Đoàn Công Lập!.
Nghe Đoàn Công Lập nói xong, tôi lẩm bẩm một mình: Đoàn Công Lập, ông là ai? ông là ai? Trừ phi ông là…
Là dân nhà binh, tôi biết sao hơn là phải chấp hành kỷ luật?. Bây giờ viết lại những dòng chữ này, lòng tôi vẫn tràn đầy uất hận về hành động dọn đường cho quân cộng sản tấn công Huế của ông Lập. Mỗi khi nhớ đến Mậu Thân, nhớ đến Tết, tôi lại nhớ đến cái tên ông ta. Chính ông ta cũng phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và trước 5327 sinh mạng dân Huế
Thư-Viện Bồ Đề Online @ Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
***
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Châm Biếm - Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện Ngắn
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử