lịch sử việt nam

Trang Chính

...

Biển Cả Và Con Người

...

Bưu Hoa Việt Nam

...

Dòng Thơ

...

Địa Linh Nhân Kiệt Của Việt Nam

...

Điện Toán - Tin Học

...

Hịch Tướng Sĩ

...

Hình Ảnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

...

History Of Viet Nam

...

Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam

...

Hồ Sơ Chủ Quyền Của Quốc Gia Dân Tộc Việt Nam

...

Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa

...

Nguyên Tử Của Việt Nam Và Quốc Tế

...

Tin Tức Thời Sự Việt Nam

...

Tư Tưởng Phật Giáo

...

Sitemap

...

Trang Thơ Văn nguyễn duy ân

...

Trang Thơ Văn Ông Bút

...

Trang Thơ Văn Đặng Quang Chính

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Quang Duy

...

Trang Thơ Văn Trần Văn Giang

...

Trang Thơ Văn Lu Hà

...

Trang Thơ Văn Đông Hải Nguyễn Đức Hiền

...

Trang Thơ Văn Dạ Lệ Huỳnh

...

Thư Tín

...

Weblinks:

 

Lá Thư Úc Châu

Lá Thư Úc Châu 06/06/2012

châu úc, úc đại lợi

Chúc Thân hữu luôn An Vui

Trang Thơ Nhạc điện tử Wednesday 6 June 2012

Nhạc:

Ai Ra Xứ Huế
Nhạc: Duy Khánh
Giọng hát: Ngọc Hạ & Quang Lê

Bài đọc:

(I) Văn Hóa giữa 2 lằn đạn:
Một người Mỹ gốc Việt (Nam Mô A-Me-Ri-Ca)
Yên Hà (Thế Hệ Bánh Mì Kẹp)

(II) Thơ viết về Huế
Thu Bồn (Tạm Biệt Huế)
T.K. (Có Răng...Rồi Mới Rứa)
Nhã Ca (Tiếng Chuông Thiên Mụ)
Luân Hoán (Gặp Một Người Nghi Rất Huế)
Tô Kiều Ngân (Thơ Về Huế)

Tình thân,
Kính.
NNS

***

Nam Mô A-Mê-Ri-Ca
một người mỹ gốc việt

Tôi làm cho chương trình Bảo Vệ Thanh Thiếu Niên (C.P.S.) đã hơn 15 năm. Đây là một chương trình có mạng lưới rộng rãi, phục vụ suốt ngày đêm tại các thành phố trên toàn nước Mỹ. Tôi ở trong đội Ứng phó Khẩn cấp (Emergency Response). Còn nhớ hơn mười năm trước, sau 3 năm làm việc an toàn, trôi chảy, khi đọc tạp chí Forbes nói về các nghề nghiệp "sinh tử" nhất của Mỹ, tờ báo nầy nói lên một nhận định làm tôi hoảng hồn: "Ở Mỹ có hai nghề dân sự bị áp lực ngoại cảnh xã hội nặng nề nhất vì có thể gây chết người bất cứ lúc nào nếu thiếu sự cẩn trọng nghề nghiệp, đó là nghề Điều hành Không lưu (Air Controller) và nghề Bảo Vệ Trẻ Em, đội Ứng phó Khẩn cấp" – mà tôi đang làm. Nghề không lưu mà lơ đãng theo dõi chuyến bay để phân định không chuẩn xác thì máy bay đụng nhau. Nghề bảo vệ thiếu niên, con trẻ mà không giải quyết vấn đề kịp thời thì có hại cho trẻ em bởi người nuôi nấng.

Hôm đó, tới phiên tôi trực. Theo quy định, mỗi nhân viên trực có trách nhiệm thụ lý tối đa là 2 hồ sơ trong suốt một ngày trực. Dù hôm nay mới 2 giờ chiều, nhưng tôi đã được phân công làm việc với hai trường hợp khẩn cấp rồi. Theo nguyên tắc chuyên ngành thì kể như xong nợ trong ngày. Thế mà khi đang ung dung ngồi mơ mộng một chút trên chiếc máy vi tính, gã quản lý chương trình lại lên tiếng gọi tôi, hỏi:

- Nầy, cậu có thể nhận thêm một "case" (thụ lý một hồ sơ) nữa không? Cậu sẽ được trả thêm tiền phụ trội ngoài giờ tối đa đó nha.

Từ sáng sớm, nhận sự phân công lần thứ nhất, rồi lần thứ hai ngay trong giờ ăn trưa, tôi đã mất hơn nửa ngày để lái xe đi gần cả trăm cây số, điều tra qua lại nhiều nhân chứng và liên lạc, phân tích hồ sơ về các trường hợp "trẻ con bị hành hạ" ngay tại nhà ở và trường học của nạn nhân. Tôi mệt nhoài, còn hơi sức đâu mà làm phu trội. Nhìn đống hồ sơ giấy tờ dày cộm khô khan như gạch ngói của hai hồ sơ mà tôi đã nhận đang nằm chờ hoàn tất thủ tục trước mắt. Nay tay quản lý nầy lại "lì lợm" gạ gẫm tôi nhận thêm một hồ sơ nữa làm tôi nổi cáu trả lời gắt gỏng "Shut up! – Im đi!", thế mà hắn vẫn chưa chịu buông tha tôi.

Tiếng Nick, gã quản lý, vẫn dè dặt và ôn tồn vang lên từ bên kia đầu dây điện thoại:

-Thế cậu không muốn giúp "người của cậu" à?

Nghe hai tiếng "your people – người của cậu…" tôi hơi chột dạ, hỏi gằn lại:

-Này Nick, nói cho rõ ràng, Người của tôi là ai vậy?

Tiếng Nick phát âm lơ lớ trong máy:

- Nu-yen Ven Tot! Có phải là tên người Việt Nam không?

Tôi không làm lơ được nữa. Hỏi kỹ hơn:

- Ô kê! Nguyễn Văn Tốt đúng là tên người Việt Nam. Nhưng can tội gì vậy?

Nick đáp:

- Sexual abuse – xâm phạm tình dục – với trẻ em dưới 5 tuổi

Tôi thót ruột. Cảm nhận bằng kinh nghiệm nghề nghiệp cho tôi biết vấn đề nghiêm trọng của sự vụ xảy ra. Nhìn đồng hồ, đã hơn 3 giờ chiều. Nếu gặp một hồ sơ rắc rối, làm việc đến nửa đêm chưa chắc đã xong. Sinh sống trên đất Mỹ, hàng chục năm lần lượt trôi qua cứ ngỡ như sông nước Đông Tây đã hòa quyện vào nhau không còn biên giới. Nhưng lai lịch Việt Nam bỗng đâu dội tới như tiếng gọi cội nguồn đánh động lòng người. Không hỏi thêm lời nào, tôi đồng ý nhận làm việc cho một trường hợp người Việt đang gặp nạn. Bên kia, tiếng Nick reo lên như được thắng một ván bài tâm lý: "Hề hề! Ta biết là cậu không từ chối được 'ca' nầy đâu."

Tôi nhận hồ sơ báo cáo. Đọc lướt qua hồ sơ: Người báo cáo là tổ hợp luật sư của cha mẹ nạn nhân. Bị cáo là một người đàn ông Việt Nam 62 tuổi, không nói được tiếng Anh, chưa có tiền án. Nạn nhân là một thằng bé Mỹ trắng, thiếu một tháng đầy năm tuổi. Nó học mầm non mẫu giáo buổi sáng, buổi chiều được gởi trẻ tại nhà riêng của người đàn ông bị cáo vì cha mẹ bận làm việc toàn thời gian. Nội vụ tóm tắt là: Người đàn ông Việt 62 tuổi tên Nguyễn Văn Tốt, cư ngụ tại Mỹ chưa tới ba năm, đã nhiều lần có hành động xâm phạm tình dục với thằng bé da trắng và hai đứa cháu của ông ta bằng cách dùng dao dọa giết nếu các nạn nhân không nghe theo lời dụ dỗ liên quan đến chuyện thỏa mãn dục tính của ông ta.

Nếu bị cáo không chứng minh được sự vô tội của mình và bị hệ thống tòa án và luật sư Mỹ chằng chịt như rừng ở xứ Cờ Hoa nầy đưa đến phán quyết rằng: "Có tội – Guilty" thì bản án tù tội sẽ nghiêm trọng không lường hết được.

Theo thủ tục quy định, người thụ lý hồ sơ phải trực tiếp tìm gặp ngay nạn nhân riêng rẽ để tiến hành điều tra nội vụ. Tôi đến nhà trẻ Honey Child Care đang giữ Dany từ sau ngày nó bị "xâm phạm tình dục" để trực tiếp quan sát và phỏng vấn theo yêu cầu nghề nghiệp.

Khi vừa đến nơi, tôi đã thấy cha mẹ của Dany có mặt ngoài phòng đợi. Tôi chỉ chào qua loa và yêu cầu ban giám đốc cho tôi gặp cháu bé tại phòng riêng của nhà trường. Cha mẹ nạn nhân yêu cầu được có mặt trong lúc tôi phỏng vấn trực tiếp với Dany tại phòng riêng, tôi từ chối. Theo luật, đứa bé có thể yêu cầu thầy giáo hay nhân viên nhà trường hiện diện trong cuộc phỏng vấn, nhưng chỉ dự thính chứ không được hỏi nạn nhân; thân nhân không được quyền có mặt. Bị từ chối, thế mà cha mẹ bé Dany vẫn tiến tới xen vào việc tiến hành điều tra đang diễn ra. Tôi cố tránh, nhưng người cha đã đến chận trước lối vào phòng nói một cách tha thiết mà lịch sự:

- Thưa ông, tôi xin lỗi. Tôi không có ý xen vào công việc của ông đang tiến hành. Nhưng tôi chỉ muốn làm cho công việc điều tra của ông dễ dàng hơn…

Tôi hỏi nhanh:

-Thưa ông, vậy tôi có thể giúp gì được ông ạ?

Người cha xua tay:

-Không, không, chúng tôi chỉ muốn gởi ông bản dịch tường trình của FBI (Cơ quan Điều Tra Liên Bang) về cuốn băng có thu hình trực tiếp các trường hợp xâm phạm tình dục.

Ngạc nhiên, tôi hỏi nhanh:

-Ai thu hình vậy, thưa ông?

Người cha trả lời càng làm tôi ngạc nhiên hơn:

- Từ máy quay phim tự động đặt trong nhà. Chính con trai của can phạm đã giao nộp cuốn phim.

Tôi tiếp nhận bản dịch ra tiếng Anh và dĩa thu hình sao lại cuốn phim.
Trong phòng thí nghiệm riêng của nhà trường tiểu học mà các cháu nạn nhân đang theo học, tôi phải xem kỹ lại nội dung các sự việc trong cuốn phim trước khi phỏng vấn các nạn nhân.

Những đoạn phim có liên quan đến nội vụ, trước hết là hình ảnh ông già Tốt tắm cho hai thằng cháu nội và thằng bé Dany. Ông kỳ cọ cho cả ba đứa bé trai và mỗi lần đụng đến bộ phận kín riêng của chúng, ông cười đùa hồn nhiên, rồi đưa tay túm lấy "của quý" của mấy thằng cháu để khoác nước lên và rửa ráy kỹ hơn. Có lẽ vì hơi tò mò một chút cái "của Tây" nó khác "của Ta" như thế nào, già Tốt chịu khó bọt nặn thằng bé Dany hơi kỹ hơn một chút và cười hềnh hệch, rồi đem túi khôn truyền khẩu của dân tộc ta ra làm tiêu chuẩn bình luận, rằng: "Hì hì! Dái đen mạnh cọ, dái đỏ mạnh cày. Thằng Mỹ con nầy giống tốt!" Những mẫu hình chuyển qua phần mà cơ quan FBI cho là "nghiêm trọng" vì những dòng văn và đoạn văn dịch in đậm và xiên. Trong hình, ông Tốt cầm một cây dao, làm điệu bộ như chuẩn bị cắt của quý của mấy thằng nhóc, nhất là thằng Dany không chịu làm theo lời ông mà cứ giương mắt ếch ra nhìn. Tiếng ông già Tốt nói rặt giọng Huế thu được trong dĩa lưu phát ra nghe rất rõ:

- Dzu (you) ít (eat) bô cu (beaucoup) thì ô kê. "No" bô cu, thì "no" ô kê. Còn ăn ngã ngớn thì ông cắt phứt chim tụi bay đem ra xào nhậu ba-xi-đế liền...

Liếc nhanh qua bản dịch tiếng Anh, tôi vừa hoa cả mắt vì người dịch chẳng hiểu gì ý người nói; vừa cảm thấy xót xa vì tai bay vạ gió ở đâu ùn ùn kéo tới do ngôn ngữ bất đồng. Người dịch – ký tên bên dưới là Jenny Nguyen – hẳn là một người trẻ thuộc thế hệ người Việt thứ hai trên đất Mỹ, nên dẫu có lưu loát về tiếng Việt đến mấy thì khó mà hiểu được cái "mốt" nói tiếng Anh, tiếng Tây xen lẫn với tiếng Việt như ông Tốt thuộc thế hệ học sinh ngữ Anh, Pháp nhập nhằng trên quê hương một thời đi học. Bởi thế, người dịch đã diễn ra tiếng Anh đại ý: "Làm tình ít bú cu thì tốt. Chẳng bú cu thì không tốt. Ăn xong, nằm ngữa ra để tao cắt chim đem xào uống rượu liền!".

Lời dịch quýnh quáng không những sai lạc mà còn phản lại ý của người nói; cộng thêm với hình ảnh ông già Tốt cầm cây dao lăm lăm hết dọa hai thằng cháu của ông, đến dọa thằng Dany cũng đủ làm cho người Mỹ lên cơn kinh hoàng vì "thủ đoạn gian ác" của tay tội phạm xâm phạm tình dục trẻ con.

Trong một đoạn phim khác, ông già Tốt tắm rửa cho ba thằng con trai. Đứa nào ông cũng kỳ cọ sạch sẽ bộ phận riêng và có khi ông còn vuốt ve nói năng đùa giỡn với cả ba thằng bé. Lại thêm một lần nữa, sự suy diễn rằng, nghi can đã "cố ý va chạm, vuốt ve, xâm phạm bộ phận sinh dục của nạn nhân..." càng làm cho ông già Tốt có khả năng trở thành một thứ "quỷ Râu Xanh" trước mắt giới thẩm quyền và chuyên viên bảo vệ trẻ em, phần lớn suy diễn khá cực đoan khi cần bảo vệ trẻ em bị nạn, trên đất Mỹ.

Nội dung phỏng vấn ba đứa trẻ con chẳng cho thêm dữ kiện nào mới ngoài sự xác định: "Ông ấy rờ tôi chỗ nầy. Ông ấy thọc lét tôi chỗ kia..." như đã thấy trong phim và nghe trong băng thâu.

Bước kế tiếp của cuộc điều tra là đến gặp gia đình ông Tốt. Gặp ông, tôi hơi ngờ ngợ vì so với dáng linh hoạt của ông trong cuốn phim mà tôi vừa coi, trước mắt tôi là một ông già hốc hác, mặt xanh xám, mắt trũng sâu, tóc bạc rối bời bơ phờ. Vâng, nhưng đúng là ông Tốt khi ông lên tiếng:

- Dạ đúng, tôi là Nguyễn Văn Tốt, từ Việt Nam qua Mỹ được hai năm, mười một tháng, bốn ngày...

Nói tới đây, ông Tốt ngồi phịch xuống nền nhà, hai tay ôm đầu, giọng kéo dài run run như vừa rên, vừa nói qua tiếng nấc đầy vẻ uất nghẹn:

"Úi! Cha mẹ ơi là cha mẹ. Tụi hắn nói tui hiếp dâm thằng con nít 5 tuổi. Trời đất lại có chuyện 'mèo đẻ ra trứng, lợn đẻ ra hổ mang' như kiểu đó sao ông hè?! Tui thương thằng nhỏ như sáp cháu nội tui. Tui nói tào lao xị đế để dọa cho hắn ăn cơm cả thấy hắn ốm tòng teo tội nghiệp. Ai ngờ ra nông nỗi nầy. Còn mặt mũi chi mà dám nhìn bà con, thiên hạ nữa. Ui chao! Nhục nhã không chịu nổi thì chắc tui phải uống thuốc chuột mà chết thôi. Ông ơi! Xin ông cứu tui với! Cứu tui với..."

Giọng ông Tốt khàn khàn như tiếng khóc không thành hình. Suốt mười mấy năm thường xuyên đối diện với cảnh kêu oan của những nghi can trong quá nhiều trường hợp tương tự, tưởng lòng tôi sẽ trở thành thản nhiên chai đá. Nhưng tiếng than "mất mặt không dám nhìn bà con thiên hạ" của ông Tốt trên đất Mỹ xa xôi nầy làm tôi xúc động mạnh khi nhớ về quê hương làng xóm. Nơi đó, tiếng chào cao hơn mâm cỗ, ăn miếng giữa làng bằng sàng xó bếp; nơi mà phép vua thua lệ làng của nền văn hóa làng xã vẫn còn đang đậm tình đất cát sau những lũy tre xanh.

Tiếp theo, tôi phải phỏng vấn ông Tốt để thụ lý hồ sơ. Nhưng từ trong cái "chung" sâu thẳm tôi đã chia sẻ trọn vẹn với ông mà chẳng cần phân bua, giải thích. Với một xã hội dân chủ pháp trị như xứ Mỹ nầy thì pháp lý vẫn làm đầu tàu cho đạo lý. Vấn đề còn lại không phải là bày tỏ sự cảm thông và xúc động mà phải làm gì và cứu ông Tốt được bao nhiêu.

Khi chia tay ông Tốt và những người con đều là bác sĩ, kỹ sư... đang nhăn mặt nín thở theo dõi vụ án của cha, tôi chỉ có thể nói được một lời khuyên vắn tắt:

- Ông Tốt và các cháu bình tĩnh. Chỉ xin nhớ cho một điều là luật pháp Mỹ không có từ "thông cảm." Phải đấu tận tình như chơi "football" mới may ra gỡ rối được cho vụ nầy.

Nói cứng để làm cho bố con ông Tốt yên tâm, nhưng tôi vẫn chưa tìm ra cách giải quyết để chứng minh ông Tốt là vô tội khi ông ta thật sự có cầm dao dọa dẫm và trực tiếp rờ mó, đụng chạm vào bộ phận giới tính của nạn nhân.

Tôi mang hồ sơ về tham khảo ý kiến với anh cai Nick của tôi. Anh chàng đã cho tôi một lời cố vấn mạnh như vũ bão rằng:

- Làm sao chứng minh cho được lời cậu bảo rằng, những lời lẽ và hành động của ông Tốt đối với thằng nhóc Dany xảy ra thường xuyên và rất bình thường trong sinh hoạt đời sống văn hóa Việt Nam thì may ra mới có thể thuyết phục được những con diều hâu luật pháp châu Mỹ này.

Vì là một xã hội hợp chủng nên sức mạnh của người Mỹ và luật pháp Mỹ là tôn trọng văn hóa của các dân tộc và xem xét cẩn thận cách hành xử khác nhau của những người xuất thân trong những nền văn hóa khác nhau. Những ngày tiếp theo, tôi đã viết ra thành một tập tài liệu nhỏ nhằm giải thích rõ ràng sự khác nhau giữa hành động nựng nịu – âu yếm bằng lời nói gần gũi và cử chỉ vuốt ve – con trẻ với hành động xâm phạm tình dục trẻ con. Thậm chí, những hành động nựng nịu đó mang tính văn hóa Việt Nam đậm đà mà đôi khi người ngoài không hiểu nổi hay hiểu ngược lại như trường hợp ông Tốt. Bản văn tường trình (statement) viết xong, tôi nhờ các em sinh viên đang học với tôi và các cơ quan xã hội đi xin chữ ký giải bày sự đồng tình hỗ trợ của các bậc cao niên và các nhân sĩ trong cộng Đồng người Việt. Nghe qua nội vụ của ông Tốt, các vị cao niên người Việt đã tỏ ra rất nhiệt tình, sẵn sàng đến tòa án để làm chứng biện minh cho ông Tốt, nếu cần. Một chút tình quê hương và tấm lòng dân tộc biểu tỏ với nhau lúc lâm nguy nơi quê người thật là đẹp và đầy xúc động.

Phiên tòa luận tội ông Tốt được xử tại tòa Thượng Thẩm (Superior Court) địa phương. Từ trên bục đối chứng (testified stand), tôi có thể nhìn thấy vẻ mặt tái xám và căng thẳng cùng cực của ông Tốt. Bên cạnh đó là các người con trong gia đình ông và những người chứng trong cộng đồng người Việt. Phiên tòa diễn ra một cách êm xuôi đến ngạc nhiên khi công tố viên và các luật sư hai phía chỉ hỏi và tranh biện chiếu lệ, nghe nhiều hơn nói. Cách ứng xử với trẻ con trong khung cảnh văn hóa Việt Nam đã gây sự quan tâm thú vị hơn là thắc mắc đôi chối, tranh luận.

Cho đến khi thư ký tòa án đọc phán quyết "trắng án – not guilty!" cho vụ án thì ông Tốt trông có vẻ như thản nhiên và đang đắm mình trong một trạng thái mộng du nào đó. Miệng ông mấp máy liên tục những tiếng gì không rõ. Trước khi chia tay ở hành lang tòa án, tôi lại gần, hỏi ông đang muốn nói điều gì. Ông thì thào:

-Nam mô Phật. Nam mô A-me-ri-ca!

-...?!

Sau đó, khi đã quay lại với sinh hoạt đời thường, ông Tốt giải thích:

- Tôi cầu nguyện mà. "Nam mô" là tiếng tôn xưng. Tôi tin là cái đất nước châu Mỹ – A-me-ri-ca – này cũng có các đấng thiêng liêng như Trời, như Phật cứu giúp kẻ hiền lương gặp nạn.

Lần đầu, tôi bắt gặp một nét cười tươi trên gương mặt của ông Tốt. Tâm linh không xuất hiện như mặt hàng quảng cáo, nhưng vẫn thường hằng có mặt ở một góc khuất nào đó cao viễn nhất giữa cuộc đời thường.

Một người Mỹ gốc Việt

(Nhận từ: Hanh Nguyen)
(Source: luanhoan.net)

Yên Hà

Thế-hệ bánh mì kẹp

Tôi ra đời giữa hai cuộc chiến, giữa một trăm năm đô-hộ giặc Tây và hai mươi năm nội-chiến từng ngày. Sau đó, tôi được đi du-học và tôi đã sống “vô tư lự” bên trời Âu sung-túc trong khi khói lửa vẫn ngập trời nơi quê nhà.

boat people

Giờ đây, bom đạn đã ngừng tiếng nhưng một lần nữa, gia-đình tôi đã phải cuốn gói rời bỏ quê-hương và mấy triệu người Việt-Nam bỗng nhiên phải sống tản mác trên toàn thế-giới như những cây bị bật rễ, ở những chốn dung-thân như Mỹ, Gia-Nã-Đại, Pháp, Úc…

Phần mất mát vần còn đó, nguyên vẹn, ít ra đối với bố mẹ chúng tôi và chúng tôi, thế-hệ đầu của những người di-dân. Một thế-hệ “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”, lơ lửng giữa không-gian quê hương, chơi vơi giữa thời-gian thế-hệ, lạc lõng trong tâm-tư văn hoá. 

Một thế-hệ “bánh mì kẹp”.

Kẹp giữa hai quê-hương

trái đất

Những người di-dân này, ngày hôm nay mang sổ thông-hành Mỹ, Pháp, Úc… nhưng vẫn chỉ là Mỹ (Pháp, Úc…) giấy, phần đông tiếng Mỹ (Pháp, Úc…) vẫn còn ba-xí ba-tú, miệng vẫn hôi mùi nước mắm chứ không hôi hamburger hay camembert, vẫn không có bạn bè Mỹ (Pháp, Úc…) mà chỉ sống quanh-quẩn với nhau, tụ-tập nơi những thương-xá, chợ búa Á-Đông, hay rủ nhau “party”, ăn uống, karaoke với nhau.

Những người Mỹ (Pháp, Úc…) gốc Việt này đã đi tìm một nơi nương-tựa để sống “tạm-bợ” nơi xứ người mà trong thâm-tâm còn cố tưởng-tượng như mình đang sống ở quê nhà, và lúc nào có dịp, có phương-tiện là lại vù về Việt-Nam, một số để “hưởng-thụ”, nhưng phần lớn vẫn vì nhớ nhà.

