lịch sử việt nam
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
Weblinks:
Thiền học Việt Nam
Giáo sư Nguyễn Đăng Thục
-I-
Một Cột Chùa xưa tượng hoa Sen,
Thăng-Long hồ biếc Bụt ngồI trên;
Sơn-hà Nam-Đế Lý khai sáng, (1)
Độc-Lập tự-do mộng “Hựu-Diên”
Ý-thức Quốc-gia “Dung tam tế“
Tinh thần dân-tộc Phật -Trời -Tiên.
Ngàn năm còn đấy người thôn nữ, (2)
Nội-trị thay Vua, liễu đạo Thiền.
Chú Thích:
(1) Lý-Thái-Tổ.
(2) Ỷ-Lan Phu-nhân: hiệu là Linh-nhân Hoàng-Thái-Hậu. Khi làm Hoàng-Hậu tức vợ vua Lý-Thánh-Tông, bà hạ sanh ra Lý-Nhân-Tông; Khi Lý-Thánh-Tông đi đánh Chiêm-Thành, bà ở nhà nội-trị. Nhân dân xưng bà là Quan-Âm-Nữ. Thưở đó nhân-dân trong nước rất mộ đạo Phật. Bà có triệu tập ở chùa Hội-Ninh, tỉnh Bắc-Ninh các danh Tăng, Đại-Đức đến để vấn đạo. Trong đó có Thiền-sư Thông-Biện đã giải-đáp một cách thông-thái những lời vấn đáp của bà. Bà tu đắc đạo nên có để lại bài Kệ Thị-Tịch như sau:
Sắc thị Không, Không tức Sắc,
Không thị Sắc, Sắc tức Không,
Sắc Không cầu bất quán,
Phương đắc khế chân tông.
-II-
Đạo Thiền liễu ngộ Sắc hòa Không,
Không Sắc dung thông nhất thể đồng;
Vượt khỏi hai bờ, lìa bốn tướng, (3)
Nhập vào Biển Giác sáng vô cùng;
Gần bùn thôn-nữ không lùi tục;
Đài-các Vương-phi, Bụt làm lòng.
Từ-Mẫu xứng danh Quan-Âm-Nữ,
Thảo-Đường sáng-tỏ, Việt Thiền-tông (4)
Chú thích:
(3) Hai bờ: Sống chết. Bốn tướng: Sinh Lão Bệnh Tử. Trong Truyện Quan-âm Thị-Kính có câu:
Sao bằng vui thú liên trì,
Dứt không tứ-tướng sá gì nhị-biên.
(4) Thảo Đường do Lý-Thánh-Tông sáng lập, là một dòng Thiền thứ ba, có tinh thần dân tộc, khác với hai dòng trước của Tổ Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi (Tổ Ấn), và Vô-Ngôn-Thông (Tổ Tàu).
-III-
Thảo-Đường hợp sáng Mật với Thiền,
Thiền Mật bổ xung lẽ đương nhiên,
Lý ngoại tình trong nên trọn vẹn,
Giác-tha tự-giác lý không thiên;
Tình yêu mẫu-tử tình non nước,
Trí-tuệ Thiền siêu-việt nhị-nguyên;
Lý-Thánh Ỷ-Lan sinh Hoàng-tử,
Nhân-Tông Vương-đạo có tông truyền.
-IV-
Tông truyền nguồn-gốc tự Tăng Khương, (5)
Thiền-tính Hoa-sen mớI mở đường;
Cuống giễ trong bùn hoa còn nụ,
Tâm hoa tịnh nở ngát mùi hương;
Pháp-Hoa Tam-muội Quan-Âm-Phật.
Dịch tại Giao-Châu Chí-Cương-Lương. (6)
Tổ-Ấn, Tổ-Hoa liên tiếp đến, (7)
Con đường hợp sáng mở Viêm-bang. (8)
Chú thích:
(5) Khang-Tăng-Hội, thế kỷ thứ ba, người Nguyệt-Thị, quy Phật năm lên 10 tuổi ở đất Giao Chỉ, Bắc Ninh, chùa Pháp-Vân. Là một thiền sư nổi tiếng đầu tiên về Thiền Hoa Sen nói trong Kinh Lục-Bộ-Vô-Cực (Đại tạng Qu.15).
(6) Chí-Cương-Lương đồng thời với Khương-Tăng-Hội là người đầu tiên dịch kinh Phật.
