lịch sử việt nam

Trang Chính

...

Bưu Hoa Việt Nam

...

Dòng Thơ

...

Địa Linh Nhân Kiệt Của Việt Nam

...

Điện Toán - Tin Học

...

Hịch Tướng Sĩ

...

Hình Ảnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

...

History Of Viet Nam

...

Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam

...

Tư Tưởng Phật Giáo

...

Sitemap

...

Trang Thơ Văn nguyễn duy ân

...

Trang Thơ Văn Ông Bút

...

Trang Thơ Văn Đặng Quang Chính

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Quang Duy

...

Trang Thơ Văn Trần Văn Giang

...

Trang Thơ Văn Lu Hà

...

Trang Thơ Văn Đông Hải Nguyễn Đức Hiền

...

Trang Thơ Văn Dạ Lệ Huỳnh

...

Trang Thơ Kita Kha

...

Trang Thơ Văn Mặc Khách

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Nhơn

...

Trang Thơ Văn Thanh Sơn

...

Trang Thơ Văn Vĩnh Nhất Tâm

...

Trang Thơ Văn Phạm Ngọc Thái

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Thị Thanh

...

Văn Hóa Tộc Việt

...

Ủng Hộ Trúc Lâm Yên Tử - Donate

...

 

Văn Hóa Triết Học Việt Nam - Tam Giáo Đồng Nguyên

Thế quân bình trong văn hóa Việt Nam Hiện-Tại

Nguyễn Đăng Thục

Quốc-gia cường-thịnh, một là vì có tinh-thấn độc-lập tự-tôn, công-tâm đoàn-kết, hai là vì có một nền kinh-tế sung-túc tổ-chức để phụng-sự quốc-gia, ba là vì có một chính-phủ sáng-suốt trung-thành với quốc-gia và được quốc-gia tín-nhiệm. Nhưng điều-kiện thứ nhất thuộc về vấn-đề Văn-Hóa, vì Văn-Hóa vừa là các phương-pháp giáo-dục để nâng cao dân-trí và dân-khí, vừa là mỹ-thuật, văn-chương, phong-tục, lễ-nghi, hết thảy những phát-biểu của tinh-thần một dân-tộc gọi là trình-độ văn-minh của nó. Điều-kiện kinh-tế sung-túc và điều-kiện chính-trị sáng-suốt đều trông cả vào trình-độ dân-trí với dân-khí, hay là nhân-tài và đức-trọng của quốc-dân. Ấy là sự quan-hệ của điều-kiện Văn-Hóa vậy.

Hiện thời ở nước ta, dân-trí với dân-khí đều bạc-nhược là nhường nào chẳng cần phải nói, đức-dục với trí-dục từ khi Âu-hóa thì càng ngày càng suy sút. Tinh-thần ái-quốc hầu như tiêu ma, không có tính-cách thâm trầm, mà chỉ là lòng tự-ái bị thương phát tiết ra những hành-động bồng-bột thiếu suy xét tự-lượng. Người ngoại-quốc đều phê-bình chúng ta thông-minh mà không có kiến-thức, ái-quốc mà thiếu vẻ hy-sinh, tưởng không phải là nghiệt ngã lắm vậy.

Chúng ta đứng trước một tình-thế xã-hội phải cải-tạo. Mục-đích của sự cải-tạo, từ Bắc chí Nam chắc hẳn ai ai cũng cùng một ý-kiến duy-nhất, ấy là làm cho xã-hội Việt-Nam mỗi ngày một thịnh-vượng, cá-nhân Việt-Nam được thuận-tiện phát-triển, quốc-gia Việt-Nam có địa-vi chính đáng trong thế-giới. Nhưng nói đến phương-pháp thực-hành thì trăm đường nghìn lối chia ra đảng nọ phái kia. Cho nên sự duy-nhất đảng phái trong nước ngày nay mà quốc-dân mong đợi, vẫn chưa thể thực-hiện được, nếu chưa duy-nhất được quan-niệm, quan-niệm về nhân-sinh và về nhận-thức. Quan-niệm một khi đã duy-nhất, thì phương-trâm hành-động dù có khác, nhưng cũng chỉ khác ở phương-diện phương-tiện mà thôi vì " Đồng qui nhi thù đồ ". Nhất trí nhi bách lự "_ ( Hệ-Từ ). Quan-niệm duy-nhất đã vững như ngọn hải-đăng chiếu tỏ một góc biển tối tăm, thì người ta sẽ không vì phương-tiện hành-động mà lạc đường, tôn đảng lên trên mục-đích, trọng cá-nhân hơn đoàn-thể, để chia rẽ thù hằn, vì quyền vì lợi cá-nhân mà nhầm tưởng là vì quốc-dân quần-chúng .

Vậy trong công cuộc Văn-Hóa cách-mạng ngày nay, việc duy-nhất quan-niệm là bước đầu căn-bản. Như thế đủ thấy cái quan-hệ Văn-Hóa ở xã-hội Việt-Nam hiện-tại. Nhà ái-quốc lặng lẽ vô tư, học-lực có căn-bản là Phan-Văn-Trường, mà đồng-bào ta ai cũng nhớ tiếc, đại khái có bàn về vấn-đề cải-cách xã-hội :

" Sự cải cách xã-hội nhìn về hai phương-diện hình-thức và nội-thể, thì chia ra làm sự cải-cách khách-quan và sự cải-cách chủ-quan. Sự cải-cách khách-quan cốt thay đổi triệt-để chế-độ xã-hội để gây lại tình đoàn-kết nhân-loại bằng sự trừ bỏ những nguyên-nhân xung-đột và chia rẽ. Sự cải-cách chủ-quan có mục-đích tu sửa tinh-thần của người ta để hiểu-biết lẽ phải hơn và có tình đoàn-kết hợp-tác. Trương-trình cải-cách ấy theo thứ-tự mà thực-hành, thì người ta thường hay có khuynh-hướng cho sự bắt đầu cải-cách điều-kiện chủ-quan để đi dần ra sự cải-cách điều-kiện khách-quan là hợp lý và khôn-ngoan chắc-chắn. Chủ-trương ấy tuy được hạng người nhút-nhát ưa-chuộng, nhưng là một chuyện mộng-ảo lớn. Cải-cách xã-hội phải đồng thời thi-hành ở cả hai phương-diện chủ-quan và khách-quan..." _ ( " Le Droit Pénal à Travers l'Ancienne Législation Chinoise ", Ernest Sagot, Paris xuất-bản )

Ở phương-diện khách-quan là công cuộc về chính-thể và tổ-chức kinh-tế xã-hội, mà ở phương-diện chủ-quan là cải-cách về tinh-thần. Tinh-thần tư-tưởng chịu ảnh-hưởng của hoàn-cảnh xã-hội và nhờ hoàn-cảnh thực-tế thuận-tiện nó mới phát-triển được. Song muốn cải-cách về chế-độ chính-trị và kinh-tế như thế thì trước hết phải có những phần-tử xã-hội -- dù là một nhóm thiểu-số -- có một quan-niệm chắc-chắn về hiện-tại và tương-lai, ý-thức nhiệm-vụ lịch-sử của chính mình và của quốc-gia xã-hội một cách sáng suốt, không mộng tưởng mà thực-tế, thì chương-trình cải-cách kia mới có thể thực-hiện được chu-đáo. Phàm những cuộc đại cải-tạo xã-hội trong lịch-sử nhân-loại đều có một thời kỳ cải-tạo tinh-thần hay quan-niệm tiên-phong đi trước. Trước khi có cuộc đại cách-mạng xã-hội ở nước