Tôi không nhớ ai đã có nói:

“Ma patrie, c’est là où je suis heureux”
(Quê-hương tôi là nơi chốn nào tôi sống hạnh-phúc)

cái cây

Tôi muốn tin ông lắm, tôi cũng muốn tự an-ủi mình lắm, nhưng tiếng gọi của cội-nguồn réo rắt lắm, ông ơi. Tôi cứ ngỡ quê-hương là nơi chôn nhau, cắt rốn, là nguồn, là cội, là gốc, là rễ cơ mà ?

Ở hải-ngoại, đương-nhiên chúng tôi được tự-do, phần đông được ăn sung, mặc sướng, đủ tiền mua nhà, chăm lo cho con cái ăn học, đi shopping hay du-ngoạn đây đó… Đời sống này, nhiều đồng-bào ta nơi quê nhà mong mỏi có được, và tôi thừa hiểu chúng tôi « hạnh phúc » hơn rất nhiều người lắm. Tôi không dám than thân, trách phận hay phân-bì với ai cả, chẳng qua nơi đây, tôi chỉ nói lên tâm-sự u-uẩn những người tha-hương chúng tôi mà thôi.

Nhất là trong trường-hợp tôi, hiện đang mang hai quốc-tịch Pháp và Mỹ, sống bên Mỹ nhưng tim vẫn còn « vọng Nam », tâm vẫn còn hướng về Pháp, đôi khi vẫn nhớ về khung trời Bỉ Quốc. Những nơi tôi đã sống, làm sao tôi có thể xóa quên được ?

Quê-hương như người mẹ đã bụng đau, dạ chửa cho tôi ra đời, nuôi-nấng, dậy-dỗ tôi nên người, và quê-hương thứ hai, thứ ba là những bà mẹ đã mở rộng vòng tay, đón-nhận tôi khi tôi không còn chỗ đứng dưới ánh mặt trời.

Ơn-nghĩa này, chúng tôi không quên (từ ngày sang Mỹ, năm 1975, bố mẹ tôi năm nào cũng gửi chút quà giáng-sinh cho gia-đình ông sĩ-quan Mỹ đã giúp nhà tôi sang Mỹ, và sau khi bố tôi mất, mẹ tôi vẫn tiếp-tục gửi, mặc dù người ân-nhân này đã mấy lần đề-nghị nên thôi gửi quà).

Tôi cảm quí những bà « mẹ nuôi » lắm, tôi lại càng xót-thương Mẹ Việt-Nam, quê-hương đau-khổ. Ôi, quê-hương tôi đâu ? Mỹ, Pháp, Úc… ? Hay vẫn là Việt-Nam muôn thuở ?

Kẹp giữa hai nền Văn-hoá

Ngày hôm nay, tôi đã lục-tuần nhưng tôi đã chỉ được sống ở quê nhà có mười tám năm. (Tôi đã mất mát quá nhiều rồi.)

paris

Bao nhiêu năm tháng sống bên Pháp, bên Bỉ, đã rèn đúc tôi với một lối suy-luận, một cách ăn nói, một cách cư-xử xã-giao, một nền văn-hoá mà tôi hãnh-diện mang bên cạnh văn-hoá của mình, Qua bao năm tháng đó, tiếng Pháp đã dần-dà trở thành tiếng tôi thông-dụng nhất, ngay cả để diễn-tả những tâm-trạng sâu-thẳm nhất của mình.

Tuy nhiên, bao nhiêu năm tháng đó chỉ có thể thấm vào cái vỏ bên ngoài, chỉ có thể thay đổi hình-dạng và cử-chỉ của tôi, chỉ có thể tạo nơi tôi những sở-thích ăn mặc, đi đứng, nói chuyện, chỉ có thể tạc lên cái “Tôi” bên ngoài.

Tất cả những năm tháng đó không hề thay đổi nước da hay sắc tóc tôi (tóc tôi chỉ có thể bạc trắng với thời-gian), không hề lay-chuyển âm-điệu tiếng mẹ đẻ của tôi, không hề làm suy-sút kho-tàng văn-hoá tổ-tiên tôi hay nền giáo-dục bố mẹ tôi.

Nước Pháp đã ban thêm cho tôi một nền văn-hoá, nhưng không hề thay-thế nền văn-hoá của tôi.

Nhưng có lẽ đó cũng là nỗi khổ-tâm của tôi, nỗi khổ-tâm của những người di-dân trong thế-hệ đầu? Cây cối làm sao sống thiếu gốc rễ? Con người ta làm sao sống thiếu cội nguồn? Làm sao tôi có thể vui sướng bên ngoài khi bên trong trống vắng?

Tôi có thể thích pot-au-feu hay bouillabaisse nhưng bao giờ tôi cũng vẫn thèm một tô phở đặc-biệt, tái-nạm-gầu-gân-sách-sụn.

Tôi có thể mê một chai Saint Emilion hay một chai Volnay nhưng tôi vẫn nhớ hương-vị mấy chai la-ve “33” của “Brasseries et Glacières d’Indochine” (BGI).

Tôi có thể viết tiếng Pháp giỏi hơn người Pháp trung-bình, nhưng tim tôi bao giờ cũng rung-động khi tôi được đánh dấu hỏi, dấu ngã.

Tôi có thể thích xem phim “action” Mỹ hay nghe Claude Barzotti hát nhưng tôi vẫn thích xem phim bộ… Đại-Hàn (Việt-Nam tôi làm gì có phim hay?), nhưng tôi vẫn thấy thấm-thía hơn khi tôi nghe nhạc Việt, tôi vẫn truyền-cảm hơn khi hát tiếng Việt.

Tôi có thể ngoảnh lại nhìn một cô đầm tóc vàng, mắt xanh nhưng tôi chỉ có thể hạnh-phúc với người đàn bà gọi tôi bằng “Mình ơi!”.

đi cày, con trâu

Chỉ vì đó là văn-hoá dân-tộc nằm trong máu, trong xương-tủy tôi, vì đó là giáo-dục bố mẹ, ông bà tôi đã truyền lại cho tôi, vì đó là vết-tích của mấy ngàn năm lịch-sử. 

