lịch sử việt nam
Trúc-Lâm Yên-Tử (07-09-2009) - Chuyên-mục Địa-Linh Nhân-Kiệt Của Việt-Nam được thành lập nhằm vinh-danh những anh-hùng, anh-thư đã dầy ân đức đối với đất nước và dân-tộc Việt-Nam qua nhiều thời đại.
***
Trúc-Lâm Đệ Tứ Tổ (*)
Cao Xuân Huy, Lâm Giang dịch
Ngô Thời Nhậm sinh ngày 11/9 năm Bính Dần (25/10/1746) tại làng Tả Thanh Oai (tục gọi làng Tó) Trấn Sơn Nam (nay là xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Sơn Bình). Thuở nhỏ, ông tên là Phó, sau đổi là Nhậm, tên tự là Hi Doãn, hiệu là Đạt Hiên. Xuất thân từ một gia đình quí tộc, có truyền thống văn học, lên 7 tuổi, ông bắt đầu theo cụ nội là Đan Nhạc Công Ngô Trân, 11 tuổi thì đã đọc được kinh, truyện, sử…15 tuổi học với bố là Ngô Thời Sĩ (1726-1750). Ông vốn rất thông minh, lại cần cù học tập; 16 tuổi soạn được quyển Nhị Thập Thất Sử Toát Yếu, có lẽ là một thứ tóm tắt "Bắc sử" dùng vào việc thi cử, 17 tuổi sát hạch ở trường huyện, hai lần đều chiếm hạng ưu; 21 tuổi soạn xong Tứ Gia Thuyết Giả (không rõ sách gì). Vài năm sau thi đỗ khoa sĩ vọng và được hiến sát phó sử Hải Dương.
Cuối 1771, gặp lúc cha bị cách chức, ông xin về phụng dưỡng, cũng trong lúc này biên soạn quyển Hải-Đông Chí Lược, ghi chép núi sông, nhân vật, số dân, thuế lệ của trấn Hải-Dương.
Năm 30 tuổi, Cảnh Hưng năm Ất Mùi (1775) thi đỗ tiến sĩ. Khoa này có 18 người đỗ, không có đệ nhất, đệ nhị giáp, chỉ toàn là tam giáp tiến sĩ, ông đỗ thứ năm và được bổ cập sự trung bộ hộ, giữ nhiệm vụ xem xét công việc sai trái của bộ. Năm Bính Thân (1776), ông được thăng Giám Sát Ngự Sử đại Sơn-Nam, một chức vụ kiểm tra các việc ngục tụng, quân nhung, thuế khóa…của địa phương. Sau đó, có lần ông được làm giám khảo khoa thi hương ở Hải-Dương rồi thăng lên đốc đồng Kinh Bắc. Năm 1778, lại kiêm cả đốc đồng Thái-Nguyên. Năm Kỷ Hợi 1779 thăng hiện thư tòa Đông Các, có nhiệm vụ hiệu đính các văn từ sách vở. Thời gian này ông có tham gia đàn áp cuộc nổi dậy của Thổ Ty Hoàng Văn Đồng ở mỏ đồng Tụ Long (xưa thuộc Tuyên Quang). Sau đó ít lâu, ông lại đi kinh lược xưởng đúc bạc ở mỏ Tông Tinh (Thái-Nguyên).
Năm 1780, xảy ra vụ án Trịnh Khải, ông có dính líu đến vụ án này nên dư luận cho là "Sát tứ phụ như thị lang" (Giết bốn người cha được chức thị lang). Và cũng chính vì lý do đó năm 1782, sau khi Trịnh Khải nắm quyền, ông phải trốn ra vùng mà ngày nay thuộc Thái-Bình Hà-Nam-Ninh. Trong thời gian này ông vẫn sáng tác đó là tập thơ Thủy Vân nhàn vịnh và bộ Xuân Thu Quân Kiến ra đời.
Năm Bính Ngọ 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất chấm dứt quyền thống trị của họ Trịnh. Ngô Thời Nhậm từ am Lệ-Trạch (Thái-Bình) trở về Thăng Long nhận chức đô cấp sự trung bộ hộ, kiêm toàn tru Quốc sử của triều Lê Chiêu Thống.
Tháng 6 năm Mậu Thân 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, Lê Chiêu Thống bỏ trốn. Ngô Thời Nhậm về ở ẩn tại thôn Kim Quan, huyện Thạch-Thất, Sơn-Tây, kết thúc cuộc đời làm quan cho triều đình Lê Trịnh. Trong những năm này ông viết nhiều sách như Kim Mã Hành Dư, Hào Mân Ai Lục và tập thơ Bát Hải Tùng Đàm.
Ít lâu sau, do Trần Văn Kỷ giới thiệu với Nguyễn Huệ, ông được làm Thị Lang Bộ Công, tước Trình phái hầu. Đây cũng là bước ngoặt của cuộc đời Ngô Thời Nhậm. Ngày Lê Chiêu Thống rước hơn 20 vạn quân Thanh sang dày xéo đất nước, Ngô Thời Nhậm đã thay Quang Trung viết bài chiếu lên ngôi, ông còn hiến kế rút quân về Tam-Điệp để tạo cơ hội cho Nguyễn Huệ mở cuộc hành quân thần tốc, lập nên chiến thắng Kỷ Dậu (1789) lịch sử.
Sau chiến thắng, Ngô Thời Nhậm cùng Phan Huy Ích được giao trách nhiệm tùy tiện ứng phó với nhà Thanh để yên việc chiến tranh. Các văn kiện ngoại giao do ông thảo trong thời kỳ này được tập hợp thành quyển Bang Giao Hải Thoại và cả trong Bang Giao tập.
Năm Canh Tuất 1790, ông được thăng Thượng Thư Bộ Binh; hai năm sau, kiêm chức Tổng Tài Quốc Sử Quán. Vua Quang Trung mất 1792, đầu năm sau, ông được triều đình cử làm chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong cho Quang Toản. Ông đã được Thanh Càn Long tiếp và được gặp các sĩ phu Tàu, những sáng tác của ông lúc này được tập hợp trong Hoàng Hoa Đồ Phả còn gọi là Sứ Trình Thi Họa hay Hoa Trình thi Vấn Gia.
Năm 1797, ông trông coi việc san tu quốc sử, nhân dịp này ông đã đem bộ sử của cha mình là Đại Việt Sử Ký Tiền Biên ra khắc in (gồm 17 quyển, chính là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhưng đã được Ngô Thời Sĩ bổ sung tài liệu và xen vào những lời án của họ Ngô (Việt Sử Tiêu Án) và lời án của Nguyễn Nghiễm). Năm 1798, nhân được giữ chức Giám Từ Văn Miếu Bắc thành, ông cho sửa sang các nơi và xin mở các kỳ thi. Nhưng cũng trong thời gian này, nội bộ triều đình Quang Toản lục đục, do đó quân Tây Sơn đã bất lực trước sức tấn công của Nguyễn Ánh. Ngô Thời Nhậm buồn bã trở về mở thiền viện ở nhà riêng tại phường Bích Câu, viết tập Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh.
Sau khi Nguyễn Ánh kéo quân ra Bắc, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Gia Phan…đều bị đưa ra Văn Miếu đánh đòn. Vì có hiềm ức với Đặng Trần Thường, nên tuy là bạn cũ, ông đã bị y sai đánh một cách cố ý. Ông mất ngày 16/2 năm Quý Hợi (7/3/1803). Trong thời kỳ phục vụ nhà Tây-Sơn, ngoài những tác phẩm kể trên, ông còn viết được tập Hàn Các Anh Hoa và những tập thơ: Cẩm đường nhân thoại, Cúc Thu Thi Trận, Thu Cận Đương Ngôn, Liên Hạ Thi Minh…
Tác phẩm đã thực hiện:
1/ Nhị Thập Thất Sử Toát Yếu, 1761, thất truyền, có ghi trong Ngô gia thế phả.
2/ Tứ Gia Thuyết Phả, 1766, thất truyền.
3/ Hải Đông Chí Lược, 1771, thất truyền.
4/ Tự Học Toản Yến, ?, bài tựa trong Kim Mã Hành Dư. Có lẽ là sách tam Thiên Tự giảng nghĩa.