Pháp 1789, thì cuộc Văn-Hoa cách-mạng của phái Duy-lý do Descartes chủ-trương ở thế-kỷ XVII tiếp đến cuộc truyền-bá quan-niệm của phái Bách-khoa Toàn-thư ở thế-kỷ XVIII, đã từng dầy công cải-tạo dân-trí và đào-tạo một phái lãnh-đạo ý-thức nhiệm-vụ lịch-sử của thời-đại. Lại như ở nước Nga, trước hai cuộc cách-mạng xã-hội 1905-1917, thì phái Trí-thức ( Intelligentia ) cũng đã ròng-rã một nửa thế-kỷ tận-tụy vào công việc truyền-bá tư-tưởng Tây-Âu, như triết-lý nước Đức, chủ-nghĩa xã-hội nước Pháp, với kinh-tế-học nước Anh, vậy mà nhà cách-mạng thành-công 1917 là Lénine cón phải quả-quyết tuyên-bố : " Không có một lý-thuyết cách-mạng thì chẳng làm gì có cách-mạng." Bởi vì đứng trước một xã-hội phải cải-tạo mà chỉ có một chương-trình cải-cách thật hay, thật đẹp, vạn phần hợp-lý, mà không có người thừa-hành thành-thực, không vì danh-lợi mà bán tôn-chỉ dù hữu-ý hay vô-tình. Tóm lại, nếu không có những người thừa-hành có nhân-cách, có bản-lĩnh vững-vàng thì kết-quả lại càng đáng tiếc. Chúng ta vừa thấy cái chế-độ kinh-tế chỉ-huy của chính-phủ Pháp trước đây, ý-tưởng đẹp mà kết-quả tai-hại cho xã-hội chúng ta biết là nhường nào, chỉ vì kẻ thừa-hành từ trên xuống dưới không chút công-tâm, chỉ lo mau vơ vét, còn thì sống chết mặc bay! Vậy nên muốn xây-dựng một quốc-gia độc-lập tự-cường, ngày nay, tất phải đồng thời cải-cách cả nội-thể lẫn hình-thức của xã-hội, cả tinh-thần lẫn thực-tế. Mà việc đầu tiên là tìm quan-niệm một cách thực-tế khách-quan, về con đường Văn-Hóa và chế-độ kinh-tế chính-trị thích-ứng với thời-thế ngoài quốc-tế và ở trong quốc-gia, căn-cứ vào những điều-kiện quá-trình lịch-sử, chứ không mộng-tưởng hào-huyền .

Dân-tộc Việt-Nam trải hàng ngàn năm lịch-sử sống trên giải đất ở giữa hai khu-vực lớn của hai đại dân-tộc tối cổ văn-minh là Trung-Hoa và Ấn-Độ. Tiếng Ấn-Độ Chi-Na gần đây các nhà địa-dư đặt cho giải đất hình chữ S này, không phải chỉ có nghĩa địa-dư mà còn có nghĩa lịch-sử nữa. Về sinh-lý thì trong máu của người Việt-Nam ngày nay có cả giòng máu của người phương Bắc tràn xuống, lẫn lộn với giòng máu người phương Nam tràn lên. Về tinh-thần thì văn-minh Trung-hoa có tích-cách phổ-thông thực-tiễn đã ảnh-hưởng sâu vào Văn-Hóa và xã-hội, đồng thời văn-minh Ấn-Độ có tính-cách cao-siêu đã làm nguồn sống nội-giới tâm-hồn của cá-nhân Việt-Nam. Phàm những thời-đại cường-thịnh trong lịch-sử đều là thời mà dân-tộc Việt-Nam đã thực-hiện được thế quân-bình thích-trung giữa hai Văn-Hóa, đã duy-nhất được cái tinh-túy của hai nguồn sinh-lực, hai khuynh-hướng đặc-biệt của tư-tưởng nhân-loại là khuynh-hướng nhân-sinh và khuynh-hướng nhận-thức, đạo làm người với đạo trời ( chân-lý ), hành-động với trí-thức, lý-trí với tâm-linh. Thời-đại nhà Trần dân-khí hùng-dũng, tinh-thần độc-lập cực cao, ấy là nhờ trong nước trên dưới đoàn-kết, lý-tưởng duy-nhất đã tuần-tự kết-tinh ở nội-giới bằng bao nhiêu công-phu Phật-học và Hán-học từ đời Lý trở về, biến thành một nguồn nội-lực của dân-tộc vô cùng mãnh-liệt mà phát-tiết ra hành-động kiên-quyết tự-tin. Đấy là chứng-minh rõ rệt, khi sự giao-thông trên thế-giới chưa giải-quyết được một cách rộng rãi -- mà thế-giới mới chỉ là thế-giới từng Châu -- thì dân-tộc Việt-Nam đối với thời-gian và không-gian đã thực-hiện được nhiệm-vụ lịch-sử của mình một cách xứng đáng; và dân-tộc ấy tuy nhỏ bé, ở vào một hoàn-cảnh địa-dư eo-hẹp, nhưng một khi đã tìm thấy thế quân-bình của mình do tình-thế địa-lý và lịch-sử ngầm định uỷ-thác cho, thì nó đã chiến-thắng vẻ-vang với những thế-lực cản-trở lớn lao là dường nào! Cho hay chúng ta không lo về những thế-lực nó cản-trở con đường tiến-thủ sống của chúng ta, mà chúng ta chỉ nên lo đứng trước giai-đoạn tiến-hóa của thế-giới hiện thời, năm Châu chằng chịt, những mối tương-quan về Văn-Hóa chính-trị và về kinh-tế chính-trị, làm sao chúng ta tìm thấy thế quân-bình mới, để kết-tinh cái tinh-thần duy-nhất làm nội-lực động-cơ, cũng như xưa kia, về đời Lý, Trần, tổ-tiên ta đã thực-hiện, thì lo gì không chiên-thắng những điều bất lợi nó cản-trở.

Nhân-loại tiến-hóa không theo con đường thẳng mà theo luật mâu-thuẫn, phân rồi lại hợp, hợp rồi lại phân, nhưng mỗi lần phân hợp không phải láy đi nhắc lại có một trò buồn tẻ như máy móc, mà trái lại, biến-hóa càng ngày càng hùng-hậu, phẩm-chất mỗi ngày một cao; bởi vì những điều-kiện xung-đột mỗi ngày một phúc-tạp, mà sự phối-hợp kết-tinh cũng do đấy mà khó thực-hiện. Trước kia, chúng ta khi còn ở thế-giới Á-Đông thì nhiệm-vụ lịch-sử tư-tưởng chỉ là kết-tinh hai nguồn văn-minh Trung-Hoa và Ấn-Độ. Ngày nay thế quân-bình của chúng ta phải thực-hiện ở chỗ kết-tinh Đạo-học cố-hữu Hoa-Ấn với tinh-thấn Khoa-học Âu-Mỹ, bởi vì chúng ta hiện đang sống trong thế-giới toàn-cầu, đại-dương không còn là trở-ngại cho sự giao-thông của nhân-loại nữa. Nhà quốc-gia cách-mệnh Ấn-Độ là Gandhi có tuyên-bố : " Muốn có một sự giáo-dục hoàn-bị thì sự nghiên-cứu một cách có hệ-thống những nền Văn-Hóa Á-Đông cũng cốt yếu bằng sự nghiên-cứu những khoa-học Âu-Tây ". Và nhà thi-sĩ Ấn-Độ danh vang thế-giới là R.Tagore cũng đã viết : " Cái bản-ngã vô cùng của loài người chỉ có thể thành-tựu trong hòa-điệu đại-đồng của tất cả chủng-tộc nhân-loại ".

Dân Việt-Nam, sau hồi mất nước về tay người Pháp, bởi phái lãnh-đạo quốc-dân đi sâu vào cái học từ-chương, không còn sinh-lực tinh-thần để phản-ứng kip, phái Văn-thân cố dai-dẳng lấy võ-lực chống lại một cách thất-vọng. Nhân nghe tiếng chuông của Lương-Khải-Siêu bên Tầu và tiếng đại-bác Lữ-thuẫn, thì mới hốt hoảng cho con đường cũ sai lầm bèn hăng-hái rủ nhau đi Đông-du, " Hương-Cảng, Hoành-Tân lỏi len đường mới ". Song con đường mới này bị luôn luôn thất-bại vì sự nóng-nẩy vội-vàng, không tri-kỷ tri-bỉ cẩn-thận, cho nên chỉ đem lại sự thất-vọng chán-nản và một mối hoài-nghi cho quốc-dân càng ngày càng bị khủng-bố. Thế rồi sau hồi Âu-chiến 14-18 , thanh-niên sô nhau đi Tây-du đặng tìm con đường mới chân-chính hơn mà quốc-dân mong đợi. Ngờ đâu quốc-dân cũng lại thất-vọng, vì các bậc tuấn-tú trở về, ngoài cái bằng-cấp thật đẹp thật cao, chỉ mang về nước được mớ kiến-thức vu-vơ không liên-quan gì với xã-hội thực-tế, một tâm-hồn vong-bản phản-ảnh của một xã-hội Tây-phương suy-đồi. Kịp đến cuộc thế-giới chiến-tranh ngày nay, xã-hội Việt-Nam bày ra một cảnh-tượng duy-lợi khủng-hoảng, bụng dục không có gì duy-trì bên trong tha hồ mà bành-trướng tung-hoành, càng làm dư-luận quay như chong-chóng. Song cùng rồi tất biến, tâm-lý con người cũng như thế-lực tự-nhiên. Một số ưu-thời mẫn-thế bắt đầu lại trở lại tinh-thần Đông-phương cố-hữu, tuy còn hoài-nghi, nhưng cũng tìm được ở đấy đôi chút hứng-thú cho tâm-hồn

Nhưng lúc này chúng ta phải biết tự-tin, chúng ta phải tin ở tự-lực chúng ta để " vãn hồi quốc vận, phò cứu quốc nguy " như lời ông Trần-Văn-Tăng đã kêu gọi trong sa-mạc năm 1926 ở báo Nam-Phong. Chúng ta phải tin rằng ở mỗi người chúng ta sẵn có một nguồn năng-lực tiềm-tàng nó liên-quan mật-thiết với quá-khứ tổ-tiên, với hiện-tại giang-sơn, với tương-lai thế-giới, chúng ta chỉ cần tìm lấy cái quan-niệm nhân-sinh và nhận-thức làm thế quân-bình ở con người hiện-tại để tập-trung hết thảy những năng-lực phiếm-tán vô chủ của tư-tưởng và hành-động. Ấy là ta đã thành-công một phần lớn trong chương-trình phục-hưng cải-tạo quốc-gia vậy .

Quan-niệm ấy ngày nay ở xã-hội Việt-Nam, phải thỏa-hiệp cho trí phê-phán của Khoa-học Thực-nghiệm Tây-phương đồng thời không gián-đoạn với tinh-thần Đạo-học cố-hữu, mà còn bồi bổ cho nó một nhuệ-khí mới, sác-thực và linh-động hơn. Chúng ta, hiện-tại, về tinh-thần cũng như về thực-tế, chỉ là sản-phẩm của một quá-trình mấy nghìn năm lịch-sử của ông cha đất nước. Đời sống cá-nhân cũng như đời sống xã-hội là một giòng miên-tục phát nguồn từ trong thời-gian thăm-thẳm, len lỏi phấn đấu với trở-ngại để mỗi ngày một ngoi ra ánh-sáng tự-do, ra nơi quảng-đại tốt tươi.

Chúng ta đã không đoạn-tuyệt được với quá-khứ tổ-tiên ở phương-diện sinh-lý cũng như ở phương-diện tâm-lý; ta lại chẳng có thể sống cách-bức với thế-giới nhân-loại, thì thế quân-bình lý-tưởng trong cá-nhân và xã-hội chúng ta ngày nay, là làm sao điều-hòa miên-tục được hai giai-đoạn lịch-sử, thỏa-hiệp được hai khuynh-hướng tinh-thần là tinh-thần đạo-học cố-hữu chuyên-chú vào nội-giới tâm-lý với tinh-thần khoa-học tối-tân chuyên-chú vào ngoại-giới sự-vật, qui hướng vào chỗ trung-hòa tâm-linh .

Vậy chúng tôi xin tuần-tự giãi-bầy khái-quát quan-niệm duy-nhất về Đạo-học Đông-phương cổ-điển với Khoa-học Thái-Tây cận-đại, mong các bậc thức-giả thể-tất lòng thành-thực của chúng tôi đối với chân-lý, trong công cuộc xây nền Văn-Hóa Việt-Nam mới.

pay per click advertising

Weblinks :

 

Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

 

 

free counters

Search: The Web    http://www.truclamyentu.info
un compteur pour votre site