(7) Tổ-Ấn : Tổ Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi (thế kỷ thứ 6); Tổ-Hoa: Tổ Vô-Ngôn-Thông (thế kỷ thứ 9).
(8) Viêm-Bang: cõi nhiệt đới, người Tàu gọi Việt Nam là cõi Viêm-Bang (Lĩnh-Nam).
-V-
Viêm-bang rộng mở cõi Nam-Ninh, (9)
Nam-quốc sơn-hà dấu địa-linh
Ý-thức Quốc-gia Nho-Đạo-Thích.
Tinh-thần dân-tộc chí hòa-bình,
Phò Vua dựng nước, Sư Vạn-Hạnh. (10)
Thắng Tống, bình Chiêm, Lý dụng binh, (11)
Quốc-học Việt-Nam tam-giáo tỏ
“Cư trần lạc đạo“ hợp lý tình. (12)
Chú thích:
(9)
(10)
(11) Lý Thường Kiệt.
(12) Cư-Trần Lạc-Đạo tên một bài thơ của Vua Trần-Nhân-Tông.
-VI-
Lý tình hợp nhất nghĩa nhân-sinh,
Học quán Thiên-Nhân mới đặng minh. (13)
Khổng Mạnh vào đời, quên sống chết, (14)
Lão Trang xuất- thế, mộng trường-sinh.
Đạo Thiền Bát-Nhã liễu sinh tử,
Xã-hội thiên-nhiên nhất tâm-linh.
Văn-hóa Đình, Chùa thờ TrờI, Phật,
Chi-Na, Ấn-Độ thế quân-bình. (15)
Chú thích:
(13) Thiên, Nhân, Phật.
(14) Trong sách Luận-Ngữ Khổng-Tử có nói: Vị tri sinh yên tri tử.
(15) Vị-trí Việt Nam đứng giữa Trung-Hoa và Ấn-Độ mới có tên Indo (Ấn-Độ) và China (Trung-Hoa). Tên đó gán cho Việt-Nam không những chỉ cho địa-lý mà còn địa-lý văn-hóa và truyền thống Văn-Hóa Việt-Nam tổng hợp hai đại truyền thống Trung-Hoa và Ấn-Độ kể từ đầu kỷ-nguyên Thiên-Chúa.
-VII-
Quân-bình Đại-Việt giữa Đông-A, (16)
Quốc-Tuấn, Thường-Kiệt anh-hùng nhất nước ta;
Đại phá Tống, Nguyên tan đế-bá,
Nêu cao chính-nghĩa vững sơn-hà;
Thảo-Đường Thiền-Đạo Trần kế tiếp,
An-Tử non xanh khúc đạo ca;
Trút bỏ ngai vàng tìm đầu Phật,
Nhà Vua vào núi chí xuất-gia.
Chú thích:
(16) Cõi Đông-Nam-Á
-VIII-
Xuất-gia tìm Phật nơi rừng-sâu,
Vắng-vẻ non xanh có thấy đâu;
Phật ở trong lòng tìm đâu nữa, (17)
Vô-tâm đối cảnh Phật ấy mầu.
Làm Vua giúp nước tâm thiên-hạ;
Tế-thế kinh-bang dục vô-cầu.
Tâm minh Trần-Thái tâm vô-trụ;
Sách Khóa-Hư triết-lý cực siêu. (18)
Chú thích:
(17) Trong bài tựa Thiền-Tông Chỉ-Nam (sách Khóa Hư Lục) Quốc Sư Trúc-Lâm Yên-Tử có nói: “Sơn bản vô Phật, Duy tôn hề tâm, Tâm tịch thị nhi, Thị danh chơn Phật”.
(18) Sách Khóa Hư-Lục của Trần-Thái-Tông.
-IX-
Cao siêu đạo-lý An-Tử-Sơn,
Thiền học Trúc-Lâm, chủ sinh-tồn;
Tam giới duy-tâm, đời tức đạo,
Tính tồn-tồn, đạo “nghĩa chi môn”;
Tôi hiền sáng-tỏ nền Quốc-học;
Chúa Thánh cao-minh chiếu Quốc-hồn;
Một Cột Huyền-Quang linh-cảm hứng, (19)
Tâm Thiền thực-hiện Bất-Nhị-Môn
Chú thích:
(19) Ngài Thiền Sư Huyền Quang có làm bài thơ: “Vịnh Chùa Một Cột“ diễn tả sự tiến-triển của trạng thái Thiền.
-X-
Linh-cảm Huyền-Quang vượt nhị-nguyên,
Tâm tâm vật khỏi triền-miên
Hoa Sen Diên-Hựu hồ thu lạnh;
Chí vẫn đảo miên khách định Thiền,
Thế-giới thị-phi tuồng ảo-hóa,
Thiên-đường Địa-ngục hiếu sinh quan;
Từ-bi Hỷ-sả Sư thực hiện,
Hợp-nhất tri-hành, lý chẳng thiên.
-XI-
Không thiên, không vị Thích-Đạo-Nho,
Nhất thể “Đồng quy nhi thù đồ“.
Giao-Chỉ Lĩnh-Nam nơi hội-ngộ,
Chi-Na, Ấn-Độ sớm hẹn hò;
Trống-Đồng Cổ-Mộ còn di-tích,
Thần, Phật, Đình, Chùa truyền-thống xưa;
Núi Mắc Suối Lê hồn vọng ngoại,
Ngàn năm văn-hiến tủi Hai Bà.
-XII-
Phật-Trời cứu-cánh mới vẹn-toàn,
Thể-dụng hỗ-tương nghĩa sinh-tồn;
Đạo ở trong Đời, Đời có Đạo,
Phật-mười Trời-chín được vuông-tròn;
Đời không có Đạo, Đời vô-nghĩa
Đạo với Đời như xác với hồn;
“Lạc Đạo cư trần“ Nhân-miếu-Kệ,
“Vô tâm đối cảnh” một lòng son.
-XIII-
Lòng son Nguyễn-Trãi sáng sao khuê, (20-21-22)
Chúa Thánh triều Lê ngự bút đề;
Nhân-nghĩa lòng thành động Trời Đất.
Bạo tàn quyền-bính nỡ chu-di
“Cương thường khôn biến tấc son thắm”, (23)
Sử sách lòng người đời nhớ ghi;
Mới biết THÀNH là Thiên-Đạo vậy. (24)
Lòng son Nguyễn-Trãi chí Thành-chi.
Chú thích:
(20) Ức-Trai (Nguyễn-Trãi).
(21) Bài thơ “Tức Cảnh” của Nguyễn-Trãi có câu:
Ngọ song tiêu sái vô trần lụy,
Nhất phiến nhàn tâm nhiếp Thái-Hư.
(22) Trần-Thái-Tông có câu trong sách Khóa-Hư-Lục:
Vị minh nhân vọng phân Tam-Giáo,
Liễu đắc để đồng ngộ nhất tâm.
Nghĩa là: Người chưa sáng tỏ lầm phân biệt ra Tam-Giáo.
Thấu hiểu căn-bản thì cũng giác-ngộ có một Tâm.
(23) Thơ Quốc-Âm Tự-Thánh 87 – XVII của Nguyễn-Trãi có câu:
Nhật nguyệt dễ qua biên trắng,
Cương thường khôn biến tấc son.
(24) Sách Trung-Dung có câu:
Thành giả chi đạo, Thành chi giả nhân chi đạo dã
Thành tắc minh minh tắc thành.
-XIV-
Thành-chi Thiên-Đạo chỉ là Thành
Hợp nhất tri-hành toại hiếu sinh
Thể-dụng không rời tình với lý,
Trời-Người nhất-thể, tính tự-minh;
Di-Đà tính sáng soi cho thấu, (25)
Lão-Tử như Rồng biết tự-minh. (26)
Nguyễn-Trãi “cương thườnglòng đỏ thắm”,
Ba thân lọn nghiệp” cộng trời xanh. (27)
Chú thích:
(25) Trần-Nhân-Tông trong bài ca “Đắc thú lâm tuyền thành đạo“ có câu:
Tịnh-Độ là lòng trong sạch sao còn hỏi đến Tây-phương,
Di-Đà là tính sáng soi, nực phải nhọc tìm về Cực-Lạc.
(26) Sách Đạo-Đức-Kinh Lão-Tử có câu:
Tri nhân giả Trí, tự tri giả minh.
(27) Thơ Quốc-Âm của Nguyễn-Trãi có câu:
Cõi phàm tục khỏi lòng phàm tục,
Học Thánh-nhân chuyên thói Thánh-nhân,
Trung hiếu cương thường lòng đỏ,
Tự nhiên lọn nghiệp ba thân.
-XV-
Ba nghiệp căn nguyên tại lòng người,
Lòng son, lòng Bụt, Nghiệp không thôi;
Vô-tâm hành-động không lành dữ,
Hữu-ý mong-cầu Nghiệp thấy ngay;
Sinh-tử luân-hồi vòng nhân-quả.
Thiên-đường, Địa-ngục, tấc lòng soi;
Nguyễn-Trãi ngồi thiền quên ăn nói,
Người và mây trắng ai hơn ai? (28)
Chú thích:
(28) Thơ chữ Hán của Nguyễn-Trãi (57. Nguyễn-Trãi toàn tập)
Nhật trường ẩn kỷ vong ngôn xứ,
Nhân dữ bạch vân thùy hữu tâm.
-XVI-
Bạch vân lưu thủy bản vô tâm, (29)
Tôn-chỉ Thiền An-Tử Trúc-lâm;
Nước chẩy xuống khe không cố-ý,
Mây bay khỏi động bản vô tâm;
Vô-tâm chớ tưởng rằng Đạo ấy,
Có-Không chưa tránh khỏi mê lầm
Thiền-Đạo vô tâm vượt Khổng-Lão.
Duy tâm tuyệt-đối Quán-Thế-Âm.
Chú thích:
(29) Trần-Thái-Tông trong sách Khóa-Hư-Lục:
Lưu thủy hạ sơn phi hữu ý,
Bạch vân xuất tụ bản vô tâm
Mạc vị vô tâm vân thị đạo,
Vô tâm do cách nhất trùng quan.
-XVII-
Quan-Âm Thế-Chí, A-Di-Đà,
Một tính chân-như hợp cả ba;
Tổng-hợp trí-bi nên Huệ-Giác,
Từ tâm vô-lượng độ Ta-Bà;
Chân-nguyên Lê-mạt chán khoa-cử,
Tới núi Long-Động cầu xuất gia;
Thực hiện Thiền Trúc-Lâm An-Tử;
Còn truyền hậu thế «truyện Phật Bà».
-XVIII-
Phật-Bà cho thấy ý Chân-Nguyên,
Trở giáo quy-y Lý, Trần truyền;
Xã hội tu tề Khổng-Phu-Tử,
Hòa-hài Đạo-Thích với thiên-nhiên.
Thần-thông biến-hóa ngàn tay mắt,
Nam-Hải Quan-Âm trên cả tiên;
Nhân quả phân minh không bí-mật,
Tại tâm nhất-niệm đủ tam thiên. (30)
Chú thích:
(30) Nhất niệm tam thiên (tên chỉ Thiên-Thai)
Càn không tận thị mao đầu thượng,
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.
(Thiền-Sư Khánh-Hỷ đời Lý)
(Toute réalité ensoi est réelle
Tout dans L’Univers est comme L’Univers)
(«Le Monde est petit» - Marcel Granet «La Pensée Chinoise)
-XIX-
Tam thiên nhất-niệm, trên đầu lông, (30)
Niệm Phật tâm thành chí tập-trung;
Nước Bụt bước vào liễu sanh tử,
Quan-Âm cứu-độ dễ thành công;
Qua đời rời bỏ duy còn nghiệp;
« Niệm niệm diệt chi», Trần-Thái-Tông, (31)
« Tịnh-độ là lòng trong sạch» vậy.
« Di-Đà tính sáng»Ngài Giác-Hoàng.
Chú thích :
(31) Trần-Thái-Tông viết trong Niệm-Phật-Luận (sách Khóa-Hư)
« Chú ý tinh cầu niệm bất vong, tự tâm thuần thiện.
Thiện niệm ký hiện ác niệm tiện tiêu, duy tâm thiện niệm.
Dĩ niệm y niệm, niệm niệm diệt chi.
Niệm diệt chi thời, tất quy chính đạo.
Mệnh chung chi thời đắc Niết-Bàn lạc.
Thường lạc ngã tịnh Phật chi đạo dã».
(32) Như chú-thích số 5.
-XX-
Giác-Hoàng Điều-Ngự Phật Thích-Ca,
Tam-Tổ Huyền-Quang với Pháp-Loa;
Chúa Thánh tôi Hiền Đời tức Đạo,
Lấy tâm thiên-hạ trị sơn-hà. (33)
Phân tranh Trịnh Nguyễn thời Nam-Bắc,
Hương-Hải đường trong mới xuất-gia;
Từ bỏ ra đi ngồi thiền-định,
Thần-thông đắc quả trừ tà- ma.
Chú thích:
(33) Trần-Thái-Tông viết trong « Thiền-Tông Chỉ-Nam Tự», sách Khóa Hư-Lục:
«Dĩ thiên-hạ tâm chi tâm, dĩ thiên-hạ dục vi dục».
nghĩa là: «Lấy tâm nhân-dân làm tâm, lấy ý muốn của nhân-dân làm ý muốn»
-XXI-
Tà ma trừ sạch về đất liền,
Chữa bệnh nhân-dân Chúa ngợi khen;
Vượt biển một bè ra đất Bắc,
Vua Lê vấn nạn, giải môn Thiền;
«Nhạn liệng ngang trời, bóng đáy nước,
Chim nào có ý bóng mình in;
«Nước lạnh vô tình đối với bóng», (34)
Vô tâm chủ khách vượt đôi bên.
Chú thích:
(34) Nguyên văn chữ Hán:
Nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thủy.
Nhạn vô dĩ tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm.
(Hương-Hải Thiền-Sư)
-XXII-
Vô-tâm chủ khách một tâm-tông, (35)
Tâm đã không thì vật cũng không;
Hương-Hải tìm trâu cầu học đạo, (36)
Vô-tâm học đạo dễ thành công;
Nguyên-lai Tam-Giáo đồng-nhất-thể, (57)
Vũ-trụ Nhân-văn đạo Trung-dung;
Vô-ngã thiền-tâm, tâm-thiên-địa,
Quy nguyên bản-thể tâm đại-đồng.
Chú thích:
(35) thơ Quốc-Âm Nguyễn-Trãi (Ngôn-Chí IV):
Thơ đới tục hiềm câu đới tục,
Chủ vô tâm ấy khách vô tâm.
(36) Thơ nguyên văn chữ Hán của Hương-Hải Thiền-Sư:
Tàm ngưu tu phỏng tích,
Học đạo quý vô tâm,
Tích tại ngưu hoàn tại,
Vô tâm đạo dị tàm.
(37) Hương-Hải thi:
Nguyên lai Tam-Giáo đồng-nhất-thể,
Nhậm vận hà tằng lý hữu thiên.
-XXIII-
Ðại-đồng tâm là ý-thức chung, (38)
Trời, Phật, Người với chúng-sinh đồng;
Cá-thể khác nhau thông-cảm ý,
Không hình chung sao khá cảm-thông ?
Tây-phương (Einstein) thực-tại ngoài ý-thức,
Á-Ðông (Tagore) Ðạo-học bảo rằng không,
Cá-tính ngủ say đều vô-ngã,
Vẫn còn tồn-tại ý-thức chung.
Chú thích:
(38) Conversation between R. Tagore and Prof. A. Einstein at the residence of Kaputh.
July 14-1930 On The Nature of Eality. – (The Religion of Man).
-XXIV-
Khoa-học Tây và Ðạo-học Ðông.
Phương-trâm tuy khác đối-tượng đồng;
Thành-trì vũ-trụ để khắc-phục,
Tây-học bao vây lấy ngoài vòng;
Ðạo-học chủ-trương đi vào thẳng,
Bắt giặc trước hết tiên cầm Vương, (39)
Trí-thức phân Tri-Hành hai ngả;
Tâm-linh hợp-nhất và dung-thông.
Chú thích:
(39) Cầm tặc tiên cầm vương (Vương-Dương-Minh)
-XXV-
Văn-hóa Tây lưỡng-tính nhị-nguyên,
Duy-tâm, duy-vật chống-đối liền.
Tri-hành, năng-sở chia đôi ngả;
Ðối-lập nhân-văn với thiên-nhiên;
Truyền-thống Ðông: Trời, Người nhất-thể;
Lấy ý tình thực hiện tham-thiên;
Hiền-triết Việt-Nam mộng sơn thủy, (40)
Làm nguồn cảm-hứng cho nhân-văn.
Chú thích:
(40) Một đoạn trong bài thơ Ðăng-Hải Vân-Ðài của cụ Trần-Bích-San:
Thảo thụ bán không đê nhật nguyệt,
Càn không trích nhỡn tiểu trần ai.
Van phi sơn thủy vô kỳ khí,
Nhân bất phong sương vị lão tài.
-XXVI-
Bách-Gia-Chu-Tử trọng nhân-văn,
Chuyên-trị nhân sinh với thiên-nhiên;
Sống chết siêu-hình không giải-pháp;
Duy cầu hưởng-thụ cõi nhân gian.
Thiền-gia Việt cầu tìm giải-thoát;
Cho mình, cho nước, cho nhân-dân.
Biện-chứng Chân-Không vượt mâu-thuẩn;
Ðông, Tây tổng-hợp vào thiên-nhân. (41)
(41) Ðại trượng-phu, Thiên-nhân sư (Huệ Năng).
-XXVII-
Ðông, Tây chia sẻ một tâm-hồn,
Lý trí tâm tình muốn vẹn-toàn;
Hạnh-phúc sống còn họa tình lý.
Không người, Khoa-học cũng không còn.
Ðông, Tây bổ túc là cần thiết,
Tâm, vật tương-tranh phải về nguồn;
Nguồn tại nơi tâm không chủ, khách,
Chủ vô-tâm khách cũng mất luôn. (42)
(42) Thơ Quốc-âm của Nguyễn-Trãi:
Thơ đới tục hiềm câu đới tục.
Chủ vô tâm ấy khách vô tâm.
Trúc thong hiên vắng trong khi ấy,
Nắng mới sơn tăng làm bạn ngâm.
(Ngôn-Chí IV)
-XXVIII-
Việt-Nam đứng giữa Á và Âu
Khu-vực Lĩnh-Nam cõi Giao-Châu;
Ấn-Ðộ, Chi-Na (Indochine) tên mới đặt;
Trống-Ðồng Mộ-Cổ có từ lâu;
Kết-tinh thâu-hóa và sáng tạo;
Sứ-mệnh địa-văn đất Giao-lưu.
Ðã từng hợp sang nên Tam-giáo,
Tâm-linh Ấn với nhân-văn Tầu.
-XXIX-
Cận lai hấp thụ văn-minh Tây,
Tôn-giáo Da-Tô, triết La-Hy;
Khoa-học Duy-vật, các chủ-nghĩa,
Nhân-quyền, Dân-chủ cùng Mác-Lê;
Mỗi đàng đều có chỗ trường đoản,
Tổng hợp sao cho đặng thích-nghi;
Biện-biệt trước phân-minh chủ khách,
Xin đừng vọng ngoại để cuồng-mê.
-XXX-
Mê say cuồng-tín bệnh vô-minh,
Phật dậy từ xưa Đạo Tâm-linh;
Có Giác mới hay đau khổ hết;
Còn mê nhận giặc làm con mình;
Dân Nam vốn có nền Văn-hiến, (43)
Lạc-Việt Trống-Đồng, thần thánh linh,
Chùa cổ Pháp-Vân thờ Trời, Phật,
Đầu tiên tổng-hợp vào tâm-linh.
(43) Trong bài “Bình Ngô Đại-Cáo“ của Nguyễn-Trãi:
“Duy ngã Đại-Việt thực vi văn-hiến chi bang“.
-XXXI-
Đầu tiên Mâu-Tử tại Giao-Châu,
Sinh-trưởng ở trong các tư-trào;
Chư-Tử Bách-Gia phương Bắc xuống,
Lạt-Ma Phật-Giáo Tây Nam vào,
Tinh-thần tổng-hợp các giáo-lý,
Họ Mâu “Lý-hoặc-luận” cao sâu,
“Nhật-Nguyệt tịnh minh các-sở-chiếu“ (44)
Mỗi đàng riêng chiếu khác chi đâu.
(44) Sách Lý-Hoặc-Luận của Mâu-Tử:
“Nhật nguyệt tịnh minh các hữu sở chiếu”.
Trong sách này so-sánh các tôn-giáo Nho, Đạo, Thích, Tiên-đạo v.v...theo tín-ngưỡng đại-đồng ví như các vì sao, mặt-trời, mặt trăng đều sáng, mỗi đàng chiếu sáng riêng của nó.
-XXXII-
Tinh-thần khai-phóng của họ Mâu,
Thích-ứng đại-đồng các tư-trào;
Sĩ Thái-thú “Nam-Giao học-tổ“;
Chủ-trương hợp-nhất các trào-lưu;
Ra ngoài các hệ giáo thực-hiện,
Thiền-học mở đường cho đời sau;
Tì-Ni “Sáng tự lai Nam-quốc”,
Kế đến Vô-Ngôn-Thông tổ Tầu.
-XXXIII-
Tì-Ni (Vinitaruci) Thiền-học biện-chứng Không,
Tuyệt-đối Duy-tâm, Phật-tính đồng;
Phủ-định hết Hình-Danh-Sắc-Tướng (Nama rupa).
Còn mê chấp ngã họ-tên suông!
Pháp-Hiền đắc pháp tập Thiền-định,
Ngồi tựa cành khô, vật ngã vong;
Hổ báo chim muông thân-mật đến,
Đạo cao cảm-hóa, Bắc triều phong. (45)
(45) Lương-Võ-Đế nghe danh ngài Pháp Hiền ở Giao Châu đắc đạo, bèn sai sứ thần đem xuống tặng Ngài 5 hòm sớ để xây tháp ở Giao-Châu và Nghệ-Tĩnh.
-XXXIV-
Nối pháp Tì-Ni Vạn-Hạnh Thiền,
Tinh thần Quốc-học khởi đầu tiên;
Dung-thông Tam-tế sinh-sinh hoá; (46)
Phá chấp Bách-môn nhậm tự-nhiên;
Con đẻ tinh-thần Lý-Thái-Tổ.
Quốc-gia độc-lập chí lâu bền,
Cổ-Pháp quê-hương đất Phật-Tích,
Tinh-hoa nước Việt hiện-sinh-thiền.
(46) Lời Vua Lý-Nhân-Tông truy tán Vạn-Hạnh Thiền-Sư :
Vạn-Hạnh dung tam-tế,
Chân phù cổ sấm ky (cơ.
Hương quan danh Cổ-Pháp
Trụ tích trấn Vương kỳ.
-XXXV-
Hiện-sinh Thiền-học phái Thảo-Đường,
Dung-hòa Thiện, Tịnh lý tình-thương;
Nhân-duyên thôn-nữ cùng thiên-tử,
Giấc mộng Quan-Âm Phật hiển dương;
Một Cột Hoa Sen Chùa hiện đó,
Không hai biện-pháp vượt đôi đường;
Nhân-Từ chính-sách nhất triều Lý,
Oanh-liệt danh vang Nam Bắc Phương.
-XXXVI-
Lý triều thịnh-hành Thiền Mật-tông,
Thời-kỳ mạt-pháp dùng thần thông,
Thiền-Sư Giác-Hải tâm như hải, (47)
Đạo-sĩ Thông-Huyền phép cực thông,
Thoát xác đầu-thai Từ-Đạo-Hạnh.
Phi hành rút đất Nguyễn-Minh-Không.
Rằng không rằng Có như trăng nước,
“Nguyệt chiếu vạn suyên” ấy Thiền-tông. (48)
(47) Tăng Giác-Hải và Thông-Huyền:
Giác-Hải tâm như hải,
Thông-Huyền đạo hựu huyền
Thân thông kiêm biến hóa.
Nhất Phật nhất Thần Tiên.
(48) Khẩu đầu của Thiền-Tông:
Nguyệt chiếu vạn xuyên ngụ ý Đồng quy nhi thù đồ.
-XXXVII-
Kiền khôn tận thị mao đầu thượng,
Nhật nguyệt bao-hàm giới tử trung, (49)
Hạt cải bao-hàm bầu nhật nguyệt,
Kiền-khôn hết thảy trên đầu lông;
Thực-tại tối-cao nhiều mà một,
To-cùng nhỏ-cực, bản-thể đồng; (50)
Nhà Vua bên Phật, bên Tiên đạo,
Giáo-lý sai nhau tương bổ sung.
(49) Tăng-thống Khánh-Hỷ triều Lý có bài thơ khuyên người tìm đạo:
Đương sinh hưu vấn sắc kiêm không.
Học đạo vô qua phỏng tổ tông,
Thiên ngoại mịch tâm nan định thể,
Nhân gian thực quế khởi thành tùng.
Càn không tận thị mao đầu thượng,
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung,
Đại dụng hiện tiền quyền tại thủ,
Thùy tri phàm thánh dữ Tây Đông.
(50) Ngài Từ-Đạo-Hạnh có bài kệ:
Trước hữu sa trần hữu,
Vi không vạn pháp không.
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật trước thị không không.
Cửu-Chỉ Thiền-sư viết:
Khổng Mặc chấp hữu, Trang Lão nhược vô.
Thế tục chi điển phi giải thoát pháp.
Duy hữu Phật-giáo bất hử hữu vô khả liễu sinh tử.
(Đại Nam Thiền-Uyển truyền-đăng)
Nghĩa là:
Học thuyết của Khổng Mặc chủ-thuyết cho xã-hội là có thật,
học thuyết của họ Trang, họ Lão lại cho là không có thật,
Kinh sách của thế-gian không phải là pháp giải-thoát cho con người,
chỉ có Phật-giáo không nhận có hay không, có khả-năng thấu suốt lẽ sống-chết.
-XXXVIII-
Tự-minh Tam-giáo cơ-bản chung,
Sai nhau thứ-tự ở thành-công.
Nho-gia muốn sáng cả thiên-hạ. (52)
Lão-Tử tự-tri mới thỏa lòng;
Hợp-nhất cả ba đủ toàn-diện;
Nhân-quần, cá-thể đại-hòa-đồng;
Nhân-sinh hạnh-phúc đòi tín-ngưỡng, (53)
Tôn-giáo Tâm-linh vượt Có, Không!
Sách Đại-Học của Nho-Giáo:
Đại-học chi đạo tại Minh-đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện.
Cố chỉ dục Minh-đức ư thiên hạ
Nghĩa là :
Cái đạo học làm một bậc quân-tử ở tại việc làm sáng cái đức sáng của bản-lai của tính Trời phú-bẩm, ở tại thân yêu nhân-dân, ở tại lấy chí thiện làm mục-đích.
Người xưa muốn làm sáng đức sáng ra thiên-hạ, thế-giới, nhân-loại.
(53) Khổng-Tử viết: «Vô tín bất lập» (Luận ngữ)
Nghĩa là: Người không có lập tín ngưỡng thì lập trường không vững.
-XXXIX-
Thực-hiện Tâm-linh là đạo Thiền.
« Tâm quan tâm », tâm-thể siêu-nhiên
Trong đời ai múa, ai xem múa;
Một tính phân hai chủ, khách biên.
Múa hát bầy trò con Tạo-hóa.
Nhân-sinh nghệ-thuật mới thần-tiên.
Đông-phương đạo-học Tri, Hiếu, Lạc.
Chẳng phải lợi danh mà Thánh Hiền.
-XXXX-
Thánh-Hiền Tam-Giáo không phải danh,
Mà là khai-triển cái Tâm Thành;
Thành là sự-vật chỉ chung thủy.
Nhất thiết giai do tâm tạo sinh.
Đạo tự Thành, “Bất Thành vô vật”.
Cho hay sáng-thế tự-thành-minh.
Thành-Hiền biến-đổi hóa thiên-hạ.
Này hội Long-Hoa lúc đại-thành. (54)
(54-55) Hội Long-Hoa và Phật-tri-kiến xem ở Kinh Pháp-Hoa.
-XXXXI-
Long-hoa đại-hội tại trần-gian,
Địa-ngục đi sang cảnh Niết-bàn;
Ảo-hóa trong mê, thừng hóa rắn,
Mộng rồi bừng tỉnh thấy tiêu-tan;
Vô-minh phân cách Nhân và Ngã,
Giác-ngộ mới hay Bất-Nhị-Quan;
Tự-tính tối cao, Phật tri kiến, (55)
Trần-gian khổ ách bởi mê-man.
-XXXXII-
Mê-man bào-ảnh phận nổi chìm,
Khổ hải bầy ra bể Đông-Nam; (56)
Phụ-tử, vợ chồng tan tác lạc;
Anh em bằng hữu đoạn tình thâm;
Giao tranh quyền lợi vong nhân-nghĩa.
Hợp-tác bán mua thỏa bụng tham;
Mạt-pháp tìm vào tam-hiểm ẩn, (57)
Thiên-thời, Địa-lợi, hòa nhân Tâm.
(56-57) Trạng Trình có lời sấm:
Bể Đông-Nam là nơi khổ ải.
Tránh cho mau kẻo phải binh đao,
Chim bằng cất cánh bay cao.
Tìm nơi tam-hiểm mới hầu yên thân.
Ta hồ vô phụ vô quân,
Đào-viên tán lạc ngu dân thủ thành.
(Nguyễn-Bỉnh-Khiêm)
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...