Chỉ vì tôi là người Việt-Nam.
Kẹp giữa hai nền văn-hoá.

Kẹp giữa hai thế-hệ

Bố mẹ chúng chúng tôi và chúng tôi cùng một làn sóng di-cư (cho dù trong số chúng tôi có những người đã đi trước) nhưng hai điều khổ-tâm cũng có điều khác-biệt.

Quả thật vậy, chúng tôi vẫn cùng một nền văn-hoá với bố mẹ, cùng một nền giáo-dục do cha ông truyền lại. Bố mẹ chúng tôi vẫn được sống với chúng tôi như lúc còn ở Việt-Nam, với nền-tảng Phật-Lão-Khổng, cùng một nhân-sinh quan, cùng một đạo làm người. Chúng tôi vẫn nói tiếng Việt với bố mẹ, tiếp-tục yêu thương, kính-nể bố mẹ, để tiếp-tục lưu-truyền phong-tục, tập quán.

Trong khi chúng tôi giờ bắt-buộc phải chấp-nhận văn-hoá con cháu chúng tôi như một văn-hoá ít nhiều là ngoại-Việt.

nước mỹ, americain, citizenship

Vì sự lưu-truyền đó sẽ gián-đoạn từ đây. Con cái chúng tôi đã bắt-đầu nói một thứ tiếng khác và những điều chúng tôi cố-gắng răn-dậy con cái khó lọt qua được màng-lưới thế-giới bên ngoài.

Tôi đã được chứng-kiến một cảnh-tượng mà tôi không bao giờ quên được. Hôm đó, một người bạn có tổ-chức một buổi tiệc họp mặt với hơn sáu mươi bạn hữu để ăn uống, hát hò, nhẩy đầm.

Về khuya, chúng tôi tạm ngưng chương-trình để ăn một bát cháo gà cho ấm bụng và lấy sức chơi tiếp. Lúc đó, đứa con trai chủ nhà từ trên lầu đi xuống với mấy đứa bạn, bật máy truyền-hình lên và nằm xem, ngay giữa sàn nhẩy. Chúng tôi đã bị “chiếm đất” và đợi một lúc, không thấy tình-hình biến-chuyển, quan-khách lần-lượt xin kiếu-từ.

Tôi á-khẩu. Làm sao tôi có thể tưởng-tượng được cảnh này, với nền giáo-dục của tôi? Hôm đó, tôi đã chợt hiểu nền “độc-tài” của con trẻ trong cái quốc-gia tự-do nhất thế-giới này. Nhưng điều tôi phân-vân nhất là trong tình-trạng đó, hai vị chủ nhà, nghĩa là bố mẹ cậu trai trẻ đó, không hề lên tiếng can-thiệp, hầu như làm ngơ, không nhìn thấy điều gì cả.

Trong khi tôi, đầu đã bạc phơ mà mỗi lần sang thăm nhà, Mẹ bảo tôi cạo râu hay đi cắt tóc là tôi vui vẻ làm ngay, chỉ để vâng lời Mẹ, để cho Mẹ vui. Ngược lại, bên Mỹ này, con gái mới mười lăm tuổi đã đánh mắt, thoa son đi học, bố mẹ nói gì được khi trong trường, bạn bè chung quanh đều như vậy, vả lại có thầy bà nào cấm cản đâu? Bên này, con cháu đi xâm mình (tattoo) hay đục vòng sắt vào môi, vào mắt (piercing) thì bố mẹ nào, ông bà nào ngăn cản được?

Nhà chúng tôi lúc trước không giầu có gì nên không bao giờ dám phí-phạm bất cứ gì, ăn cơm phải vét sạch từng hạt, trong khi con trẻ bên này lấy cho đầy đĩa nhưng không ngần-ngại đổ tuốt nửa đĩa thức ăn khi chúng cảm thấy no.

hai ban tay

Tôi đã tận mắt thấy những bố mẹ phải khóc tức-tưởi khi bị lũ con xúm vào “mắng”. Ngày nay, bố mẹ nào dám đánh con mà không sợ chúng nó gọi “911”?

“Trời làm một trận lăng-nhăng, ông hoá ra thằng, thằng hoá ra ông”. Ngày nay, thế-giới đảo lộn và chúng tôi đi lộn đầu, để con cái trèo đầu, trèo cổ thôi.

Lúc trước còn ở bên Pháp, tôi vẫn cố gắng mỗi năm lấy máy bay sang thăm bố mẹ, và giờ đây sống bên Mỹ, tôi vẫn đi thăm Mẹ (vì không cùng tiểu bang) và ngoài ra, còn phải đi Pháp thăm con.

Hoá ra, chúng tôi ở trên thì lo cho bố mẹ, ở dưới thì lo cho con cái (ở bất cứ tuổi nào); ở trên thì bị bố mẹ mắng, ở dưới thì bị con trách !?!

Kẹp giữa hai thế-hệ.

Xung-đột cả thế-hệ lẫn văn-hoá

Nói như vậy không phải để trách mắng con cái. Đâu phải do lỗi chúng nó nếu chúng nó không nói được tiếng mẹ đẻ? Đâu phải do lỗi chúng nó nếu chúng nó sinh sống tại hải-ngoại? Đâu phải do lỗi chúng nó nếu chúng nó hoà mình với môi-trường bên ngoài nhiều hơn là với môi-trường gia-đình (nhất là trong cái tuổi thành-niên này)?

we ara america

Tôi đã có nghe những đứa trẻ nói với bố mẹ: “Bố mẹ đừng trông mong chúng con trở thành người Việt. Văn-hoá của bố mẹ không phải là văn-hoá của chúng con. Chúng con là người Mỹ!” Phũ-phàng thay, đau lòng thay, nhưng chúng nó làm sao hiểu được văn-hoá chúng ta khi chúng nó sống trong một thế-giới mà nền-tảng là “tự-do” và “đồng đô-la”? Làm sao chúng nó có thể nghe lời bố mẹ trong khi sự-thật bên ngoài hầu như khác hẳn?

Có lẽ chính chúng nó có lý. Bổn-phận cha mẹ là giúp con cái thành công cuộc đời chúng nó chứ không phải cuộc đời cha mẹ, giúp chúng nó thành-công ngoài đời, trong môi-trường chúng nó đang sống chứ không phải môi-trường bố mẹ chúng đã sống. Sống ở đâu mà không theo văn-hoá nơi đó thì chỉ có thất bại, mà đâu có cha mẹ nào muốn con mình thất-bại khi ra đời, cho nên đành ngậm cay, nuốt đắng mà thôi.

Đây không phải chỉ là vấn-đề xung-đột thế-hệ (thời-điểm nào chả có vấn-đề này, cho dù không “gây cấn” như vậy), mà còn rắc-rối thêm vấn-đề xung-đột văn-hoá nữa. Làm sao bố mẹ và con cái có thể hiểu nhau và chấp-nhận nhau khi đôi bên không cùng một nền-tảng, cùng những đặc-quan, cùng một nhân-sinh-quan?

Nỗi buồn u-uẩn

Dĩ nhiên tôi không dám vơ đũa cả nắm, không dám nói gia-đình Việt-Nam bên hải-ngoại nào cũng như trên, nhưng có lẽ phần đông là như thế (?)

Nói lên vài điểm cho dễ hiểu, nhưng vấn-đề không giản-dị như vậy và tôi không có khả-năng phân-tích nhiều hơn.

Dù sao đi nữa, đây cũng chỉ là nỗi buồn u-uẩn, ám ảnh tôi từ bao lâu nay, trong mối liên-hệ với tâm-hồn, với văn-hoá, với gốc rễ của mình.
Tôi không tức-giận, không chua chát. Tôi chỉ cảm thấy buồn, tôi không luyến-tiếc quá-khứ, chỉ là tôi cảm thấy buồn.

Vướng mắc giữa hai quê-hương, giữa hai nền văn-hoá, giữa hai thế-hệ, chúng tôi là một thế-hệ "bánh mì kẹp” (đôi khi còn là “bánh bao” nữa). Ngoảnh nhìn lại chỉ còn kỷ-niệm, nhìn về đàng trước thì tương-lai đã bít kín.

bánh mì kẹp thịt

Nhưng thôi, đã biết là mình vướng mắc, là mình “chấp ngã” (như lời Phật dậy) thì chỉ còn có nước “phá chấp”, nghĩa là “buông”, là chấp-nhận.

Vả lại, cha mẹ chúng tôi không có vấn-đề này, con cháu chúng tôi không có vấn-đề này, chỉ có chúng tôi mới có vấn-đề này. Ngày nào cái thế-hệ chúng tôi đi hết rồi thì vấn-đề này sẽ không còn ai bàn đến nữa.

Chúng tôi chỉ là một giai-đoạn chuyển-tiếp, một thế-hệ bị mất mát, bị hy-sinh để dân-tộc di-dân chúng tôi có thể lật qua một trang sử mới.  

Để đời sau, con cháu chúng tôi có hy-vọng thành-công trên đất người, đi tiếp con đường mà chúng tôi đã không đi hết.

Được như vậy, chúng tôi cũng sẽ mãn-nguyện lắm rồi.

Xin cảm-ơn Trời Phật, xin cảm-ơn phúc-đức ông bà.

(Tháng 3-2012)

Thơ:

(Thơ viết cho Huế)

Thu Bồn

Tạm biệt Huế

Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ
Chén ngọc giờ chìm đáy sông sâu
Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng
Mặt trời vàng và mắt em nâu

Xin chào Huế một lần anh đến
Ðể ngàn lần anh nhớ trong mơ
Em rất thực nắng thì mờ ảo
Xin đừng lầm em với cố đô

Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy
Nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền
Nón rất Huế nhưng đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng

Nhịp cầu cong và con đường thẳng
Một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

Tạm biệt Huế với em là tiễn biệt
Hải Vân ơi xin người dừng tắt ngọn sao khuya
Tạm biệt nhé chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hóa đá phía bên kia

***

T.K.

Có răng...rồi mới rứa

Người ở mô răng mà kỳ dữ rứa

Giờ ra chơi, cứ ngó miết người ta

Và reo lên khi thoáng thấy đi qua

Tụi bạn tưởng, "có răng rồi mới rứa"


Thôi từ đây không qua bên nớ nữa

Cho anh chàng cứ đứng ở hành lang

Ngâm nga câu, " Hoa cúc áo vàng"

Và tương tự, chàng tập làm thi sĩ


Người ở mô, mà vô duyên rứa hỉ

Trao phong bì rồi hấp tấp bỏ đi

Ờ thương thương, nhớ nhớ làm chi

Về ba mạ biết ri la chết


Mắc cớ chi, theo người ta cho mệt

Người răng mà ưa lẽo đẽo làm đuôi

Lỡ một lần, như rứa cũng vui vui

Nhưng ngày mai, thôi đừng theo nữa hí.

***

Nhã Ca

Tiếng Chuông Thiên Mụ

tôi lớn lên bên này sông Hương
con sông chẻ đời ra những vùng thương nhớ
cây trái Kim Long, sắt thép cầu Bạch Hổ
cửa từ bi vồn vã bước chân sông
mặt nước xanh, trong suốt, tuổi thơ hồng
tháp cổ chuông xưa sông hiền sóng mọn
những đêm tối bao la, những ngày tháng lớn
những sáng chim chiều dế canh gà
tiếng chuông buồn vui dợn thấu trong da
người với chuông như chiều với tối
tôi bỏ nhà ra đi năm mười chín tuổi
đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông
cuối cơn điên đầu giấc ngủ đau buồn
tiếng chuông đến dịu dàng lay tôi dậy
tiếng chuông đến và đi chỉ mình tôi thấy
chỉ mình tôi nhìn thấy tiếng chuông tan
tiếng chuông tan đều như hơi thở anh em
tiếng chuông rời như lệ mẹ hiền
tiếng chuông tan lâu như mưa ngoài phố
tiếng chuông tan dài như đêm không ngủ
tiếng chuông tan tành như tiếng vỡ trong tôi
từ dạo xa chuông khôn lớn giữa đời
đổi họ thay tên viết văn làm báo
cơm áo dạy mồm ăn lơ nói láo
cửa từ bi xưa mất dấu đứa con hư
tháp cổ chuông xưa sông nhỏ sương mù
dòng nước cũ trong mắt nhìn ẩm đục
con đường cũ trong hồn nghe cỏ mọc
chuông cũ giờ đây bằn bặt trong da
tuổi hồng sa chân chết đuối bao giờ
ngày tháng cũ cầm bằng như nước lũ
nhưng sao chiều nay bỗng bàng hoàng nhớ
tiếng chuông xưa bừng sống lại trong tôi
tiếng chuông xưa kìa tuổi dại ta ơi
chuông òa vỡ trong tôi nghìn tiếng nói
những mảnh đồng đen như tiếng cựa mình
những mảnh đồng đen như máu phục sinh
những mảnh đồng đen kề nhau bước tới
tôi thức dậy rồi đây chuông ơi chuông hỡi
tôi thức dậy đây tôi thức dậy rồi
thức dậy thực sự rồi
thức dậy cùng giông bão, thức dậy cùng tan vỡ
thức dậy cùng lịch sử
mẹ hiền ơi thành phố cũ chiều nay
có tiếng chuông nào rơi như lệ trên tay
trên mặt nước trên mặt người mặt lộ
cho con trở về đứng mê sảng ngó

***

Luân Hoán

Gặp Một Người Nghi Rất Huế

có phải em là Công Tằng Tôn Nữ...
vừa liếc qua ta đã nhận ra ngay
đôi mắt Huế hữu duyên vì biết háy
nét đài trang trong dáng nhíu lông mày
vẫn lộng lẫy hai bàn chân líu quíu
giữ cửa đời khép nép vấp lên nhau
áo dài trắng bỏ quên trong thành nội
lúng túng tay hồng ,thừa trước dư sau
ta xin lỗi từng người cùng đợi buýt
tiến lên dần và đứng sát lưng em
áo nỉ xanh khăn len choàng mấy lớp
vẫn ngây ngây mùi da thịt kinh thành
em linh tính hay tình cờ quay lại
ta có lầm không đó hỡi Thừa Thiên
đôi mắt đen ai dạy em háy nguýt
ta bụi đời bỗng chốc mất tự nhiên
môi muốn hỏi, mắt muốn chào, nhưng ngại
em trang nghiêm kiểu cách một thời xưa
quanh quẩn ngó, rồi dòm ta, đánh gía
'thằng cha này sao nhớn nhác khó ưa ?'
đơn giản thế? chớ em không phát giác ?
trong mắt ta trường Quốc Học trang nghiêm
nơi em đã có một thời ngong ngóng
một cái gì đã làm mới trái tim em
cũng chẳng thấy kệ sách dài Ưng Hạ
mùi ô mai vướng bìa sách giáo khoa
trang báo mới thơm bài thơ rất lạ
đã thay em vơ vẩn thở ra
cũng chẳng thấy những góc bàn ấm cúng
hương cà phê chen hương tóc cô Dung
chưa biết yêu cớ sao như hờn giận
hay vô duyên ghen bóng gío không chừng !
còn nhiều nữa có cả ngàn hình ảnh
sáng Bao Vinh chiều Thượng Tứ theo người
đã mấy bận lẽo đẽo về Mang Cá
Phu Vân Lâu mưa vuốt mặt trông trời
xin hãy nói cho ta nghe ' răng rứa'
còn trên môi đang chôn dưới màu son
tui đâu dám làm O buồn đó nợ
bởi gặp O, Huế chợt sống trong hồn

***

Tô Kiều Ngân

Thơ Về Huế

Anh nhìn em như nhìn thấy quê mình
Ôi xứ Huế thân yêu chừ xa khuất
Nghe em ngâm những âm thanh trong vắt
Anh hình dung thấy bóng một con thuyền
Một giải sương mờ
Một khóm trúc nghiêng nghiêng
Những kỷ niệm ngày xa xưa bừng dậy
Âm thanh ấy thoát từ câu “mái đẩy”
Tiếng “Hò . . . ơi “ nghe đứt ruột buồn sao
Biết mấy đau thương cũng biết mấy ngọt ngào
Lưu luyến ngàn đời
Như không muốn dứt
Dàn mướp vàng con ong bay hút mật
Trưa thiu thiu chày giã gạo buồn tênh

Giọng hò ru em rười rượi cất lên
Em đã ngủ, sao chị còn ru mãi
“Ạ . . . . a . . . . ời
Hai tay cầm bốn tao nôi
Tao thẳng, tao dùi, tao nhớ, tao thương”
Có phải trưa nay chị nhớ người thương
Nên mượn cớ ru em để ru lòng mình thương nhớ
Có phải ngàn năm thương thương, nhớ nhớ
Khiến tiếng đàn bầu thêm xé ruột, bào gan
Tiếng Nam Ai ru tận đáy tâm hồn
Tiếng sáo Huế dài thêm thổn thức
Và tiếng em ngâm lơi lơi, dìu dặt
Chở buồn về vây phủ kín hồn anh.

Bọn chúng mình bỏ Huế tha phương
Những thổ ngữ lâu ngày quên lửng mất
Bỗng hôm nay em nói lên như nhắc
Nghe vui sao giọng Huế của quê mình
Tưởng như mình đang đứng ở Bao Vinh
Hay thơ thẩn bên bờ sông Gia Hội
Vỹ Dạ, Kim Luông, Nam Giao, Đất Mới
Nghe thân yêu biết mấy tiếng Huế xa
Nhớ giọng hò, điệu hát, lời ca
Nhớ hương thầu đâu ngát đường Giao Thủy
Nhớ mái chèo khua bên bờ thôn Vỹ
Nhớ bánh bèo, cơm hến, nhớ chè sen
Nhớ phấn thông vàng rụng lối đi quen
Hột móc, hột muồng, trái sim, trái vả
Nhớ hồ Tịnh Tâm sen thơm chiều hạ
Nhớ quít Hương Cần, nhớ cốm hai lu
Nhớ bờ tre vọng mãi tiếng chim cu . . .

Ngâm nữa đi em bài thơ giọng Huế
Chúng ta sẽ đưa nhau về thăm quê mẹ
Bằng con thuyền êm ái của thanh âm
Ngâm nữa đi em, ngâm nữa đi em
Cho vợi nhớ thương thầm

***

Kính.
NNS

695_NNS_Ai_Ra_Xu_Hue_2012

pay per click advertising

Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

Đang xem báo Trúc Lâm Yên Tử

free counters
un compteur pour votre site