5/ Công Vụ Thành thư, 1778.
6/ Thánh Triều Hội Giám, 1781, đề cương có nói đến trong Kim Mã Hành Dư.
7/ Bút Hải Tùng Đàm, 1769-1782, có mặt trong Ngô gia thế phả, 3 quyển.
8/ Thủy Vân Nhàn Vịnh, 1782-1786, 3 quyển.
9/ Xuân Thu Quân Kiến, 1782-1786, 2 quyển.
10/ Kim Mã Hành Dư, 1775-1788, 13 quyển.
11/ Hoàng Hoa Đồ Phả, 1793, 7 quyển.
12/ Cúc Thu Thi Trận, 1796, 7 quyển.
13/ Ngọc Đường Xuân Khiến, 1786-1792, 7 quyển.
14/ Cẩm Đường Nhàn Thoại, 1795-1797, 4 quyển.
15/ Thu Cận Dương Ngôn, 1797-1798, 4 quyển.
16/ Hào Mán Ai Lục, 1780, 1800, 5 quyển.
17/ Bang Giao Hảo Thoại, 1789-1800, 11 quyển.
18/ Hàn Các Anh Hoa, 1789, 1801, 8 quyển.
19/ Liên Hạ Thi Minh, 1800, thất truyền, chỉ có bài "Thuyết" chép trong Ngô gia văn phái.
20/ Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh, 1798-1802, 2 quyển, không thấy trong Ngô gia thế phả mà có sách in riêng.
Có một vài người nhận định rằng chính ông là tác giả bộ tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Tuy nhiên trong Ngô gia thế phả và trong tùng thư của Ngô gia văn phái đều không hề thấy chỗ nào nói như vậy.
Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh là tiếng nói của Ngô Thời Nhậm vào lúc cuối đời. Với tác phẩm này ông xuất hiện như một nhà tư tưởng. Tuy xuất thân là Nho học, nhưng tư tưởng thiền tông đã len vào tâm tư ông vào năm 1798 khi nhà Tây Sơn đi vào cơn khủng hoảng. Ông trở về nhà cũ mở Trúc Lâm thiền viện tại phường Bích Câu (gần Văn Miếu, Hà Nội. Ông đã thuật lại cuộc đời của mình và tư tưởng ba vị Tổ Trúc Lâm thành Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh chính là có ý muốn kế tục tinh thần thiền của phái Trúc Lâm đời nhà Trần.
Ông đặt tên kinh này là Đại Châu Viên Giác Thanh Kinh chia làm 24 chương một tên gọi khác là Nhị Thập Tứ Thanh (tức 24 tiếng). Nó đặc biệt ở chỗ kết hợp tư tưởng Nho và Phật. Trong thời kỳ mà thực tiễn cuộc sống xã hội đã làm cho những tín điều Nho giáo bị lung lay đến tận gốc, thì quan niệm tam giáo đồng nguyên đã được biết từ thời xưa, nay được dịp nhắc lại ở đây. Kiến giải của ông về lý và dục, tính và tâm, thể và dụng, sinh và diệt không phải không có những nét độc đáo và mới mẻ. Như Phan Huy Ích đã cho biết trong lời tựa kinh Đại Chân Viên Giác Thanh (Bính thìn 1796), Ngô Thời Nhậm "là một người kinh nghiệm rất giàu, sở đắc rất tinh, tam giáo cửu lưu, bách gia chu tử, không gì là không nghiền ngẫm đến nơi đến chốn". Nghiên cứu cái giá trị tinh thần phá chấp của ông trong "Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh" sẽ giúp ta tìm hiểu phần nào tư tưởng của một thời kỳ sôi động cuối thế kỷ 18. Người đương thời gọi ông là Tổ thứ tư Trúc Lâm. Hai nhà sư Hải Hòa và Hải Âu thường giao du với ông vẫn gọi ông là Hải Lượng Đại Thiền Sư.
Cao Xuân Huy, Lâm Giang dịch
(*) Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh. Sách tham khảo Hán Nôm. Nhà xbkhxh 1978 Hà Nội.
Vua Trần Nhân Tông @ Trúc-Lâm Yên-Tử Thư-viện bồ-đề online
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử