lịch sử việt nam
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
Weblinks:
Xuân Di Lặc, Xuân Thái Bình
Trúc Lâm Lê An Bình
Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện cõi trần này với mục đích duy nhất là «Khai Thị Ngộ Nhập Phật Tri Kiến» cho chúng sanh. Nghĩa là mở bày những điều thấy biết của Đức Phật cho chúng sanh. Những điều thấy biết đó tức là các pháp môn tu hành để liễu sanh thoát tử từ đó được thành Phật đạo. Vì Pháp môn thì có rất nhiều nên Ngài vì trình độ căn cơ chúng sanh mà thuyết ra, như người thích hợp về Thiền thì hành Thiền, người có duyên với Tịnh độ thì niệm Phật Di Đà cầu vãng sanh, người chuyên tâm trì chú thì tu theo Mật tông v.v…
Trên pháp hội Linh Sơn, Đức Phật thuyết kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, trong đó, phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát nói về hạnh nguyện của một vị Bồ tát. Hạnh nguyện của vị Bồ tát chỉ chuyên tu hành một pháp môn, đó là gặp bất cứ ai Ngài cũng đều chắp tay và cúi đầu nói «Ta chẳng dám khinh quí ngài, quí ngài đều sẽ thành Phật». Những người gặp ngài xá và nói như vậy chẳng những không hoan hỷ mà còn quay lại quở trách, tỏ vẻ khó chịu với Ngài, có khi mắng chưởi, xua đuổi Ngài đi nơi khác. Mặc dù như vậy, vị Thường Bất Khinh Bồ tát này vẫn không hề nản chí, suốt cuộc đời tu hành Ngài chỉ thực hiện duy nhất pháp môn này «Ta chẳng dám khinh quí ngài, quí ngài đều sẽ thành Phật». Vị Thường Bất Khinh Bồ Tát ấy chính là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Ở nước Tàu vào đời nhà Lương, có một vị hòa thượng đi hóa duyên lúc nào trên lưng cũng có một chiếc bao bố thật lớn, ai cho đồ gì Ngài cũng để vào đó, có một điều lạ là chiếc bao bố ấy không bao giờ đầy, cho nên người thời đó mới đặt cho Ngài danh hiệu là Bố Đại Hòa Thượng. Bố Đại Hòa Thượng nghĩa là một vị Hòa thượng mang một chiếc bao bố lớn chứa tất cả đồ vật. Người ta chỉ biết Ngài là Đức Di Lặc khi đọc được bài kệ «Di Lặc Chơn Di Lặc…» của Ngài để lại sau khi thị tịch. Di Lặc nghĩa là Từ, Từ thị. Dịch âm chữ phạn là Ajita (A Dật Đa) tức Vô Năng Thắng.
Từ đó cho ta thấy một số ý nghĩa như sau qua hai nhân vật :
1/ Ý nghĩa Thường Bất Khinh Bồ tát: Vị Bồ tát này tu hạnh «Tôi chẳng dám khinh thường ngài vì ngài là vị Phật sẽ thành», mặc dù bị trách cứ xua đuổi nhưng ngài vẫn nhẫn nhục chịu đựng để thực hành pháp môn đang theo đuổi. Pháp môn của Ngài đang theo đuổi là thực hành phá Ngã chấp và Pháp chấp. Con người ta sở dĩ bị đau khổ chỉ vì chấp Ngã (ta) là thật có, chấp Pháp (sự vật) là thường còn rồi từ đó bị loanh quanh trong vòng sinh tử tử sinh không biết bao giờ ra khỏi. Khi Thường Bất Khinh Bồ Tát nói «Tôi không dám khinh thường ngài» tức là ngài đã tự hạ mình xuống, khi hạ mình như vậy tự nơi Ngài đã không còn thấy Ta (Ngã) trong đó; để rồi bị những người mà Ngài cung kính, xua đuổi trách cứ, có khi còn ném đá mà ngài vẫn không lấy đó làm buồn, giận, đó là Ngài đã phá được Pháp (sự vật), cũng do Ngài quán sát sự vật là Không, là Giả do duyên hợp lại mà có, rồi từ vọng thức mới đặt tên cho nó là thế này thế nọ. Vọng thức đối chọi lại Chơn thức. Chính vì quán sát như vậy nên Ngài không đau khổ, buồn bả, và cũng chẳng lấy đó làm bận tâm vì chơn thức đã thực sự trở về với ngài.
Xin đưa một thí dụ nhỏ như bánh xe, bộ máy, cùng các dụng cụ linh tinh khác được ráp lại qua các loại máy móc tinh vi, ra một chiếc hộp có bốn bánh xe và có thể di chuyển mà ta đặt tên cho nó là chiếc xe, nhưng thực chất của nó chẳng có gì là xe cả. Tất cả chỉ là giả duyên hợp lại thì tới một lúc nào đó, hết duyên rồi sẽ tan đi, không tồn tại. Sự tích của vị Bồ Tát này đã cho chúng ta một đức tánh cần trau dồi đó là đức Nhẫn và lòng Từ Bi. Do đó người Phật tử sẽ là những người có thể Nhẫn được những gì mà người khác không nhẫn được và làm được những gì mà người khác không thể hoàn thành (thực hành Từ Bi), với điều kiện là siêng năng tinh tấn tu hành.
2/ Ý Nghĩa Bố Đại Hòa Thượng : Hình dạng của vị Bố Đại Hòa Thượng hay Đức Phật Di Lặc ứng hiện là hình tượng Đức Di Lặc với nụ cười từ bi hỷ xã, tăng phục giản dị, vác trên vai một bao bố lớn mà chúng ta thường thấy tôn thờ nơi các tự viện. Với đức tính Hỷ (vui) Xã (bỏ) Ngài mở cõi lòng đối với tất cả chúng sanh không phân biệt ai cả. Và có nhiều người nhầm lẫn gọi Ngài là ông…Địa!
Người đời đến với Ngài theo tâm bố thí, ngài đều nhận cả và bỏ vào chiếc bao lớn đeo sau lưng. Có một điều đặc biệt là chiếc bao đó ngài bỏ bao nhiêu đồ vật cũng không bao giờ đầy cả. Điểm này có ý nghĩa một khi Ngã chấp và Pháp chấp đã phá được rồi, tấm lòng sẽ trở thành một khoảng không gian rộng bao la, có thể dung chứa tất cả mọi vật trên đời này. Cái bao bố lớn còn tượng trưng cho thức thứ tám của chúng ta. Tức là hàm tàng thức, tức là chứa tất cả mọi sự vật không bị chướng ngại gì cả. Ngoài tên hàm tàng thức nó còn có các tên khác như A đà na thức, A lại da thức. Ngộ đạo hay không ngộ đạo cũng nhờ nơi thức này. Nếu Phật tử luôn gìn giữ chữ Nhẫn, cùng thực hành phá Ngã, phá Chấp thì tấm lòng mở rộng bao la, cùng triệt tiêu được phiền não thì giác ngộ sẽ không xa.
Do đó sự phân tranh giữa người và người sẽ chấm dứt, người và người sống với nhau trong tình thương nhân loại, đồng thời tôn trọng phẫm chất, không xúc phạm lẫn nhau để cùng xây dựng nên một thiên đàng địa giới. Cho nên Phật giáo thường hay ví Phật Di Lặc là mùa Xuân, Xuân Di Lặc. Vì Xuân Di Lặc hàm ý không có sự phân tranh, người người thương yêu lẫn nhau cùng nhau xây dựng nên một xã hội tốt đẹp thánh thiện nên gọi đó là Xuân Thái Bình. Đức Phật Thích Ca ở trên pháp hội Linh Sơn đã thọ ký cho Ngài Di Lặc bồ tát sẽ được thành Phật trong kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật ở pháp hội Long Hoa. Sở dĩ chúng tôi nêu lên hạnh nguyện của Thường Bất Khinh Bồ Tát ở nơi đây vì Ngài là vị Phật đã giác ngộ (tức Phật hiện tại), còn Bố Đại Hòa Thượng (tức Phật Di Lặc) là vị sẽ thành Phật trong tương lai, từ đó chúng ta thấy được sự tương đồng của các Ngài qua việc thực hành các pháp môn giải thoát như phá Ngã chấp và Pháp chấp đã là những yếu tố đưa đến ý nghĩa mùa Xuân Di Lặc để cho chúng sanh được học hỏi.
Mùa xuân năm nay là Xuân Tân Tỵ lại về với xứ sở của chúng ta. Giữa không khí thiêng liêng của trời đất, thì nơi quê mẹ các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo từ Hòa thượng Huyền Quang, Quảng Độ, Thiện Hạnh (Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất), Linh mục Nguyễn văn Lý (Giáo hội Công Giáo), các vị tín đồ cũng như Trị sự viên của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo v.v…đã và đang đứng lên đòi lại mùa xuân thái bình vĩnh cửu cho dân tộc. Mùa xuân này đã mất đi từ khi các thế lực vô thần bao trùm trên xứ sở của chúng ta. Mặc dù với nhiều muôn ngàn khó khăn, vì bởi những vị tu hành trong tay không tấc sắt mà phải đối đầu với cả thế lực vô thần gian ác, nhưng các Ngài vẫn không lùi bước. Với tấm lòng vị tha vô biên, với sự nhẫn nhục phi thường và trí tuệ hiện hữu của các ngài, Niềm Tin Hữu Thần Tôn Giáo sẽ chiến thắng Vô Thần Cộng Sản.
Cuối cùng cầu mong
Tâm Xuân Vũ Trụ Đều Xuân
Tâm Bình Thế Giới Đâu Đâu Cũng Bình
Nỗ lực này mong rằng có sự tiếp tay của tất cả mọi thành phần dân tộc để mau sớm đem lại Mùa Xuân Thái Bình Vĩnh Cửu cho dân tộc.
Trân trọng
Xuân Tân Tỵ 2001
Trúc Lâm Lê An Bình
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...